Đưa tài chính toàn diện đến với người nghèo ở nông thôn
Trong những năm gần đây, tài chính toàn diện đã trở thành một vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu phát triển hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội, cung cấp các dịch vụ phù hợp và thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người nghèo ở Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách bền vững, cho dù đó là các dịch vụ cơ bản như tiết kiệm, tín dụng hay bảo hiểm. Người nghèo phần lớn tập trung ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, thách thức lớn trước mắt của Việt Nam là phải giải quyết được những rào cản giúp người nghèo có thể tham gia đầy đủ trong khu vực tài chính, xây dựng hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả mọi người (inclusive financial sectors), để giúp mọi người, đặc biệt là người nghèo có thể cải thiện cuộc sống của họ.
Tài chính toàn diện (financial inclusion) là việc các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng, đáp ứng được các nhu cầu của họ bao gồm: chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững (Worldbank (2017) - Financial inclusion overview). Hay nói cách khác, tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù tài chính toàn diện dường như mới du nhập vào Việt Nam, nhưng nội hàm của nó cũng đã được Chính phủ quan tâm chú trọng từ nhiều năm trước. Các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp trong các chiến lược phát triển lớn của Việt Nam như các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020 đều hướng tới việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội; Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; Có chính sách và các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế phân hoá giàu nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị; Xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và dân số trên 90 triệu người, quá trình đổi mới sau hơn 30 năm qua tại Việt Nam đã giúp Việt Nam chuyển mình từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu sang một quốc gia có thu nhập trung bình của thế giới từ năm 2010, với qui mô kinh tế đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 200 tỷ USD) và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2109 USD năm 2015 (TCTK, 2016). Về mặt xã hội, dân số Việt Nam hiện tại là hơn 90 triệu người, trong đó vẫn có 65% dân cư sống ở vùng nông thôn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 95% của cả nước. Với sự phụ thuộc của dân cư nông thôn vào sản xuất nông nghiệp, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp một số năm gần đây có thể kéo theo sự suy giảm thu nhập và tiêu dùng của người dân nông thôn, và sẽ tiếp tục làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Nhiều nhận định cho rằng trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ do các ngân hàng cung cấp thì nhóm đối tượng dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang gặp không ít trở ngại. Vì vậy, theo số liệu WB năm 2014, so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam vẫn có tỷ lệ người có tài khoản tại tổ chức tín dụng ở mức thấp hơn (31%), đặc biệt ở vùng nông thôn (chỉ 27%).
Tài chính toàn diện có vai trò rất quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, phân phối công bằng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước đang phát triển, đã và đang thực hiện chiến lược tài chính toàn diện nhằm hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng bền vững.
Ý nghĩa của tài chính toàn diện đối với người nghèo ở nông thôn
Nhiều nghiên cứu thuộc các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia khác nhau (đặc biệt là các quốc gia mới nổi hoặc đang phát triển) đã chứng minh rằng tài chính toàn diện mang lại những lợi ích không nhỏ về mặt kinh tế - xã hội nói chung và đối với mỗi thành viên trong xã hội nói riêng, đặc biệt đối với người nghèo ở nông thôn. Có thể khái quát ý nghĩa của tài chính toàn diện đối với sự phát triển kinh tế xã hội như sau:
Thứ nhất, tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Tài chính toàn diện được coi là có vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia. Khía cạnh quan trọng nhất của tài chính toàn diện là tiếp cận tài chính. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, tiếp cận tài chính có ý nghĩa vô cùng lớn trong xóa đói giảm nghèo, phân phối thịnh vượng công bằng, hỗ trợ phát triển toàn diện và bền vững. Thiếu tiếp cận tài chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất bình đẳng thu nhập, bẫy nghèo đói và hạ thấp tăng trưởng.
