Những bước tiến của hội nhập quốc tế toàn cầu cũng như sự ra đời của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã giúp cho luân chuyển vốn quốc tế gia tăng không ngừng. Cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ đó, các hành vi của tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng biến đổi ngày càng phổ biến, tinh vi và khó kiểm soát hơn, gây tổn hại và đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính - tiền tệ, an ninh chính trị của các quốc gia và toàn cầu. Do đó, những nỗ lực phòng, chống rửa tiền quy mô toàn cầu ngày càng được các quốc gia và tổ chức quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố luôn được sửa đổi, cập nhật và bổ sung để ứng phó kịp thời với sự biến đổi nhanh chóng của các hoạt động tội phạm rửa tiền.
Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (Asia Pacific Group on Money Laundering - APG) được thành lập vào năm 1997 là một tổ chức liên Chính phủ, hiện nay có 41 thành viên với vai trò đảm bảo các thành viên thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ vũ khí hủy diệt hàng loạt. APG đánh giá mức độ hiệu quả thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của một quốc gia thông qua cơ chế đánh giá đa phương quốc gia thành viên về mức độ tuân thủ 40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (Financial Action Task Force - FATF¹) được quốc tế thừa nhận là các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên chính thức của APG từ năm 2007. Thực hiện nghĩa vụ thành viên, Việt Nam đã trải qua 2 lần đánh giá đa phương vào năm 2009 và năm 2019. Kết quả đánh giá đa phương là cơ hội Việt Nam nhìn nhận về việc thực hiện triển khai công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo tiêu chuẩn quốc tế và nhận ra những thiếu hụt, hành động cần thực hiện để tăng cường hiệu quả của hoạt động phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Kết quả cũng cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc thực hiện các cam kết về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo các tiêu chuẩn quốc tế về khuôn khổ pháp lý và cơ chế triển khai thực hiện.
Quá trình đánh giá đa phương về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của APG đối với Việt Nam
Vào tháng 11/2008, APG thực hiện đánh giá đa phương lần thứ nhất đối với Việt Nam, thời điểm này theo phương pháp luận của FATF, đánh giá chỉ tập trung vào mức độ đầy đủ của khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam. Theo kết quả đánh giá, công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam đã bộc lộ những thiếu hụt, hạn chế liên quan đến khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố do mới chỉ có 01 Nghị định và 02 Thông tư về phòng, chống rửa tiền. Việt Nam đã bị đưa vào danh sách rà soát sơ bộ của Nhóm xem xét các vấn đề hợp tác quốc tế thuộc FATF. Dựa trên kết quả đánh giá đa phương lần thứ nhất và nghiên cứu thực trạng công tác phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của Việt Nam phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Với những nỗ lực khắc phục các thiếu hụt, hạn chế về khuôn khổ pháp lý, Việt Nam đã được chính thức ra khỏi danh sách rà soát sơ bộ của Nhóm xem xét các vấn đề hợp tác quốc tế thuộc FATF vào năm 2014.
Tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 của APG năm 2017, các quốc gia đã thông qua kế hoạch đánh giá đa phương đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL) của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quá trình đánh giá đa phương lần thứ hai này của APG đối với Việt Nam gồm việc rà soát khuôn khổ pháp lý thực hiện dựa trên việc tuân thủ của các quốc gia thành viên theo 40 Khuyến nghị của FATF về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL. Đợt đánh giá đa phương lần thứ hai này toàn diện và phức tạp hơn rất nhiều so với đợt thứ nhất do dựa trên phương pháp luận mới. Cuộc đánh giá lần này tập trung vào tình hình và việc thực thi các khuôn khổ pháp lý, cụ thể thông qua đánh giá tính hiệu quả trong quy định tại 11 Mục tiêu trực tiếp².
