admin Xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng tài chính tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
26/08/2020 11:38 3.604 lượt xem
Thế giới đã chứng kiến nhiều bất ổn về kinh tế, tài chính từ thập niên 70 của thế kỷ 20 đến nay. Quy mô và mức độ tác động của khủng hoảng tài chính ngày càng lớn và tần suất diễn ra ngày càng tăng.
 
Giới thiệu
 
Thế giới đã chứng kiến nhiều bất ổn về kinh tế, tài chính từ thập niên 70 của thế kỷ 20 đến nay. Quy mô và mức độ tác động của khủng hoảng tài chính ngày càng lớn và tần suất diễn ra ngày càng tăng. Đặc biệt, các cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây có hiệu ứng lan truyền rộng và có tính chất chu kỳ. Một nghiên cứu của Laeven và Valencia (2012) về 129 cuộc khủng hoảng ngân hàng từ năm 1975 đến 2010 cho thấy các khủng hoảng diễn ra theo chu kỳ quan sát được. Gần đây nhất, khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi nguồn ở Hoa Kỳ năm 2007 và cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu năm 2010 đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và nhiều nước đã phải dành nhiều năm để phục hồi kinh tế - tài chính. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới các cuộc khủng hoảng là do công tác theo dõi, đánh giá những bất ổn tài chính đã không theo kịp sự phát triển của các thị trường tài chính và của các tổ chức tài chính (TCTC). Công tác giám sát tổng thể hệ thống tài chính (còn được gọi là giám sát an toàn vĩ mô hệ thống tài chính) đã không được coi trọng đúng mức. Sau khủng hoảng, bài học rút ra là giám sát tình trạng ổn định tài chính, xác định các rủi ro vĩ mô, các tổn thương tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính phải là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Trung ương (NHTW). Khuôn khổ giám sát an toàn vĩ mô hệ thống tài chính đã được Ủy ban Basel giới thiệu năm 2010 như một nỗ lực chuẩn hóa toàn cầu công tác này (Basel III). 
 
Hệ thống đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng tài chính là một trong những công cụ giám sát an toàn vĩ mô hệ thống tài chính phổ biến hiện nay. Vì kết quả cuối cùng của hệ thống là xếp hạng mức độ tổn thương theo các cấp độ và mô tả diễn biễn tổn thương theo thời gian, đồng thời hệ thống cho phép tính toán xác suất khủng hoảng dựa trên tổn thương và cú sốc nên hệ thống này còn được gọi tắt là hệ thống cảnh báo sớm khủng hoảng. Việc triển khai hệ thống cảnh báo sớm cũng là một trong những bước đầu tiên của quy trình quản lý khủng hoảng được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Các tổ chức thiết lập chuẩn mực toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Hội đồng ổn định tài chính quốc tế (FSB), các NHTW và thậm chí các TCTC đều triển khai hệ thống cảnh báo sớm với các mục tiêu khác nhau. Từ năm 2000, IMF đã phát triển hệ thống đánh giá tổn thương và rủi ro khủng hoảng đối với 3 nhóm nước (phát triển, mới nổi và thu nhập thấp) để phục vụ giám sát ổn định tài chính các nước thành viên. IMF và FSB còn phối hợp với nhau xây dựng hệ thống cảnh báo sớm ổn định tài chính toàn cầu (kết quả đánh giá được thể hiện trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu định kỳ). Hội đồng rủi ro hệ thống (ESRB) cũng hướng dẫn các nước thành viên Liên minh châu Âu xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm hệ thống tài chính. NHTW nhiều nước trên thế giới cũng duy trì hệ thống cảnh báo sớm để giám sát sự lành mạnh và ổn định tài chính. 
 
Theo Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2010, với nhiệm vụ đảm bảo an toàn lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, an toàn của hệ thống thanh toán quốc gia, NHNN có trách nhiệm lớn đối với ổn định tài chính thông qua việc phân tích, đánh giá ổn định tài chính và tham vấn cho Chính phủ các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống và chính sách xử lý khủng hoảng (nếu khủng hoảng xảy ra) nhằm duy trì mục tiêu ổn định hệ thống tài chính quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng và vận hành một hệ thống cảnh báo sớm khủng hoảng có khả năng xác định sớm, chính xác các bất ổn nội tại trong hệ thống kinh tế, tài chính và cung cấp đánh giá về nguy cơ khủng hoàng tài chính - ngân hàng cần là mối quan tâm hàng đầu của NHNN. 
 
Để cung cấp cơ sở lý luận phục vụ việc xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo sớm toàn diện, hiệu quả tại NHNN, bài viết này được cấu trúc gồm: (i) phần tổng quan về đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng; (ii) phương pháp xây dựng hệ thống đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng (hay hệ thống cảnh báo sớm khủng hoảng); (iii) một số nét thực tiễn xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo sớm tại NHNN; và (iv) một số đề xuất, gợi ý xây dựng hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả tại NHNN. 
 
1. Tổng quan về hệ thống đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng tài chính
 
Tính tổn thương (Vulnerability). Theo nghĩa chung, tính tổn thương (một số nghiên cứu khác còn sử dụng thuật ngữ khả năng tổn thương) là tình trạng mất khả năng chống đỡ với những thay đổi do các nhân tố gây căng thẳng bên ngoài. Đây là định nghĩa được sử dụng trong nhiều nghiên cứu khác nhau (Smit và Wandel, 2006). Tính tổn thương có thể được coi là gồm hai yếu tố: (i) tiếp xúc với rủi ro, và (ii) không có khả năng đối phó. Điều này dẫn tới việc một chủ thể hoặc hệ thống có xu hướng bị ảnh hưởng hoặc dễ phải hứng chịu một tổn thất kinh tế. Mức độ tổn thất phụ thuộc bởi loại rủi ro và khả năng đối phó với rủi ro này của chủ thể hoặc hệ thống.
 
Để phục vụ việc đánh giá tình trạng hệ thống tài chính của các quốc gia thành viên, IMF (2007, 2015) cho rằng, tính tổn thương phản ánh tình trạng trở nên yếu kém của những yếu tố căn bản về kinh tế và tài chính, nếu như không giải quyết được có thể dẫn đến những rủi ro lan truyền. Tổn thương tài chính là việc hệ thống tài chính không có khả năng chống chịu trước những tác động của môi trường bất lợi, là những điều kiện có thể đưa hệ thống đến tình trạng khủng  hoảng. Trong khi, rủi ro được định nghĩa là những cú sốc tiềm năng có khả năng tác động đến nền kinh tế vĩ mô hoặc các điều kiện tài chính của một quốc gia. Cuối cùng, khủng hoảng là một sự kiện hoặc tình huống có thể dẫn đến tình trạng không ổn định hoặc nguy hiểm như sự mất cân đối nghiêm trọng về tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, dòng vốn, hệ thống tài chính, tài chính công… Khả năng dễ tổn thương là điều kiện dẫn tới khủng hoảng nhưng là chưa đủ. Khủng hoảng thường được kích hoạt bởi cú sốc chính trị, tài chính, kinh tế. 
 
Khả năng tổn thương trong lĩnh vực tài chính còn là tình trạng trong đó có những nhân tố có thể tạo ra, khuếch đại hoặc truyền dẫn tổn thất hoặc gây ra sự đổ vỡ trong hệ thống tài chính (Joe McLaughlin và các cộng sự, 2018). Ví dụ, tình trạng phụ thuộc của Lehman Brother vào nguồn vốn không ổn định là một tổn thương gây ra sự phá sản của ngân hàng này năm 2008. Tobias và cộng sự (2014) cho rằng các nhân tố gây ra tính dễ tổn thương là các nhân tố góp phần làm lan rộng các ngoại ứng tài chính tiêu cực (financial externalities). Các ngoại ứng tiêu cực có thể dưới hình thức việc điều chỉnh giá tài sản (correction in assest valuation); bán tháo tài sản hoặc các hình thức lan truyền khác. Khi các ngoại ứng tiêu cực lan rộng làm khuếch đại cú sốc tài chính và trong trường hợp nghiêm trọng sẽ gây sụp đổ trung gian tài chính. Tình trạng lan rộng này còn gọi là rủi ro hệ thống. 
 
Dựa trên các góc độ về quy mô và nguồn gốc, khái niệm tính tổn thương tài chính bao hàm 2 cấp độ như sau (R. Barry và cộng sự, 2000):
 
Ở cấp độ thứ nhất, tính tổn thương liên quan đến cấp độ tổ chức. Tính tổn thương gắn với những rủi ro bên trong và ngoài bảng cân đối của một TCTC đơn lẻ và không thể phòng tránh được thông qua việc đa dạng hóa, thường được chia thành rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động. Các loại rủi ro này có tính tương tác lẫn nhau, rủi ro thị trường thường liên quan đến rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng thường liên quan đến cả hai loại rủi ro trên. 
 
Cấp độ thứ hai là tính tổn thương của hệ thống tài chính (systemic vulnerability). Tính dễ tổn thương hệ thống thường liên quan đến các rủi ro lan truyền khi sự yếu kém của một thị trường hoặc một TCTC này có thể dẫn đến sự yếu kém của các thị trường hoặc TCTC khác. Tính tổn thương tổng thể hệ thống thường liên quan đến sự đa cân bằng, những cú sốc nhỏ có thể dẫn đến sự chuyển dịch lớn khỏi điểm cân bằng ban đầu và khởi phát khủng hoảng tài chính. Tính tổn thương có thể dẫn đến khủng hoảng khi hệ thống đó không có khả năng hấp thụ được các cú sốc như các cú sốc về giá (tỷ giá, lãi suất, hàng hóa,..), các cú sốc về thanh khoản (khả năng tiếp cận thị trường), cú sốc về chất lượng tín dụng và môi trường kinh tế vĩ mô, các cú sốc về cấu trúc TCTC (như sự gia tăng từ việc đổi mới thị trường tài chính và công cụ tài chính, sự thay đổi hệ thống thể chế, sự chuyển dịch cung cầu đối với tài sản).
 
Rủi ro khủng hoảng tài chính 
 
Claessent và Kose (2013) cho rằng, khủng hoảng tài chính là tập hợp các sự kiện gồm sự thay đổi đáng kể về quy mô tín dụng và giá tài sản, sự sụp đổ quy mô lớn của các TCTC, sự xuất hiện các vấn đề nghiêm trọng đối với bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp, hộ gia đình, trung gian tài chính, quốc gia và nhu cầu hỗ trợ vốn và thanh khoản của chính phủ trên phạm vi rộng. Do vậy, khủng hoảng tài chính là sự kiện đa chiều, liên quan đến nhiều yếu tố và không thể phản ánh bởi một chỉ tiêu đơn lẻ. Rủi ro khủng hoảng là xác suất xảy ra khủng hoảng trong một giai đoạn/khung thời gian nhất định.  
 
Trong cách nhìn hẹp hơn, thuật ngữ khủng hoảng tài chính được sử dụng để mô tả bất cứ tình huống nào trong đó một hoặc một số TCTC vì bất cứ lý do nào đó không thể thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của mình và gây tác động tiêu cực đến các chức năng của hệ thống tài chính (Crowe, 2011). 
 