Cuối những năm 2000, tài chính toàn diện đã dần bộc lộ vai trò thiết yếu của mình trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng như giảm nghèo đói, giảm chênh lệch thu nhập, giảm bất bình đẳng xã hội, gia tăng phúc lợi xã hội, thúc đẩy phát triển và tăng cường ổn định tài chính ở mỗi quốc gia cũng như trên bình diện thế giới. Đặc biệt là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày càng chú trọng hơn tới tầm quan trọng của tài chính toàn diện và có nhiều hành động thiết thực và cụ thể để thúc đẩy tài chính toàn diện ở từng quốc gia. Với sự hỗ trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, Liên minh tài chính toàn diện (Alliance for Financial Inclusion) được thiết lập với mục tiêu liên kết mọi nhà hoạch định chính sách và các quốc gia ở mọi khu vực trên thế giới để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy chính sách tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia, với mục tiêu đưa 2,5 tỷ người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Thứ hai, tài chính toàn diện có thể tạo ra những tác động tích cực như: Gia tăng tiết kiệm và đầu tư, qua đó, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế. Tiếp cận dịch vụ ngân hàng giúp các cá nhân và doanh nghiệp tìm được nguồn lực để đáp ứng những nhu cầu như vay vốn cho các cơ hội kinh doanh, đầu tư cho con cái học hành, hoặc dành tiền tiết kiệm khi về hưu...
Thứ ba, việc vay vốn ngân hàng còn giúp người nông dân, người nghèo giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, bệnh tật, mất mùa, thiên tai. Người nghèo sẽ tránh được vòng luẩn quẩn khi phải đi vay ở khu vực không chính thức với lãi suất cao, tạo gánh nặng trả nợ ngày càng cao để rồi nghèo sẽ càng nghèo hơn, thậm chí bị bần cùng hóa. Những người không có tài khoản ngân hàng cũng dễ bị loại trừ khỏi các dịch vụ khác như y tế, bảo hiểm.
Thứ tư, tài chính toàn diện còn giúp Chính phủ giảm bớt chi phí cho các chương trình trợ cấp an sinh xã hội thông qua việc chi trả qua tài khoản ngân hàng, làm tăng sự minh bạch, phòng chống tham nhũng tích cực hơn, nhờ đó quản lý xã hội tốt hơn. Một xã hội với cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính mở rộng cho tất cả mọi người sẽ tăng cường sự tham gia của họ vào cuộc sống cộng đồng nói chung, cải thiện công bằng và bình đẳng, năng lực của toàn xã hội theo đó cũng được nâng lên.
Như vậy, tài chính toàn diện có ý nghĩa quan trọng đối với người nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên, theo Agribank, với hơn 70% dân số tập trung tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 72% lực lượng lao động nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại là rất hạn chế. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng tương đối cao so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (chiếm khoảng 28%) nhưng chủ yếu do hệ thống Agribank, Quỹ tín dụng nhân dân, một số ngân hàng thương mại nhà nước còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác vẫn còn e ngại. Điều này là do có những rào cản khiến tài chính toàn diện chưa đến được với người nghèo ở nông thôn.
Những khó khăn khi đưa tài chính toàn diện đến với người nghèo ở nông thôn
Thứ nhất, thói quen dùng tiền mặt
Dù đã có những biến chuyển, song, theo nhận định của nhiều chuyên gia, rào cản chính trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam vẫn nằm ở việc nền kinh tế Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt. Giới chuyên gia cho rằng, với các phương tiện thanh toán điện tử đang dần thay thế tiền mặt, thì ít nhất phải tiến tới khoảng 60% những thanh toán của dân chúng qua hệ thống ngân hàng mới có thể có sự cải thiện rõ rệt. Còn như hiện tại, khoảng 90% giao dịch người dân vẫn là giao dịch tiền mặt thì vẫn còn rất gian nan trong thúc đẩy tài chính toàn diện.
Thứ hai, cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính chưa cao
Các chi phí đi kèm với việc sở hữu tài khoản đã trở thành rào cản chủ yếu. Đối với nhiều người, chi phí duy trì tài khoản và mức phí cho mỗi lần giao dịch khiến cho việc sử dụng tài khoản trở thành tốn kém. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những chi phí này càng cao, càng có nhiều người không có tài khoản (Demirgüç-Kunt và Klapper, 2012) [1] Một số người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp sẽ không sử dụng các dịch vụ tài chính bởi vì đối với họ các dịch vụ đó có mức giá đắt đỏ và họ không thể đáp ứng được. Vì thế, cho dù các dịch vụ này là có sẵn song họ vẫn khó tiếp cận dịch vụ.
Hơn nữa, những yêu cầu về hồ sơ giấy tờ cần có để mở tài khoản trên thực tế đã loại trừ nhiều người ở khu vực nông thôn hay những người lao động tự do (khu vực không chính thức), là những người khó chứng minh thu nhập hay nơi cư trú chính thức. Ví dụ như việc tiếp cận dịch vụ tài chính đòi hỏi khách hàng phải có các giấy tờ chứng minh liên quan tới xác nhận nhân thân, thu nhập, hay là hồ sơ kinh doanh đối với doanh nghiệp... trong khi một số cá nhân và doanh nghiệp không có khả năng để hoàn thiện các hồ sơ này, và do vậy, họ không thể tiếp cận các dịch vụ. Hiện nay, mặc dù có số dân cao nhưng tỷ lệ tài chính toàn diện tại Việt Nam còn thấp (khoảng một nửa dân số chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa) do còn tồn tại một số rào cản chính đối với tiếp cận và phòng giao dịch của ngân hàng còn chưa tiếp cận được đến vùng sâu vùng xa, quy trình và thủ tục mở tài khoản còn phức tạp.
Ngoài ra, khoảng cách đến với một điểm tiếp cận dịch vụ, cụ thể là các chi nhánh ngân hàng hay điểm giao dịch, là trở ngại lớn đặc biệt ở những nước đang phát triển. Đơn cử như việc, khi muốn tìm cây ATM để rút tiền là điều khó khăn ở vùng nông thôn. Điều này khiến cho một số khách hàng ban đầu đã đăng ký các dịch vụ nhưng sau đó, họ không sử dụng nhiều các dịch vụ này như những người khác.
Thứ ba, mức độ hiểu biết tài chính của người nghèo còn thấp
Hệ thống tài chính Việt Nam đã phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, tuy nhiên, mức độ hiểu biết tài chính vẫn chưa được cải thiện tương xứng. Theo kết quả khảo sát của NHNN thực hiện năm 2015 [2], chỉ có 51% người được khảo sát đã từng nghe và hiểu về các khoản vay cá nhân. Một khảo sát đối với học sinh/sinh viên trong độ tuổi từ 13 - 18 cũng cho thấy, chỉ 17,2% biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí của mình, 8,8% tiêu hết tiền và số còn lại không biết phải làm gì với tiền. Các kết quả nghiên cứu gần đây của nhóm cho thấy, trình độ hiểu biết tài chính của các nhóm sinh viên, các hộ gia đình đều đang ở mức thấp. Đơn cử, đo lường hiểu biết tài chính với mẫu 372 cá nhân hộ gia đình khởi nghiệp ở Phú Thọ trong năm 2017, điểm hiểu biết tài chính trung bình chỉ đạt 14.29 trên 22 điểm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân hiểu biết tài chính thấp một phần có thể vì giáo dục tài chính chưa phổ biến và chưa phải là một phần của chương trình giáo dục chính quy cho học sinh các cấp. Trong khi đó, giáo dục tài chính chính thức (tại các trường đại học và cao đẳng) lại mang nặng tính học thuật, thường chỉ phù hợp cho một nhóm sinh viên chuyên ngành. Bên cạnh đối tượng học sinh, sinh viên, dù đã có các khóa học đào tạo tài chính cá nhân cho những đối tượng khác nhưng ở quy mô rất nhỏ và khó tiếp cận, đặc biệt đối với các hộ gia đình nghèo và có thu nhập thấp.
Việc một bộ phận người dân không coi trọng sự hiểu biết tài chính và không thường xuyên sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức (do đó, không tích cực tìm kiếm thông tin về những nội dung này) cũng là một nguyên nhân khiến việc phổ cập tài chính gặp khó khăn, đặc biệt là những người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn (đối tượng ít cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính), có thể chia thành hai nhóm: trên và dưới 45 tuổi. Với nhóm trên 45 tuổi, họ rất khó tiếp cận với công nghệ một cách thành thạo nên có thể vẫn phải sử dụng tài chính theo truyền thống. Nhưng những người dưới 45 tuổi, luôn mong muốn tiếp cận hình thức tài chính kỹ thuật số mới thì sẽ thuận lợi hơn cho việc cung cấp các dịch vụ thanh toán hiện đại.