Với vai trò là cơ quan đầu mối được Chính phủ giao chuẩn bị cho đợt đánh giá đa phương, NHNN đã phối hợp các bộ, ngành triển khai rất nhiều công việc chuẩn bị cho đợt đánh giá lần thứ hai này. Tổ giúp việc liên ngành phục vụ cho đánh giá đa phương với sự tham gia của 17 bộ, ngành đã tổ chức các đợt làm việc trực tiếp chuẩn bị tài liệu, số liệu, luận điểm để trả lời các câu hỏi của Đoàn đánh giá và đề xuất các hành động cần thực hiện để khắc phục những thiếu hụt trước mắt của Việt Nam. Gần 100 văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và hơn 30 tiêu chí đánh giá được rà soát, thu thập từ năm 2013 đến nay để chứng minh tính hiệu quả thực hiện của các Mục tiêu trực tiếp. Các tài liệu được tổng hợp, chuyển dịch và cung cấp cho Đoàn đánh giá APG lên tới hàng nghìn trang báo cáo và chục nghìn trang tài liệu bằng tiếng Anh.
Vào tháng 9/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống rửa tiền (nay là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để cập nhật tình hình, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các công việc cho đợt đánh giá chính thức. Hàng chục cuộc họp, các buổi làm việc đã được NHNN tổ chức với sự tham dự của đại diện tất cả các bộ, ngành để cùng thảo luận, thống nhất nội dung trao đổi trước khi Đoàn đánh giá APG vào thực hiện đánh giá chính thức. Bên cạnh việc chuẩn bị các báo cáo, các bộ, ngành của Việt Nam đã nỗ lực cải thiện khuôn khổ pháp lý và việc tổ chức thực hiện các quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, như: Xây dựng Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; ban hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; ban hành Thông tư số 20/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền; Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong đợt đánh giá tại chỗ từ ngày 04 - 15/11/2019, Đoàn đánh giá APG đã tiến hành hơn 40 cuộc họp trực tiếp theo từng nội dung liên quan đến 11 Mục tiêu trực tiếp với đại diện các bộ, ngành và cơ quan, tổ chức báo cáo có liên quan và đưa ra mức xếp hạng cho 40 Khuyến nghị và 11 Mục tiêu trực tiếp. Sau thời điểm đánh giá tại chỗ (tháng 11/2019), Đoàn đánh giá APG đã có bốn lần gửi dự thảo báo cáo cho Việt Nam. Tại các dự thảo báo cáo này, Đoàn đánh giá đã đưa ra nhận định về các tồn tại, hạn chế trong cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam, trong đó chủ yếu là các thiếu hụt về cơ sở pháp lý tại các Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Quản lý bất động sản; Luật Phòng, chống rửa tiền, các quy định liên quan đến quản lý công nghệ mới (trong đó có rủi ro tiền ảo, tài sản ảo); hạn chế của hoạt động thanh tra, giám sát về PCRT/TTKB; quy định về xử phạt, trong đó chưa có các chế tài xử phạt đối với các hành vi không tuân thủ quy định về chống tài trợ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Từ sự thiếu hụt đối với các khuôn khổ pháp lý về cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL đã dẫn tới hiệu quả thực thi còn thấp.
Điểm cầu Việt Nam - Hội nghị toàn thể đặc biệt (trực tuyến) phê duyệt Báo cáo đánh giá đa phương
của Việt Nam năm 2021
Kết quả của Báo cáo đánh giá đa phương lần thứ hai của Việt Nam
Do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Ban Thư ký APG đã phải tạm dừng quá trình đánh giá của Việt Nam. Trong thời gian này, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung cho các bước tiếp theo khi đánh giá đa phương của Việt Nam được khởi động lại, cụ thể là nghiên cứu các Khuyến nghị và Mục tiêu hiệu quả có thể được xem xét nâng xếp hạng nhằm cải thiện kết quả Báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam nói chung và tháo gỡ/làm rõ các hành động khuyến nghị mà Việt Nam bắt buộc phải thực hiện sau đánh giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp theo các khuyến nghị của Đoàn, nổi bật có: Đưa Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố và các văn bản xử phạt vào chương trình sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi, cập nhật các quy định theo tiêu chuẩn mới nhất của FATF; nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro về Phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 89 về “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố” trong đó nhấn mạnh hàng loạt các biện pháp đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền (do Bộ Công an là đầu mối triển khai); đẩy mạnh hoạt động của đơn vị tình báo tài chính (FIU) Việt Nam (Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN) và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền; phê duyệt đánh giá rủi ro quốc gia về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và kế hoạch triển khai thực hiện chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo mức độ rủi ro.
