Các nguyên tắc ngân hàng bền vững - Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam
04/08/2023 13.279 lượt xem
Tóm tắt: Phát triển bền vững là một khái niệm mới và đang dần trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nguồn lực tài chính là yếu tố đặc biệt quan trọng. Theo đó, ngân hàng bền vững đã, đang và sẽ trở thành một triết lí nền tảng của các ngân hàng. Hoạt động của ngân hàng không chỉ mang lại lợi nhuận cho nhân viên và các cổ đông của ngân hàng mà còn mang lại lợi nhuận cho khách hàng. Hơn nữa, hoạt động ngân hàng còn mang đến lợi ích cho nền kinh tế, góp phần ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm thiểu bất kì tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường, đồng thời đòi hỏi các ngân hàng phải thực hiện các bước để cải thiện xã hội và môi trường.

Từ khóa: Nguyên tắc ngân hàng bền vững, ngân hàng xanh, sáng kiến ​​trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), môi trường, xã hội và quản trị (ESG)...
 
SUSTAINABLE BANKING PRINCIPLES - INTERNATIONAL EXPERIENCE AND LESSONS FOR VIETNAM
 
Abstract: Sustainable development has emerged as a strategic goal of several countries in the world. To achieve the sustainable development goals, financial resources are indicated as the particularly important factor. Accordingly, sustainable banking has been and will become a fundamental philosophy of banks. Bank operations therefore not only bring profit to the banks and banks’ shareholders, but also generate variety of benefits to customers and the economy. In addition, banking activities contribute to the overall benefits of the whole economy or at least minimizing social and environmental impacts, at the same time set obligation for the banking system to take responsive and accountable actions to improve social and environmental sustainability.
 
Keywords: Sustainable banking principles, green banking, corporate social responsibility (CSR), environmental, social and governance (ESG)…
 
1. Đặt vấn đề 
 
Trong những năm gần đây, “phát triển bền vững” là một khái niệm được nhiều ngân hàng nhắc tới và đang dần trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Ủy ban về Môi trường và phát triển (WCED) của Liên hiệp quốc (1987) phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, mục tiêu là sự ổn định kinh tế và bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu này, tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm nhà nước và ngoài nhà nước đều phải chung sức thực hiện, nhằm mục đích dung hòa lợi ích của cả 03 lĩnh vực chính: Kinh tế - xã hội - môi trường.
 
Tại Việt Nam, từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21) nhằm phát triển bền vững đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lí và hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường1. Chương trình nghị sự 21 đã đặt ra giải pháp sử dụng các công cụ tài chính, khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia vào việc cung ứng nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Chương trình nghị sự 21 bằng Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, bao gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững.


Các sản phẩm tín dụng xanh đã và đang góp phần tích cực phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
 
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc nghiên cứu xây dựng và đề xuất áp dụng các nguyên tắc ngân hàng bền vững sẽ giúp gia tăng trách nhiệm của các tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ tài chính nói chung và các ngân hàng nói riêng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững. Theo đó, hệ thống ngân hàng thông qua việc cung ứng vốn tín dụng đã và đang được Chính phủ Việt Nam xác định là công cụ hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, giảm thiểu những tác động bất lợi đến môi trường, xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
 
2. Ngân hàng bền vững và nguyên tắc ngân hàng bền vững
 
Ngân hàng bền vững bắt nguồn từ khái niệm ngân hàng xã hội (social banking), sau đó, dần phát triển thành khái niệm ngân hàng đạo đức (ethical banking) và ngân hàng xanh (green banking), hàm ý hoạt động của các ngân hàng này thường hướng tới sự phát triển bền vững, không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn quan tâm tới các vấn đề về môi trường và xã hội2
 
Cuốn Sổ tay hướng dẫn về ngân hàng và sự bền vững (Sáng kiến tài chính của Ủy ban Ngân hàng thuộc Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc - UNEP Finance Initative) đưa ra 03 thông điệp chính liên quan tới khái niệm ngân hàng bền vững: (i) Giải quyết các vấn đề bền vững đòi16 hỏi trách nhiệm và hành động ở tất cả các cấp và xuyên suốt tại các đơn vị trong ngân hàng; (ii) Ngân hàng không chỉ hiểu và quản lí rủi ro phát sinh từ các vấn đề bền vững, mà còn có thể đo lường mang tính chiến lược những vấn đề đó; (iii) Truyền thông đầy đủ trong nội bộ ngân hàng, với khách hàng, với đồng nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan đến các vấn đề phức tạp và có ý nghĩa sống còn về sự bền vững và cam kết thực hiện.
 
Nói chung, ngân hàng bền vững được định nghĩa là quá trình tồn tại lâu dài của hoạt động ngân hàng với hoạt động cung cấp các dịch vụ và sản phẩm cho khách hàng nhưng đảm bảo thúc đẩy phát triển bền vững nền của kinh tế, đi đôi với bảo vệ môi trường và tạo ra sự công bằng xã hội.   
 
Theo đó, nguyên tắc ngân hàng bền vững là các ý tưởng, quy tắc hay tiền đề để giải thích hoặc định hướng cách thức để đạt được sự phát triển bền vững của các ngân hàng, nhằm đóng góp vào việc phát triển bền vững cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.
 
