Hệ thống ngân hàng thành phố Hải Phòng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Năm 2023, thành phố Hải Phòng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong bối cảnh quốc tế, trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng còn nhiều thách thức; lạm phát ở mức cao, nhiều nền kinh tế phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; tuy nhiên, thương mại toàn cầu sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp, tài chính - tiền tệ.
Ngay từ đầu năm, Ban Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước của Thành phố trong năm 2023; tập trung triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh đó, đặc biệt chú ý đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm ưu tiên phục hồi các ngành, lĩnh vực thế mạnh của thành phố như: Cảng biển; logistic; dịch vụ du lịch; vận tải kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động xây dựng; đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Qua đó, Hải Phòng thường xuyên nằm trong Top đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu tiếp tục có kết quả rất khả quan; đứng thứ 3 cả nước về chỉ số GRDP, đứng thứ 7 cả nước về giải ngân vốn đầu tư công; Top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn thu hút khoảng 3,5 tỉ USD.
Sự phát triển của kinh tế thành phố Hải Phòng luôn có sự đồng hành của hệ thống ngân hàng trên địa bàn
1. Những kết quả đạt được
Sự phát triển của nền kinh tế liên quan chặt chẽ đến hoạt động của hệ thống ngân hàng bởi lẽ nhu cầu vốn của nền kinh tế đều dựa vào thị trường tiền tệ mà hoạt động ngân hàng đóng vai trò nòng cốt. Nhận thức được vấn đề này, với vai trò là cơ quan quản lí nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh thành phố Hải Phòng đã tập trung làm tốt chức năng quản lí nhà nước, định hướng và giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM), trên cơ sở đó, các NHTM thực hiện đúng đắn các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực ngân hàng; doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi từ sự hoạt động nghiêm túc, có chất lượng của hệ thống ngân hàng. Theo đó, một số chính sách trọng tâm đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực trong năm 2023.
Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tạo đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Trong năm 2023, NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn; đặc biệt là triển khai Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023. Trong đó, Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng hợp lí, hướng tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen…
Hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong năm 2023 tiếp tục được duy trì ổn định và an toàn, đạt kết quả tốt theo định hướng điều hành của NHNN. Nguồn vốn huy động tăng trưởng khá, tính đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 322.850 tỉ đồng, tăng 12,88% so với năm 2022. Tín dụng trên địa bàn tăng trưởng ổn định ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế. Đến cuối tháng 12/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 204.304 tỉ đồng, tăng 12,66% so với cuối năm 2022, tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp, chiếm 1,62% tổng dư nợ.
Bên cạnh hoạt động tín dụng của các NHTM, NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hải Phòng ổn định nguồn vốn nhằm đẩy mạnh tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến ngày 30/11/2023, dư nợ tín dụng đối với 16 chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH Hải Phòng đạt 4.507,64 tỉ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 1.256 tỉ đồng với 128.423 khách hàng còn dư nợ, trong đó có các chương trình tín dụng trọng tâm như: Cho vay hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả tích cực với tổng dư nợ đạt 3.542 tỉ đồng, chiếm 78,6% tổng dư nợ các chương tình tín dụng tại NHCSXH với 110.246 khách hàng được tiếp cận vốn.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh
Với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của mình, NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn nỗ lực cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là các giải pháp về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn với kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho khách hàng trong việc trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện với nhiều ưu đãi để người dân, doanh nghiệp tiếp tục vay mới duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến ngày 30/11/2023, có 25 Chi nhánh TCTD trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.026 khách hàng với dư nợ gốc, lãi được cơ cấu là 4.100,2 tỉ đồng.
