Ngày 30/9/2021, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế. Đây là dữ liệu tổng hợp từ 149 báo cáo của các quốc gia thành viên IMF và một số quốc gia khác, các tổ chức nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc tế...
Ngày 30/9/2021, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế. Đây là dữ liệu tổng hợp từ 149 báo cáo của các quốc gia thành viên IMF và một số quốc gia khác, các tổ chức nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc tế. Dữ liệu được thu thập theo ba nhóm: Toàn thế giới, các nền kinh tế phát triển, các nước đang phát triển và mới nổi. Đối với mỗi nhóm, dự trữ phân bổ bao gồm những đồng tiền dự trữ truyền thống (USD, EUR, GBP, JPY, CHF) và một số đồng tiền khác.
Cơ cấu dữ trữ ngoại hối quốc tế quy đổi sang USD. Đơn vị tính: tỷ USD
Nguồn: IMF tháng 9/2021
Tính đến cuối quý II/2021, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt trên 12.817 tỷ USD, tăng gần 270 tỷ USD so với quý trước đó. Tương tự, dự trữ đã phân bổ tăng lên con số 11.953 tỷ USD, chiếm trên 93,26% tổng dự trữ ngoại hối quốc tế. Trong giá trị dự trữ đã phân bổ, dự trữ bằng USD đạt trên 6.984 tỷ USD, giảm nhẹ từ tỷ trọng 59,54% trong quý trước xuống 59,23%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với đồng EUR - đồng tiền dự trữ thứ hai - đồng tiền này chiếm tỷ trọng 20,54% trong tổng dự trữ ngoại hối đã phân bổ (quý I/2021 chiếm 21,24%). Tương tự, tỷ trọng JPY cũng giảm nhẹ xuống 5,79% từ 5,89% trong quý I/2021 trước đó. Tỷ trọng CHF không thay đổi, những đồng tiền còn lại tiếp tục tăng nhẹ so với quý I/2021 trước đó, cả về giá trị và tỷ trọng.
Dữ liệu cập nhật cho thấy, USD đang mất dần sức hút như một loại tiền tệ dự trữ hàng đầu, khi một số quốc gia muốn chấm dứt sự lệ thuộc vào đồng bạc xanh này. Sự kiện đáng chú ý là gần đây, CHLB Nga đã loại USD khỏi danh mục dự trữ ngoại hối quốc gia. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 là yếu tố cơ bản tác động đáng kể đến tình hình dự trữ ngoại hối toàn cầu. Cụ thể là, sau khi giảm 122 tỷ USD trong quý I/2020, dự trữ tăng trở lại lên 12.817 tỷ USD vào cuối quý II/2021. Nguyên nhân là do nhiều nước đẩy mạnh can thiệp mua vào những lượng ngoại hối quy mô lớn nhằm tăng thêm nguồn dự trữ để đối phó với những diễn biến kinh tế - xã hội khó lường do dịch bệnh Covid-19 gây ra và nhiều đồng tiền mới nổi lên giá so với các loại ngoại tệ chủ chốt như USD, EUR, JPY.
Tại một số quốc gia, dự trữ ngoại hối đã tăng lên quá mức cần thiết (để trang trải những nghĩa vụ (khoản nợ) nước ngoài ngắn hạn và chi phí nhập khẩu kỳ vọng. Trong khi đó, những nền kinh tế khác, cụ thể là các nước thu nhập thấp, đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt ngoại hối để xử lý những nhu cầu cần thiết về tài chính quốc tế.