Các hành động trên đã thể hiện những nỗ lực và quyết tâm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động trong công tác PCRT/TTKB.
Tại Phiên họp toàn thể đặc biệt của APG diễn ra vào ngày 18/11/2021, NHNN cùng với các bộ, ngành liên quan đã thảo luận, thống nhất các luận điểm giữa Việt Nam và Đoàn đánh giá APG nhằm hoàn tất Báo cáo đánh giá đa phương đối với Việt Nam. Đoàn đánh giá APG đã đánh giá cao những nỗ lực, phối hợp của Việt Nam, đồng thời ghi nhận các vấn đề chính, bao gồm: (i) Việt Nam đạt hiệu quả đáng kể trong khuôn khổ pháp lý, trong lĩnh vực điều tra truy tố tội phạm và tịch thu, thu hồi tài sản; (ii) Tội tài trợ khủng bố được Việt Nam hình sự hóa một cách đầy đủ, toàn diện tại Điều 300 Bộ luật Hình sự, bao gồm cả hình sự hóa việc huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố và hình sự hóa hành vi tài trợ khủng bố. Các vấn đề này cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia thành viên APG. Trên cơ sở đó, Ban Thư ký APG và Đoàn đánh giá APG đã đồng ý nâng hạng đối với các hiệu quả hành động và Khuyến nghị liên quan đối với hai vấn đề chính này.
Đây có thể coi là một thành công của đoàn Việt Nam tại Hội nghị APG này và là sự ghi nhận của những đóng góp tích cực của các bộ, ngành, trong đó, phải kể tới vai trò của NHNN trong 02 năm của giai đoạn đánh giá đa phương vừa qua.
Các hành động cần thực hiện sau kết quả đánh giá đa phương lần thứ hai của APG đối với Việt Nam
Bên cạnh những kết quả tích cực được ghi nhận của báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam, Đoàn đánh giá APG cũng đưa ra những nhận định về các thiếu hụt của cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam. Để giải quyết các thiếu hụt về khung pháp lý và cải thiện tính hiệu quả việc thực thi cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL, Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam sẽ phải thực hiện rất khẩn trương với khối lượng công việc lớn theo khung thời gian chặt chẽ do APG và FATF đưa ra, bao gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL để giải quyết các thiếu hụt về tuân thủ kỹ thuật đã được phát hiện trong Báo cáo đánh giá đa phương, trong đó gồm các nhiệm vụ cụ thể:
(i) Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Phòng, chống khủng bố và các văn bản hướng dẫn.
(ii) Sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm hành chính về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL.
(iii) Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện cho việc triển khai hoạt động thanh tra trên cơ sở rủi ro về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trong thời gian tới.
(iv) Tăng cường hiệu quả hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện hiệu quả của hoạt động PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Theo đó, thực hiện:
(i) Cập nhật đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2018 - 2022.
(ii) Xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL giai đoạn tiếp theo làm cơ sở để các bộ, ngành chủ động xây dựng kế hoạch hành động của bộ, ngành mình.
(iii) Tăng cường nguồn lực tập trung điều tra, truy tố, xét xử rửa tiền hướng đến cải thiện hoạt động thu hồi tài sản; đặc biệt xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội.
(iv) Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền để đảm bảo triển khai được vai trò cốt lõi của một FIU theo chuẩn mực quốc tế, cũng như vai trò trung tâm trong công tác PCRT/TTKB ở Việt Nam.
(iv) Hoàn thiện công cụ và thực hiện thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro về PCRT/TTKB trong các lĩnh vực quản lý.
(v) Xây dựng các tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức báo cáo.
