Tóm tắt: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là một trong năm mũi đột phá1 của Việt Nam cần được tập trung để thúc đẩy tăng trưởng phát triển và hội nhập. Bài viết gồm ba nội dung: Thứ nhất, tìm hiểu thực trạng thu hút FDI của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024; thứ hai, đề xuất một số giải pháp để thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới; cuối cùng, đánh giá triển vọng thu hút FDI của Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo dựa trên ba yếu tố cốt lõi với những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
Từ khóa: FDI, giải pháp, triển vọng, Việt Nam.
ATTRACTING FOREIGN DIRECT INVESTMENT INTO VIETNAM IN FIRST 6 MONTHS 2024 AND OUTLOOK
Abstract: Attracting foreign direct investment (FDI) is considered one of the five breakthroughs of Vietnam that need to be focused on promoting growth, development and integration. This article consists of 3 contents: Firstly, exploring the current situation of Vietnam's FDI attraction in the first 6 months of 2024; Secondly, proposing some solutions to attract Vietnam's FDI in the coming time; Finally, providing some assessments of Vietnam's FDI attraction prospects in 2024 and in the coming years based on 3 core factors with Vietnam's competitive advantages in the region.
Keyword: FDI, solution, prospect, Vietnam.
1. Thu hút FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc, thu hút FDI vào Việt Nam vẫn tăng cao về vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn. Thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 15,19 tỉ USD. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2024).
Năm 2024, Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn nên làn sóng đầu tư vào Việt Nam đang tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất chất bán dẫn. Tính lũy kế đến tháng 6/2024, Việt Nam có 40.544 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 308 tỉ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Chất lượng các dự án đầu tư được cải thiện đáng kể. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bảng 1: Thu hút FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024
Đơn vị: Tỉ USD
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Vốn đăng ký cấp mới có 1.538 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023 về số dự án và tăng 46,9% về số vốn đăng ký. Vốn đăng ký cấp mới tăng đồng nghĩa dự án mới vào sẽ gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Vốn điều chỉnh có 592 lượt dự án đầu tư (giảm 6,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 3,95 tỉ USD (tăng 35% so với cùng kỳ). Góp vốn, mua cổ phần có 1.420 giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 10,9% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,7 tỉ USD (giảm 57,7% so với cùng kỳ). Mặc dù vốn FDI điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần có dấu hiệu giảm, nhưng chỉ là sự chững lại tạm thời. Trong khi vốn FDI thực hiện mới tăng chính là “thước đo” quan trọng nhất, chứng minh hiệu quả dòng vốn FDI đã đi vào nền kinh tế.
Về đối tác đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các đối tác đầu tư lớn nhất đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam đến từ châu Á. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,58 tỉ USD, chiếm gần 36,7% tổng vốn đầu tư, tăng 86% so với năm 2023; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,73 tỉ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) tổng vốn đầu tư 1,18 tỉ USD, chiếm 12,4%; Trung Quốc tổng vốn đầu tư 1,01 tỉ USD, chiếm 10,6%; Thổ Nhĩ Kỳ tổng vốn đầu tư 730,1 triệu USD, chiếm 7,7%; Đài Loan tổng vốn đầu tư 529,8 triệu USD, chiếm 5,6%.
Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút được vốn FDI mới có chất lượng cao hơn
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 10,69 tỉ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,47 tỉ USD, chiếm gần 16,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 61,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn gần 614 triệu USDvà hơn 452 triệu USD; còn lại là các ngành khác. Việt Nam có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tập vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là tín hiệu tốt, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp của Việt Nam, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,2%) và điều chỉnh vốn (chiếm 67,9%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần cao nhất (chiếm gần 43,5%).