Khủng hoảng tài chính hiện nay có thể được phân thành 04 loại chính gồm khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng dừng đột ngột dòng vốn; khủng hoảng nợ và khủng hoảng ngân hàng. 
 
Khủng hoảng tiền tệ (currency crisis) là hiện tượng trong đó hành vi đầu cơ trên thị trường tiền tệ gây ra sự mất giá đồng tiền, buộc các nhà chức trách phải bảo vệ đồng nội tệ bằng các biện pháp như tăng lượng dự trữ ngoại tệ, tăng lãi suất, hoặc ban hành những biện pháp điều hành vốn.
 
Khủng hoảng dừng đột ngột (sudden stop) là sự sụt giảm lớn một cách không mong đợi của các dòng vốn nước ngoài hoặc sự đảo chiều mạnh trong tổng các dòng vốn chảy vào một quốc gia, thường đi kèm với sự tăng đột biến của tăng trưởng tín dụng.
 
Khủng hoảng nợ (debt crisis) gồm có khủng hoảng nợ nước ngoài và trong nước. Khủng hoảng nợ nước ngoài diễn ra khi một quốc gia không thể hoặc không muốn trả những khoản nợ nước ngoài của mình, nó có dạng khủng hoảng nợ công hoặc tư hoặc kết hợp cả hai. Khủng hoảng nợ trong nước diễn ra khi một quốc gia trên thực tế không thể thanh toán hết nghĩa vụ tài chính trong nước do không có khả năng trả nợ, lạm phát, mất giá đồng nội tệ, hoặc do việc sử dụng những biện pháp kìm hãm tài chính.
 
Khủng hoảng hệ thống ngân hàng là hiện tượng các ngân hàng bị mất khả năng thanh khoản do người gửi đồng loạt rút vốn một cách đột ngột - còn được biết đến là sự tháo chạy khỏi ngân hàng (bank runs). Thêm vào đó, sự cố của các ngân hàng đơn lẻ sẽ nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ hệ thống tạo thành khủng hoảng hệ thống. Điều này buộc Chính phủ phải can thiệp để bảo vệ hệ thống ngân hàng bằng cách nới lỏng thanh khoản và hỗ trợ tài chính ở quy mô lớn. Laeven & Valencia (2012) định nghĩa một cuộc khủng hoảng ngân hàng có tính hệ thống nếu thỏa mãn hai điều kiện: (i) có dấu hiệu quan trọng của khủng hoảng tài chính trong hệ thống ngân hàng (như ngân hàng lớn sụp đổ, xuất hiện tổn thất trong hệ thống ngân hàng, và, hoặc giải thể ngân hàng); (ii) các chính sách can thiệp mạnh mẽ của cơ quan quản lý, giám sát khi xảy ra những thiệt hại đáng kể của hệ thống ngân hàng. 
 
Nội dung đánh giá tính tổn thương tài chính 
 
Cách tiếp cận truyền thống đánh giá tính tổn thương tài chính ở cấp độ hệ thống thường hướng dẫn việc đánh giá tính tổn thương trong các khu vực khác nhau (Seung Jung Lee và cộng sự, 2017; Aikman và cộng sự, 2017).
 
Thứ nhất, đánh giá khả năng tổn thương của khu vực tài chính gồm đánh giá khả năng tổn thương dựa trên các chỉ số phản ánh đòn bẩy của ngân hàng (như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ vốn/tài sản, tỷ lệ vốn cổ phần cấp I) và phi ngân hàng (tỷ lệ đòn bẩy của môi giới), chênh lệch kỳ hạn (tỷ lệ cho vay/tiền gửi, độ lệch kỳ hạn giữa tài sản và nợ…), sự lệ thuộc vào nguồn tài trợ ngắn hạn, bán buôn và mức độ liên kết. 
 
Thứ hai, đánh giá khả năng tổn thương của khu vực phi tài chính gồm đánh giá mức độ mất cân bằng của khu vực doanh nghiệp phi tài chính và hộ gia đình với các chỉ số liên quan đến nợ thế chấp nhà, các khoản nợ tiêu dùng, các khoản nợ doanh nghiệp phi tài chính, và tiết kiệm. 
 
Thứ ba, đánh giá khả năng tổn thương của khu vực kinh tế đối ngoại gồm đánh giá mức độ vay mượn nước ngoài quá mức, sử dụng chỉ số đánh giá quy mô nợ nước ngoài/GDP, quy mô dự trữ và thâm hụt cán cân vãng lai. Việc đánh giá tính dễ tổn thương của khu vực kinh tế đối ngoại xuất phát từ quan ngại nguy cơ khủng hoảng tiền tệ và ngân hàng có thể diễn ra đồng thời.
 
Thứ tư, đánh giá khả năng tổn thương của khu vực chính phủ: tình trạng thâm hụt ngân sách và quy mô quá lớn của nợ chính phủ có thể dẫn đến khủng hoảng ngân hàng. Đánh giá khả năng tổn thương của khu vực chính phủ/tài khóa sử dụng các chỉ số tổng nợ của chính phủ, thâm hụt tài khóa/ngân sách và thu ngân sách của chính phủ. Tất cả đều đo trên GDP.   
 
Ngoài cách tiếp cận đánh giá theo các khu vực truyền thống, tính tổn thương của hệ thống tài chính có thể được đánh giá bổ sung từ một số cách tiếp cận khác như đánh giá khẩu vị rủi ro và vấn đề định giá tài sản, đánh giá các quy định an toàn trong khuôn khổ quản lý và giám sát; hệ thống mạng an toàn tài chính và xử lý khủng hoảng (Barry Johnston và các cộng sự, 2000). Cụ thể:
 
Đánh giá khẩu vị rủi ro/định giá tài sản nhằm xem xét việc gia tăng mức độ chấp nhận rủi ro có thể dẫn đến việc hình thành các mất cân đối nghiêm trọng và sự điều chỉnh nhanh sau đó có thể dẫn đến các mất cân đối tài chính vĩ mô. Đánh giá khẩu vị rủi ro thường sử dụng các chỉ số đánh giá áp lực thị trường hay mức độ biến động giá từ khu vực nhà ở, bất động sản thương mại, tín dụng doanh nghiệp. 
 
Trong cách tiếp cận dựa trên đánh giá khung giám sát, tính đầy đủ của khung giám sát, trong đó bao gồm cả việc đánh giá tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ tốt nhất đóng vai trò quan trọng, được nhấn mạnh. Đánh giá khung giám sát giúp xác định xem hệ thống giám sát có phù hợp với giải quyết các rủi ro mà hệ thống tài chính phải đối mặt. 
 
Nội dung đánh giá rủi ro khủng hoảng tài chính, ngân hàng
 
Đánh giá rủi ro khủng hoảng khó hơn nhiều so với đánh giá tính tổn thương do khủng hoảng là sự tương tác giữa cú sốc và tình trạng tổn thương. Chính vì vậy, đánh giá rủi ro khủng hoảng chủ yếu dựa trên đánh giá định tính và tập trung vào xác suất xảy ra khủng hoảng trong một giai đoạn nhất định. Rủi ro khủng hoảng thường được phân nhóm thành: thấp, trung bình và cao. 
 
Rủi ro khủng hoảng của một quốc gia được đánh giá dựa trên kết hợp thông tin về tính tổn thương và phân tích các cú sốc tiềm năng có thể kích hoạt khủng hoảng. Thông qua đánh giá các khu vực khác nhau đã xác định tình trạng tổn thương, việc xác định các cú sốc dẫn đến khủng hoảng sẽ thông qua phân tích về (i) điều kiện thị trường tài chính; (ii) tính lan truyền; và (iii) phân tích kịch bản (IMF, 2007).
 
Phân tích điều kiện thị trường tài chính là yếu tố then chốt để đánh giá rủi ro khủng hoảng. Thông tin về điều kiện tài chính được xem xét bằng các chỉ số thị trường chung như lãi suất thị trường (lãi suất cơ bản của FED, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, lãi suất trái phiếu các thị trường mới nổi…), quy mô dòng vốn vào, ra và các chỉ số riêng phù hợp với điều kiện từng quốc gia như các chỉ số đánh giá rủi ro vỡ nợ quốc gia (Chênh lệch lãi suất trái phiếu Chính phủ - Sovereign bond spread và CDS spread), các chỉ số phản ánh chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế, giá các quyền chọn.
 
Phân tích khả năng lan truyền tập trung vào kênh truyền dẫn rủi ro giữa các quốc gia do các cú sốc có thể lan truyền xuyên quốc gia. Sự lan truyền đã là ngòi nổ kích hoạt khủng hoảng quan trọng trong quá khứ, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng cán cân tài khoản vốn. Kênh truyền dẫn căn bản thông qua lan truyền kinh tế như thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tác động điều chỉnh giảm tỷ giá và các cú sốc bên ngoài như giá hàng hóa cơ bản, lãi suất toàn cầu. Kênh truyền dẫn thuần túy qua thị trường tài chính tác động đến các quốc gia, thậm chí giữa các quốc gia không có mối quan hệ kinh tế gần gũi lẫn có chung nhiều đặc điểm bởi các quyết định của nhà đầu tư tại các nước gắn chặt với nhau bởi sự quan ngại về quản lý rủi ro tổng thể và lợi nhuận, một sự kiện ảnh hưởng đầu tư của một nước có thể tác động đến đầu tư tại một nước khác.  
 
Phân tích kịch bản nhằm đánh giá các kịch bản nghiêm trọng để từ đó xây dựng các bài kiểm định khả năng chịu đựng đối với các chỉ số tổn thương chính nhằm xác định các điểm căng thẳng tiềm năng.    
 
2. Phương pháp xây dựng hệ thống đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng 
 
Hệ thống đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng được xây dựng với mục đích phát hiện các tổn thương tài chính vĩ mô khi nó mới ở giai đoạn đầu và giúp khắc phục các tổn thương đó một cách kịp thời, ngăn ngừa sự suy giảm lòng tin của công chúng vào hệ thống tài chính. Hệ thống có mục đích cảnh báo sớm này có thể được xây dựng cho từng TCTC, cho các khu vực trong hệ thống tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và cho toàn bộ khu vực tài chính một quốc gia. 
Các bước tổng quát để xây dựng một hệ thống đánh giá tổn thương và rủi ro khủng hoảng tài chính gồm: (Xem hình)
 

Bước 1: Xác định thời điểm khủng hoảng dựa trên sự biến động của các chỉ số phản ánh khủng hoảng trong các nghiên cứu, hoặc dựa trên các sự kiện khủng hoảng.
 
Bước 2: Lựa chọn các chỉ số đánh giá tính tổn thương.
 
Bước 3: Lựa chọn phương pháp để xác định ngưỡng cảnh báo cho từng chỉ số và trọng số.
 
Bước 4: Báo cáo kết quả phân tích.
 