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những bất ổn tài chính trong nước và quốc tế có chiều hướng gia tăng, các nguyên tắc ngân hàng bền vững càng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ định hướng cho hệ thống ngân hàng trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phát triển bền vững, mà còn là cơ sở để nâng cao ý thức trách nhiệm của ngành Ngân hàng với cộng đồng, xã hội, cụ thể:
 
Đối với quốc gia, việc xây dựng và triển khai áp dụng các nguyên tắc ngân hàng bền vững góp phần cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với sự phát triển về môi trường và xã hội. Các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận vốn với chi phí rẻ, tăng cường các hoạt động có trách nhiệm với môi trường, xã hội, đóng góp vào tiến trình phát triển chung bền vững của nền kinh tế. Người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường, sống trong môi trường xanh, cùng các lợi ích dài hạn về kinh tế, xã hội và môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai. 
 
Với bản thân mỗi ngân hàng, việc cam kết áp dụng các nguyên tắc ngân hàng bền vững không chỉ mang lại lợi nhuận cho nhân viên, các cổ đông của ngân hàng mà còn mang lại lợi nhuận cho cả khách hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế; thể hiện ở 02 khía cạnh: (i) Tham gia vào quá trình đánh giá rủi ro môi trường, xã hội, định hướng dòng vốn đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường; (ii) Xanh hóa hoạt động của chính bản thân ngân hàng nhờ việc ứng dụng công nghệ, phát triển mô hình ngân hàng không giấy (paperless bank)... giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải. 
 
3. Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và triển khai các nguyên tắc ngân hàng bền vững
 
3.1. Các nguyên tắc ngân hàng bền vững của Nhật Bản
 
Tháng 3/2021, Bộ Môi trường Nhật Bản đã ban hành hướng dẫn các nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm. Các nguyên tắc đó là: Gắn kết và lồng ghép vào chiến lược kinh doanh các nhu cầu cá nhân và mục đích xã hội phù hợp với SDGs và Thỏa thuận Paris; xác định các tác động của hoạt động ngân hàng tới cộng đồng, xã hội và môi trường, công khai các mục tiêu về hoạt động ngân hàng có trách nhiệm; thu hút sự tham gia của khách hàng vào việc kiến tạo một xã hội bền vững, thông tin tới những người quản lí của khách hàng về việc ngân hàng đang thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững; thiết lập mối quan hệ tích cực với khách hàng để gia tăng ảnh hưởng và cùng xây dựng tập quán phát triển bền vững; tích cực cộng tác với các bên tham gia nhằm gia tăng tác động của các hoạt động ngân hàng; tăng cường quản trị nội bộ nhằm hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện các nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm; minh bạch và giải trình trách nhiệm đối với ESG, các đóng góp cho xã hội của ngân hàng khi đạt được mục tiêu ngân hàng có trách nhiệm. 
 
Bộ nguyên tắc ngân hàng bền vững của Nhật Bản đưa ra khuôn khổ 04 năm, kể từ ngày các ngân hàng đăng kí thực hiện nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm; trong vòng 04 năm này, các ngân hàng phải đạt được các nội dung gồm phân tích tác động, thiết lập mục tiêu, triển khai thực hiện, đạt được mục tiêu về tính trách nhiệm trong hoạt động ngân hàng. 
 
Theo đó, các công việc cụ thể cần triển khai đối với các ngân hàng như sau:
 
Một là. thiết lập các mục tiêu kinh doanh gắn kết chặt chẽ với SDGs và Thỏa thuận Paris. Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững vào hoạt động kinh doanh và các quy chế, chính sách của ngân hàng.
 
Hai là, xây dựng cơ chế quản trị nội bộ với các phòng, ban chuyên trách về phát triển bền vững; thiết lập đội ngũ chuyên gia ESG; thường xuyên đào tạo, phổ biến định hướng chiến lược, chính sách ESG cho nhân viên.
 
Ba là, thực hiện báo cáo, công bố thông tin việc thực hiện các nguyên tắc theo đúng quy định; truyền thông và đối thoại với các bên tham gia.  
 
Bốn là, xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới có tính bền vững; thiết lập các quan hệ đối tác với các bên thứ ba (các công ty Fintech) để cung cấp các giải pháp về sản xuất và tiêu dùng bền vững; có cơ chế khuyến khích đối với khách hàng có quyết định đầu tư bền vững; tăng cường hoạt động giáo dục tài chính cho khách hàng.
 
3.2. Các nguyên tắc ngân hàng bền vững của Hồng Kông
 
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), tháng 4/2019, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông tiến hành rà soát đối với các ngân hàng để đánh giá sự phát triển của lĩnh vực ngân hàng xanh và bền vững. Nội dung rà soát, đánh giá bao gồm các thông lệ về quản trị, quản lí, việc công bố thông tin về môi trường và rủi ro liên quan đến khí hậu. Tham gia cuộc khảo sát có 50 tổ chức đại diện cho tổng thị phần khoảng 90% về quy mô tài sản trong lĩnh vực ngân hàng. Kết quả khảo sát cho thấy, các ngân hàng đã đạt được những bước tiến trong việc quản lí các rủi ro liên quan đến môi trường và khí hậu, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngân hàng xanh và bền vững.
 
Trên cơ sở các kết quả đánh giá, khảo sát, Cơ quan Tiền tệ 
 
Hồng Kông đề ra 09 nguyên tắc giúp các ngân hàng xây dựng khuôn khổ và chiến lược quản trị để quản lí rủi ro, đưa yếu tố rủi ro khí hậu vào khuôn khổ quản lí rủi ro và xây dựng phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực khí hậu vì mục tiêu phát triển hệ thống ngân hàng xanh, bền vững.
 
Một là, trách nhiệm của hội đồng quản trị về khả năng chống chịu với khí hậu; hội đồng quản trị của ngân hàng chịu trách nhiệm chính về khả năng ứng phó với các hoạt động liên quan tới khí hậu của ngân hàng.
 
Hai là, sự giám sát của hội đồng quản trị đối với việc thực hiện và phát triển chiến lược khí hậu.
 
Ba là, xây dựng chiến lược có cân nhắc và quyết định liên quan tới khí hậu.
 
Bốn là, cơ cấu tổ chức, chính sách kinh doanh, quy trình và nguồn lực cần được rà soát và tăng cường để đảm bảo lồng ghép việc triển khai thực hiện chiến lược khí hậu trong chiến lược tổng thể về hoạt động và phát triển 
ngân hàng.
 
Năm là, xác định kênh truyền tải và đánh giá tác động của các rủi ro vật lí và rủi ro chuyển đổi phát sinh do biến đổi khí hậu tới hoạt động kinh doanh.
 
Sáu là, xây dựng kế hoạch cụ thể để xử lí khoảng trống dữ liệu và thông tin.
 
Bảy là, thực hiện các quy trình giám sát và báo cáo rủi ro liên quan đến khí hậu để đảm bảo các mức độ rủi ro phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng.
 
Tám là, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro liên quan đến khí hậu và quy định cụ thể trong các chính sách kinh doanh của ngân hàng, phù hợp với điều kiện cụ thể của các lĩnh vực, các khách hàng/giao dịch cá nhân để đảm bảo quản lí hiệu quả những rủi ro này.
 
Chín là, công bố thông tin với cách thức thích hợp nhằm không ngừng nâng cao tính minh bạch.
 
Theo đó, các công việc cụ thể cần triển khai đối với các ngân hàng như sau:
 
Thứ nhất, xây dựng chiến lược với các mục tiêu ưu tiên về phát triển bền vững. Sau khi có chiến lược, cần xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu cụ thể về khả năng chống chịu với khí hậu và đề ra biện pháp ứng phó phù hợp với các mục tiêu chiến lược của mình. Định kì rà soát kế hoạch hành động để kịp thời có các đề xuất thay đổi cho phù hợp và đảm bảo có đủ nguồn lực nội bộ (tài chính và phi tài chính) cho việc thực hiện chiến lược.

Thứ hai, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan trong quá trình quản lí rủi ro khí hậu; thành lập các nhóm làm việc liên bộ phận nếu cần để thuận lợi cho việc phối hợp công việc. Tích hợp các vấn đề về phát triển bền vững, đặc biệt là các vấn đề về biến đổi khí hậu vào các sáng kiến phát triển kinh doanh và sáng kiến ​​trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. 
 
Thứ ba, kết hợp các biện pháp quản trị rủi ro khí hậu vào khuôn khổ quản lí rủi ro hiện có, đảm bảo có thể xác định, đo lường, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro liên quan đến khí hậu; định kì xây dựng báo cáo kết quả xử lí các rủi ro tài chính bám sát các yêu cầu công bố thông tin.
 
3.3. Các nguyên tắc ngân hàng bền vững của Ngân hàng Trung ương Ghana (2019)
 
Ngân hàng Trung ương Ghana xác định, ngân hàng bền vững chính là sự đóng góp thiết thực của các ngân hàng bằng các sản phẩm, dịch vụ và mô hình tài chính, các dịch vụ marketing, các hoạt động kinh doanh có tính đảm bảo quyền lợi của con người và giá trị của cuộc sống, góp phần giảm đói, nghèo cho người dân.
 
Ngân hàng bền vững được hiểu theo 02 nghĩa có tính tương quan qua lại, cụ thể: Cải thiện sự đóng góp của tài chính cho tăng trưởng bền vững và bao trùm bằng cách tài trợ cho các nhu cầu dài hạn của xã hội; tăng cường sự ổn định tài chính bằng cách kết hợp các yếu tố ESG trong quá trình ra quyết định cho vay.
 
Các nguyên tắc ngân hàng bền vững bao gồm: Xác định giải pháp giảm, kiểm soát rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đồng thời xác định các cơ hội liên quan tới môi trường và xã hội trong hoạt động kinh doanh; tăng cường áp dụng các thực tiễn tốt về ESG trong hoạt động kinh doanh; tăng cường quản trị ngân hàng tốt, các chuẩn mực đạo đức; tăng cường bình đẳng giới; mở rộng các dịch vụ ngân hàng tới những vùng chưa có ngân hàng và chưa có đầy đủ dịch vụ ngân hàng trong cả nước; tăng cường hiệu quả các nguồn lực và thúc đẩy nền sản xuất tiêu thụ bền vững; theo dõi và báo cáo về việc thực hiện các nguyên tắc ngân hàng bền vững.
 
Các nguyên tắc trên được áp dụng trong 05 lĩnh vực có tính nhạy cảm nhất với các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, đồng thời đóng góp phần lớn trong danh mục kinh doanh của các ngân hàng, đó là: Nông nghiệp và lâm nghiệp; xây dựng và bất động sản; sản xuất; dầu khí và khai thác mỏ; điện và năng lượng.
 
Các nguyên tắc được thực hiện trong toàn hệ thống ngân hàng Ghana nhằm đối phó với các vấn đề đang nổi lên của toàn cầu như an ninh con người, phòng, chống rửa tiền, xây dựng một môi trường có trách nhiệm với xã hội, sự minh bạch thông tin, truyền thông, tính chính trực của doanh nghiệp, sự thay đổi môi trường và khí hậu.
 
Ngân hàng Trung ương Ghana cũng xây dựng các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng nguyên tắc; đồng thời, lựa chọn hình thức báo cáo gồm: Báo cáo thường niên, báo cáo hợp nhất, định kì báo cáo… để yêu cầu các ngân hàng thực hiện cho phù hợp. Việc báo cáo được chia theo 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 - mô tả bằng con số các kế hoạch và hành động cần thực hiện; giai đoạn 2 - xác định số liệu có tính định lượng, các chỉ tiêu KPI và các mục tiêu; giai đoạn 3 - mô tả các kết quả (tiến trình) thực hiện các mục tiêu.
 
Theo đó, các công việc cụ thể cần triển khai đối với các ngân hàng gồm:
 
Một là, xây dựng chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng và quy trình quản lí rủi ro môi trường và xã hội.
 
Hai là, lồng ghép việc quản trị doanh nghiệp tốt với các chuẩn mực đạo đức trong các hoạt động kinh doanh chính và các hoạt động nội bộ của ngân hàng. Thiết lập quan điểm từ cấp lãnh đạo về bình đẳng giới.
 
Ba là, xây dựng chính sách tài chính toàn diện theo 02 bước: (i) Hiểu các rào cản tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính; trên cơ sở đó (ii) Tháo gỡ các rào cản tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính. Tăng cường sự sẵn có về tài chính để đầu tư các dự án năng lượng bền vững; áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay đầu tư vào các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững. 
 
4. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

4.1. Nội dung các nguyên tắc
 
Mặc dù số lượng và tên gọi các nguyên tắc của các quốc gia không hoàn toàn giống nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu xây dựng một khuôn khổ ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát rủi ro môi trường, hướng tới phát triển ngân hàng xanh và bền vững; các nguyên tắc có sự gắn kết với SDGs của quốc gia và được bổ sung, lồng ghép vào chiến lược kinh doanh bền vững của các ngân hàng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, lợi ích cộng đồng về môi trường, xã hội với lợi ích bản thân của các ngân hàng theo hướng bền vững. Thông qua việc thực hiện các nguyên tắc này, hệ thống ngân hàng đóng góp tích cực vào việc thực hiện SDGs và kiến tạo nền kinh tế xanh, bền vững trong dài hạn. Căn cứ trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế - xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của mình, mỗi nước sẽ lựa chọn số lượng và nội dung nguyên tắc phù hợp trong bộ nguyên tắc của quốc gia mình. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm các quốc gia/khu vực được lựa chọn nghiên cứu, các nội dung nguyên tắc đều xoay quanh 03 trụ cột chính gắn với những thành tố nhất định, cụ thể:
 
Một là, trách nhiệm xã hội của ngân hàng với vai trò là một doanh nghiệp, thể hiện qua 06 thành tố: Thúc đẩy tài chính toàn diện; thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; tôn trọng các nguyên tắc quyền con người có liên quan trong các chương trình và hoạt động kinh doanh của ngân hàng; thúc đẩy tài chính đạo đức, không tài trợ các hoạt động bị cấm theo quy định của pháp luật, các hành vi phi đạo đức hoặc tội phạm; sự phù hợp và gắn kết giữa các mục tiêu xã hội như SDGs với các chiến lược/định hướng kinh doanh của ngân hàng; các cam kết để kiến tạo một xã hội bền vững.
 
Hai là, trách nhiệm với môi trường, biến đổi khí hậu, thể hiện qua 05 thành tố: Quản trị rủi ro liên quan đến khí hậu, ESG; xác định được kênh truyền tải và đánh giá tác động của các rủi ro vật lí và rủi ro chuyển đổi phát sinh do biến đổi khí hậu tới hoạt động kinh doanh; xây dựng năng lực đo lường các rủi ro liên quan đến khí hậu và đào tạo cho nhân viên kĩ năng sử dụng các phương pháp, công cụ đo lường rủi ro, phân tích kịch bản rủi ro khí hậu; xác định giải pháp, giảm và kiểm soát rủi ro môi trường trong các hoạt động của ngân hàng; xác định các cơ hội liên quan tới môi trường trong hoạt động kinh doanh.

Ba là, trách nhiệm với chính bản thân ngân hàng, thể hiện qua 05 thành tố: Nâng cao năng lực quản trị ngân hàng/doanh nghiệp; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các nguồn lực khác trong quá trình triển khai; xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động và các công cụ đo lường việc triển khai thực hiện; công khai, minh bạch thông tin trong nội bộ ngân hàng và với các bên liên quan; thúc đẩy văn hóa ngân hàng có trách nhiệm tới toàn thể cán bộ, nhân viên ngân hàng. 
 
4.2. Tổ chức triển khai 
 
Hầu hết các quốc gia đều xác định rõ phạm vi, đối tượng áp dụng, các bước hoặc lộ trình thực hiện các nội dung được đề cập trong từng nguyên tắc; trong đó nhấn mạnh phải có cam kết mạnh mẽ và các hành động thiết thực ở tất cả các cấp, các đơn vị chủ chốt của ngân hàng để đảm bảo sự thành công khi triển khai (đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của bộ phận lãnh đạo cấp cao nhất, trực tiếp tham gia hoạch định chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng). Ngân hàng trung ương là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, giám sát quá trình thực hiện các nguyên tắc trong hệ thống ngân hàng thông qua cơ chế báo cáo định kì (chỉ riêng Nhật Bản, trách nhiệm này do Bộ Môi trường đảm nhiệm). Để quá trình giám sát, đánh giá việc thực hiện các nguyên tắc ngân hàng bền vững đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra, một số quốc gia còn đề xuất xây dựng các chỉ số KPI để giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nguyên tắc này (Nhật Bản, Ghana). 
 
Tại các ngân hàng, quá trình triển khai các nguyên tắc ngân hàng bền vững đòi hỏi sự thích ứng và chuyển đổi rất lớn về mặt quản trị (xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh ngân hàng có sự lồng ghép và cam kết đối với các vấn đề về bền vững); về các nguồn lực triển khai thực hiện các mục tiêu ngân hàng bền vững; tính tuân thủ, công khai, minh bạch. Theo đó, Nhật Bản đã kết hợp quản trị và văn hóa (quản trị hiệu quả và văn hóa của một ngân hàng có trách nhiệm); Ghana kết hợp quản trị doanh nghiệp và chuẩn mực đạo đức. Việc tuyên truyền phổ biến trong nội bộ hệ thống các ngân hàng cũng có vai trò rất quan trọng để toàn thể nhân viên nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng các chiến lược, mục tiêu và giải pháp về phát triển ngân hàng bền vững nhằm đảm bảo các nguyên tắc được thực hiện nhất quán, lâu dài, hiệu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lí và nhân viên sẽ quan tâm hơn đến hiệu quả hoạt động bền vững của ngân hàng, từ đó thu hút được tài năng và sự tham gia tích cực hơn của nhân viên vào các hoạt động kinh doanh bền vững. Việc truyền thông sáng tạo và hiệu quả gắn với các mục tiêu kinh doanh làm nổi bật sự khác biệt của ngân hàng, cải thiện danh tiếng, uy tín, thương hiệu và mang lại các cơ hội kinh doanh do khách hàng ưa thích sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính bền vững, tăng cường sự gắn bó của khách hàng với ngân hàng.
 
Từ những bài học rút ra trên đây có thể thấy, việc xây dựng và thực hiện các nguyên tắc ngân hàng bền vững đối với các ngân hàng Việt Nam là cần thiết, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ngành Ngân hàng nói riêng và của quốc gia nói chung.
 
5. Một số khuyến nghị 
 
Theo đánh giá của PWC (2022), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu với mức thiệt hại ước tính khoảng 523 tỉ USD, tương đương 14,5% GDP đến năm 2050 và có thể khiến một triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Việc triển khai lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ cần đầu tư bổ sung khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỉ USD cho đến năm 2040, trong đó cần 184 tỉ USD từ nguồn tài chính tư nhân. Như vậy, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đối diện với những thách thức lớn hơn trong hỗ trợ tài chính nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực của môi trường và thích nghi với biến đổi khí hậu.
 
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lí, khai thác, sử dụng hợp lí, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Theo đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường đã được ban hành như Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022); Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (2022); Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2022); Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia (2022)… Bên cạnh đó, việc phê duyệt Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) bao gồm một số điều khoản ESG về bảo vệ tài sản, quyền lao động và phát triển bền vững cho thấy những dấu hiệu mạnh mẽ về cam kết ESG của Việt Nam. 
 
Đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, Việt Nam nằm trong số 38 nền kinh tế thị trường mới nổi đã khởi xướng các cải cách ngân hàng quan trọng để thúc đẩy phát triển và chống biến đổi khí hậu vào năm 2019. Điều này diễn ra trước thềm Hội nghị Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 của Liên hợp quốc (COP26). Đặc biệt, năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu ban hành Sổ tay “Hướng dẫn phát hành cho trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững”. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đã đề cập đến trái phiếu xanh. Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 cũng đề cập đến nội dung về chính sách tín dụng xanh tại Điều 149 trên 02 phương diện: (i) Ngăn cấm các hoạt động cấp tín dụng cho các dự án không phù hợp với quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay; (ii) Khuyến khích các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tài trợ, cho vay ưu đãi đối với các dự án thuộc danh mục phân loại xanh.
 