Bảng 2: Doanh nghiệp thành lập mới và giải thể theo lĩnh vực đầu tư 6 tháng đầu năm 2024
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Về hình thức đầu tư, đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 480,3 triệu USD, chiếm 28,3% trị giá góp vốn, mua cổ phần. Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 324,7 triệu USD, chiếm 19,1%; ngành còn lại 893,1 triệu USD, chiếm 52,6% gồm dự án sản xuất văn phòng phẩm của Deli có vốn đầu tư 270 triệu USD, dự án sản xuất tấm tế bào quang điện BoViet có quy mô hơn 120 triệu USD, dự án như dự án sản xuất đồ chơi, văn phòng phẩm, điện gia dụng… của nhà đầu tư Korninghill Group Ltd (Hồng Kông) với vốn đầu tư 3 triệu USD; dự án sản xuất bộ đàm và các sản phẩm từ plastic của nhà đầu tư Jia Ri Xing Ltd với vốn đầu tư khoảng 4 triệu USD…
Về địa bàn đầu tư, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư). Trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,58 tỉ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 3,1 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu với gần 1,54 tỉ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ. Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,36 tỉ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu xét về số dự án, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số dự án mới (chiếm 38,8%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm gần 71,5%). Bắc Ninh dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 13,5%).
2. Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam
Năm 2024, triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực nhờ ba yếu tố cốt lõi:
Một là, vốn FDI đóng vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia. Việt Nam có triển vọng đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong và ngành công nghệ đang trải qua rất nhiều đổi mới và số hóa. Nhiều khả năng 80% vốn FDI của Việt Nam trong năm 2024 sẽ hướng vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp (nhà xưởng, các dự án hỗ trợ như nhà máy phát điện, hạ tầng kho vận…). Tiếp đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng đang thu hút sự quan tâm, với sự tập trung ngày càng tăng vào các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió để tăng cường bền vững nguồn cung cấp điện cho Việt Nam.
Việt Nam đang trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, như: Bán dẫn, năng lượng mặt trời, điện gió, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech). Đây là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Hai là, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có nhiều triển vọng. Các nhà đầu tư kỳ vọng rất nhiều vào nền kinh tế có sức phục hồi lớn đang diễn ra. Đây là yếu tố quan trọng để tác động đầu tư. Niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố, các nhà đầu tư hiện hữu đều tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ và tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam, đồng thời nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn.
Việt Nam đứng thứ 25/60 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hấp dẫn nhất thế giới2. Với thứ hạng 25, Việt Nam đã vượt trên các nước trong khu vực Đông Nam Á rất mạnh về thu hút FDI như Indonesia, Philippines và Thái Lan nhờ cách tiếp cận giảm tổng chi phí cho các FDI, nhờ quy mô thị trường nội địa lớn và có sức chi tiêu đầy hấp dẫn. Việt Nam đứng đầu danh sách, với 42,3% trong số 122 doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%)3. Các doanh nghiệp Nhật Bản di dời khỏi Trung Quốc không chỉ vì chiến tranh thương mại, mà còn để “né tránh” chi phí đầu vào ngày càng tăng cao ở thị trường Trung Quốc.
Ba là, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn từ bên ngoài liên quan đến vấn đề giá cả một số mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, chỉ số CPI bình quân của Việt Nam vẫn ở mức khoảng 4% trong phạm vi mục tiêu Quốc hội đề ra; chỉ số lạm phát cơ bản ở mức hơn 2% cho thấy, nền kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là điều quan trọng nhà đầu tư rất cần để đầu tư được bảo đảm4.
Đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn cũng tăng. Nhận định của các tổ chức quốc tế đều khẳng định, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc và khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam ở Đông Nam Á nổi trội, được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, đó là:
Thứ nhất, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội Việt Nam ổn định và được biết đến là một trong những nền kinh tế năng động nhất. Những yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỉ lệ trên 90%. Sự ổn định chính trị - xã hội đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước khiến các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Hơn nữa, các yếu tố như thị trường tiềm năng với dân số 100,3 triệu người (2023), thu nhập bình quân đầu người tăng (gần 4.400 USD), định hướng thu hút đầu tư nước ngoài được công bố rõ ràng, cơ sở hạ tầng tiếp tục được phát triển, vị trí địa lý cũng thuận lợi, tài nguyên về đất đai và nguồn lực lao động là thế mạnh để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Việc kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm giúp Việt Nam có ưu thế hơn so với các quốc gia khác.
Thứ hai, vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Với vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Á - nơi tập trung nhiều nền kinh tế lớn và sôi động. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía Tây Bán đảo Đông Dương. So với Ấn Độ và Indonesia - những quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI ở Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn. Việt Nam gần Trung Quốc nhất, khoảng cách vận chuyển dễ dàng. Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành một cứ điểm sản xuất smartphone, máy tính bảng của Samsung. Bên cạnh đó, Việt Nam có cộng đồng ASEAN - là thị trường với 650 triệu dân, quy mô thị trường lớn hơn EU, với các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia..., cùng với tư cách thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Việt Nam có cơ hội lớn tiếp cận một cách cạnh tranh với thị trường khu vực; đồng thời, Việt Nam còn có lợi thế là trung tâm của khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới - khu vực ASEAN5.
Thứ ba, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn toàn cầu như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga...; trong đó có những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP (2019), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) (2020), RCEP (2022)… đang tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn giúp Việt Nam tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia của nhóm G20. Làn sóng này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu, cũng như gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) mang tới cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu, cũng như từ các quốc gia muốn hưởng lợi chính sách ưu đãi thuế.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) có hiệu lực tháng 12/2020, được dự báo không chỉ thúc đẩy xuất khẩu vào Anh, mà còn thu hút nguồn vốn FDI vào các ngành có lợi thế của Việt Nam. Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tạo điều kiện cho Việt Nam có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để thu hút FDI thế hệ mới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, nâng cao tiềm lực nội sinh để khu vực kinh tế FDI có tác động lan tỏa với doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao công nghệ, tập trung hiện đại hóa hạ tầng kinh tế xã hội (hạ tầng năng lượng sạch đáp ứng đòi hỏi của mục tiêu Net Zero) và tiếp tục thúc đẩy, cải cách nền hành chính quốc gia.
Thứ tư, mức giá thuê văn phòng đầu tư hợp lý. Chi phí nhân công của Việt Nam dù đang tăng, nhưng vẫn ở mức rất cạnh tranh so với thế giới, đồng thời chi phí năng lượng và nhiên liệu của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực. Giá thuê các khu công nghiệp trung bình cũng thấp hơn. Tỉ lệ lấp đầy và giá thuê các khu công nghiệp của Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45 - 50% so với mức giá thuê của các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Theo đánh giá của Ông Troy Griffths, Phó Giám đốc Savills Việt Nam, so sánh trong khu vực thì giá thuê văn phòng tại Việt Nam khá khiêm tốn. Chi phí lao động của Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Với các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp có năng suất cao và các tài nguyên dầu, khí và nhiều khoáng sản khác, chi phí của nhiều nguyên vật liệu thiết yếu cũng có tính cạnh tranh. Chính sách ưu đãi thuế cao cũng là một yếu tố nữa làm tăng sự hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò điểm đến đầu tư. Sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu và sự linh hoạt trong việc thay đổi quy định đã giúp Việt Nam đạt thứ hạng 69/190 quốc gia trên toàn thế giới trong “Bảng xếp hạng kinh doanh thuận lợi” của Ngân hàng Thế giới (WB), vượt trên mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên các đối thủ Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Lào6.
Thứ năm, đồng tiền ổn định với giá điện phù hợp. Đồng tiền Việt Nam đang được đánh giá ổn định nhất khu vực. Tỉ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD chỉ tăng 0,26%, trong khi đồng tiền các nước trong khu vực mất giá khoảng 1 - 5% so với đồng USD. Các yếu tố vĩ mô thuận lợi như mức dự trữ ngoại hối cao (dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 100 tỉ USD, năm 2024 dự báo lên hơn 110 tỉ USD7); lạm phát được kiểm soát (dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng ở mức 6,3 - 7% với mức lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5 - 3,8%8); và sự điều hành hợp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giúp đồng tiền Việt Nam giữ vững giá trị, ổn định hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á. Giá điện của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng rẻ hơn, chỉ bằng 80% so với giá điện của Indonesia; khoảng 42,1% so với giá điện của Philippines và 66,7% so với giá điện của Campuchia9. Những nhân tố thuận lợi đó giúp triển vọng thu hút FDI của Việt Nam sáng sủa.
3. Giải pháp thu hút FDI trong thời gian tới
Năm 2024, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng trong việc thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt FDI chất lượng cao và cũng được xem là điểm khởi đầu của làn sóng FDI thứ tư, do vậy, Việt Nam cần giải pháp phù hợp để tiếp nhận vốn FDI hiệu quả. Cần chọn lọc kỹ hơn các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết và tạo lan tỏa với khu vực doanh nghiệp trong nước.
Việt Nam là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới. Mặc dù cơ hội của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển là rất lớn, nhưng để cơ hội đó trở thành hiện thực và thu hút được những dự án từ các nhà đầu tư chất lượng, uy tín, mang lại hiệu quả cao, Việt Nam đã và đang tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quảng bá, xúc tiến đầu tư. Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút được nhà đầu tư FDI mới có chất lượng cao hơn; tiếp tục quảng bá, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các công ty có thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản; tiếp tục chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ các nhà đầu tư tìm đến.
Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỉ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore là những nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Khoảng 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỉ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương (sau Bangladesh và Ấn Độ).
Thứ hai, thu hút đầu tư có chọn lọc. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá. Thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút FDI cần lựa chọn và ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn, có công nghệ tiên tiến dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ, thân thiện với môi trường và thật sự có năng lực, xóa bỏ việc thu hút FDI tràn lan. Liên kết khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước nhằm tạo dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.
Chiến lược thu hút FDI phải gắn liền với việc tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP. EVFTA tạo điều kiện để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư từ EU. Chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu lớn đầu tư vào Việt Nam, các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, có tính chất mũi nhọn và khả năng bứt phá, tạo ra nhiều giá trị gia tăng như công nghệ mới, dược phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp sạch và chế biến thực phẩm.
Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Thu hút FDI thời gian tới được xác định là phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng, thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nhất là chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao. Việt Nam không dễ mở rộng cửa cho các dòng vốn kém chất lượng chảy vào để hạn chế hủy hoại môi trường, tình trạng chuyển giá, trốn thuế khiến ngân sách nhà nước thất thu. Lựa chọn những dòng vốn chất lượng cao, nhà đầu tư có uy tín, có năng lực để không chỉ hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mà còn loại bỏ tình trạng gian lận về thuế.
Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết. Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư. Uy tín và vị thế của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhờ thành công đạt được trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế là điểm đến đầu tư an toàn. Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh như tính ổn định về chính trị, thị trường tiêu thụ lớn, chính phủ đổi mới, lực lượng lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nhà đầu tư vẫn còn những quan ngại liên quan đến sự thiếu sự ổn định về chính sách, các quy định pháp luật chưa rõ ràng và thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện. Cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực.
Cần tiếp tục rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy… Tiếp tục chú trọng việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược. Tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu và xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiêp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.
Thứ tư, ưu đãi hỗ trợ đầu tư. Ngoài việc xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ hấp dẫn. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI như cơ chế hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục tiêu lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài là lợi nhuận, nên thuế thu nhập doanh nghiệp thấp là một yếu tố quan trọng để thu hút FDI. Sử dụng công cụ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, kết hợp với các yếu tố khác như hoàn thiện thể chế, mở cửa nền kinh tế, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ giúp khắc phục điểm yếu về quy mô kinh tế, nhờ đó tạo cơ hội thành công trong thu hút FDI. Giảm thuế giá trị gia tăng có tác động thiết thực, kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với thị trường trong nước, giảm thuế xuất khẩu hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu. Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bằng những cơ chế, chính sách công bằng, hợp lý dựa trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi trong lĩnh vực thuế như khấu trừ chi phí hợp lý, ghi nhận doanh thu, định giá mua bán ngoài cho những giao dịch liên quan đến các khu vực có thuế suất khác.
Xóa bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy; kết nối với các tập đoàn lớn của thế giới để chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Chú trọng công tác đối thoại chính sách, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai. Để thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung đầu tư và hỗ trợ các yếu tố về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, chi phí và chất lượng logistics, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), xây nhà ở cho công nhân.
4. Kết luận
Để tạo thuận lợi cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là năng lực cung cấp điện và hạng tầng giao thông, kho vận; tiếp tục nâng cao độ mở của môi trường kinh doanh, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư FDI phối hợp với cơ quan quản lý trong quá trình xin cấp phép đầu tư; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
Thu hút FDI của Việt Nam dự báo đạt ở mức 39 - 40 tỉ USD năm 2024. Mục tiêu Việt Nam hướng đến trong giai đoạn 2021 - 2030 là thu hút được nhiều hơn nữa các tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn, đặc biệt là các tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500. Hiện nay, chỉ có hơn 100 tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500 có đầu tư tại Việt Nam, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc danh sách Fortune 500. Đã đến lúc Việt Nam cần cạnh tranh thu hút FDI bằng nguồn nhân lực chất lượng, bằng đổi mới sáng tạo và luật chơi mới, bằng thị trường công nghệ, thị trường lao động với đội ngũ doanh nghiệp nội địa mạnh. Vì vậy, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao hơn.
1 Bốn mũi đột phá khác đó là: Khuyến khích đầu tư tư nhân, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa.
2 Đánh giá của Công ty IHS Markit (Anh) và ĐH Tennessee (Mỹ) theo Bộ tiêu chí EPIC (Economy, Politics, Infrustructure, Competition)
3 Đánh giá của ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO (Nhật Bản) tại Việt Nam
4 Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính, Châu An, Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng lên 7%; https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai-chinh?dDocName=MOFUCM319778
5 Tăng trưởng của ASEAN trong hơn 2 thập kỷ qua (1997-2018) đạt trung bình 5% GDP, cao hơn nhiều so với 3-3,5% GDP mức tăng trưởng toàn cầu.
6 Báo H trưởng của ASEAN trong hơ, Vio H trưởng của ASEAN trong hơn 2 thập kỷ qua (1997-2018) thấp nhấpH https://haiquanonline.com.vn/viet-nam-van-nam-trong-khu-vuc-co-chi-phi-su-dung-lao-dong-thap-nhat-the-gioi-104834.html
7 Báo Công Lý, Trang Nhi, Dự trữ ngoại hối năm 2023 của Việt Nam dự báo đạt 100 tỷ USD; https://congly.vn/du-tru-ngoai-hoi-nam-2023-cua-viet-nam-du-bao-dat-100-ty-usd-410359.html
8 Báo Mới, PGS.,TS.Đinh Trọng Thịnh, Hai kịch bản tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2024; https://baomoi.com/hai-kich-ban-tang-truong-gdp-va-lam-phat-nam-2024-c49647467.epi
9 Việt Nam đang ở đâu trên “đường đua” đón dòng vốn FDI? https://cafeland.vn/tin-tuc/viet-nam-dang-o-dau-tren-duong-dua-don-dong-von-fdi-87524.html
Tài liệu tham khảo:
1. Trâm Anh (2024), 2024 sẽ là năm “được mùa” FDI, https://kinhtedothi.vn
2. Kiều Chinh (2024), Kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 đạt mức 39-40 tỉ USD, https://mekongasean.vn
3. Tô Hà (2024), Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng rót vốn vào Việt Nam, https://nhandan.vn
4. Nguyễn Hòa (2024), Thu hút FDI chất lượng cao: Hướng đi nào cho Việt Nam?, https://congthuong.vn
5. Nhật Quang (2024), 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI vào Việt Nam ước đạt 15.19 tỉ USD, tăng hơn 13 % so với cùng kỳ, https://vietstock.vn
6. Trang Nhi, Dự trữ ngoại hối năm 2023 của Việt Nam dự báo đạt 100 tỷ USD;
https://congly.vn/du-tru-ngoai-hoi-nam-2023-cua-viet-nam-du-bao-dat-100-ty-usd-410359.html
7. PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, Hai kịch bản tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2024; https://baomoi.com/hai-kich-ban-tang-truong-gdp-va-lam-phat-nam-2024-c49647467.epi
8. Bảo Linh (2024), Việt Nam đạt kết quả thu hút FDI tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024, https://www.vietnam.vn
9. Thanh Tú (2024), Gần 2 tỉ đô vốn FDI đăng ký vào bất động sản trong nửa đầu năm 2024, https://vietstock.vn
10. Đình Vũ (2024), Thu hút FDI thế hệ mới: Bốn giải pháp biến cơ hội thành hiện thực, https://nhadautu.vn
11. Vietnam: Recommendations for FDI Strategy for 2020-2030, http://fdi-vietnam.com/fdi-news/vietnamrecommendations-for-fdi-strategy-for-2020-2030.html
Vũ Hoàng Dũng
Đại học RMIT, Hà Nội