Mô hình cho việc đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng:
 
Yếu tố then chốt trong xây dựng hệ thống đánh giá tổn thương và cảnh báo rủi ro khủng hoảng tài chính nói chung và các khủng hoảng riêng biệt như tiền tệ, ngân hàng, nợ là xác định chính xác các chỉ số có khả năng phản ánh tình trạng tổn thương (Bước 2). Tiếp theo việc xác định được ngưỡng cảnh báo của các chỉ số và vai trò của từng chỉ số trong việc cảnh báo (trọng số trong mô hình) (Bước 3). Ngoài ra, phân tích diễn giải kết quả của hệ thống cũng phụ thuộc rất nhiều vào mô hình cảnh báo được lựa chọn (Bước 4). Như vậy, mô hình được sử dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xác định chỉ số, ngưỡng cảnh báo và đánh giá kết quả mô hình. 
 
Mô hình được lựa chọn để xây dựng hệ thống có thể dựa trên 02 mô hình phổ biến là (1) mô hình phi tham số hay mô hình tín hiệu và (2) mô hình tham số hoặc kết hợp cả hai mô hình.  
 
Về mô hình phi tham số: Đây là một trong những mô hình/phương pháp tiếp cận được xây dựng sớm nhất và được sử dụng phổ biến nhất trong cảnh báo sớm. Theo mô hình này, năng lực dự báo của các chỉ số tổn thương được đánh giá dựa trên khả năng dự báo chính xác các sự kiện khủng hoảng xảy ra trong quá khứ mà không phát ra quá nhiều cảnh báo sai. Tín hiệu cảnh báo được phát ra trực tiếp từ các biến dự báo khi các biến này chạm ngưỡng đã được xác định trước. Để phản ánh các khu vực khác nhau trong đánh giá khả năng tổn thương, các chỉ số lựa chọn được xếp vào các khu vực khác nhau như chỉ số tổn thương của khu vực tài chính, khu vực phi tài chính, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực chính phủ…
 
Về mô hình tham số: Mô hình tham số là một phương pháp tiếp cận thay thế cho việc xem xét các chỉ số tổn thương có khả năng cảnh báo sớm. Thay vì tính ngưỡng cho từng chỉ số, mô hình này sẽ dự đoán xác suất xảy ra cuộc khủng hoảng trong khung thời gian dự báo. Mô hình tham số dựa trên hồi quy logit/probit biến phụ thuộc là biến khủng hoảng (chỉ nhận giá trị 0 hoặc 1) với một tập hợp các biến độc lập là các chỉ số kinh tế, tài chính vĩ mô. Xác suất khủng hoảng được ước lượng dựa trên kết quả hồi quy. Thực tiễn các mô hình tham số tính toán xác suất khủng hoảng đã được phát triển trong các nghiên cứu từ thập niên 80. Tuy nhiên, các thế hệ mô hình tham số đầu tiên chủ yếu gắn với các chỉ số đánh giá khủng hoảng tiền tệ, các mô hình gần đây tập trung nhiều hơn vào các chỉ số đánh giá xác suất khủng hoảng ngân hàng hoặc kết hợp khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng tiền tệ. Các biến trong mô hình thế hệ gần nhất gồm các yếu tố kinh tế như chỉ số lạm phát CPI, tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách, cán cân thanh toán, cung tiền, tín dụng trong nước và các yếu tố phi kinh tế như: kỳ vọng, hành vi bầy đàn và tính lan truyền, khung pháp luật, luật bảo vệ quyền sở hữu, quy định tài chính...
 
Nhìn chung, mô hình phi tham số (tín hiệu) hay tham số đều có ưu/nhược điểm riêng như mô hình tham số thường đơn giản, thích nghi được với sự khác biệt về mặt số liệu, đặc biệt chỉ ra được ngưỡng phát tín hiệu cụ thể cho từng chỉ số cảnh báo, song phương pháp này lại bỏ qua sự tương quan giữa các biến. Mô hình tham số tập trung đến vấn đề dự báo xác suất xảy ra cuộc khủng hoảng trong tương lai, cho phép kiểm tra mối liên hệ trực tiếp giữa khủng hoảng và các biến độc lập, tuy nhiên lại chỉ xem xét được một số lượng rất hạn chế các biến. Để khắc phục các hạn chế của từng mô hình, người ta thường sử dụng kết hợp cả hai cách tiếp cận phi tham số và tham số. (Xem bảng)
 
3. Thực trạng xây dựng và phát triển hệ thống đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng tại Ngân hàng Nhà nước
 
Giai đoạn trước 2012 (2008 - 2011)
 
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong tăng trưởng kinh tế và phát triển hệ thống tài chính sau hơn ba mươi năm đổi mới. Dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, quy mô của hệ thống tài chính ngày càng phát triển. Năm 2011, hệ thống tài chính Việt Nam có tổng tài sản chiếm tới 20% GDP, trong đó, khu vực ngân hàng chi phối hệ thống tài chính với tài sản tương đương 190%. Hệ thống tài chính Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2011 đã trải qua nhiều biến động và bất ổn xuất phát từ những yếu kém của nền kinh tế nói chung và bản thân hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng. Tính lành mạnh, khả năng chống đỡ các cú sốc bên ngoài của hệ thống ngân hàng còn yếu, rủi ro thanh khoản và mất an toàn hệ thống còn hiện hữu. Trình độ công nghệ và kỹ năng kinh doanh của hệ thống còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm tài chính còn kém đa dạng. Tình trạng sở hữu chéo tương đối phức tạp. Đặc biệt trong giai đoạn 2007 - 2011, do tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước, bất ổn của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, khó khăn của khu vực doanh nghiệp và các yếu tố nội tại (năng lực quản trị yếu kém, rủi ro đạo đức…), hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ và cũng đã phải tiến hành tái cấu trúc nhiều ngân hàng. Trong bối cảnh đó, về cơ bản, NHNN trước giai đoạn 2012 chưa triển khai hệ thống cảnh báo sớm chính thức và toàn diện. 
 
Giai đoạn từ 2012 đến nay
 
Từ năm 2012 đến nay, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và nỗ lực tự nghiên cứu, các Vụ, Cục của NHNN đã xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm vĩ mô, vi mô nhưng chưa hoàn thiện, mới chủ yếu dừng ở công tác thử nghiệm; vẫn đang trong quá trình tiếp tục nâng cấp và chưa triển khai chính thức (hệ thống cảnh báo sớm căng thẳng tiền tệ và ngân hàng của Vụ Dự báo thống kê - NHNN, hệ thống cảnh báo sớm dựa trên mô hình của IMF của Vụ Ổn định tiền tệ, tài chính, hệ thống cảnh báo sớm rủi ro đối với các TCTD của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng). Các mô hình này được xây dựng chủ yếu xuất phát từ đề xuất đơn lẻ của các đơn vị, với các kỹ thuật và giả định khác nhau nhằm phục vụ công tác của mình, chưa có sự tổng hợp kiểm tra kết quả cảnh báo từ các mô hình khác nhau. Do vậy, tính hệ thống trong xây dựng hệ thống đánh giá tính tổn thương và cảnh báo sớm của NHNN còn hạn chế, các hệ thống hiện có chưa được chuẩn hóa và triển khai chính thức.  
 
4. Đề xuất xây dựng hệ thống đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng tại Ngân hàng Nhà nước
 
Khủng hoảng tài chính và khủng hoảng ngân hàng có tác động nghiêm trọng tới kinh tế vĩ mô như làm suy giảm GDP, đầu tư và tiêu dùng; gia tăng chi phí tài khóa và nợ công do việc xử lý khó khăn về tài chính và tái cấu trúc khu vực tài chính; bóp méo điều kiện tín dụng và thị trường tài sản (giá bất động sản, cổ phiếu...). Vì vậy, với vai trò là NHTW và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, chịu trách nhiệm về đảm bảo ổn định tiền tệ và góp phần ổn định hệ thống tài chính, NHNN cần phát triển hệ thống đánh giá tổn thương và cảnh báo rủi ro khủng hoảng chính thức. Việc đánh giá tổn thương và rủi ro khủng hoảng cho phép xác định các tổn thương mang tính hệ thống, cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra từ đó khuyến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan những hành động chính sách cần thiết. 
 
Ngoài ra, hàng năm IMF có xây dựng các báo cáo giám sát ổn định tài chính của Việt Nam (Báo cáo Đoàn Điều IV). Báo cáo Đoàn điều IV nhằm xác định tổn thương của các khu vực kinh tế đối ngoại (bên ngoài), tài chính, khu vực công và kinh tế thực của mỗi quốc gia nhằm làm cơ sở cho các thảo luận chính sách (tiền tệ, tài khóa, chính sách cấu trúc) và khuyến nghị nhằm ngăn ngừa và ứng phó với khủng hoảng. Hệ thống cảnh báo sớm được IMF sử dụng như là đầu vào cơ bản trong việc xây dựng báo cáo Đoàn Điều IV. Điều này cho thấy NHNN nên chủ động trong việc phát triển một mô hình tương tự, có điều chỉnh dựa trên hiểu biết và giả định của các chuyên gia của NHNN, nhằm kịp thời phát hiện khu vực chính có tổn thương đồng thời làm cơ sở để trao đổi kết quả đánh giá với IMF (các giả định của chuyên gia IMF trong mô hình có thể khác với chuyên gia của NHNN). 
 
Từ góc độ lý luận về nội dung đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng nêu trên và thực tiễn thực thi nhiệm vụ phân tích đánh giá ổn định tài chính hiện nay của NHNN, hệ thống đánh giá tổn thương và cảnh báo sớm khủng hoảng ngân hàng, tài chính nên được cấu trúc gồm cả hai cấp độ vĩ mô và vi mô. 
 
Ở cấp độ vĩ mô, hệ thống đánh giá tính tổn thương và rủi ro khủng hoảng được xây dựng cho phép xác định tổng thể các tổn thương của các khu vực khác nhau trong nền kinh tế song chú trọng vào khu vực tài chính với các biến số chủ yếu là hệ thống ngân hàng (nhằm tập trung dự báo rủi ro khủng hoảng ngân hàng). Hệ thống cảnh báo sớm vĩ mô này có thể xây dựng trên cả hai hướng tiếp cận. Một là dựa trên dữ liệu đa quốc gia nhằm xem xét tương quan và so sánh mức độ tổn thương giữa các quốc gia mới nổi, thu nhập trung bình, trong đó có Việt Nam. Nguồn dữ liệu đa quốc gia được chiết xuất chủ yếu từ cơ sở dữ liệu quốc tế của IMF, Ngân hàng thế giới (WB), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Hai là dựa trên dữ liệu của riêng Việt Nam. Trường hợp sử dụng dữ liệu của riêng Việt Nam, các chỉ số tổn thương cho từng khu vực sẽ phong phú hơn so với mô hình sử dụng dữ liệu đa quốc gia. Về phát triển hệ thống vĩ mô, Vụ Ổn định Tiền tệ tài chính nên được giao trách nhiệm đầu mối. 
 
Ở cấp độ vi mô, hệ thống đánh giá tổn thương và rủi ro khủng hoảng được phát triển dựa trên các dữ liệu ở cấp độ tổ chức. Để chú trọng vào tổn thương và xác suất khủng hoảng ngân hàng, các chỉ số tổng hợp của hệ thống sẽ đánh giá các rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động được sử dụng trong mô hình. Mô hình phổ biến để cảnh báo sớm đối với các ngân hàng từ góc độ vi mô là sử dụng các chỉ số gắn với hệ thống đánh giá CAMELS. Việc phát triển hệ thống vi mô có thể trao trách nhiệm đầu mối cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. 
 
Đối với cả hệ thống vĩ mô và vi mô, các mô hình phi tham số và tham số đều có thể được sử dụng để sàng lọc các chỉ số, tính toán ngưỡng cảnh báo và xác suất khủng hoảng.
 
Như vậy, nếu phát triển và triển khai chính thức hệ thống cảnh báo sớm của NHNN như trên thì đây là một hệ thống nhiều tầng lớp, từ đánh giá tương quan với nhiều nước đến đánh giá riêng đối với Việt Nam (hoặc từng nhóm nước riêng biệt như ASEAN để so sánh); từ đánh giá tính dễ tổn thương ở góc độ hệ thống vĩ mô đến góc độ vi mô cho từng ngân hàng/nhóm ngân hàng.
 
Để đảm bảo hệ thống hiệu quả, các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo sớm cần lưu ý những vấn đề sau: 
 
Một là, chú trọng lựa chọn được các chỉ số tốt nhất có tính dự báo cao, với tần suất và chất lượng dữ liệu được đảm bảo vì các phương pháp, mô hình đều xoay quanh các chỉ số. 
 
Hai là, các hệ thống cần liên tục kiểm định về mô hình, dữ liệu và nhận định, diễn giải kết quả để điều chỉnh kịp thời vì khủng hoảng tài chính vẫn luôn diễn ra với nguyên nhân tương tự nhau nhưng mức độ, thời điểm và vấn đề phát sinh lại khác nhau. Các chỉ số cần được cập nhật và thử nghiệm liên tục mỗi khi phát sinh điều chỉnh để đảm bảo tính vững của mô hình. Các kết quả từ hệ thống cảnh báo sớm cần được tập hợp, báo cáo định kỳ cho Tổ công tác về ổn định tiền tệ, tài chính của NHNN để nhận các đánh giá phản biện của các thành viên trước khi báo cáo chính thức lãnh đạo NHNN. 
 
Ba là, xây dựng được một hệ thống nhiều tầng lớp như trên không chỉ đòi hỏi việc nắm bắt tốt kỹ thuật phát triển mô hình phân tích mà còn đòi hỏi với tần suất dữ liệu cao hơn (theo tháng, theo quý, năm) để cảnh báo cho nhiều loại khủng hoảng khác nhau (khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng dòng vốn...). Điều này đòi hỏi sự ủng hộ của Lãnh đạo NHNN và các Vụ/Cục liên quan trong việc tạo điều kiện về mặt cung cấp thông tin/số liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng với tần suất hợp lý cho các đơn vị đầu mối triển khai hệ thống.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Adrian, Tobias and Covitz, Daniel M. and Liang, Nellie (2014). Financial Stability Monitoring. Federal Reserve Bank of New York Staff Reports, no. 601. 
2. Aikman, Kiley, Lee, Palumbo, and Warusawitharana (2017). Mapping Heat in the U.S Financial System. Finance and Economics Discussion Series 2015-059. Washington: Board of Governors of the Federal Reserve System.
3. Barry Johnston, Jingqing Chai, Liliana Schumacher (2000), Assessing Financial System Vulnerability. IMF Working paper WP/00/76.
4. Claessent và Kose (2013). Financial Crises: Explanations, Types and Implications. International Monetary Fund.
5. IMF (2007). Assessing Underlying Vulnerabilities and Crisis Risks in Emerging Market Countries - A new Approach. International Monetary Fund.
6. IMF (2015). Guidance Note for 
Surveillance Under Article IV Consultations. International Monetary Fund. 
7. Joe McLaughlin, Nathan Palmer, Adam Minson, Eric Parolin (2018). The OFR Financial System Vulnerabilities Monitor. OFR Working Paper.
8. Laeven và Valencia (2012), Systemic Banking Crisis Database: An update. International Monetary Fund.
9. Seung Jung Lee, Kelly E Posenau, Viktors Stebunovs (2017). The Anatomy of Financial Vulnerabilities and Crises. International Finance Discussion Papers, Board of Governors of the Federal Reserve System.
10. Smit, B. và Wandel, J (2006). Adaptation, adaptive capacity and vulnerability. Global Environmental Change, 16(3):282-292.

