Các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn hiện nay sẽ không còn dễ dàng. Nhà đầu tư phải cân nhắc, chọn lựa trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, phát hành minh bạch, chiến lược kinh doanh ổn định, hoạt động hiệu quả; tuyệt đối không nghe tin đồn mà có thể bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Ảnh minh họa
Sau một số vụ việc sai phạm được xử lý và khắc phục hậu quả, thị trường vốn trái phiếu tiếp tục được củng cố và khơi mở kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế một cách hiệu quả, bền vững. Điều này cho thấy, Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan chức năng "nói được làm được", kiên quyết xử lý những sai phạm để thị trường trái phiếu minh bạch hơn, an toàn hơn.
Đặc biệt, hàng loạt động thái hỗ trợ đã được Chính phủ triển khai như ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Sau đó là Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định 153 kéo dài đến hết năm nay. Cùng với đó, việc xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo chỉ đạo của Thủ tướng góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện nay, đồng thời giúp các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả từ thị trường, góp phần giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là gần 132.400 tỷ đồng. Trong đó, gồm 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.500 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành; và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá gần 116.000 tỷ đồng, chiếm 87,6%. Những con số này cho thấy thị trường trái phiếu sẽ dần trở thành thị trường hợp lệ và an toàn hơn, bền vững hơn, từ đó đem lại cơ hội cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp cũng có thể huy động nguồn vốn tốt hơn.
Trong Báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á ban hành tháng 8/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá sự vận hành của sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ từ cuối tháng 7/2023 "sẽ tạo động lực mới cho trái phiếu doanh nghiệp thị trường bằng cách cải thiện tính thanh khoản, tính minh bạch và tốt hơn tiếp cận vốn".
ADB cũng đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư mới về việc cơ cấu lại thời hạn thanh toán nợ và việc mua lại trái phiếu của các ngân hàng. Trong đó, Thông tư 02 nhằm nới lỏng áp lực trả nợ cho người đi vay bằng cách cho phép các khoản tín dụng mới hoặc tái cấp vốn cho khách hàng đủ điều kiện. Trong khi đó, Thông tư 03 đình chỉ hiệu lực của Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16 (ngày 10/11/2021) từ ngày 24 /4/2023 đến ngày 31/12/2023, cho phép tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài chi nhánh mua lại ngay doanh nghiệp chưa niêm yết trái phiếu có xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất mà không cần đợi 12 tháng sau mới bán.
"Thông tư 03 nhằm mục đích ổn định tâm lý thị trường giữa các tổ chức phát hành và nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản và tăng cường sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ADB nhận định.
Rõ ràng, việc kiện toàn các quy định cũng như các chính sách hỗ trợ thị trường đã và đang phát huy tác dụng khơi thông trở lại kênh vốn huy động trung và dài hạn quan trọng nhất, cũng là cơ sở để nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự an toàn, minh bạch trên thị trường.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đầu tư cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi sự lên xuống giá còn lãi suất tiền gửi đang có xu hướng lùi về mức thấp thì đầu tư trái phiếu đang chứng tỏ ưu thế nhờ khả năng bảo toàn vốn cao hơn và lợi nhuận ổn định hơn. Sàn giao dịch thứ cấp tập trung cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vận hành cũng tăng thêm ưu thế và lợi ích ở kênh đầu tư này về tính thanh khoản.
Song các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn hiện nay sẽ không còn dễ dàng như thời điểm trước 2021. Nhà đầu tư phải cân nhắc, chọn lựa trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, phát hành minh bạch, chiến lược kinh doanh ổn định, hoạt động hiệu quả; tuyệt đối không nghe tin đồn mà có thể bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Đồng thời, cần lưu ý phân định rõ và chọn mua trái phiếu được các ngân hàng, công ty chứng khoán phân phối bảo lãnh thanh toán trái phiếu vì bên bảo lãnh sẽ thực hiện trả gốc, lãi trái phiếu cho trái chủ trong trường hợp tổ chức phát hành không thực hiện được nghĩa vụ này đúng hạn. Đây chính là hình thức bảo đảm uy tín nhất và tốt nhất hiện nay cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán chỉ cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành. Trường hợp này, các đơn vị này không bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu.
Đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán kỹ thương (TCBS) tư vấn, những tổ chức phát hành có mức độ xếp hạng tín nhiệm cao hơn sẽ an toàn hơn cho nhà đầu tư. Lãi suất từ những tổ chức phát hành này có thể thấp hơn từ 0,5-1% so với các tổ chức phát hành có mức tín nhiệm thấp, nhưng sẽ an toàn cho nhà đầu tư tham gia nắm giữ.
Hiện các công ty chứng khoán cung cấp nhiều sản phẩm đầu tư linh hoạt dành cho khách hàng. Nhà đầu tư có thể tùy chọn mua và nắm giữ trái phiếu từ ngày phát hành lần đầu đến thời điểm đáo hạn (thường là 12-36 tháng). Nếu không muốn nắm giữ đến đáo hạn hoặc có nhu cầu thanh toán, nhà đầu tư có thể giao dịch với nhà đầu tư khác trên cơ sở thỏa thuận trái phiếu của công ty chứng khoán mà mình đặt mua.
Trong tình huống bị chậm thanh toán lãi gốc, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận phương án thanh toán, bảo đảm quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.
Việc phát triển kênh trái phiếu một mặt giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống; mặt khác, mở ra kênh đầu tư hấp dẫn hơn thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư cũng như tổ chức, từ đó nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế.
Theo PD/baochinhphu.vn