Giải pháp và lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam
15/07/2024 08:21 884 lượt xem
Tóm tắt: Với xu hướng hội nhập tài chính quốc tế, để đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, việc áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là một trong những điều kiện cần thiết để đẩy mạnh xu hướng này, góp phần hoàn thiện các giải pháp đồng bộ thúc đẩy lĩnh vực kế toán - kiểm toán phát triển; đảm bảo việc ghi nhận sổ sách theo cơ chế thị trường vận hành và thông lệ quốc tế. Tại Việt Nam, ngành Ngân hàng là một trong những ngành hội nhập sâu rộng nhất, chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, đầu tư lớn của các nhà đầu tư nước ngoài nên việc áp dụng được IAS là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Bài viết dựa trên khảo sát thực tế tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trong và ngoài nước về những tác động tài chính khi áp dụng IFRS, các khó khăn, thách thức và khuyến nghị chính sách khi áp dụng IFRS tại Việt Nam.
 
Từ khóa: IFRS, tác động tài chính, Chuẩn mực kế toán.
 
SOLUTIONS AND TIMELINE FOR APPLYING INTERNATIONAL FINANCIAL REPORTING STANDARDS FOR THE VIETNAMESE CREDIT INSTITUTIONS
 
Abstract: With the integration of international finance, to provide the accurate and transparent information, the application of International Accounting Standards and International Financial Reporting Standards is one of the necessary conditions for promoting this trend; contributing to completing synchronous solutions to promote accounting and auditing development; ensuring book recording following to market mechanisms and international practices. In Vietnam, the banking sector is one of the industries with the most extensive international integration, has been witnessing many huge acquisitions and investment deals by foreign investors. That brings the application of International Accounting Standards in this sector is important. The article is based on an actual survey at domestic and foreign credit institutions to evaluate the financial impacts of applying IFRS, to state the difficulties and recommendations for relevant units when applying IFRS.
 
Keywords: IFRS, financial impact, accounting standards.
 
1. Tổng quan về Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và các bước áp dụng IAS tại Việt Nam
 
Hội nhập quốc tế kéo theo thị trường tài chính giữa các nước không còn rào cản lớn, các cuộc khủng hoảng do yếu tố toàn cầu hóa lại gây ra ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến thế giới như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối năm 2019, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hay gần đây nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu từ năm 2022. Để làm giảm tác động của các cuộc khủng hoảng, việc cung cấp các thông tin công khai, minh bạch giữa các chủ thể tham gia thị trường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 
 
Từ năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và bắt đầu con đường hội nhập kinh tế thế giới. Mặc dù đã có những bước phát triển kinh tế khả quan, nhưng kinh tế Việt Nam cũng đang phát triển chững lại và đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, lĩnh vực tài chính - ngân hàng, với vai trò là một trong các lĩnh vực đi đầu trong quá trình hội nhập kinh tế của quốc gia, đang tồn tại nhiều sự khác biệt trọng yếu giữa VAS và IAS, IFRS dẫn đến hạn chế khi minh bạch hóa thông tin tài chính, làm phát sinh nhiều chi phí chuyển đổi, giảm tính chủ động và khả năng kiểm soát của các TCTD trong cung cấp thông tin tài chính cho đối tác nước ngoài.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam (Bộ Tài chính) đã ban hành bộ 26 VAS theo hướng chọn lọc các quy định phù hợp với điều kiện nền kinh tế và trình độ quản lý trong nước giai đoạn 2000 - 2005 của bộ chuẩn mực quốc tế. VAS được ban hành đã bước đầu tạo nền tảng cho hệ thống pháp lý về kế toán tại Việt Nam, giúp ghi nhận các giao dịch của nền kinh tế mới chuyển đổi theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, VAS còn thiếu nhiều chuẩn mực so với thông lệ quốc tế như các chuẩn mực về thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, nông nghiệp, công cụ tài chính phái sinh, giá trị hợp lý, tổn thất tài sản...
 
Để đảm bảo yêu cầu về thông tin tài chính theo đúng chuẩn mực quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có định hướng, chỉ đạo yêu cầu hoàn thiện hệ thống khung pháp lý về kế toán, cụ thể:
 
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa yêu cầu hoàn thiện chế độ kế toán, kiểm toán và hệ thống báo cáo tài chính phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
 
- Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã nêu quan điểm: “Phải thiết lập một hệ thống các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy kế toán - kiểm toán phát triển: Từ việc nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của công cụ kế toán, kiểm toán; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hệ thống chuẩn mực, phương pháp nghiệp vụ phù hợp với nền kinh tế thị trường đang phát triển của Việt Nam, hòa nhập với thông lệ quốc tế”.
 
- Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt kèm theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ có nêu một trong những giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là “Xây dựng, triển khai Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn thực hiện công bố báo cáo tài chính theo chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)”.
 
- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam; trong đó, đã đề ra lộ trình dịch, ban hành bộ IFRS và bộ Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo nguyên tắc tối đa thông lệ quốc tế phù hợp với đặc thù của Việt Nam để áp dụng cho các doanh nghiệp không thực hiện theo IFRS.
 
Theo đó, Bộ Tài chính đã xác định từ năm 2022 đến năm 2025, là giai đoạn triển khai áp dụng tự nguyện IFRS cho báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng đối với một nhóm các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Lộ trình áp dụng bắt buộc đối với nhóm các doanh nghiệp sẽ được Bộ Tài chính quy định sau năm 2025 căn cứ trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng tự nguyện. 
 
Bên cạnh đó, do đặc thù hoạt động của ngành Ngân hàng, Đề án đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) “nghiên cứu, xác định lộ trình áp dụng bắt buộc IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất” và “nghiên cứu, xác định lộ trình áp dụng tự nguyện IFRS để lập báo cáo tài chính riêng” cho từng doanh nghiệp cụ thể thuộc nhóm các ngân hàng thương mại và TCTD sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
 
2. Kinh nghiệm áp dụng IFRS của một số nước trên thế giới
 
Qua nghiên cứu, xuất phát từ tình hình thực tế trong việc cần thiết nâng cao chất lượng của báo cáo tài chính sau những đổ vỡ của các công ty, tập đoàn tài chính cố tình che giấu tình hình kinh doanh thực tế thông qua khe hở của kế toán như sự sụp đổ của Enron, Worldcom..., các quốc gia ở mỗi khu vực đã thực hiện áp dụng IAS để đảm bảo thông tin về tình hình tài chính của các đơn vị được minh bạch, so sánh dễ dàng. Từ đó, những hành vi gian lận trong báo cáo tài chính có được ngăn ngừa, nhận dạng bởi những người sử dụng (nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp có quan hệ kinh tế...)
 
2.1. Kinh nghiệm áp dụng IFRS tại châu Âu
 
Năm 2002, Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua quy định yêu cầu tất cả các công ty niêm yết, bao gồm cả ngân hàng và công ty bảo hiểm, phải lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS từ ngày 01/01/2005. Bên cạnh đó, Hiệp định Norwalk giữa Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính (FASB) và Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) cũng đã thừa nhận cam kết trong việc phát triển các chuẩn mực kế toán tương thích và chất lượng cao. Đối với các công ty nội địa của thị trường châu Âu, IFRS được áp dụng bắt buộc đối với tất cả các công ty có chứng khoán nợ hoặc chứng khoán vốn giao dịch trên thị trường đại chúng chung do châu Âu quản lý. Đối với các giao dịch thực hiện tại sở giao dịch chứng khoán ngoài các sở giao dịch do châu Âu quản lý, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có quyền yêu cầu hoặc cho phép các tiêu chuẩn IFRS được EU thông qua áp dụng đối với báo cáo tài chính riêng lẻ của các công ty niêm yết hoặc báo cáo tài chính hợp nhất hoặc riêng lẻ của các công ty chưa niêm yết. Sau đây là tình hình áp dụng IFRS tại một số nước châu Âu:
 
2.1.1. Kinh nghiệm áp dụng IFRS tại Thổ Nhĩ Kỳ
 
Việc áp dụng IFRS chủ yếu được thiết kế cho các công ty lớn/đại chúng. Theo đó, bộ đầy đủ các Chuẩn mực báo cáo tài chính Thổ Nhĩ Kỳ (TFRS) dưới dạng bản dịch của IFRS được xuất bản để sử dụng cho các đơn vị niêm yết công khai. Các đơn vị niêm yết lập báo cáo tài chính phù hợp TFRS từ năm 2005. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chuẩn mực báo cáo tài chính của các đối tượng này cũng được dịch từ IFRS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (TFRS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa). Việc sử dụng IFRS/TFRS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hợp pháp hóa trong Bộ Luật Thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ.
 
2.1.2. Kinh nghiệm áp dụng IFRS tại Pháp
 
Vào tháng 6/2002, EU đã thông qua Quy định IAS yêu cầu các công ty châu Âu niêm yết trên thị trường chứng khoán EU, bao gồm các ngân hàng và công ty bảo hiểm, lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS bắt đầu từ báo cáo tài chính cho năm tài chính 2005 trở đi. Từ thời điểm này, IFRS trở thành bắt buộc đối với báo cáo tài chính hợp nhất của các công ty niêm yết tại Pháp. Phương thức áp dụng IAS của Pháp là duy trì tồn tại ba hệ thống áp dụng cho ba đối tượng khác nhau, trong đó việc thống nhất áp dụng IFRS chỉ diễn ra đối với báo cáo hợp nhất các công ty đại chúng. Đối với các doanh nghiệp không phải đại chúng, quy định kế toán được điều chỉnh theo hướng áp dụng khi cần thiết và thích hợp. Trong giai đoạn áp dụng sâu hơn, Pháp có khuynh hướng địa phương hóa chuẩn mực quốc tế để phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của quốc gia, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
2.2. Kinh nghiệm áp dụng IFRS tại châu Á
 
Châu Á cho thấy một bức tranh toàn cảnh trong việc triển khai áp dụng IFRS, đặc biệt là IFRS số 9 (IFRS 9) - liên quan đến công cụ tài chính, kéo theo những lo ngại về các yêu cầu chuyển đổi hệ thống báo cáo tài chính trong tương lai tại một số thị trường.
 
Hiện tại, Hàn Quốc, Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông, Đài Loan), Singapore, Malaysia và Philippines đã chính thức áp dụng IAS, IFRS. Ngược lại với việc áp dụng của các quốc gia nêu trên, một số quốc gia chậm trễ trong việc triển khai IFRS như Ấn Độ - chưa ấn định ngày thực hiện vì những lo ngại liên quan đến sự suy yếu của các tổ chức cho vay thuộc sở hữu nhà nước. 
 
2.2.1. Kinh nghiệm áp dụng IFRS tại Nhật Bản 
 
Tại Nhật Bản, IFRS áp dụng bắt buộc đối với các công ty nước ngoài; tuy nhiên, không bắt buộc đối với các công ty đại chúng trong nước và không áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. IFRS là một trong bốn khuôn khổ báo cáo tài chính được phép áp dụng; ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn gồm: Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) của Nhật Bản, tiêu chuẩn quốc tế sửa đổi của Nhật Bản (JMIT) và GAAP của Hoa Kỳ.
 
Đối với các công ty lập báo cáo tài chính theo GAAP và chuyển đổi báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS, thì việc đối chiếu báo cáo tài chính hợp nhất được lập theo IFRS là bắt buộc và báo cáo tài chính được lập theo GAAP của Nhật Bản là không cần thiết. Tuy nhiên, công ty vẫn phải công bố thông tin tài chính theo GAAP và cần phải công bố thông tin bổ sung liên quan đến những khác biệt lớn giữa hai chuẩn mực cho năm hiện tại và năm trước đó.
 
Tổ chức chịu trách nhiệm đối với việc thiết lập Chuẩn mực kế toán tại Nhật Bản (FASF) - Tổ chức Chuẩn mực kế toán tài chính tại Nhật Bản được thành lập năm 2001 để góp phần vào sự phát triển lành mạnh của hoạt động tài chính và thị trường vốn tại Nhật Bản. Tổ chức này sẽ đưa ra các khuyến nghị và đóng góp cho hệ thống kế toán quốc tế bằng cách nghiên cứu, phát triển các tiêu chuẩn kế toán được chấp nhận chung cùng hệ thống công bố thông tin cũng như thực tiễn áp dụng hệ thống tài chính dành cho doanh nghiệp. Trong FASF có một tổ chức cốt lõi thiết lập chuẩn mực kế toán là ASBJ - chịu trách nhiệm trực tiếp về việc phát triển và cân nhắc các chuẩn mực kế toán cũng như đóng góp vào việc phát triển, cải thiện các chuẩn mực kế toán quốc tế.
 
Ủy ban Chuẩn mực kế toán Quốc tế và ASBJ đã làm việc cùng nhau để đạt được điểm chung của các tiêu chuẩn IFRS và GAAP của Nhật Bản kể từ năm 2005.
 
2.2.2. Kinh nghiệm áp dụng IFRS tại Trung Quốc
 
Trung Quốc bắt đầu thiết lập Chuẩn mực kế toán từ năm 1988. Tuy nhiên, trước sức ép hội nhập kinh tế thế giới, Trung Quốc đã chấp nhận xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán mới theo hướng hội tụ kế toán quốc tế trên cơ sở IFRS gồm 38 chuẩn mực kế toán, có hiệu lực từ năm 2007. Bộ Tài chính Trung Quốc đang tiếp tục sửa đổi chuẩn mực kế toán quốc gia theo hướng phù hợp hơn với IFRS; tuy nhiên, cơ quan này chưa thông báo bất kỳ kế hoạch nào nhằm áp dụng trực tiếp các IFRS tại Trung Quốc. Như vậy, tại Trung Quốc, việc áp dụng IFRS được thực hiện thông qua quá trình ban hành và kết hợp vào hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia.
 
2.3. Kinh nghiệm áp dụng IFRS tại Úc
 
Úc là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng IFRS. Úc đã có các bước chuẩn bị nhất định cho việc chuyển đổi từ chuẩn mực kế toán quốc gia sang IFRS từ năm 2002 và chính thức áp dụng IFRS từ ngày 01/01/2005. Năm 2005, Úc ban hành Chuẩn mực kế toán dựa trên cơ sở thông qua toàn bộ IFRS. Các công ty niêm yết ở Úc và tất cả loại hình còn lại, ngoại trừ những công ty rất nhỏ không niêm yết, đều phải áp dụng IFRS. Ngoài ra, các công ty nước ngoài có thể sử dụng tiêu chuẩn trong nước của họ nếu được thị trường chứng khoán chấp thuận. Úc có hai cấp độ yêu cầu báo cáo để lập báo cáo tài chính cho mục đích chung bao gồm Chuẩn mực kế toán Úc (cấp 1) và Chuẩn mực kế toán Úc - Giảm yêu cầu tiết lộ thông tin (cấp 2). IFRS được đưa vào Chuẩn mực kế toán Úc cấp 1, với việc bổ sung các đoạn về khả năng áp dụng của từng chuẩn mực trong môi trường Úc. Cấp 2 bao gồm các yêu cầu về ghi nhận, đo lường và trình bày của cấp 1 (là các yêu cầu về ghi nhận, đo lường và trình bày của IFRS) và giảm đáng kể số lượng công bố thông tin tương ứng với các yêu cầu đó.
 
Các tổ chức vì lợi nhuận của khu vực tư nhân tuân thủ cấp 1 của Chuẩn mực kế toán Úc sẽ đồng thời tuân thủ IFRS. Các đơn vị này phải có tuyên bố rõ ràng trong báo cáo tài chính theo luật định về việc tuân thủ IFRS do Hội đồng quản trị ban hành.
 
3. Thực trạng áp dụng IFRS của các TCTD tại Việt Nam

3.1. Đánh giá sơ bộ về kết quả khảo sát đối với các TCTD
 
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát về tình hình áp dụng IFRS của các TCTD tại Việt Nam. Kết quả khảo sát thực hiện theo 71 phản hồi đến từ các TCTD gồm: 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, 19 ngân hàng thương mại cổ phần, 4 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 2 ngân hàng liên doanh, 28 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 9 công ty tài chính, 3 công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặc dù nhu cầu tìm hiểu để áp dụng IFRS trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được hỏi là có, nhưng số doanh nghiệp đã lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế chỉ chiếm xấp xỉ 16,9%, còn lại 83,1% các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa lập báo cáo tài chính theo IFRS.
 
Có thể thấy, tỉ lệ phần trăm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thực hiện báo cáo tài chính tuân thủ theo IFRS còn thấp. Lý giải điều này, nhóm nghiên cứu nhận định, do VAS đã được soạn thảo và ban hành trong giai đoạn từ năm 2001 - 2005, nên đang có sự khác biệt rất lớn giữa VAS và IFRS. Để áp dụng được IFRS, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần chuẩn bị nhiều nguồn lực, tri thức, hệ thống công nghệ thông tin… Điều này dẫn đến việc chưa sẵn sàng áp dụng IFRS tại các đơn vị. Xét theo các khía cạnh mục đích, hình thức áp dụng, thời gian áp dụng IFRS của các TCTD cũng chưa thực sự thống nhất do giai đoạn hiện nay việc áp dụng IFRS là hình thức tự nguyện, chưa có hướng dẫn của cơ quan nhà nước.
 
Về mục đích áp dụng IFRS, các TCTD chủ yếu áp dụng nhằm mục đích quản trị nội bộ ngân hàng, tiếp theo nhằm mục đích huy động vốn nước ngoài hoặc mục đích hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng mẹ và ngoài ra, còn để chuẩn bị cho việc tuân thủ lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam. Về hình thức áp dụng IFRS, các TCTD thường lập báo cáo IFRS thông qua hệ thống hỗ trợ hạch toán bút toán IFRS cho từng giao dịch phát sinh hằng ngày hoặc chuyển đổi báo cáo VAS sang IFRS bằng các bút toán điều chỉnh. Về thời gian lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên, các TCTD mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị các nguồn lực về tài chính và nhân sự cũng như hệ thống phần mềm, chế độ chính sách... Cụ thể, trong 7 TCTD đã áp dụng IFRS, 4 TCTD phản hồi cần mất từ dưới 6 tháng, 1 TCTD cần 6 - 12 tháng và 2 TCTD cần thời gian từ 1 - 2 năm để có thể bắt đầu chuyển đổi việc áp dụng chính sách kế toán mới.
 
Trong số 59 TCTD phản hồi câu hỏi khảo sát, có 38/59 TCTD (tương ứng 64% số TCTD phản hồi chưa áp dụng lập báo cáo tài chính theo IFRS) dự định có triển khai áp dụng đầy đủ IFRS trong thời gian tới, còn lại 21/59 TCTD (tương ứng 36% số TCTD phản hồi chưa áp dụng lập báo cáo tài chính theo IFRS) không có dự định triển khai. Mức độ phản hồi có dự định triển khai áp dụng báo cáo tài chính theo IFRS cho thấy, các TCTD đã nhận thức được tầm quan trọng của chuẩn mực này trong thời điểm hiện tại.
 
3.2. Đánh giá sơ bộ về tác động lên báo cáo tài chính của các TCTD khi áp dụng IFRS
 
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát số liệu báo cáo tài chính theo VAS và IFRS của 8 ngân hàng trong nước, 13 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 5 TCTD phi ngân hàng. 
 
Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm ngân hàng trong nước có tỉ trọng tăng tổng tài sản là cao nhất (75%), tổng nợ phải trả đa phần tăng ở cả ba nhóm tổ chức; tuy nhiên, tỉ lệ tăng tổng vốn chủ sở hữu lại đi theo xu hướng ngược lại, chỉ có 38% tổ chức có vốn chủ ở hữu tăng lên. Đối với khoản mục tổng tài sản, kết quả khảo sát ghi nhận một số khoản mục có sự biến động trọng yếu bao gồm công cụ tài chính phái sinh, chứng khoán đầu tư và cho vay khách hàng. (Hình 1, 2, 3)

Hình 1: Tỉ trọng thay đổi IFRS so với VAS 
của nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Nguồn: Khảo sát, tính toán của nhóm tác giả

Hình 2: Tỉ trọng thay đổi IFRS so với VAS 
của nhóm TCTD phi ngân hàng

Nguồn: Khảo sát, tính toán của nhóm tác giả
 

Hình 3: Tỉ trọng thay đổi IFRS so với VAS của nhóm ngân hàng trong nước

Nguồn: Khảo sát, tính toán của nhóm tác giả

Nguyên nhân của sự chênh lệch này do sự khác biệt khi hạch toán VAS và IFRS đối với các loại tài sản tài chính tại các TCTD. Cụ thể:
 
- Đối với công cụ tài chính phái sinh: Theo IFRS, công cụ tài chính phái sinh được ghi nhận theo giá trị hợp lý, thay đổi về giá trị hợp lý được phản ánh trong Báo cáo kết quả hoạt động. Tại Việt Nam, hiện nay, các TCTD đang áp dụng Công văn số 7404/NHNN-KTTC ngày 29/8/2006 của NHNN hướng dẫn hạch toán kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ. Theo đó, công cụ tài chính phái sinh được ghi nhận theo tỉ giá giao ngay tại ngày giao dịch, chênh lệch giữa tỉ giá giao ngay và tỉ giá theo hợp đồng được phân bổ vào Báo cáo kết quả hoạt động trong suốt thời hạn của hợp đồng theo phương pháp đường thẳng. Tuy nhiên, do VAS vẫn yêu cầu việc đánh giá lại giá trị của các công cụ này theo tỉ giá giao ngay tại ngày báo cáo nên chênh lệch trong giá trị ròng của công cụ tài chính phái sinh giữa VAS và IFRS là không quá lớn, trừ trường hợp thị trường có biến đổi bất thường về mặt lãi suất/tỉ giá hoặc danh mục phái sinh được nắm giữ trong thời gian dài dẫn đến tỉ giá theo giá trị hợp lý chênh lệch nhiều so với tỉ giá giao ngay.
 
- Đối với khoản đầu tư chứng khoán: Theo VAS, các khoản đầu tư chứng khoán được phân loại dựa vào mục đích nắm giữ và các tổ chức tài chính được lựa chọn phân loại vào khoản mục chứng khoán sẵn sàng để bán mà không có các điều kiện ràng buộc kèm theo. Do đó, đa phần các tổ chức phân loại các khoản đầu tư chứng khoán của mình vào khoản mục này để thuận tiện về mặt vận hành. Tuy nhiên, theo IFRS, các tài sản tài chính phải đi qua hai bước kiểm tra là kiểm tra đặc tính dòng tiền (SPPI) và mô hình kinh doanh (BM). Hai bước kiểm tra này dựa vào đặc tính dòng tiền của sản phẩm, chiến lược kinh doanh tài sản tài chính, phương thức quản trị hiệu quả và quản trị rủi ro mà các tổ chức đang áp dụng trong việc quản trị danh mục. Do vậy, các tổ chức tài chính đã có sự phân loại lại các khoản mục chứng khoán theo IFRS so với VAS để phù hợp với kết quả kiểm tra SPPI và BM.
 
- Đối với khoản cho vay khách hàng: Cho vay khách hàng là khoản mục chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của nhóm ngân hàng trong nước và công ty tài chính. Theo IFRS, tùy thuộc vào kết quả kiểm tra SPPI và đánh giá BM, các khoản cho vay khách hàng có thể được trình bày theo giá trị hợp lý thông qua báo cáo lãi hoặc lỗ (FVTPL), giá trị hợp lý thông qua thu nhập toàn diện khác (FVTOCI) hoặc giá trị phân bổ. Số liệu khảo sát cho thấy, phần lớn các khoản cho vay của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được trình bày theo giá trị phân bổ. Tỉ lệ các khoản cho vay trình bày theo FVTPL chiếm tỉ trọng rất nhỏ, dưới 1% tổng danh mục cho vay. Điều này phản ánh trên thị trường tài chính hiện nay vẫn chủ yếu là các sản phẩm cho vay truyền thống, dòng tiền thu hồi gốc, lãi khoản vay không bị tác động bởi các rủi ro hoặc biến động không liên quan đến một thỏa thuận cho vay cơ bản và các tổ chức nắm giữ các khoản cho vay không nhằm mục đích để mua bán kiếm lời. (Hình 4)

Hình 4: Tỉ trọng thay đổi số liệu IFRS so với VAS 
đối với cho vay khách hàng - giá trị ghi sổ

Nguồn: Khảo sát, tính toán của nhóm tác giả

Giá trị ghi sổ của các khoản cho vay theo IFRS đa phần cao hơn khi áp dụng VAS. 100% (8/8) ngân hàng trong nước ghi nhận tăng giá trị ghi sổ, với mức tăng nhỏ hơn 13% so với giá trị VAS. 4/5 TCTD phi ngân hàng ghi nhận mức tăng giá trị ghi sổ nhỏ hơn 7%. Nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài ghi nhận mức tăng thấp nhất, dưới 0,2%. Sự khác biệt số liệu do VAS chỉ ghi nhận giá trị dư nợ gốc, trong khi IFRS xác định giá trị phân bổ theo phương pháp lãi suất thực đã bao gồm cả gốc và lãi của khoản vay.
 
Khi đánh giá chất lượng danh mục cho vay, tỉ lệ nợ nhóm 2 và tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng cần được xem xét, đánh giá cụ thể. Hiện nay, đa phần TCTD phân loại khoản cho vay dựa trên các tiêu chí định lượng theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, theo IFRS 9, cần kết hợp cả yếu tố định lượng và định tính trong việc phân nhóm khoản cho vay. Kết quả khảo sát cho thấy, sự gia tăng tỉ lệ khoản cho vay nhóm 2 và nhóm 3 trở lên trên báo cáo IFRS so với VAS ở phần lớn các ngân hàng trong nước. Đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 7/13 chi nhánh không phát sinh nợ nhóm 2 và nợ xấu theo cả VAS và IFRS; 3/13 chi nhánh có nợ quá hạn theo VAS cũng ghi nhận sự gia tăng tỉ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu theo IFRS. Theo đó, khi áp dụng cách phân loại khoản vay theo yêu cầu của IFRS, mặc dù tỉ lệ nợ nhóm 2 có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao và đồng thời có sự dịch chuyển sang nhóm 3 nhiều hơn so với VAS.
 
Chỉ tiêu có tỉ trọng thay đổi lớn nhất và quan trọng nhất trong tổng tài sản của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài là dự phòng cho vay khách hàng. IFRS 9 yêu cầu các tổ chức phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất có khả năng xảy ra trong tương lai, thay vì chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh. Theo kết quả ghi nhận, mức độ ảnh hưởng tới trích lập dự phòng khi áp dụng IFRS lên các tổ chức tài chính lại khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm danh mục, khẩu vị rủi ro của mỗi tổ chức và tùy thuộc vào các mô hình ước tính tổn thất tín dụng dự kiến do mỗi tổ chức xây dựng. (Hình 5)

Hình 5: Tỉ trọng thay đổi số liệu IFRS so với VAS 
đối với dự phòng rủi ro cho vay khách hàng

Nguồn: Khảo sát, tính toán của nhóm tác giả

Tương ứng với việc ghi nhận tỉ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu theo IFRS cao hơn so với VAS, 6/8 ngân hàng trong nước ghi nhận quỹ dự phòng theo IFRS cao hơn VAS, mức tăng từ 23% đến 100%. Nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài ghi nhận sự biến động quỹ dự phòng lớn hơn nhóm ngân hàng trong nước, tăng/giảm từ 35% đến 200%. Trong số các chi nhánh tham gia khảo sát, có 1 chi nhánh ghi nhận dự phòng rủi ro tín dụng theo chính sách của ngân hàng mẹ là chuẩn mực IFRS 9, do đó số liệu về dự phòng rủi ro không có sự khác biệt giữa báo cáo VAS và IFRS.
 
3.3. Những khó khăn, thách thức đối với các TCTD khi áp dụng IFRS
 
Một là, hành lang pháp lý chưa đồng bộ. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước chưa có chính sách, cơ chế, hướng dẫn và khung pháp lý hoàn thiện cho việc lập báo cáo tài chính IFRS nên TCTD phải tự nghiên cứu IFRS để áp dụng vào việc lập báo cáo tài chính của TCTD. Việc này có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các TCTD làm giảm tính chất có thể so sánh được giữa các báo cáo tài chính của các TCTD.
 
Hai là, dữ liệu tham chiếu trên thị trường không có sẵn. Theo IFRS, đặc biệt là IFRS 9 về phân loại, đo lường giá trị tài sản tài chính và tính toán tổn thất tài sản tài chính, các TCTD có nhu cầu rất lớn đối với các dữ liệu trên thị trường. Tuy nhiên, TCTD đang gặp khó khăn do dữ liệu không có sẵn trên thị trường hoặc có nhưng rời rạc, không cho phép truy xuất nhiều thông tin cùng một thời điểm. Ví dụ, khi tính toán tổn thất tín dụng dự kiến, dữ liệu chỉ số giá nhà (HPI) không được công bố đầy đủ gây khó khăn cho TCTD trong việc xác định giá trị bất động sản khi tính toán tổn thất tín dụng dự kiến của tài sản tài chính liên quan như cho vay mua bất động sản, cho vay thế chấp tài sản bảo đảm là bất động sản. Một ví dụ khác là khi tính toán giá trị hợp lý, dữ liệu mua bán trái phiếu niêm yết trên HNX phải xuất hằng ngày thay vì chọn một khoảng thời gian; hoặc dữ liệu giá cổ phiếu/trái phiếu cũng phải tra theo từng mã. 
 
Bên cạnh đó, dữ liệu trên thị trường cũng không được phản ánh đầy đủ theo giá trị hợp lý. Việc chưa có thị trường năng động để đánh giá giá trị hợp lý của các khoản mục tài sản, công nợ theo IFRS khiến việc xác định giá trị của các tài sản phái sinh quyền chọn, hợp đồng tương lai trở nên bất khả thi. 
 
Ba là, kiến thức và hiểu biết của thị trường liên quan đến IFRS chưa đầy đủ. Hiện nay, do việc lập báo cáo tài chính IFRS còn mang tính chất tự nguyện cũng như tính chất phức tạp của IFRS nên việc áp dụng chỉ được thực hiện ở các doanh nghiệp lớn. Từ đó, dẫn đến số lượng người sử dụng báo cáo IFRS không nhiều - chủ yếu là các nhà đầu tư, tổ chức xếp hạng tín dụng, TCTD nước ngoài. Mức độ am hiểu của người sử dụng báo cáo tài chính IFRS ở thị trường Việt Nam còn chưa đồng đều, nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến việc sử dụng báo cáo tài chính IFRS cho việc phân tích, đánh giá tình hình tài chính của TCTD.
 
Bốn là, nguồn nhân lực để thực hiện việc áp dụng chuyển đổi sang IFRS. Theo các tài liệu tham khảo về việc chuyển đổi sang IFRS ở các quốc gia, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn chuyển đổi với nguyên nhân do góc nhìn của lãnh đạo về quá trình chuyển đổi sang IFRS chỉ đơn giản là thay đổi chính sách kế toán và là trách nhiệm của bộ phận kế toán. Tuy nhiên, trên thực tế, để áp dụng và triển khai IFRS cần rất nhiều sự thay đổi của doanh nghiệp và đòi hỏi phải có sự hiểu biết, hợp tác của nhiều bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Theo đó, khó khăn đầu tiên về mặt nhân sự là đòi hỏi sự cam kết và thống nhất từ Ban lãnh đạo trong việc áp dụng chuẩn mực IFRS. Đối với nhóm nhân sự trực tiếp tham gia quá trình lập báo cáo tài chính IFRS, các khó khăn do kiến thức và kinh nghiệm lập báo cáo tài chính IFRS. Đối với nhóm đơn vị liên quan khác (đơn vị kinh doanh/quản trị rủi ro/công nghệ thông tin…), khó khăn do yêu cầu năng lực xây dựng mô hình và am hiểu hệ thống, không chỉ riêng bộ phận kế toán, mà còn bao gồm rất nhiều bộ phận liên quan như công nghệ thông tin, quản trị rủi ro… Bên cạnh đó, nhân sự các khối kinh doanh cũng cần nắm được ảnh hưởng của IFRS tới kết quả kinh doanh của bộ phận mình để đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp.
 
Năm là, phương pháp luận khi áp dụng IFRS sẽ rất khác biệt so với VAS. IFRS chỉ đưa ra các nguyên tắc chung thống nhất, khác với việc lập báo cáo tài chính VAS tuân theo các quy định cứng nhắc và hướng dẫn chi tiết. Điều này đòi hỏi các TCTD cần lưu ý và cân nhắc giữa nhiều lựa chọn để quyết định được cách thức áp dụng phù hợp với đặc thù của từng TCTD.
 
4. Khuyến nghị chính sách khi áp dụng IFRS tại Việt Nam
 
4.1. Các điều kiện để chuẩn bị áp dụng IFRS tại Việt Nam
 
Xuất phát từ những yêu cầu của IFRS cũng như từ kinh nghiệm triển khai IFRS của các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy, sự thành công trong việc áp dụng IFRS tại các TCTD Việt Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố: Nhân lực, công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, phương pháp luận và quản trị sự thay đổi. 
 
Thứ nhất, nhân lực
 
Một trong số các vấn đề mấu chốt để đảm bảo việc chuyển đổi sang IFRS thành công là thay đổi tư duy và quan điểm của Ban Lãnh đạo các TCTD. Để áp dụng và triển khai IFRS cần có sự thay đổi toàn diện trong nội bộ của mỗi tổ chức, TCTD cần đảm bảo sự hiểu biết và phối hợp của nhiều bộ phận khác nhau, dẫn tới các yêu cầu bắt buộc bổ sung kiến thức, xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân sự các cấp. 
 
Đối với nhóm nhân sự quản lý cấp cao/Ban Lãnh đạo: Triển khai áp dụng IFRS dẫn tới sự thay đổi toàn diện về đo lường và ghi nhận các khoản mục trên báo cáo tài chính so với khi áp dụng VAS, kéo theo những tác động tới các tiêu chí đánh giá về tình hình tài chính và phi tài chính của mỗi TCTD. Vì vậy, Ban Lãnh đạo của mỗi TCTD cần sớm nhận diện được các tác động này và có kế hoạch hành động cần thiết để đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động của tổ chức, cũng như có những thay đổi về cách thức quản trị và chiến lược kinh doanh. 
 
Qua khảo sát các TCTD cho thấy, khoảng 60% Ban Lãnh đạo của các TCTD được khảo sát (Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành) đã sẵn sàng và rất sẵn sàng nhận diện, xác định được các khác biệt cơ bản giữa IFRS và VAS, cũng như xác định được các ảnh hưởng trọng yếu (bao gồm cả ảnh hưởng tài chính/phi tài chính) khi áp dụng IFRS. Đồng thời, khoảng 48,3% Ban Lãnh đạo TCTD đã xác định được kế hoạch/các hành động cần thiết để áp dụng chuẩn mực IFRS, trong khi tỉ lệ phân vân lên kế hoạch cần thiết chiếm 41,4%, tỉ lệ không đồng ý và rất không đồng ý chiếm tỉ lệ nhỏ với 10,3%. 
 
Đối với nhóm nhân sự trực tiếp tham gia quá trình lập báo cáo tài chính IFRS: IFRS dựa trên các nguyên tắc (principle-based) cho phép các sự kiện kế toán được trình bày có tính linh hoạt trên cơ sở các yêu cầu cụ thể về trình bày chính sách kế toán và các ước tính kế toán được thực hiện nhằm mục tiêu cung cấp thông tin hữu ích và phù hợp cho người dùng. Do đó, đội ngũ kế toán cần có năng lực chuyên môn cao và chủ động cập nhật những thay đổi của các chuẩn mực. 
 
Qua khảo sát ở các TCTD, mặc dù có tới 55,1% các đơn vị chuyên môn của các TCTD (tài chính, kế toán, nguồn vốn, quản trị rủi ro, công nghệ thông tin, kiểm toán nội bộ…) chủ động tìm hiểu, nhận diện và am hiểu các khác biệt giữa IFRS và VAS; tuy nhiên, tỉ lệ các TCTD phân vân đối với nội dung này không nhỏ, chiếm 37,9%. Kết quả cũng cho thấy, chỉ có 31% các TCTD được khảo sát có các đơn vị chuyên môn đã trực tiếp tham gia vào việc lập, rà soát, kiểm soát số liệu trên báo cáo tài chính IFRS của TCTD, trong khi tỉ lệ các TCTD phân vân chiếm 32,2% và 36,8% các TCTD chưa trực tiếp tham gia.
 
Đối với nhóm đơn vị liên quan khác như các đơn vị kinh doanh và phát triển sản phẩm, quản trị rủi ro, thu hồi nợ, nguồn vốn, công nghệ thông tin, kiểm toán nội bộ… cũng cần chủ động tìm hiểu, nhận diện các khác biệt giữa IFRS và VAS để hỗ trợ hoặc trực tiếp tham gia vào quá trình lập, rà soát, kiểm soát số liệu trên báo cáo tài chính IFRS. Đồng thời, đơn vị kinh doanh cũng cần nắm được ảnh hưởng của IFRS tới kết quả kinh doanh của bộ phận mình để đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp.
 
Thứ hai, hệ thống công nghệ thông tin
 
Phần mềm kế toán của các TCTD trong nước hiện nay chỉ hỗ trợ ghi nhận các giao dịch theo chuẩn mực VAS, các TCTD trong nước đang chỉ thực hiện chuyển đổi từ số liệu của báo cáo VAS sang số liệu của báo cáo IFRS mà không có sự thay đổi nào về ghi nhận kế toán trên hệ thống. Để triển khai IFRS một cách toàn diện, TCTD phải có hệ thống hỗ trợ hạch toán bút toán theo IFRS cho từng giao dịch phát sinh hằng ngày, cũng như phải sửa đổi toàn bộ các hệ thống báo cáo cho phù hợp. Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần phát triển bổ sung các hệ thống hỗ trợ tính toán lãi suất thực, giá trị ghi sổ, giá trị hợp lý, dự phòng tổn thất tín dụng dự kiến…
 
Với yêu cầu lập và trình bày báo cáo hợp nhất, các TCTD cũng cần đầu tư đồng bộ cho cả công ty con, đảm bảo có sự kết nối giữa phần mềm kế toán của công ty mẹ và công ty con để đáp ứng kịp thời nhu cầu về dữ liệu. Việc nâng cấp hoặc mua mới hệ thống công nghệ thông tin là một khoản đầu tư khá lớn, cần lên kế hoạch ngân sách ngay từ giai đoạn chuẩn bị áp dụng IFRS. 
 
Qua khảo sát các TCTD, chỉ có khoảng 30% các TCTD đã nhận diện được các khác biệt về mặt hệ thống công nghệ thông tin khi áp dụng IFRS và có kế hoạch để nâng cấp/mua mới/triển khai các phân hệ/hệ thống mới. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, gần ½ các TCTD được khảo sát chưa có kế hoạch xây dựng kế hoạch và sẵn sàng đầu tư để sửa đổi/mua mới các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho việc ghi nhận giao dịch/tính toán/lập báo cáo để đáp ứng các yêu cầu của IFRS. 
 
Thứ ba, cơ sở dữ liệu
 
Yêu cầu về độ dài dữ liệu: Các mô hình thường đòi hỏi có dữ liệu đầu vào trong một khoảng thời gian khá dài, từ 5 - 10 năm. Việc thu thập, lưu trữ, làm sạch khối lượng lớn dữ liệu cần rất nhiều nguồn lực. Các TCTD cần nhận diện được các yêu cầu về dữ liệu và có kế hoạch chuẩn bị từ sớm. Qua khảo sát các TCTD, khoảng 60% số TCTD đã đánh giá, nhận diện được các yêu cầu về dữ liệu cần có khi bắt buộc phải áp dụng IFRS; trong đó, số lượng TCTD đã đánh giá và chuẩn bị được toàn bộ số liệu chiếm 5,9% và có kế hoạch chuẩn bị một phần dữ liệu là 17,2%.
 
Yêu cầu về dữ liệu tương lai: Việc tính toán giá trị hợp lý và tổn thất tín dụng dự kiến yêu cầu dữ liệu dự báo tương lai trong khoảng từ 1 - 30 năm, điều này đòi hỏi TCTD phải có một đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao để đưa ra các phân tích, dự báo chính xác, kịp thời. Đối với những dữ liệu không thể tự dự báo, TCTD cần cân nhắc tìm hiểu và tham chiếu các nguồn dự báo có uy tín trên thị trường.
 
Thứ tư, phương pháp luận
 
IFRS cho phép đo lường và ghi nhận các tài sản tài chính và nghĩa vụ nợ tài chính theo giá trị hợp lý. Phương pháp đo lường này yêu cầu sử dụng khá nhiều xét đoán và giả định. Do đó, để đảm bảo chất lượng thông tin định giá, TCTD cần xây dựng phương pháp luận cho việc đánh giá giá trị hợp lý của các công cụ tài chính một cách rõ ràng, chi tiết và cần được cập nhật kịp thời để bắt kịp với những thay đổi trên thị trường.
 
Theo chuẩn mực IFRS 9, việc xây dựng mô hình tính toán tổn thất tín dụng dự kiến sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu TCTD đã sẵn có phương pháp luận của mô hình đo lường tổn thất dự kiến (Expected Loss) theo phương pháp FIRB/AIRB của Basel. Ngoài ra, IFRS 9 yêu cầu việc tính toán tổn thất tín dụng dự kiến cần cân nhắc ảnh hưởng của các thông tin dự báo về tương lai. Do đó, TCTD cũng cần xây dựng phương pháp luận cho mô hình dự báo các yếu tố ước đoán tương lai.
 