ThS. Nguyễn Vĩnh Hưng
ThS. Phan Minh Anh


TCNH số 1+2/2020


 
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Tác động của tín dụng xanh đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam: Vai trò điều tiết của quy mô ngân hàng
Tác động của tín dụng xanh đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam: Vai trò điều tiết của quy mô ngân hàng
20/09/2024 10:40 54 lượt xem
Trong bối cảnh mở rộng và thúc đẩy tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đang dần trở thành lĩnh vực kinh doanh tiềm năng mà các tổ chức tín dụng ngày càng quan tâm.
Phát triển thanh toán qua kênh điện thoại di động ở Việt Nam hiện nay
Phát triển thanh toán qua kênh điện thoại di động ở Việt Nam hiện nay
16/09/2024 08:14 329 lượt xem
Bài viết nghiên cứu sự phát triển của thanh toán qua kênh ĐTDĐ ở Việt Nam trong những năm gần đây, chỉ ra những điểm tích cực và hạn chế trong thanh toán qua kênh ĐTDĐ thời gian qua. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động thanh toán qua kênh ĐTDĐ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Các biến thể tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và những tác động lên bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương
Các biến thể tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và những tác động lên bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương
10/09/2024 08:28 615 lượt xem
Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử đã mở đường cho sự ra đời và phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC.
Tác động của rủi ro địa chính trị và bất ổn chính sách kinh tế thế giới đến giá thị trường của cổ phiếu tại Việt Nam
Tác động của rủi ro địa chính trị và bất ổn chính sách kinh tế thế giới đến giá thị trường của cổ phiếu tại Việt Nam
06/09/2024 11:22 1.090 lượt xem
Trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng kết nối chặt chẽ, thị trường chứng khoán (TTCK) không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trong nước mà còn bởi các sự kiện và chính sách quốc tế.
Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại các ngân hàng thương mại Việt Nam - Đánh giá từ phía ngân hàng
Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại các ngân hàng thương mại Việt Nam - Đánh giá từ phía ngân hàng
30/08/2024 08:01 1.256 lượt xem
Hiện nay, dịch vụ ngân hàng số là xu hướng phát triển tất yếu của các ngân hàng thương mại (NHTM). Đứng trước xu thế phát triển tất yếu này, các NHTM cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thay đổi nhận thức trong xây dựng chiến lược kinh doanh của mình, hướng đến lấy khách hàng làm trung tâm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường
Khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường
29/08/2024 09:21 1.112 lượt xem
Việc Việt Nam được xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường góp phần cải thiện hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp tháo gỡ nhiều trở ngại và rào cản, tạo sự bình đẳng và giảm thiểu các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước khác đối với Việt Nam trong các mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư.
Biến đổi khí hậu, chính sách khí hậu và một số khuyến nghị
Biến đổi khí hậu, chính sách khí hậu và một số khuyến nghị
28/08/2024 11:00 957 lượt xem
Bài viết này tổng hợp một số nghiên cứu kinh tế để xác định tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế trong trung hạn và dài hạn.
Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến dòng vốn FDI vào Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách
Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến dòng vốn FDI vào Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách
26/08/2024 09:22 847 lượt xem
Nghiên cứu này đánh giá tác động Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp.
Đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020
Đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020
16/08/2024 07:06 956 lượt xem
Bài viết nghiên cứu quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN), đưa ra những phân tích, đánh giá, chỉ ra những điểm tiến bộ cũng như những tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật
Mô hình kinh doanh và tác động tới khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại Việt Nam
Mô hình kinh doanh và tác động tới khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại Việt Nam
14/08/2024 08:09 1.172 lượt xem
Mô hình kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp. Một cách tổng quát, mô hình kinh doanh mô tả cách một doanh nghiệp tạo ra và phân phối giá trị (Osterwalder và Pigneur, 2010).
Phát triển dịch vụ mua trước trả sau tại thị trường Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Phát triển dịch vụ mua trước trả sau tại thị trường Việt Nam: Cơ hội và thách thức
08/08/2024 07:50 1.325 lượt xem
Dịch vụ mua trước trả sau không chỉ là dịch vụ mới nổi tại Việt Nam mà còn là một xu hướng toàn cầu, có nguồn gốc từ sự phát triển của công nghệ thanh toán và tín dụng tiêu dùng.
Tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam
Tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam
02/08/2024 08:09 1.077 lượt xem
Bài viết tìm hiểu khái niệm “tăng trưởng xanh”, Bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh, các thành tựu đã đạt được cũng như khó khăn phải đối mặt, từ đó đưa ra khuyến nghị đóng góp vào quá trình tăng trưởng xanh hướng đến kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ưu đãi lãi suất trong hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị
Ưu đãi lãi suất trong hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị
31/07/2024 08:15 1.045 lượt xem
Bài viết nghiên cứu chính sách lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước và thực trạng vận hành chính sách đó trong việc xác định lãi suất cho vay đối với các dự án đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Phát triển thị trường tiền tệ liên ngân hàng tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
Phát triển thị trường tiền tệ liên ngân hàng tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
29/07/2024 14:02 1.262 lượt xem
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng là thị trường đầu tiên phân bổ nguồn vốn cho nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối dòng tiền, đảm bảo duy trì giá trị đồng tiền và phòng, chống rửa tiền. Bài viết phân tích thực trạng thị trường tiền tệ liên ngân hàng giai đoạn 2018 - 2023, qua đó đưa ra một số khuyến nghị đối với sự phát triển thị trường tiền tệ liên ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và triển vọng
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và triển vọng
26/07/2024 08:35 3.851 lượt xem
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là một trong năm mũi đột phá của Việt Nam cần được tập trung để thúc đẩy tăng trưởng phát triển và hội nhập.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

80.000

82.000

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

80.000

82.000

Vàng SJC 5c

80.000

82.020

Vàng nhẫn 9999

77.900

79.200

Vàng nữ trang 9999

77.800

78.800


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,360 24,730 26,526 27,982 31,456 32,795 168.91 178.78
BIDV 24,400 24,740 26,774 27,992 31,880 32,828 170.69 178.32
VietinBank 24,373 24,713 26,765 27,965 31,875 32,885 170.38 178.13
Agribank 24,370 24,720 26,681 27,903 31,654 32,768 169.50 178.08
Eximbank 24,340 24,820 26,731 27,759 31,732 32,897 171.16 177.77
ACB 24,360 24,720 26,754 27,687 31,846 32,825 170.62 177.46
Sacombank 24,710 25,050 27,321 28,074 32,561 33,263 169.55 175.56
Techcombank 24,678 25,069 26,942 28,299 32,019 33,351 164.87 177.39
LPBank 24,490 25,250 26,981 28,628 32,421 33,426 167.40 179.30
DongA Bank 24,740 25,050 27,120 27,950 32,280 33,250 166.80 174.30
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
2,20
2,20
2,50
3,50
3,50
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,60
3,60
3,60
4,90
4,90
5,30
5,20
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?