Trong năm 2023, “tăng cường công tác đối thoại trực tiếp” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được hệ thống ngân hàng xác định cần thực hiện quyết liệt để lắng nghe những đóng góp của người dân, doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp tháo gỡ kịp thời trong quá trình xây dựng chính sách. Chính nhóm giải pháp này cũng tạo điều kiện để NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng thực hiện hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động ngân hàng; đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Ngân hàng đồng hành, chia sẻ khó khăn, cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh. Một số hoạt động đã được hệ thống ngân hàng trên địa bàn tổ chức thực hiện như: Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hải Phòng trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tham gia giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về lĩnh vực ngân hàng thông qua đường dây nóng, thư điện tử, mạng đối thoại doanh nghiệp; tham gia đối thoại với các doanh nghiệp tại các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng, UBND Thành phố, Ban Quản lý Kinh tế, các sở, ban, ngành tổ chức. Thông qua các kênh đối thoại này, NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng đã kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành nghề; đồng thời trao đổi, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Trong năm 2023, NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng đã chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, kết quả hỗ trợ lãi suất của các NHTM trên địa bàn thành phố Hải Phòng bước đầu vẫn còn nhiều vướng mắc cần khắc phục, nhưng được sự chỉ đạo sâu sát của NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng, đồng hành tháo gỡ khó khăn giúp các NHTM trên địa bàn tiếp tục tích cực triển khai rà soát các đối tượng khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Chính phủ và NHNN để gói hỗ trợ lãi suất được thực hiện một cách có hiệu quả, đúng với chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tính đến ngày 30/11/2023, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP đạt 3.127,28 tỉ đồng; số khách hàng được hỗ trợ là 34 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 727,14 tỉ đồng.
Trong năm 2023, thông qua NHCSXH, thành phố Hải Phòng đã phát huy hiệu quả công tác tín dụng chính sách. Đến ngày 30/11/2023, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hải Phòng đã giải ngân cho 04 chương trình với tổng dư nợ đạt 538.669 triệu đồng, trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giải ngân 375.613 triệu đồng cho 6.250 lao động; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã giải ngân 152.668 triệu đồng cho 382 hộ; cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến, đã giải ngân 5.066 triệu đồng cho 305 học sinh, sinh viên; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã giải ngân 5.323 triệu đồng cho 95 cơ sở.
Thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và thanh tra, giám sát
Trong năm 2023, các TCTD trên địa bàn thành phố Hải Phòng không ngừng phát triển các mô hình ngân hàng số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong quá trình điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ. Về mạng lưới hoạt động, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện nay có: 64 Chi nhánh TCTD, Trung tâm tiền mặt VietinBank, Bảo hiểm tiền gửi khu vực Đông Bắc Bộ, 26 quỹ tín dụng nhân dân, 20 Chi nhánh quận/huyện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cấp 2, 243 phòng giao dịch với 477 ATM, 4.216 POS/EFTPOS và 2.789 mPOS.
NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng đã tiếp nhận phản ánh, giải quyết vướng mắc và nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua công tác thanh tra, giám sát, tiếp công dân và giải quyết đơn thư do các cá nhân, tổ chức gửi đến theo đúng thời gian quy định và không có tồn đọng đơn thư cần giải quyết; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với 100% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời, đúng quy định; tổ chức thực hiện bộ phận một cửa góp phần giảm chi phí, thời gian trong giao dịch với NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng. Thời gian qua, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lí, điều hành của NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng thông qua các hoạt động như tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống thông tin quản lí văn bản và điều hành của NHNN (Edoc), ứng dụng gửi thư điện tử các văn bản chỉ đạo, triển khai chính sách, thư mời họp… đến tất cả các TCTD trên địa bàn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí và thời gian.
2. Một số phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
Xác định đồng hành cùng địa phương vừa là nhiệm vụ, vừa là lợi ích của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn, NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng xác định một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 như sau:
Một là, thực hiện các chỉ đạo của NHNN đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển theo mục tiêu đã đề ra.
Hai là, tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đây là nội dung trọng tâm, được tổ chức thực hiện xuyên suốt, quyết liệt, góp phần quan trọng trong việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng dịch vụ ngân hàng an toàn, hiệu quả; quá trình này, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thực hiện xử lí, giải quyết theo từng nhóm đối tượng khách hàng.
Ba là, tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách của ngành Ngân hàng, trong đó tập trung tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Ngành đối với doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp và người dân nắm bắt thông tin, thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng.
Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, tổ chức thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện chủ đề năm 2024 của thành phố Hải Phòng; tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng; thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt gắn với quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại; thực hiện các biện pháp thuộc nội hàm công tác cải cách hành chính ngành Ngân hàng: Xử lí hồ sơ thủ tục nhanh hơn, dịch vụ tiện ích hơn; điều chỉnh phí để giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, qua đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Thị Dung
Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố Hải Phòng