Giáo dục tài chính là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tài chính toàn diện
Giải pháp đưa tài chính toàn diện đến người nghèo ở nông thôn
Một mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó, có Việt Nam, là không ngừng nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách cuộc sống giữa người giàu và người nghèo. Chính phủ các nước có thu nhập dưới trung bình và trung bình đang rất nỗ lực thực thi các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân… Trong đó, tại Việt Nam, đưa tài chính toàn diện đến người nghèo ở nông thôn là điều cần thiết để giảm nghèo. Muốn làm được như vậy, nhất định phải tìm ra các giải pháp trong thời gian tới.
Thứ nhất, giáo dục tài chính là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tài chính toàn diện
Giáo dục tài chính có thể cung cấp những kiến thức cần thiết về sản phẩm/dịch vụ tài chính chính thức cho người dân, tạo niềm tin và sự tự tin để chủ động tiếp cận đến các sản phẩm, dịch vụ sẵn có trên thị trường chính thức, hạn chế sự mở rộng của thị trường tài chính phi chính thức, trực tiếp thúc đẩy tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia. Hơn nữa, nhờ giáo dục tài chính, cá nhân/hộ gia đình sẽ có xu hướng tiết kiệm và quản lý ngân sách tốt hơn, giúp gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho đầu tư và tăng trưởng nền kinh tế.
Tuy nhiên, một điều tra về khả năng tiếp cận tài chính của người dân do OECD/INFE (2013) [3] thực hiện với nhiều quốc gia đã kết luận, việc thiếu kiến thức về đặc điểm cũng như điều kiện sử dụng các loại sản phẩm/dịch vụ tài chính dẫn đến sự thiếu tự tin, có hành vi ngại tiếp cận và thái độ không tin tưởng đối với các sản phẩm/dịch vụ tài chính trên thị trường tài chính chính thức. Điều này tạo ra rào cản lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trên thị trường chính thức, gia tăng số lượng người ít tiếp cận sản phẩm ngân hàng, thúc đẩy sự xuất hiện các sản phẩm/dịch vụ tài chính phi chính thức (thị trường tài chính đen), cản trở sự cải thiện tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia.
Thực hiện giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tài chính và kiến thức về sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tài chính chính thức bằng cách đưa các tài liệu giáo dục về quản lý tài chính vào các chương trình giáo dục cho học sinh và sinh viên đại học; đào tạo giảng viên cho sinh viên cao đẳng và giảng viên Khoa Kinh tế. Phát triển dịch vụ Tài chính kỹ thuật số (DFS), DFS là sự kết hợp của các dịch vụ tài chính và thanh toán được cung cấp và quản lý bởi công nghệ di động hoặc các trang mạng. Với việc tiếp cận tài chính ngày càng tăng, DFS góp phần nâng cao năng lực kinh tế hộ gia đình, kinh tế địa phương, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế quốc gia và sự ổn định của hệ thống tài chính.
Công tác tuyên truyền và giáo dục tài chính cần được đẩy mạnh để thay đổi nhận thức của người dân về tài chính toàn diện. Hầu hết các cuộc điều tra về tài chính, ngân hàng trong thời gian qua cho thấy một phần lớn dân số không có đủ kiến thức để hiểu về sản phẩm tài chính và rủi ro liên quan các sản phẩm tài chính. Hơn nữa, một bộ phận lớn cá nhân không biết lập kế hoạch ngân sách cho tương lai và không thực hiện hiệu quả quyết định quản lý tài chính của mình. Điều này có tác động tiêu cực đến sự ổn định của hệ thống tài chính và cả nền kinh tế cũng như đến từng cá nhân hoặc hộ gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Thứ hai, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người nghèo ở nông thôn
Hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính cần hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cùng các định chế đặc biệt khác như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Mục tiêu cần hướng đến là cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản theo cách thức phù hợp (các kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại) cho những đối tượng bị loại trừ tài chính. Hệ thống ngân hàng vẫn cần được coi là xương sống của hệ thống tài chính Việt Nam khi tài sản của các ngân hàng (kể cả Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển) chiếm tới 200% GDP và hơn 90% tổng tài sản của các định chế tài chính. Với lợi thế này, trong thời gian tới, cần có chính sách khuyến khích nhằm đảm bảo phát triển mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của hệ thống ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng đa dạng hóa các hình thức cho vay, các sản phẩm tín dụng…
Ngoài ra, nhân viên ngân hàng cần tư vấn nhiệt tình, cụ thể để người dân hiểu và làm theo những thủ tục khi tham gia tín dụng; giảm thiểu những thủ tục không cần thiết, tránh làm người dân khó hiểu; hạn chế những giấy tờ chứng minh khi làm thủ tục cho người nghèo ở nông thôn.
Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính phi ngân hàng cũng cần được quan tâm phát triển. Hiện nay, các tổ chức tài chính vi mô đã hoạt động trên phạm vi 136/703 quận, huyện, thị trấn tại 34/63 tỉnh thành. Do vậy, trong thời gian tới để phát triển hoạt động tài chính trên phạm vi toàn quốc, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng xâu, vùng xa, cần phát triển các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Thứ ba, củng cố và phát triển bền vững hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
Ở Việt Nam, mô hình Quỹ Tín dụng nhân dân có thể xem là một trong những yếu tố tham gia thúc đẩy tài chính toàn diện do có hoạt động bám sát các vùng sâu vùng xa. Từ năm 1993, Việt Nam đã xây dựng và hình thành hệ thống quỹ tín dụng nhân dân [4] và loại hình TCTD hợp tác, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Mục tiêu chủ yếu để tương trợ giữa các thành viên, nhằm phát huy sức mạnh tập thể và từng thành viên, giúp nhau thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống nhân dân.
Sau hơn 25 năm hoạt động, hệ thống quỹ tín dụng đã không ngừng hoàn thiện, mô hình hoạt động đến nay cũng đã có sự đổi mới đáng kể so với mô hình hệ thống đầu thập niên 1990. Việc thành lập Ngân hàng Hợp tác xã (Co.op Bank) năm 2013 từ chuyển đổi Quỹ tín dụng Trung ương, làm đầu mối của hệ thống quỹ ở các địa phương và giữ vai trò điều hòa vốn, đến nay đã cho thấy những hiệu quả rất khả quan. Theo đó, quy mô và số lượng các quỹ tín dụng đã tăng đáng kể, chất lượng hoạt động có nhiều cải thiện. Đến hết năm 2017, với 1.177 quỹ tín dụng trên cả nước đang hoạt động trên hầu hết các tỉnh, thành [5] góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Những kết quả đạt được đó đã khẳng định quỹ tín dụng là một mô hình kinh tế hợp tác thành công trong một nền kinh tế chuyển đổi theo cơ chế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam.
Quỹ tín dụng với mô hình hoạt động như vậy đã được khẳng định là một tổ chức có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những người nghèo cần được tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng trong quá trình phát triển tài chính toàn diện. Chính vì vậy, củng cố và phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng trong thời gian tới là rất cần thiết và có ý nghĩa, không chỉ về phát triển kinh tế, mà còn thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân đẩy lùi nạn tín dụng đen, đồng thời, lấp đầy những khoảng trống tín dụng.
Tài liệu tham khảo:
1. “Demirguc-Kunt, Asli; Klapper, Leora. 2012. Measuring Financial Inclusion: The Global Findex Database. Policy Research Working Paper; No.6025. World Bank, Washington, DC. © World Bank. https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/6042 License: CC BY 3.0 IGO.”
2. Bài viết “Thúc đẩy tài chính toàn diện” của tác giả Đỗ Phạm đăng trên Thời báo Ngân hàng http://thoibaonganhang.vn/thuc-day-tai-chinh-toan-dien-74577.html
3. Ledgerwood, J. (ed) (2013), The NewMicrofinance Handbook: A Financial Market System Perspective, World Bank, Washington D.C
4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 390/TTg, “Triển khai đề án thí điểm thành lập quỹ Tín dụng nhân dân”, ngày 27 tháng 7 năm 1993.
5. Bài viết “Quỹ tín dụng nhân dân góp phần giảm nạn cho vay nặng lãi”, tác giả Đức Nghiêm, đăng trên Thời báo Ngân hàng.
6. http://thoibaonganhang.vn/quy-tin-dung-nhan-dan-gop-phan-giam-nan-cho-vay-nang-lai-73943.html
7. World Bank. 2014. E- and M – Commerce and Payment Sector Development in Vietnam
8. Website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - http://www.sbv.gov.vn
9. “Một nửa dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng”, http://www.tuoitre.vn
ThS. Hà Thị Tuyết Minh
Nguồn: TCNH số 09/2019