Tóm tắt: Sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế, kể từ khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của nước ta đạt khoảng 7%/năm. Bài viết nêu ra thực trạng và thành tựu Việt Nam đạt được kể từ khi hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc; qua đó, đưa ra hàm ý chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Từ khóa: Hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ thương mại, Việt Nam.
VIETNAM AFTER NEARLY 30 YEARS OF INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION
Abstract: After nearly 30 years of international economic integration since Vietnam joined the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) in 1995 and the United States of America (USA) normalized diplomatic relations with Vietnam, Vietnam's average economic growth rate is about 7% per year. The article outlines the current situation and achievements that Vietnam has achieved after 30 years of international economic integration, especially trade relations between Vietnam and countries in the ASEAN region, European Union, USA and China; thereby, providing policy implications to improve the effectiveness of Vietnam's international economic integration in the new context.
Keywords: International economic integration, trade relations, Vietnam.
1. Thực trạng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
Hội nhập kinh tế quốc tế được hiểu là quá trình gắn kết nền kinh tế của một quốc gia với nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại để tạo nên khuôn khổ pháp lý chung cho sự phối hợp và điều chỉnh quan hệ kinh tế giữa các quốc gia với nhau.
Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Từ năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế và thực hiện chính sách đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, đất nước đã bước vào thời kỳ hội nhập mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1995, khi Việt Nam gia nhập ASEAN và Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mới thực sự sâu rộng.
Việc gia nhập ASEAN đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập. Dù tham gia muộn so với các nước ASEAN khác và khởi đầu từ nền kinh tế còn yếu, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trên mọi lĩnh vực từ kinh tế đến ngoại giao, góp phần nâng cao vị thế trong ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia có tiếng nói trọng lượng trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia như Biển Đông, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước sông Mekong, chống khủng bố, và phòng, chống buôn bán ma túy.
Nhờ vậy, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên, khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, hợp tác phát triển và thúc đẩy tiến bộ toàn cầu.
Từ thành công bước đầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tiếp tục tham gia và chủ trì nhiều diễn đàn quan trọng của khu vực như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 - đánh dấu sự hội nhập toàn diện và đầy đủ của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam đã tham gia sáng lập và thực hiện có trách nhiệm các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới quan trọng, bao gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn, đồng thời hoàn thành các trọng trách quốc tế như là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Chủ tịch ASEAN vào các nhiệm kỳ 2010 và 2020. Đặc biệt, Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hiệp quốc, góp phần bảo đảm an ninh phi truyền thống và thúc đẩy sứ mệnh hòa bình toàn cầu.
Thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nước ta cũng thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường chính trị ổn định và vị trí chiến lược ở Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và đạt thặng dư thương mại, cho thấy sự phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
2. Thành tựu Việt Nam đạt được sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế
Là nền kinh tế mở, Việt Nam luôn đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ và tích cực tham gia nhiều sáng kiến hợp tác, liên kết kinh tế. Với sự tích cực, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Trong đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc ngày càng phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Tính chung 9 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỉ USD. Và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt khoảng 89,5 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt khoảng 105 tỉ USD1.
Trải qua gần ba thập niên kể từ ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, Việt Nam đã cùng với các quốc gia trong khối ASEAN liên tục bứt phá, trở thành khu vực kinh tế năng động. Tỉ trọng kinh tế của Việt Nam trong tổng GDP của ASEAN đã tăng mạnh và tăng gần gấp đôi từ dưới 6% vào năm 2000 lên khoảng 12% năm 2023. Trong giai đoạn 2010 - 2021, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã có sự tăng trưởng vượt bậc, trong đó xuất khẩu tăng từ 9,3 tỉ USD năm 2010 lên mức 29,1 tỉ USD vào năm 2021 và cán mốc 73 tỉ USD vào năm 20232. Trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt mức 27,33 tỉ USD, tăng 13,6%, tương ứng tăng 3,27 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu đạt 34 tỉ USD, tăng 13%, tương ứng tăng 3,9 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước3.