Kết quả khảo sát phương pháp luận cho việc đánh giá giá trị hợp lý của các công cụ tài chính cho thấy, số lượng TCTD đã có chiếm hơn một nửa (55,2%) với 36,8% đã có phương pháp luận cho một vài danh mục và 18,4% đã có phương pháp luận cho tất cả các danh mục. Tuy vậy, số lượng TCTD chưa xây dựng phương pháp luận cho việc đánh giá giá trị hợp lý của các công cụ tài chính cũng chiếm tỉ lệ lớn 44,8%.
 
Thứ năm, quản trị sự thay đổi

Để thực hiện chuyển đổi thành công, TCTD cần có kế hoạch quản trị sự thay đổi một cách phù hợp. Một số vấn đề cần được nhận diện, đánh giá và có kế hoạch hành động như:
 
- Các khác biệt giữa VAS và IFRS dẫn tới thay đổi sâu sắc bức tranh tài chính cũng như các nhìn nhận của các nhà đầu tư, đơn vị đánh giá xếp hạng, cơ quan quản lý, đối thủ cạnh tranh… về sức khỏe tài chính của một TCTD. 
 
Khảo sát cho thấy, 33,3% các TCTD đồng ý trong việc đã nhận diện, đánh giá và sẵn sàng cho các thay đổi quan trọng khi áp dụng IFRS. Tuy nhiên, số lượng TCTD phân vân và không đồng ý chiếm tỉ lệ lớn, lần lượt là 47,1% và 19,5%.
 
- Những yêu cầu của các chuẩn mực IFRS dẫn tới những thay đổi bắt buộc trong nội bộ tổ chức về các mặt: Chính sách tài chính - kế toán, quy trình phát triển sản phẩm, quy trình đầu tư tài sản tài chính, quy trình tính toán dự phòng tổn thất tín dụng, công tác quản trị danh mục, quản trị hiệu quả kinh doanh, quản trị rủi ro, hoạt động kiểm soát nội bộ, cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các bộ phận trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính…
 
- Từ những yêu cầu về nhân lực, công nghệ, dữ liệu nói trên, TCTD cần có kế hoạch ngân sách cho quá trình chuyển đổi, xác định lộ trình chuyển đổi và thời gian cần thiết để hoàn thành quá trình chuyển đổi.
 
- Kinh nghiệm chuyển đổi của các nước cho thấy, công tác đào tạo, truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của quá trình chuyển đổi. Khi toàn bộ tổ chức, từ Ban Lãnh đạo, các phòng, ban Hội sở cho tới các đơn vị kinh doanh đều có kiến thức về IFRS, thấy được lợi ích của việc áp dụng IFRS, hiểu được trách nhiệm của mình trong các quy trình vận hành liên quan thì việc áp dụng IFRS sẽ không còn là thách thức đối với TCTD.
 
4.2. Khuyến nghị chính sách, cơ chế có liên quan để áp dụng IFRS tại Việt Nam
 
Hiện nay, VAS được xây dựng dựa trên chuẩn mực cũ của quốc tế, trong khi chuẩn mực kế toán của quốc tế đã có sự thay đổi về bản chất so với giai đoạn 2000 - 2005, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Do đó, dẫn đến tình trạng phát sinh các giao dịch kinh tế thuộc nhóm các nghiệp vụ đặc thù và một số nội dung thực tế chưa được hạch toán theo kịp với thông lệ quốc tế, nền kinh tế thị trường hiện nay. Điều này gây nên khó khăn cho công tác kế toán của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại công cụ tài chính phức tạp. Theo đó, nhóm tác giả khuyến nghị chính sách, cơ chế có liên quan để áp dụng IFRS tại Việt Nam như sau:
 
Thứ nhất, với vai trò cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về kế toán, Bộ Tài chính cân nhắc ban hành hệ thống chính sách hướng dẫn công tác lập báo cáo tài chính theo IFRS, hướng dẫn quy trình áp dụng IFRS.
 
Thứ hai, Bộ Tài chính sớm đánh giá, sửa đổi, bổ sung cập nhật các quy định trong lĩnh vực kế toán, đặc biệt là Luật Kế toán, 26 chuẩn mực của VAS và ban hành bổ sung một số chuẩn mực kế toán như: Công cụ tài chính (IFRS 7; IFRS 9); Tổn thất tài sản (IAS 36)... cho phù hợp với những thay đổi của IAS/IFRS và thực tiễn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
 
Đồng thời, từng bước tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh tế và luật pháp phù hợp với yêu cầu của IAS/IFRS, cụ thể như: Thị trường cần phải “hoạt động” và “minh bạch” để xác định giá trị hợp lý của các tài sản tài chính…
 
Thứ ba, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo hướng giảm thiểu sự chồng chéo, khác biệt giữa các văn bản; hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế và cơ chế tài chính để tránh xuất hiện chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán khi áp dụng IFRS, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp luật, cũng như nâng cao chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính. 
 
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính xem xét phối hợp với các bộ, ban, ngành, các công ty kiểm toán và các hiệp hội doanh nghiệp... tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp và tiến hành áp dụng IFRS vào quá trình lập báo cáo tài chính; tăng cường đẩy mạnh các hỗ trợ kỹ thuật và đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để khuyến khích chuyển sang áp dụng IFRS. 
 
Thứ tư, việc các TCTD áp dụng IFRS sẽ đặt ra yêu cầu NHNN xem xét rà soát đối với các quy định do NHNN ban hành như: (i) Có cần tiếp tục quy định về hệ thống tài khoản kế toán và biểu mẫu báo cáo đã quy định tại Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 và Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của Thống đốc NHNN; (ii) Việc phân loại thành 5 nhóm nợ như tại Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Thống đốc NHNN có còn phù hợp và cần xem xét sửa đổi hay không; cân nhắc sửa đổi/ban hành mới các quy định, trong đó các báo cáo có số liệu được lấy trên báo cáo tài chính của các TCTD cho phù hợp...
 
Thứ năm, NHNN xem xét cân nhắc phối hợp với Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác lập báo cáo tài chính theo IFRS của TCTD hoặc hướng dẫn một số nội dung áp dụng liên quan công cụ tài chính do hầu hết các tài sản trên báo cáo tài chính của các TCTD là tài sản tài chính. NHNN cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc ban hành lộ trình áp dụng IFRS/IAS đối với TCTD trong thời gian tới theo đúng tinh thần tại Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. KPMG (2018). Ảnh hưởng của sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán và cơ chế tài chính tại Việt Nam đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
2. NHNN (2021). So sánh tổng quan sự khác biệt giữa VAS và IFRS.
3. Bộ Tài chính (2019). Tài liệu cho khóa đào tạo IFRS của ACCA (Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc).
4. Công văn số 7404/NHNN-KTTC ngày 29/8/2006 của NHNN hướng dẫn hạch toán kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ.
5. Luật Kế toán năm 2015.

ThS. Nguyễn Hồng Vân (Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, NHNN)
và nhóm nghiên cứu (Vụ Tài chính - Kế toán, NHNN; Techcombank; Học viện Ngân hàng)

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Tác động của rủi ro địa chính trị và bất ổn chính sách kinh tế thế giới đến giá thị trường của cổ phiếu tại Việt Nam
Tác động của rủi ro địa chính trị và bất ổn chính sách kinh tế thế giới đến giá thị trường của cổ phiếu tại Việt Nam
06/09/2024 11:22 158 lượt xem
Trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng kết nối chặt chẽ, thị trường chứng khoán (TTCK) không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trong nước mà còn bởi các sự kiện và chính sách quốc tế.
Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại các ngân hàng thương mại Việt Nam - Đánh giá từ phía ngân hàng
Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại các ngân hàng thương mại Việt Nam - Đánh giá từ phía ngân hàng
30/08/2024 08:01 546 lượt xem
Hiện nay, dịch vụ ngân hàng số là xu hướng phát triển tất yếu của các ngân hàng thương mại (NHTM). Đứng trước xu thế phát triển tất yếu này, các NHTM cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thay đổi nhận thức trong xây dựng chiến lược kinh doanh của mình, hướng đến lấy khách hàng làm trung tâm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường
Khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường
29/08/2024 09:21 491 lượt xem
Việc Việt Nam được xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường góp phần cải thiện hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp tháo gỡ nhiều trở ngại và rào cản, tạo sự bình đẳng và giảm thiểu các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước khác đối với Việt Nam trong các mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư.
Biến đổi khí hậu, chính sách khí hậu và một số khuyến nghị
Biến đổi khí hậu, chính sách khí hậu và một số khuyến nghị
28/08/2024 11:00 550 lượt xem
Bài viết này tổng hợp một số nghiên cứu kinh tế để xác định tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế trong trung hạn và dài hạn.
Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến dòng vốn FDI vào Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách
Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến dòng vốn FDI vào Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách
26/08/2024 09:22 638 lượt xem
Nghiên cứu này đánh giá tác động Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp.
Đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020
Đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020
16/08/2024 07:06 848 lượt xem
Bài viết nghiên cứu quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN), đưa ra những phân tích, đánh giá, chỉ ra những điểm tiến bộ cũng như những tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật
Mô hình kinh doanh và tác động tới khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại Việt Nam
Mô hình kinh doanh và tác động tới khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại Việt Nam
14/08/2024 08:09 973 lượt xem
Mô hình kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp. Một cách tổng quát, mô hình kinh doanh mô tả cách một doanh nghiệp tạo ra và phân phối giá trị (Osterwalder và Pigneur, 2010).
Phát triển dịch vụ mua trước trả sau tại thị trường Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Phát triển dịch vụ mua trước trả sau tại thị trường Việt Nam: Cơ hội và thách thức
08/08/2024 07:50 1.088 lượt xem
Dịch vụ mua trước trả sau không chỉ là dịch vụ mới nổi tại Việt Nam mà còn là một xu hướng toàn cầu, có nguồn gốc từ sự phát triển của công nghệ thanh toán và tín dụng tiêu dùng.
Tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam
Tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam
02/08/2024 08:09 1.006 lượt xem
Bài viết tìm hiểu khái niệm “tăng trưởng xanh”, Bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh, các thành tựu đã đạt được cũng như khó khăn phải đối mặt, từ đó đưa ra khuyến nghị đóng góp vào quá trình tăng trưởng xanh hướng đến kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ưu đãi lãi suất trong hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị
Ưu đãi lãi suất trong hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị
31/07/2024 08:15 991 lượt xem
Bài viết nghiên cứu chính sách lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước và thực trạng vận hành chính sách đó trong việc xác định lãi suất cho vay đối với các dự án đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Phát triển thị trường tiền tệ liên ngân hàng tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
Phát triển thị trường tiền tệ liên ngân hàng tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
29/07/2024 14:02 1.053 lượt xem
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng là thị trường đầu tiên phân bổ nguồn vốn cho nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối dòng tiền, đảm bảo duy trì giá trị đồng tiền và phòng, chống rửa tiền. Bài viết phân tích thực trạng thị trường tiền tệ liên ngân hàng giai đoạn 2018 - 2023, qua đó đưa ra một số khuyến nghị đối với sự phát triển thị trường tiền tệ liên ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và triển vọng
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và triển vọng
26/07/2024 08:35 2.833 lượt xem
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là một trong năm mũi đột phá của Việt Nam cần được tập trung để thúc đẩy tăng trưởng phát triển và hội nhập.
Sự phát triển của Fintech và thách thức đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam
Sự phát triển của Fintech và thách thức đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam
24/07/2024 08:30 1.258 lượt xem
Sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trên thị trường đã làm thay đổi toàn bộ ngành dịch vụ tài chính, thúc đẩy phát triển các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống...
Một số rủi ro khi sử dụng thẻ tín dụng - Kinh nghiệm và bài học cho giới trẻ
Một số rủi ro khi sử dụng thẻ tín dụng - Kinh nghiệm và bài học cho giới trẻ
22/07/2024 16:28 631 lượt xem
Ở thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), thẻ tín dụng dần trở thành một phương tiện thanh toán khá phổ biến đối với bất kì khách hàng nào bởi tính tiện dụng trong chi tiêu và thanh toán.
Chủ động sử dụng và ứng phó với phòng vệ thương mại
Chủ động sử dụng và ứng phó với phòng vệ thương mại
22/07/2024 08:10 398 lượt xem
Ngày nay, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đang trở thành xu hướng tất yếu, phát triển ngày càng sâu rộng trên thế giới, ngày càng có nhiều nước tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã được ký kết.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

78.500

80.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

78.500

80.500

Vàng SJC 5c

78.500

80.520

Vàng nhẫn 9999

77.250

78.550

Vàng nữ trang 9999

77.150

78.150


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,680 25,050 26,865 28,339 31,919 33,277 166.59 176.32
BIDV 24,715 25,055 27,100 28,350 32,343 33,287 168.25 176.53
VietinBank 24,695 25,035 27,117 28,317 32,408 33,418 167.81 175.56
Agribank 24,700 25,050 27,024 28,258 32,139 33,263 167.38 175.81
Eximbank 24,700 25,130 27,103 28,113 32,263 33,415 169.08 175.43
ACB 24,670 25,030 27,094 28,034 32,350 33,337 168.31 175.02
Sacombank 24,710 25,050 27,321 28,074 32,561 33,263 169.55 175.56
Techcombank 24,678 25,069 26,942 28,299 32,019 33,351 164.87 177.39
LPBank 24,490 25,250 26,981 28,628 32,421 33,426 167.40 179.30
DongA Bank 24,740 25,050 27,120 27,950 32,280 33,250 166.80 174.30
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
2,20
2,20
2,50
3,50
3,50
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,60
3,60
3,60
4,90
4,90
5,30
5,20
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?