Trên thực tế, nhận thức của các TCTD ở Việt Nam về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Tính đến cuối năm 2022, khoảng 60% các ngân hàng đã xây dựng khung chiến lược về ngân hàng xanh theo cấp độ 2 (tham chiếu theo 5 cấp độ của Kaeufer, 20103). Nội dung về phát triển bền vững đã được đặt trong chiến lược phát triển của ngân hàng trên các khía cạnh như: Tìm kiếm giải pháp tăng trưởng tín dụng xanh; tuân thủ các quy phạm pháp luật có liên quan về rủi ro môi trường, xã hội, xây dựng các quy định nội bộ về quản lí rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động của ngân hàng; hoàn thiện cơ cấu tổ chức để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh; tìm kiếm các nguồn vốn huy động để hỗ trợ phát triển tín dụng xanh; phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên các kênh giao dịch hiện đại... Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã đưa ra các cam kết về việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường và không thực hiện cho vay đối với các lĩnh vực có rủi ro cao về môi trường, xã hội hoặc các dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường, quy định danh sách cụ thể các lĩnh vực gây hại tới môi trường mà ngân hàng cam kết không cho vay, hoặc yêu cầu đơn vị kinh doanh và bộ phận thẩm định phải thực hiện thẩm định, đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trước khi trình cấp phê duyệt xem xét và ra quyết định.
 
Kết quả là, xu hướng tăng trưởng tín dụng cho các ngành/lĩnh vực xanh là rõ ràng (đến ngày 31/12/2022, dư nợ đối với các dự án xanh đạt hơn 500 nghìn tỉ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và gấp gần 03 lần so với năm 2017). Tốc độ tăng trưởng của tín dụng xanh luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế; chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch (chiếm 31%); năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (chiếm 46%). Mức tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt 22,97%/năm4.
 
Mặc dù vậy, có thể thấy rằng, quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư không hề nhỏ cả về cơ chế chính sách, nhân lực, công nghệ, vốn. Đây cũng là lí do mà hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực tài chính bền vững trước đây đều tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến. Vì vậy, việc thực hiện các nguyên tắc ngân hàng bền vững tại Việt Nam cần được triển khai có lộ trình, đảm bảo cho các TCTD có đủ thời gian thích ứng, chuẩn bị và bố trí các nguồn lực cần thiết trong quá trình triển khai.
 
Trên cơ sở bài học kinh nghiệm rút ra tại mục 4, căn cứ bối cảnh kinh tế - xã hội và thực tiễn triển khai các nội dung liên quan đến các nguyên tắc ngân hàng bền vững tại Việt Nam, bài viết đề xuất lựa chọn 05 nguyên tắc để triển khai tại Việt Nam với lộ trình cụ thể như sau:
 
Nguyên tắc 1: Chiến lược kinh doanh của ngân hàng cần được xây dựng phù hợp, gắn kết với SDGs và biến đổi khí hậu của Việt Nam; thể hiện rõ các cam kết của ngân hàng để kiến tạo một xã hội bền vững.
 
Nguyên tắc 2: Tăng cường năng lực quản trị và nguồn nhân lực hướng tới hoạt động ngân hàng bền vững; từng bước xây dựng văn hóa xanh, chuyển đổi các quy trình quản trị nội bộ để giảm thiểu mức độ tiêu hao tài nguyên và phát thải.
 
Nguyên tắc 3: Tăng cường quản trị các rủi ro liên quan đến khí hậu, ESG trong hoạt động cấp tín dụng; định kì đánh giá và quản lí tác động của hoạt động nội bộ ngân hàng đối với các rủi ro này.
 
Nguyên tắc 4: Công khai, minh bạch thông tin trong nội bộ ngân hàng và với các bên liên quan về những đóng góp của ngân hàng cho SDGs và các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
 
Nguyên tắc 5: Xây dựng kế hoạch thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, để đảm bảo mọi người, mọi khách hàng đều có thể tiếp cận được dịch vụ ngân hàng.
 
6. Lộ trình triển khai
 
6.1. Giai đoạn thí điểm (từ nay đến năm 2025)
 
Đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Công bố, truyền thông về các nguyên tắc ngân hàng bền vững tại Việt Nam; thí điểm áp dụng đối với các ngân hàng lớn, có tầm ảnh hưởng hệ thống hoặc các ngân hàng tự nguyện cam kết tham gia; nghiên cứu, xây dựng các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng nguyên tắc; báo cáo hoạt động ngân hàng bền vững tại Báo cáo thường niên của NHNN về 02 nội dung: (1) Dư nợ vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế; (2) Việc thực hiện đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD; ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi cho các TCTD thực hiện tốt đánh giá rủi ro môi trường - xã hội, có tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh cao và phát triển bền vững. Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về ESG dành cho các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn, công ước quốc tế. Khuyến khích các NHTM công bố công khai và báo cáo việc thực hiện các yếu tố ESG. Nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ đánh giá và xếp hạng mức độ cam kết ESG của các NHTM.
 
Đối với TCTD: Đăng kí cam kết thực hiện nguyên tắc và bắt đầu thực hiện phân tích các tác động; truyền thông tích cực tới toàn thể nhân viên, nhà cung cấp và các đối tác. Thiết lập mục tiêu phát triển bền vững cụ thể của mình dựa trên kết quả phân tích các tác động; tích hợp các yếu tố ESG vào các hoạt động của ngân hàng. Thực hiện quản lí và đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án đầu tư quy định tại Phụ lục III, IV, V ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Xây dựng quy định nội bộ để quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng bao gồm tối thiểu các nội dung sau: 
 
(i) Nhận dạng, phân loại đề nghị cấp tín dụng phải thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; (ii) Thông tin cần thu thập phục vụ công tác quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; (iii) Đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; (iv) Quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng thực hiện trong quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt, quản lí tín dụng; (v) Báo cáo nội bộ về quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
 
6.2. Giai đoạn triển khai chính thức (từ năm 2025 - 2030)
 
Đối với NHNN: Yêu cầu các ngân hàng thực hiện báo cáo định kì việc thực hiện các nguyên tắc ngân hàng bền vững. Nghiên cứu, xây dựng nội dung kiểm tra chi tiết đối với việc thực hiện từng nguyên tắc tại các ngân hàng. Khuyến khích các NHTM áp dụng bộ tiêu chuẩn chung về ESG dành cho các NHTM tại Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn, công ước quốc tế; nghiên cứu việc xếp hạng 10 NHTM tốt nhất gắn với thực hiện trách nhiệm ESG và lồng ghép các rủi ro ESG vào các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng.
 
Đối với TCTD: Hình thành các phòng, ban liên quan về sự phát triển bền vững với các chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Các đơn vị này có vai trò lãnh đạo trong việc triển khai thực hiện các nguyên tắc ngân hàng bền vững và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngân hàng. Xây dựng chính sách cụ thể cho các lĩnh vực môi trường nhạy cảm; thiết kế các sản phẩm có tính bền vững. Xây dựng các phương pháp nâng cao nhận thức và hiểu biết các hoạt động ngân hàng có trách nhiệm cho toàn thể nhân viên; nâng cao năng lực cho khách hàng thông qua giáo dục tài chính bền vững, chú trọng đào tạo và hướng dẫn nội bộ cho nhân viên của ngân hàng về giáo dục tài chính.
 
6.3. Giai đoạn đánh giá và mở rộng phạm vi áp dụng (từ năm 2030 - 2050)
 
Đối với NHNN: Định kì báo cáo và đánh giá giám sát triển khai thực hiện các nguyên tắc ngân hàng bền vững theo cơ chế chung mang tính quốc tế. Yêu cầu các NHTM áp dụng Bộ tiêu chuẩn chung về ESG dành cho các NHTM tại Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn, công ước quốc tế; công bố công khai và báo cáo việc thực hiện các yếu tố ESG. Định kì xếp hạng 10 NHTM tốt nhất gắn với thực hiện trách nhiệm ESG và thực hiện các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng đối với nội dung quản trị rủi ro ESG.
 
Đối với TCTD: Công bố công khai việc cam kết thực hiện các nguyên tắc ngân hàng bền vững tới khách hàng và các bên liên quan trong báo cáo thường niên và trên Website; tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện các nguyên tắc. Xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ về đánh giá các tác động đối với môi trường, xã hội và kinh tế; thường xuyên đào tạo và phổ biến các chiến lược và chính sách ESG cho nhân viên. Thiết lập chính sách truyền thông và thông tin với các bên liên quan để thu thập ý kiến phản hồi về việc triển khai thực hiện chiến lược ngân hàng bền vững.
 
7. Kết luận
 
Theo báo cáo thống kê rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2021, trong 20 năm qua có 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan, 480.000 ca tử vong có liên quan trực tiếp, thiệt hại kinh tế khoảng 2.560 tỉ USD. Báo cáo chỉ ra rằng, nhiều quốc gia đã, đang và sẽ tiếp tục đối diện với những thách thức lớn hơn trong hỗ trợ tài chính nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực của môi trường và thích nghi với biến đổi khí hậu.
 
Ngành Ngân hàng là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Theo đánh giá của Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững 2019 của Mạng lưới ngân hàng bền vững do IFC xúc tiến thành lập, Việt Nam nằm trong 38 thị trường đang phát triển đã thực hiện những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, sự phát triển bền vững của từng ngân hàng là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của toàn hệ thống, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế của quốc gia.
 
Một ngân hàng sẽ phát triển bền vững khi đạt được cùng lúc 03 sự cân bằng: Cân bằng giữa lợi nhuận kì vọng với mức độ rủi ro mà ngân hàng có thể chấp nhận được; sự cân bằng giữa lợi ích của ngân hàng và lợi ích của khách hàng; sự cân bằng giữa gia tăng lợi ích cho cộng đồng và bảo vệ môi trường.
 
Các nguyên tắc ngân hàng bền vững không chỉ định hướng cho hệ thống ngân hàng trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phát triển bền vững, mà còn là cơ sở để nâng cao ý thức trách nhiệm của ngành Ngân hàng với cộng đồng xã hội. Với ý nghĩa đó, ngân hàng bền vững góp phần mang lại uy tín và sự khác biệt, giúp ngân hàng có được sự ủng hộ tích cực hơn từ phía khách hàng, đồng thời tạo được lợi thế cạnh tranh trên cơ sở cho vay có trách nhiệm - làm gia tăng giá trị văn hóa của một mô hình ngân hàng xanh hiện đại và văn minh.
 