Nếu như gia nhập ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước trong khu vực ASEAN thì việc đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại với tất cả các nước phát triển trên thế giới. Nếu tính trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ và ngược lại, Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Từ khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng 275 lần, từ 450 triệu USD năm 1995, tăng lên 124 tỉ USD vào năm 2023. Tính chung trong 9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 88,16 tỉ USD, tăng 25,6% (tương ứng tăng tới 17,96 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,4% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước4. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 11/108 quốc gia đầu tư tại Việt Nam với tổng số 1.340 dự án, tổng số vốn đầu tư 11,8 tỉ USD. Ngược lại, Việt Nam có 230 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ với tổng số vốn 1,3 tỉ USD. Trong đó có những tập đoàn lớn như: FPT, VinFast…5
Cùng với những kết quả ấn tượng trong quan hệ thương mại với các nước trong khối ASEAN, Hoa Kỳ, Việt Nam còn chú trọng hợp tác kinh tế với các quốc gia trong EU. Từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam là nước có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu qua thị trường EU. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả; kim ngạch hai chiều tăng hơn 12 lần từ mức 4,1 tỉ USD năm 2000 lên gần 50 tỉ USD năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 13 lần từ 2,8 tỉ USD lên 35,1 tỉ USD năm 2020. Riêng 9 tháng năm 2024, xuất khẩu sang EU đạt 38,02 tỉ USD, tăng 17%, tương ứng tăng 5,51 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 từ thị trường EU đạt mức 12,26 tỉ USD, tăng 10,6% (tương ứng tăng 1,18 tỉ USD)6.
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận quan trọng như Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 100 tỉ USD. Kể từ đó, kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng, cụ thể: Năm 2019 đạt 111,86 tỉ USD, năm 2020 đạt 133,l tỉ USD và những năm đại dịch Covid-19 cũng đạt mức cao, với 165,88 tỉ USD năm 2021 và 175,56 tỉ USD năm 2022; năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 171,2 tỉ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước. Trong 9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 44,39 tỉ USD, tăng 4,1%, tương ứng tăng 1,75 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Tổng trị giá nhập khẩu từ thị trường này đạt 104,81 tỉ USD, đã tăng mạnh tới 32,4%, tương ứng tăng 25,63 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 35% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước7.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua những điều chỉnh sâu rộng và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Hòa Kỳ và Trung Quốc, quan hệ kinh tế và thương mại toàn cầu chịu tác động không nhỏ. Khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới để duy trì và mở rộng thị phần. Thương mại điện tử và công nghệ thông tin đã trở thành những công cụ chủ chốt trong thương mại quốc tế, nhưng đồng thời cũng mang lại những rủi ro về rò rỉ thông tin, đánh cắp công nghệ và mất an toàn dữ liệu. Cùng với đó, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bùng phát đặt ra những thách thức nghiêm trọng trong thương mại quốc tế. Những thay đổi này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của các công ty...
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tồn tại một số “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển như: Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế còn chưa nhanh; kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhưng vẫn tồn tại nguy cơ khó đoán định; một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn gặp khó khăn, rào cản kỹ thuật cũng như điều tra chống bán phá giá; hệ thống chính sách luật pháp còn chưa hoàn thiện, cần thường xuyên rà soát, bổ sung để phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặt khác, những biến đổi sâu sắc trong đời sống xã hội, môi trường, bất bình đẳng thu nhập, già hóa dân số đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ, nâng cao chất lượng tăng trưởng và khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến đổi không ngừng.
3. Một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới
Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận và thực tiễn về hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, gắn liền với việc phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu mới. Tiếp tục thực hiện chủ trương xuyên suốt, nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam theo hướng thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh là quan trọng nhất. Trên cơ sở này, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch hội nhập phù hợp với đặc thù và tiềm năng của từng khu vực.