Theo thống kê do Wikipedia cập nhật, top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có dự trữ ngoại tệ và vàng lớn nhất thế giới bao gồm: Trung Quốc (3.408,736 tỷ USD, dữ liệu tháng 08/2021); Nhật Bản (1.424,284 tỷ USD, dữ liệu tháng 08/2021); Thụy Sỹ (1.087,774 tỷ USD, dữ liệu tháng 08/2021); Ấn Độ (638,646 tỷ USD, dữ liệu ngày 24/9/2021); CHLB Nga (617,90 tỷ USD, dữ liệu ngày 24/9/2021); Đài Loan (543,58 tỷ USD, dữ liệu tháng 08/2021); Hồng Kông (497 tỷ USD, dữ liệu tháng 08/2021); Hàn Quốc (463,90 tỷ USD, dữ liệu tháng 08/2021); Saudi Arabia (441,245 tỷ USD, dữ liệu tháng 07/2021); Singapore (418,146 tỷ USD, dữ liệu tháng 08/2021).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Về bản chất, các ngân hàng trung ương nắm giữ các đồng tiền dự trữ quốc tế bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là nhằm: Duy trì ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ; đảm bảo thanh khoản trong trường hợp xảy ra khủng hoảng kinh tế, chính trị; duy trì niềm tin đối với các khách hàng quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài; đáp ứng các nghĩa vụ tài chính quốc tế như hoàn trả những khoản nợ đã đến hạn thanh toán; đa dạng hóa danh mục tài sản của ngân hàng trung ương, góp phần kiềm chế rủi ro quá mức.
Đối với các ngân hàng trung ương, USD và EUR là hai đồng tiền mang lại lợi ích lớn nhất trong cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc gia do hai đồng tiền này được chấp nhận rộng rãi trên thế giới, là trung gian thanh toán với tính thanh khoản và độ tin cậy rất cao. Mặc dù USD không còn đóng vai trò quan trọng như trong những năm sau khi hệ thống Bretton Woods được hình thành, khi mà hầu hết các đồng bản tệ trên thế giới đều neo tỷ giá với đồng tiền này nhưng đến nay, USD vẫn tiếp tục là đồng tiền quan trọng nhất trong giỏ các đồng tiền dự trữ quốc tế (chiếm 59,23%).
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cần hạn chế can thiệp để tích lũy dự trữ, không nên để dự trữ ngoại hối quốc gia tăng quá mức cần thiết. Một khi kinh tế toàn cầu ổn định trở lại và tăng trưởng bền vững trong dài hạn, các nền kinh tế chủ chốt sẽ chấp nhận chính sách thu hẹp mức độ thâm hụt hoặc thặng dư quá mức. Rủi ro tăng cao từ khó khăn kinh tế cho thấy, các chính phủ cần đẩy mạnh các yếu tố dẫn dắt kinh tế trong nước hơn là dựa vào các nền kinh tế bên ngoài, làm nền tảng vững chắc để cân bằng tăng trưởng giữa các nền kinh tế trên thế giới. Đề tránh rủi ro, về cơ cấu dự trữ cần thay đổi phù hợp tình hình xuất nhập khẩu và nghĩa vụ tài chính quốc tế của mỗi nước, không nên nắm giữ tỷ trọng lớn những đồng tiền có xu hướng giảm giá.
Tình hình dự trữ ngoại hối của Việt Nam
Trong bảng thống kê của Wikipedia, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có xu hướng tăng dần và đạt 100,438 tỷ USD, xếp thứ 27 trong bảng thống kê, giảm 1 bậc so với báo cáo trước đó.
Đạt được kết quả đó là do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh và phức tạp do sự tàn phá của đại dịch Covid-19, tâm lý thị trường dao động mạnh, nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Với sự ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước đã góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp, duy trì niềm tin của các nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư phục hồi nền kinh tế.
Hiện nay, giá cả hàng hóa thế giới biến động với biên độ lớn do thương mại quốc tế đình trệ, nhất là những mặt hàng thiết yếu, nhu cầu về hàng hóa và nhu yếu phẩm tăng cao, tập trung vào một số thời điểm nhất định; các giải pháp nới lỏng chính sách vĩ mô để hỗ trợ nền kinh tế có thể kéo theo những rủi ro khó lường trong việc kiểm soát lạm phát. Do vậy, mức dự trữ trên của Việt Nam là phù hợp để tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, đáp ứng tốt các nhu cầu thương mại và tài chính quốc tế.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; IMF; Wikipedia
Xuân Thanh (NHNN)