 
1 Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21). 
2 http://greenbankreport.com/
3 Cấp độ 1: Cung cấp một số hoạt động phụ có tính chất xanh - Internet Banking, Mobile Banking, hoặc hoạt động công cộng xanh - tài trợ cộng đồng; Cấp độ 2: Phát triển thêm các sản phẩm và dịch vụ xanh riêng biệt (chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ) bổ sung vào danh mục các sản phẩm ngân hàng truyền thống; Cấp độ 3: Hoạt động kinh doanh có hệ thống, trong đó, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tuân thủ nguyên tắc “xanh”; Cấp độ 4: Có kế hoạch kinh doanh ngắn hạn nhằm đạt được tính bền vững của các yếu tố xã hội - môi trường và tài chính và Cấp độ 5: Có chiến lược kinh doanh dài hạn, trong đó, các hoạt động ngân hàng xanh tương tự như Cấp độ 4 song được thực hiện một cách chủ động, có mục đích, chứ không phải là hoạt động ứng phó sự thay đổi bên ngoài.
4 Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2015 - 2020.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Analysis of China’s Green Credit Policy Towards Green Economic Growth, Hu Mengze, Li Wei and Zhang Bi.
2. Financing Green Growth - A review of green financial sector policies in emerging and developing economies - BMZ.
3. German Development Institute (2013), “How to make green finance work in Indonesia”.
4. Green banking in Banladesh: A commitnent towards the Global Initiatives - 7/2012, MD. Masukujjaman & Serena Aktar.
5. Green banking pratices in Bangladesh, Md. Shafiqual Islam & Prahallad Chandra Das - 4/2013.
6. IFC (2014), 2nd International sustainable banking forum.
7. Journal of Environmental Management, Tracking the implementation of green credit policy in China: Top-down perspective and bottom-up reform, Bing Zhang, Yang Yang, Jun Bi.
8. Quarterly Review Report on Green Banking Activities of Banks and Financial Institution - 6/2014 - Banladesh Bank.
9. OJK, Technical advisory for financial institution on sustainable banking through mobilizing market resources, solution and tools: Indonesia case.
10. The Journal of Environment & Development, Green Credit, Green Stimulus, Green Revolution? China’s Mobilization of Banks for Environmental Cleanup, 18 May 2010.
11. http://www.diegdi.de/uploads/media/Lindenberg_Definition_green_finance.pdf
12. http://www.equator-principles.com
13. ASEAN Community Vision 2025.
14. ASEAN Central Banks, (2020). Report on The Roles of ASEAN Central Banks in Managing Climate and Environment-related Risks.
15. Sustainable Banking Network., (2019). Global Progress Report.
16. Task Force on Climate-related Financial Disclosures, (2017). Final Report.
17. The Network for Greening the Financial System., (2018). Progress report of 2018.
18. The Network for Greening the Financial System., (2019). Comprehensive report of 2019.
19. United Nations Environment Programme Finance Initiative., (2016). Guide to banking and sustainability.
20. United Nations Environment Programme Finance Initiative., (2016). Definitions and concepts, Background note.
21. United Nations World Commission on Environment and Development., (1987). Our Common Future Report (Brundtland Report).
 22. Sustainable Banking, Market Power, and Efficiency: Effects on Banks’ Profitability and Risk.
 
 
TS. Phạm Minh Tú 
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
16/04/2024 1.608 lượt xem
Chính sách tín dụng nông thôn (tín dụng nông thôn) ở Brazil là các chương trình cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, năng suất và đầu tư; nâng cao thu nhập của các trang trại và doanh nghiệp; nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
04/04/2024 2.861 lượt xem
Bài viết phân tích, đánh giá một số kinh nghiệm quốc tế về cơ cấu thu NSNN bền vững thông qua bốn loại thuế, gồm: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ cấu thu NSNN bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 4.856 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 11.092 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 6.429 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 8.564 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 6.871 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 6.945 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
26/01/2024 8.162 lượt xem
Sau những cú sốc mạnh trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023.
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
15/01/2024 8.583 lượt xem
Chuyển đổi số và sự bùng nổ công nghệ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh. Xu hướng thay đổi này dẫn đến quá trình số hóa trong các lĩnh vực như sản xuất, chuỗi cung ứng, tài chính và các dịch vụ phụ trợ khác.
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
05/01/2024 9.371 lượt xem
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ sụp đổ của những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính chất dễ đổ vỡ của ngân hàng. Việc một ngân hàng đổ vỡ thể hiện kỉ luật thị trường đối với những ngân hàng có hoạt động kinh doanh thiếu an toàn, lành mạnh nhưng lại tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng và người gửi tiền.
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
21/12/2023 10.868 lượt xem
Sự chuyển dịch nhanh chóng của hệ thống tiền tệ số toàn cầu đã khiến chính phủ các nước có phần lúng túng trong việc thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi chi tiêu và đầu tư của người dân.
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
20/12/2023 10.026 lượt xem
Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bài viết này tóm lược sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi trong thời gian hơn một thập kỉ vừa qua và việc Trung Quốc sử dụng lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
16/11/2023 11.146 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
06/11/2023 10.985 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity - based Crowdfunding - ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?