Sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam
19/11/2024 09:44 154 lượt xem
Tóm tắt: Nghiên cứu này dựa trên nền tảng lý thuyết thống nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT); mô hình UTAUT mở rộng (UTAUT2); mô hình xác nhận kỳ vọng (ECM); các nghiên cứu thực nghiệm liên quan để kiểm định mô hình với 220 mẫu khảo sát từ các đáp viên nhằm xem xét vai trò của sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử. Kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) cho thấy, các yếu tố chất lượng dịch vụ trực tuyến, kỳ vọng hiệu quả, kỳ vọng nỗ lực, thói quen có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng trực tuyến, đồng thời, sự hài lòng trực tuyến có tác động tích cực đến ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử ở Việt Nam.
 
Từ khóa: ECM, UTAUT, UTAUT2; ngân hàng điện tử; sự hài lòng trực tuyến.
 
E-SATISFACTION IN THE CONTINUATION INTENTION TO USE E-BANKING IN VIETNAM
 
Abstract: This study is based on the unified theory of acceptance and use of technology (UTAUT); extended UTAUT (UTAUT2); expectation-confirmation model (ECM); related empirical studies to test the model with 220 survey samples from respondents to examine the role of e-satisfaction in the continuation intention to use e-banking.The results of structural equation modeling (SEM) analysis show that the factors of e-service quality, performance expectancy, effort expectancy, and habit have a positive impact on e-satisfaction, while the e-satisfaction has a positive impact on the continuation intention to use e-banking in Vietnam. 
 
Keywords: ECM, UTAUT, UTAUT2; e-banking; e-satisfaction.
 
1. Giới thiệu
 
Sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống điện tử và Internet đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nói chung, dịch vụ tài chính, ngân hàng nói riêng (Singh, 2024). Cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lĩnh vực ngân hàng điện tử tại Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, đóng góp tích cực vào mục tiêu hiện đại hóa hệ thống ngân hàng và tăng trưởng kinh tế. Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến tháng 6/2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,23% về số lượng; 35,01% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng; 32,13% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị. Chuyển đổi số ngành Ngân hàng được xác định là một lĩnh vực cần ưu tiên theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngành Ngân hàng đã và đang là lĩnh vực chuyển đổi số nhanh, mạnh tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn có phần chậm hơn so với các ngân hàng trên thế giới. 
 
Mô hình ECM của Bhattacherjee (2001) chỉ ra rằng, mức độ hài lòng từ việc sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ trước đây sẽ quyết định hành động tiếp tục sử dụng của người dùng. Đồng thời, sự hài lòng là yếu tố tác động trực tiếp đến ý định tiếp tục sử dụng sản phẩm, dịch vụ của người sử dụng thay vì chuyển sang đối thủ cạnh tranh. Mô hình UTAUT do Venkatesh và cộng sự (2003) đề xuất dự đoán việc chấp nhận và sử dụng công nghệ mới, bao gồm bốn thành phần là kỳ vọng hiệu quả, kỳ vọng nỗ lực, điều kiện thuận lợi, ảnh hưởng xã hội. Mô hình UTAUT2 cũng do Venkatesh và cộng sự (2012) phát triển từ mô hình UTAUT gốc, có ba thành phần bổ sung là động lực thụ hưởng, giá cả, thói quen tiêu dùng. Theo đó, các nhân tố như kỳ vọng hiệu quả, kỳ vọng nỗ lực, ảnh hưởng xã hội, điều kiện thuận lợi, thói quen, giá cả, động lực thụ hưởng là những yếu tố tác động đáng kể đến sự hài lòng trực tuyến trong việc giữ chân khách hàng điện tử. 
 
Tại Việt Nam hiện nay, vẫn còn tương đối ít các nghiên cứu về vai trò quan trọng này, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển ngân hàng điện tử. Do đó, nghiên cứu chuyên sâu về sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam có ý nghĩa cả về mặt lý thuyết và thực tiễn.