(vi) Xây dựng các chính sách, quy trình, hướng dẫn và tổ chức điều tra theo hướng tập trung vào các điều tra rửa tiền đối với nhóm tội phạm nguồn có mức rủi ro cao như tham nhũng, đánh bạc trái phép, lừa đảo, buôn bán ma túy, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và trốn thuế.
Từ những khuyến nghị hành động nêu trên, có thể thấy khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả song song là những cơ sở cốt lõi để giúp Việt Nam hoàn thiện và đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL. Những khuyến nghị này bao gồm hành động ngắn hạn cần thực hiện ngay và những hành động chiến lược, thực hiện trong dài hạn. Để hoàn thành được các hành động này, Việt Nam sẽ phải triển khai một cách tổng thể và đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung toàn bộ nguồn lực từ tất cả các bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan ban hành pháp luật, cơ quan thực thi pháp luật và các đối tượng báo cáo.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và quyết tâm thực hiện của các bộ, ngành, chúng ta hy vọng công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL của Việt Nam sẽ đạt được những thay đổi tích cực trong thời gian tới, góp phần xây dựng một thể chế tài chính bền vững, an toàn và cơ chế thông tin minh bạch.
¹ FATF là một cơ quan liên Chính phủ được thành lập vào năm 1989 bởi Bộ trưởng các quốc gia thành viên. Chức năng của FATF là đưa ra các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hoạt động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí và những hiểm họa có liên quan khác nhằm đe dọa sự thống nhất của hệ thống tài chính quốc tế. Trong sự phối hợp với những đối tác khác, FATF cũng làm việc nhằm xác định các mức độ rủi ro ở mức độ quốc gia với mục đích bảo vệ hệ thống tài chính quốc tế khỏi bị lạm dụng. Các khuyến nghị của FATF được cộng đồng quốc tế thừa nhận là các chuẩn mực, biện pháp thiết yếu mà các quốc gia cần thực hiện thông qua các biện pháp phù hợp với tình hình cụ thể của từng quốc gia để triển khai có hiệu quả công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL.
² Hoạt động đánh giá đa phương của một quốc gia được tiến hành trên 2 khía cạnh:
- Đánh giá tuân thủ kỹ thuật (TC): Đánh giá tính đầy đủ, chặt chẽ của khuôn khổ pháp lý, thể chế có liên quan, các quyền hạn, thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được đánh giá theo yêu cầu của 40 Khuyến nghị của FATF. Các Khuyến nghị được xếp hạng theo các mức Tuân thủ (C), Tuân thủ phần lớn (LC); Tuân thủ một phần (PC); Không tuân thủ (NC).
- Đánh giá tính hiệu quả (IO): Đánh giá tính hiệu quả trong thực tiễn thực hiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được chia làm 11 nhóm vấn đề, thường gọi là 11 Mục tiêu trực tiếp (11 IO) gồm: Đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí và cơ chế hợp tác trong nước (IO1); hiệu quả trong triển khai hoạt động hợp tác quốc tế (IO2); hiệu quả trong hoạt động thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí (IO3); hiệu quả trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí (IO4); hiệu quả trong xác định chủ sở hữu hưởng lợi (IO5); hiệu quả hoạt động của Đơn vị tình báo tài chính (IO6); hiệu quả trong hoạt động điều tra và truy tố tội phạm rửa tiền (IO7); hiệu quả trong hoạt động tịch thu, thu hồi tài sản và các công cụ phạm tội (IO8); hiệu quả trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tài trợ khủng bố (IO9); hiệu quả trong thực hiện các biện pháp ngăn chặn khủng bố và tài trợ khủng bố sử dụng các quỹ cũng như lạm dụng các tổ chức phi lợi nhuận (NPO) (IO10); hiệu quả trong hoạt động chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (IO11). Mỗi IO phải có thông tin, số liệu, bằng chứng, lập luận để chứng minh. Các IO được xếp hạng theo các mức hiệu quả CAO; hiệu quả TRUNG BÌNH; hiệu quả THẤP.
ThS. Phạm Tiên Phong (Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN)