Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), về đích trước 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đóng góp vào thành tựu đó, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng tỉnh Nam Định đã tích cực chung tay, góp sức thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen, làm cho diện mạo nông thôn Nam Định ngày càng tươi đẹp, trù phú hơn.
Sự chủ động của hệ thống ngân hàng
Trước hết, xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Nam Định luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện của NHNN Việt Nam tại Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015; Thông tư số 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018; Chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ…
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phương án, dự án sản xuất, kinh doanh, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo hình thức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp.
Đặc biệt, trong năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, hệ thống ngân hàng tỉnh Nam Định đã kịp thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình OCOP) như tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp hợp tác xã, hộ sản xuất phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị…
Để người dân được tiếp cận dòng vốn ngân hàng dễ dàng, thuận tiện hơn, thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh đã tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn mở rộng mạng lưới (phòng giao dịch, ATM) về địa bàn nông thôn. Cùng với đó, các TCTD tiếp tục đổi mới, áp dụng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng; các ngân hàng công khai thủ tục cho vay, cung cấp các dịch vụ đối với khách hàng như: trình tự các bước thực hiện, thành phần, số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, lãi suất cho vay…
Với mạng lưới 23 TCTD, 42 quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tài chính vi mô, 114 phòng giao dịch và với 215 ATM, trên 400 điểm chấp nhận POS được phủ khắp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động nguồn vốn trong nhân dân, đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và sử dụng dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển.
Khách hàng được dễ dàng tiếp cận nguồn vốn
Hiện nay, trên địa bàn nông thôn tại tỉnh Nam Định có 235 điểm giao dịch của các ngân hàng, bình quân mỗi xã có hơn 01 điểm giao dịch, ngoài ra còn có mạng lưới tổ vay vốn và tiết kiệm của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội phủ rộng khắp. Hầu hết các ngân hàng thương mại, kể cả các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước cũng đã có mạng lưới hoạt động tại địa bàn nông thôn tỉnh. Nhờ vậy, dư nợ cho vay của 204 xã, thị trấn xây dựng NTM đến ngày 30/6/2021 là 38.718 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn: 26.986 tỷ đồng; trung, dài hạn: 11.732 tỷ đồng; nợ xấu 107 tỷ đồng, chiếm 0,28% tổng dư nợ cho vay NTM. Bình quân dư nợ mỗi xã xây dựng NTM đến ngày 30/6/2021 là 190 tỷ đồng/xã, so với đầu năm 2021 bình quân dư nợ mỗi xã là 181 tỷ đồng/xã, tăng 9 tỷ đồng/xã.
Về cơ cấu dư nợ, cho vay hộ sản xuất kinh doanh đến ngày 30/6/2021 là 24.922 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 64,3%); cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (bao gồm cho vay làm đường nông thôn, cho vay xây dựng hệ thống thủy lợi, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường) là 1.415 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 3,7%); cho vay xây dựng nhà ở và cho vay hộ nghèo là 3.237 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 8,4%); cho vay khác là 9.144 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 23,6%). Số khách hàng còn dư nợ tại TCTD tại thời điểm ngày 30/6/2021 là 208.643 khách hàng, trong đó phần lớn khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp (207.857 hộ dân, 781 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã).
Đồng hành cùng chính quyền và người dân trong tỉnh trong xây dựng NTM, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Nam Định thường xuyên triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi như chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách; Ngân hàng Phát triển Chi nhánh tỉnh Nam Định thực hiện cho vay chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn với mức lãi suất 0% trong thời hạn 4 - 5 năm.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đang tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã xây dựng NTM nâng cao, xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Với sự vào cuộc chủ động, hệ thống ngân hàng Nam Định tích cực thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM nâng cao” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” góp phần cùng địa phương cải thiện đời sống cho người nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn xây dựng NTM. Tại những xã có sử dụng vốn vay ngân hàng lớn, có thể thấy rõ kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, cơ sở hạ tầng phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm… Điều này cho thấy, nguồn vốn vay ngân hàng là đòn bẩy quan trọng, tạo điều kiện cho các xã hoàn thiện tiêu chí NTM nhanh hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng, chính sách tín dụng về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định trong thời gian qua đã tạo điều kiện và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư tín dụng đối với khu vực nông thôn được điều chỉnh hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, tín dụng được tập trung vào cho vay theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu./.
Đào Đức Thuận