2. Mô hình nghiên cứu
 
Dựa trên cơ sở mô hình ECM của Bhattacherjee (2001); mô hình UTAUT của Venkatesh và cộng sự (2003); mô hình UTAUT2 của Venkatesh và cộng sự (2012); các nghiên cứu thực nghiệm liên quan của Alalwan và cộng sự (2020); Trivedi và cộng sự (2020); Rahi và cộng sự (2022); Kumar và cộng sự (2023); Jafri và cộng sự (2024), tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu
Nguồn: Đề xuất của tác giả

Trong đó:
 
- CIU: Đề cập đến mức độ liên tục trong ý định của người thực hiện hành vi được chỉ định (Bhattacherjee, 2001). Thuật ngữ "ý định tiếp tục" được định nghĩa là quyết định của người dùng trong việc tiếp tục sử dụng một công nghệ cụ thể mà họ đã và đang sử dụng (Nabavi và cộng sự, 2016). Bên cạnh đó, theo Venkatesh và cộng sự (2012), CIU là một công cụ dự đoán về hành vi thực tế, được thiết lập trong hệ thống thông tin và các lĩnh vực có liên quan khác. 
 
- ESQ: Là sự đánh giá của khách hàng về chất lượng dịch vụ được cung cấp trên thị trường trực tuyến (Santos, 2003). Bên cạnh đó, Parasuraman và cộng sự (1985) cho rằng, chất lượng dịch vụ là tiền đề cho sự hài lòng của khách hàng. Các nghiên cứu liên quan đã thử nghiệm và xác nhận tác động của chất lượng dịch vụ đến sự hài lòng về dịch vụ điện tử trong bối cảnh phát triển ngân hàng di động; ngân hàng trực tuyến (Tam và Oliveira, 2026; Rahi và cộng sự, 2022). Do đó, đối với ngân hàng điện tử tại Việt Nam, giả thuyết H1 được đề xuất như sau: 
 
H1: Chất lượng dịch vụ trực tuyến có tác động tích cực tới sự hài lòng trực tuyến.
 
- PEE: Là việc cá nhân tin rằng việc sử dụng hệ thống công nghệ sẽ giúp họ đạt được hiệu quả cao trong công việc (Venkatesh và cộng sự, 2003). Theo đó, khách hàng có nhiều khả năng hài lòng và vui vẻ hơn về trải nghiệm sử dụng nếu họ nhận thấy giá trị tiện ích khi sử dụng các ứng dụng sáng tạo (Alalwan và cộng sự, 2020). Khách hàng có phản ứng tích cực đối với việc sử dụng hệ thống mới nếu họ nhận thấy hệ thống mới giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức hơn so với hệ thống truyền thống (Alalwan và cộng sự, 2017). Do đó, đối với ngân hàng điện tử tại Việt Nam, giả thuyết H2 được đề xuất như sau: 
 
H2: Kỳ vọng hiệu quả có tác động tích cực tới sự hài lòng trực tuyến.
 
- EFE: Đề cập đến những lợi ích mà một cá nhân nhận được theo mức độ sử dụng công nghệ cho một hoạt động nhất định, cấu trúc này là yếu tố dự báo mạnh nhất về ý định hành vi (Venkatesh cộng sự, 2003). Yeh và Li (2009) cho rằng, các yếu tố dự báo về sự hài lòng của khách hàng trong thương mại di động và nhận thức về tính dễ sử dụng là rất đáng kể. Điều tương tự cũng được khẳng định bởi Agrebi và Jallais (2015) trong nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ mua sắm trên ứng dụng di động. Do đó, đối với ngân hàng điện tử tại Việt Nam, giả thuyết H3 được đề xuất như sau:
 
H3: Kỳ vọng nỗ lực có tác động tích cực tới sự hài lòng trực tuyến.
 
- HAB: Là thói quen, hành vi tự động hóa khi con người sử dụng công nghệ (Venkatesh và cộng sự, 2012). Thói quen phát triển khi khách hàng liên kết hành vi với lợi ích, dẫn đến việc tự động nhớ những hành động tiếp theo (Verplanken và Aarts, 1999). Bên cạnh đó, Amoroso và cộng sự (2017) cho rằng, mức độ dự đoán về lòng trung thành của ví điện tử tăng lên đáng kể khi thái độ và sự hài lòng của người tiêu dùng được kết hợp với thói quen. Do đó, đối với ngân hàng điện tử tại Việt Nam, giả thuyết H4 được đề xuất như sau:
 
H4: Thói quen có tác động tích cực tới sự hài lòng trực tuyến.
 
- ESA: Được định nghĩa là sự hài lòng của khách hàng liên quan đến trải nghiệm sử dụng trước đó với một dịch vụ trực tuyến nhất định (Anderson và Srinivasan, 2003). Theo đó, khách hàng càng hài lòng với ngân hàng điện tử, thì mối quan hệ giữa họ với các dịch vụ này càng mở rộng, họ càng tin cậy và sử dụng nhiều hơn các dịch vụ này (Al-Sharafi và cộng sự, 2022). Do đó, đối với ngân hàng điện tử tại Việt Nam, giả thuyết H5 được đề xuất như sau:
 
H5: Sự hài lòng trực tuyến có tác động tích cực tới ý định tiếp tục sử dụng.
 
3. Phương pháp nghiên cứu 
 
Nghiên cứu này đề xuất mô hình SEM cho sự hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử. Bảng câu hỏi sử dụng thang đo Likert 5 điểm, được chia theo các thành phần khái niệm của nghiên cứu, bao gồm thang đo chất lượng dịch vụ trực tuyến của Stamenkov và cộng sự (2016); thang đo kỳ vọng hiệu quả, kỳ vọng nỗ lực, thang đo thói quen, ý định tiếp tục sử dụng của Venkatesh và cộng sự (2012); thang đo sự hài lòng trực tuyến của Alalwan và cộng sự (2020). Bảng câu hỏi khảo sát được gửi đến những người đã sử dụng hoặc có ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam để thu thập dữ liệu qua Google Docs. Phương pháp lấy mẫu trong nghiên cứu này được thực hiện qua phương pháp thuận tiện theo hạn ngạch - với tỉ lệ là miền Bắc 30%, miền Trung 20%, miền Nam 50%. Có tất cả 220 mẫu hợp lệ trong tổng số 250 mẫu thu thập được đưa vào phân tích dữ liệu. Các phương pháp phân tích định lượng được sử dụng cho nghiên cứu này là phân tích độ tin cậy Cronbach Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) để xác định giá trị của thang đo. Phân tích nhân tố khẳng định (CFA) để đánh giá thang đo; phân tích SEM để kiểm định mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu. 
 
4. Kết quả nghiên cứu
 
4.1. Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu
 
- Giới tính: Số liệu thu thập được cho thấy có sự khác biệt không lớn giữa nam (46,8%) và nữ (53,2%) trong tổng số người được khảo sát. 
 
- Độ tuổi: Dưới 20 tuổi chiếm 2,3%, từ 20 - 29 tuổi chiếm 39,5%, từ 30 - 39 tuổi chiếm 31,4%, từ 40 - 49 tuổi chiếm 22,3%, từ 50 tuổi trở lên chiếm 4,5% trong tổng số người tham gia khảo sát. 
 
- Trình độ chuyên môn: Đa số người tham gia khảo sát đạt trình độ đại học, chiếm 71,4%, trình độ sau đại học chiếm 13,2%, trình độ trung cấp/cao đẳng chiếm 12,7%, riêng trình độ trung học phổ thông chiếm một phần nhỏ với 2,7%. 
 
- Thu nhập hằng tháng: Dưới 8 triệu chiếm 10,9%, từ 8 - 15 triệu chiếm 35,5%, từ 16 - 20 triệu chiếm 32,7%; trên 20 triệu chiếm 20,9% trong tổng số người tham gia khảo sát. 
 
- Sử dụng ngân hàng điện tử: Hầu hết người sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử của các ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), NHTMCP Quân đội (MB) và NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với tỉ lệ lần lượt là 16,7%; 13,7%; 13,9%; 13,9% và 12,1%, nhóm còn lại với tỉ lệ thấp hơn chiếm 8,5%; 9,8%; 7,4% và 4,1% tương ứng với NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) và các ngân hàng khác. 
 
- Kinh nghiệm sử dụng: Đa số người dùng có kinh nghiệm sử dụng các ngân hàng điện tử trên 5 năm chiếm tỉ lệ cao, lên đến 60%; dưới 1 năm; từ 1 - 2 năm, từ 3 - 4 năm tương ứng với tỉ lệ lần lượt là 1,8%; 5,9%; 32,3%. 
 
4.2. Kết quả phân tích mô hình
 
- Phân tích độ tin cậy Cronbach Alpha
 
Phân tích độ tin cậy Cronbach Alpha của 6 biến tiềm ẩn với các quan sát của từng biến đều đạt yêu cầu phân tích (> 0,7), các giá trị Cronbach Alpha trong khoảng 0,860 - 0,972. Kết quả phân tích độ tin cậy chi tiết cho thấy, tất cả các thang đo đều đạt độ tin cậy (> 0,6), với các hệ số tương quan biến tổng đều đạt yêu cầu phân tích (> 0,3). 
 
- Phân tích EFA
 
Phân tích EFA cho thấy, các nhân tố trích xuất từ ​​20 biến quan sát được trích thành 6 nhân tố trong ma trận theo phép xoay Varimax. Phân tích EFA phù hợp với mô hình lý thuyết đề xuất với các thành phần ESQ, PEE, EFE, HAB, ESA, CIU. Cụ thể, hệ số KMO = 0,865 (> 0,5); kiểm định Bartlett có mức ý nghĩa thống kê p-value = 0,000 (< 0,001) cho thấy, các thang đo có tương quan cao với nhau, nên bộ số liệu phù hợp với phương pháp phân tích EFA (Bảng 1). Tổng phương sai trích (Total Variance Explained) của 6 thành phần thang đo là 83,316%, tức là các thành phần này giải thích được khoảng 83,316% sự biến thiên của các biến quan sát. 

Bảng 1: Kết quả kiểm định KMO và Bartlett


Nguồn: Kết quả phân tích SPSS
 
- Phân tích CFA
 
Phân tích CFA cho thấy, các chỉ số CMIN/dF = 1,844 (< 2) và có ý nghĩa thống kê (p-value = 0,000), các chỉ số kiểm định sự phù hợp của mô hình là TLI = 0,942 (> 0,9); CFI = 0,945 (> 0,9); GFI = 0,890 (> 0,8); RMSEA = 0,068 (> 0,08). Theo kết quả phân tích CFA, giá trị của phương sai trích trung bình (AVE) nằm trong khoảng từ 0,644 - 0,924 (> 0,5), độ tin cậy tổng hợp (CR) có giá trị từ 0,866 - 0,973 (> 0,7). Do đó, mô hình phù hợp với dữ liệu thực tế, thang đo đạt giá trị hội tụ (Bảng 2).

Bảng 2: Thang đo và các chỉ số phân tích CFA

Nguồn: Kết quả phân tích AMOS

Mặt khác, giá trị AVE của mỗi thành phần lớn hơn hệ số R2 tương ứng (Bảng 2; Bảng 3). Do đó, mô hình đo lường cho tất cả các cấu trúc đều đạt yêu cầu phân tích. 

Bảng 3: Giá trị AVE và bình phương hệ số tương quan

Nguồn: Kết quả phân tích AMOS
 
- Phân tích mô hình SEM
 
Phân tích CFA cho thấy, mô hình đạt độ phù hợp chung với các chỉ số CMIN/dF = 1,922 (< 2) và có ý nghĩa thống kê (p-value = 0,000), chỉ số TLI = 0,939 (< 0,9); CFI = 0,948 (> 0,9); GFI = 0,872 (> 0,8), chỉ số RMSEA = 0,078 (< 0,8). Kết quả phân tích SEM được thể hiện chi tiết như trong Bảng 4, cho thấy ESQ, PEE, EFE, HAB có tác động tích cực đến sự ESA với các hệ số γ của các giả thuyết H1, H2, H3 và H4 lần lượt là 0,152; 0,267; 0,279; 0,186 (p-value < 0,001), nên các giả thuyết này lần lượt được ủng hộ. Trong đó, EFE là yếu tố mạnh nhất ảnh hưởng đến sự hài lòng trực tuyến so với các yếu tố khác với hệ số γ = 0,279. Đặc biệt, sự hài lòng trực tuyến có tác động rất mạnh đến ý định tiếp tục sử dụng với hệ số rất cao γ = 0,578 (p-value < 0,001), nên giả thuyết H5 được ủng hộ.

Bảng 4: Các chỉ số phân tích SEM và kết quả kiểm định các giả thuyết
***: p-value < 0,001
Nguồn: Kết quả phân tích AMOS
 
Kết quả phân tích mô hình SEM cũng chỉ ra rằng, các biến độc lập bao gồm ESQ, PEE, EFE, HAB có thể giải thích được khoảng 40,1% (R2 = 0,401) sự biến động của sự hài lòng trực tuyến. Song song đó, thành phần sự hài lòng trực tuyến cũng có thể giải thích được khoảng 22,3% (R2 = 0,223) sự biến động của ý định tiếp tục sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
 
Các nhân tố của mô hình ECM có thể giải thích được khoảng 32% mức độ biến động của sự hài lòng; sự hài lòng có thể giải thích được 49% mức độ biến động của ý định tiếp tục sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, kết quả trong nghiên cứu này cũng khẳng định lại kết quả nghiên cứu của Alalwan và cộng sự (2020), nhưng mô hình này có hệ số giải thích cao hơn kết quả của tác giả. Điều này cho thấy, đối với ngân hàng điện tử tại Việt Nam, sự hài lòng trực tuyến và ý định tiếp tục sử dụng của người sử dụng còn khá khiêm tốn so với một số nước khác. (Hình 2)
 
Hình 2: Kết quả kiểm định mô hình

Nguồn: Kết quả phân tích AMOS
 
5. Kết luận và khuyến nghị
 
Nghiên cứu này đã xem xét vai trò của nhân tố hài lòng trực tuyến trong ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử. Nghiên cứu chứng minh được sự phù hợp của các yếu tố kỳ vọng hiệu quả, kỳ vọng nỗ lực của lý thuyết UTAUT, thói quen tiêu dùng của lý thuyết UTAUT2, đồng thời, bổ sung thêm nhân tố chất lượng dịch vụ trực tuyến trong mô hình cấu trúc của sự hài lòng trực tuyến tới ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử. Mô hình nghiên cứu đã được kiểm định thực nghiệm và về cơ bản được ủng hộ. Cụ thể, các yếu tố độc lập bao gồm chất lượng dịch vụ trực tuyến, kỳ vọng hiệu quả, kỳ vọng nỗ lực, thói quen có tác động tích cực đến sự hài lòng trực tuyến; sự hài lòng trực tuyến có tác động tích cực đến ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử. Bên cạnh đó, kết quả phân tích mô hình SEM cho thấy, các biến độc lập có thể giải thích được khoảng 40,1% sự biến động của sự hài lòng trực tuyến; sự hài lòng trực tuyến giải thích được khoảng 22,3% sự biến động của ý định tiếp tục sử dụng. Do đó, nghiên cứu này đóng góp cơ sở lý thuyết về hệ thống thông tin với việc khám phá thêm yếu tố dự báo liên quan đến ý định tiếp tục sử dụng nói chung, đồng thời, bổ sung vào nền tảng tri thức cho bối cảnh của ngân hàng điện tử nói riêng. 
 
Về mặt thực tiễn, tác giả đưa ra hàm ý đối với các ngân hàng nhằm nâng cao sự hài lòng trực tuyến và ý định tiếp tục sử dụng ngân hàng điện tử tại Việt Nam. Nghiên cứu phát hiện chất lượng dịch vụ trực tuyến từ góc nhìn của khách hàng và người tiêu dùng, do vậy, các ngân hàng cần cung cấp dịch vụ điện tử trực tuyến với chất lượng được tối ưu hóa. Nghiên cứu cũng minh chứng, việc đáp ứng kỳ vọng hiệu quả, kỳ vọng nỗ lực của người sử dụng giúp tăng cường sự hài lòng trực tuyến khi sử dụng ngân hàng điện tử. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị về tác động của việc hình thành thói quen đến sự hài lòng trực tuyến, điều này khẳng định lại vai trò của thói quen trong ý định và hành vi sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng.
 
Đặt trong bối cảnh phát triển ngân hàng điện tử đang là xu hướng tất yếu hiện nay, kết quả nghiên cứu mở ra những khoảng trống mới cho các nghiên cứu sâu hơn về tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử... Kết quả này được tìm thấy trên mô hình SEM nhưng chưa phân tích theo từng đặc điểm nhân khẩu học như trong các lý thuyết UTAUT hoặc UTAUT2. Do đó, việc tính đến các đặc điểm của khách hàng và người tiêu dùng có thể là một cách tiếp cận cho các hướng nghiên cứu tiếp theo.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
1. Abbas, H. A., & Hamdy, H. I. (2015). Determinants of continuance intention factor in Kuwait communication market: Case study of Zain-Kuwait. Computers in Human Behavior, 49, pages 648-657. 
2. Agrebi, S., & Jallais, J. (2015). Explain the intention to use smartphones for mobile shopping. Journal of Retailing and Consumer Services, 22, pages 16-23. 
3. Alalwan, A. A. (2020). Mobile food ordering apps: An empirical study of the factors affecting customer e-satisfaction and continued intention to reuse. International Journal of Information Management, 50, pages 28-44. 
4. Alalwan, A. A., Dwivedi, Y. K., & Rana, N. P. (2017). Factors influencing adoption of mobile banking by Jordanian bank customers: Extending UTAUT2 with trust. International Journal of Information Management, 37(3), pages 99-110. 
5. Al-Sharafi, M. A., Arshah, R. A., Abo-Shanab, E., & Elayah, N. (2016). The effect of security and privacy perceptions on customers’ trust to accept internet banking services: An extension of TAM. Journal of Engineering and Applied sciences, 11(3), pages 545-552.
6. Amoroso, D. L., Ackaradejruangsri, P., & Lim, R. A. (2017). The impact of inertia as mediator and antecedent on consumer loyalty and continuance intention. International Journal of Customer Relationship Marketing and Management, 8(2), pages 1-20. 
7. Anderson, R. E., & Srinivasan, S. S. (2003). E-satisfaction and e-loyalty: A contingency framework. Psychology & Marketing, 20(2), pages 123-138. 
8. Bhattacherjee, A. (2001). Understanding information systems continuance: An expectation-confirmation model. MIS Quarterly, 25(3), pages 351-370. 
9. Halilovic, S., & Cicic, M. (2013). Antecedents of information systems user behaviour-extended expectation-confirmation model. Behaviour & Information Technology, 32(4), pages 359-370.
10. Kalinic, Z., & Novakovic, M. (2019). Online accommodation booking habits and attitudes of Serbian travelers. Hotel and Tourism Management, 7(2), pages 11-23.
11. Kumar, R., Singh, R., Kumar, K., Khan, S., & Corvello, V. (2023). How does perceived risk and trust affect mobile banking adoption? Empirical evidence from india. Sustainability, 15(5), 4053.
12. Rahi, S., Alghizzawi, M., & Ngah, A. H. (2022). Factors influence user’s intention to continue use of e-banking during Covid-19 pandemic: The nexus between self-determination and expectation confirmation model. EuroMed Journal of Business, 18(3), pages 380-396. 
13. NHNN (2023). Số hóa ngành Ngân hàng giúp tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ tài chính. 
14. Singh, R. P. (2024). The impact of e-banking service quality on e-banking satisfaction and e-banking loyalty. Ultima Management, 16(1), pages 150-167. 
15. Cấn Văn Lực và cộng sự (2023). Chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam: Cơ hội, thực trạng và giải pháp. 
16. Nabavi, A., Taghavi-Fard, M. T., Hanafizadeh, P., & Taghva, M. R. (2016). Information technology continuance intention: A systematic literature review. International Journal of E-Business Research, 12(1), pages 58-95. 
17. Nguyen, N. H., & Hoang, D. P. (2024). Linking relationship marketing to customer loyalty in the e-banking context: The central role of customer satisfaction. Gadjah Mada International Journal of Business, 26(1), pages 109-140. 
18. Santos, J. (2003). E-service quality: A model of virtual service quality dimensions. Managing Service Quality: An International Journal, 13(3), pages 233-246.
19. Stamenkov, G., & Dika, Z. (2016). Bank employees’ internal and external perspectives on e-service quality, satisfaction and loyalty. Electronic Markets, 26, pages 291-309.
20. Parasuraman, A., Zeithaml, V. A., & Berry, L. L. (1985). A conceptual model of service quality and its implications for future research. Journal of Marketing, 49(4), pages 41-50.
21. Tam, C., & Oliveira, T. (2016). Understanding the impact of m-banking on individual performance: DeLone & McLean and TTF perspective. Computers in Human Behavior, 61, pages 233-244.
22. Venkatesh, V., Morris, M. G., Davis, G. B., & Davis, F. D. (2003). User acceptance of information technology: Toward a unified view. MIS Quarterly, 27(3), pages 425-478. 
23. Venkatesh, V., Thong, J. Y., & Xu, X. (2012). consumer acceptance and use of information technology: Extending the unified theory of acceptance and use of technology. MIS Quarterly, 36(1), pages 157-178.
24. Verplanken, B., & Aarts, H. (1999). Habit, attitude, and planned behaviour: Is habit an empty construct or an interesting case of goal-directed automaticity?. European Review of Social Psychology, 10(1), pages 101-134. 
25. Yeh, Y. S., & Li, Y. M. (2009). Building trust in m-commerce: contributions from quality and satisfaction. Online Information Review, 33(6), pages 1066-1086.

Nguyễn Hồ Trâm Anh, Nguyễn Duy Thanh
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
 

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
Đánh giá sức khỏe tài chính các ngân hàng Việt Nam theo phương pháp phân tích cụm
18/11/2024 11:30 331 lượt xem
Sức khỏe tài chính của các ngân hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xảy ra do sự phá sản hàng loạt của các ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
Tăng trưởng tín dụng đối với ngành nông nghiệp và những vấn đề đặt ra
11/11/2024 08:25 609 lượt xem
Thông qua phân tích quy mô và biến động dư nợ tín dụng nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2023, bài viết chỉ ra những kết quả tích cực và một số hạn chế trong tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với ngành sản xuất quan trọng này.
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tại ngân hàng thương mại: Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
05/11/2024 08:10 735 lượt xem
Hiện nay, công tác bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực được các NHTM chú trọng đầu tư phát triển, tuy nhiên, nguồn nhân lực của nhiều ngân hàng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các ngân hàng.
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
Đánh giá khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng của NHTM Việt Nam bằng mô hình định lượng
04/11/2024 08:23 1.073 lượt xem
Nghiên cứu này nhằm chỉ ra mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng huy động tiền gửi từ khách hàng thông qua phương pháp khảo sát và phân tích hồi quy dữ liệu của 37 NHTM Việt Nam.
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
Thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Rào cản và gợi ý cho Việt Nam
31/10/2024 08:07 950 lượt xem
Biến đổi khí hậu trở thành rủi ro lớn nhất mà loài người đang phải gánh chịu (WEF, 2024). Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn, mà gần như bắt buộc ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, mô hình kinh tế tuần hoàn nổi lên như một công cụ quan trọng.
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
Việt Nam sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
29/10/2024 15:02 3.475 lượt xem
Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên, khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, hợp tác phát triển và thúc đẩy tiến bộ toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024 và một số đề xuất, khuyến nghị
Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2024 và một số đề xuất, khuyến nghị
22/10/2024 14:35 6.337 lượt xem
Tình hình kinh tế Việt Nam trong tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Phát triển thị trường tài chính trong nền kinh tế số tại Việt Nam
Phát triển thị trường tài chính trong nền kinh tế số tại Việt Nam
21/10/2024 08:35 2.240 lượt xem
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam
Tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam
18/10/2024 08:05 2.052 lượt xem
Nghiên cứu này xem xét tác động của tiền gửi đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam giai đoạn 2014 - 2023.
Thách thức và giải pháp tài chính trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
Thách thức và giải pháp tài chính trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
17/10/2024 08:45 1.702 lượt xem
Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động lớn đến đời sống và kinh tế toàn cầu, nông nghiệp tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trên hai khía cạnh thích ứng với môi trường và tác động tiêu cực đến môi trường.
Tiếp cận phương pháp xác định hành vi quản trị lợi nhuận theo hướng truyền thống và hiện đại
Tiếp cận phương pháp xác định hành vi quản trị lợi nhuận theo hướng truyền thống và hiện đại
16/10/2024 08:00 926 lượt xem
Quản trị lợi nhuận là một chiến lược có thể được ban quản lí cố ý sử dụng để điều chỉnh chỉ tiêu thu nhập của công ty với các mục tiêu đã xác định trước.
Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - công cụ hỗ trợ phát triển “tam nông”: Kinh nghiệm từ Nhật Bản và bài học cho Việt Nam
Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - công cụ hỗ trợ phát triển “tam nông”: Kinh nghiệm từ Nhật Bản và bài học cho Việt Nam
15/10/2024 08:02 550 lượt xem
Bảo lãnh tín dụng được coi là một công cụ hữu hiệu giúp khắc phục được “điểm nghẽn” về vốn cho phát triển “tam nông”. Bài viết đề cập đến kinh nghiệm của Nhật Bản về bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững
14/10/2024 08:00 799 lượt xem
Quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách, biện pháp về tiền tệ, tín dụng để khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng mô hình dự báo hiện tại tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam
Xây dựng mô hình dự báo hiện tại tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam
11/10/2024 09:58 498 lượt xem
Dự báo hiện tại (Nowcasting) rất quan trọng trong kinh tế học vì dữ liệu cho các chỉ số chính như GDP thường có độ trễ và sai số đo lường đáng kể (Giannone và cộng sự, 2008)...
Giải pháp về giáo dục tài chính cho trẻ em của các ngân hàng thương mại
Giải pháp về giáo dục tài chính cho trẻ em của các ngân hàng thương mại
07/10/2024 08:06 696 lượt xem
Trong những năm gần đây, vấn đề dân trí tài chính đã trở thành một mối quan tâm lớn tại Việt Nam. Dân trí tài chính là khả năng hiểu biết và áp dụng các kiến thức tài chính trong cuộc sống hằng ngày, giúp cá nhân quản lý tài sản, lập kế hoạch tài chính và đưa ra các quyết định đầu tư một cách hiệu quả.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

82,700

85,700

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

82,700

85,700

Vàng SJC 5c

82,700

85,720

Vàng nhẫn 9999

82,700

84,900

Vàng nữ trang 9999

82,600

84,500


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,150 25,502 26,092 27,523 31,263 32,592 158.81 168.04
BIDV 25,190 25,502 26,295 27,448 31,648 32,522 160.63 167.55
VietinBank 25,198 25,502 26,307 27,507 31,676 32,686 160.27 168.02
Agribank 25,200 25,502 26,225 27,408 31,448 32,511 160.54 168.04
Eximbank 25,160 25,502 26,287 27,168 31,543 32,559 161.12 166.54
ACB 25,170 25,502 26,309 27,212 31,642 32,598 160.68 167.03
Sacombank 25,180 25,502 26,294 27,267 31,555 32,708 160.81 167.32
Techcombank 25,184 25,502 26,134 27,486 31,274 32,605 157.32 169.76
LPBank 25,190 25,502 26,591 27,484 31,928 32,590 162.28 169.38
DongA Bank 25,230 25,500 26,300 27,150 31,600 32,550 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?