Đồng thời, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần chủ động và tích cực tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các quốc gia phát triển, đặc biệt là những nước thuộc khối EU. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố và mở rộng sự công nhận của các quốc gia về Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam trên con đường hội nhập sâu rộng và bền vững.
Thứ hai, tập trung vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đặt khoa học và công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, làm động lực chính để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu là nâng cao tính độc lập, tự chủ và tự cường của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Song song với việc duy trì và phát triển các thị trường truyền thống, cần chú trọng tìm kiếm và mở rộng thị trường mới cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Việt Nam, đặc biệt hướng đến các quốc gia thuộc EU và nhóm các nước phát triển.
Việt Nam cần khai thác hiệu quả các nguồn lực trong nước, bao gồm tài nguyên và lao động, đồng thời tận dụng nguồn lực bên ngoài như vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, để đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách toàn diện, hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh quá trình đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm phù hợp với các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Thứ ba, các cơ quan lập pháp cần tiếp tục nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn bất cập và vướng mắc, nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn và triển khai hiệu quả các văn bản luật trong thực tiễn. Mục tiêu là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của đất nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản luật theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các cam kết trong các FTA như CPTPP, RCEP, EVFTA và EVIPA… để tạo ra một khung pháp lý thuận lợi, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các thỏa thuận FTA đơn phương; tiến hành đàm phán các FTA song phương thế hệ mới với các nước, nhất là với các đối tác thương mại lớn.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính hướng đến nền xây dựng nền hành chính kiến tạo, quản trị hiện đại, lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chính. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Thứ năm, tăng cường thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng xanh. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, Fintech, thực tế ảo, Blockchain. Đồng thời, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ cho các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài theo hướng minh bạch, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
1 Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024. https://www.gso.gov.vn/bai-top/2024/10/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iii-va-9-thang-nam-2024
2 Thông tấn xã Việt Nam (2023), Quan hệ kinh tế -thương mại Việt Nam - ASEAN phát triển vượt bậc. https://www.vietnamplus.vn/quan-he-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-asean-phat-trien-vuot-bac-post885832.vnp
3 Tổng cục Hải quan Việt Nam (2024), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2024. https://www.customs.gov.vn/index.jsp?pageId=2&aid=207043&cid=25
4 Tổng cục Hải quan Việt Nam (2024), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2024.
5 Báo Thanh tra (2024), Hoa Kỳ có khoảng 1.340 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn trên 11,8 tỷ USD, https://thanhtra.com.vn/kinh-te/dau-tu/hoa-ky-co-khoang-1-340-du-an-dau-tu-tai-viet-nam-voi-tong-von-tren-11-8-ty-usd-231875.html
6 Tổng cục Hải quan Việt Nam (2024), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2024.
7 Tổng cục Hải quan Việt Nam (2024), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2024.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo Thanh tra (2024), Hoa Kỳ có khoảng 1.340 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn trên 11,8 tỷ USD, https://thanhtra.com.vn/kinh-te/dau-tu/hoa-ky-co-khoang-1-340-du-an-dau-tu-tai-viet-nam-voi-tong-von-tren-11-8-ty-usd-231875.html
2. Học viện Ngoại giao Việt Nam: Giáo trình kinh tế đối ngoại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
3. Quỳnh Trung, “30 năm hội nhập của Việt Nam”, Báo Tuổi trẻ.
4, Thông tấn xã Việt Nam (2023), Quan hệ kinh tế -thương mại Việt Nam - ASEAN phát triển vượt bậc. https://www.vietnamplus.vn/quan-he-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-asean-phat-trien-vuot-bac-post885832.vnp
5. Tổng cục Hải quan Việt Nam (2024), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2024
6. Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024. https://www.gso.gov.vn/bai-top/2024/10/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iii-va-9-thang-nam-2024
Phạm Ngọc Hòa
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp