Doanh nghiệp Việt Nam chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại hướng tới xuất khẩu bền vững
(Nguồn ảnh: Internet)
1. Xu hướng và tác động của sử dụng phòng vệ thương mại
Ngày nay, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại đang trở thành xu hướng tất yếu, phát triển ngày càng sâu rộng trên thế giới, ngày càng có nhiều nước tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã được ký kết.
Cùng với xu hướng tự do hóa thương mại, trong những năm gần đây, xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau, kể cả ở một số nền kinh tế lớn.
Phòng vệ thương mại có ba biện pháp: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Các biện pháp này được ghi nhận cả trong khuôn khổ WTO, các FTA song phương và khu vực được các quốc gia trên thế giới ký kết. Theo đó, các quốc gia có quyền tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp, nếu xác định rằng việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Để đi đến quyết định áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại, các hiệp định của WTO quy định nước nhập khẩu phải tiến hành một quy trình điều tra, phân tích trên cơ sở thu thập thông tin từ các bên liên quan, trong đó có thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của nước ngoài và doanh nghiệp nhập khẩu. Quy trình điều tra này có thể kéo dài từ 12 - 18 tháng. Nếu phân tích cho thấy các điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được đáp ứng, nước nhập khẩu mới có thể đưa ra quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Tại Việt Nam, quy trình điều tra này được cụ thể hóa trong Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại và các văn bản pháp lý liên quan.
Về nguyên tắc, để bảo hộ mậu dịch, các nước có thể phối hợp dùng các công cụ bảo hộ thuế quan và phi thuế quan dưới nhiều hình thức: Thuế và các hàng rào phi thuế quan.
Với xu hướng hiện nay ngày càng giảm các hàng rào thuế quan và gia tăng các công cụ phi thuế quan như: Cấm nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, giấy phép xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, trợ cấp, tự nguyện hạn chế xuất khẩu, yêu cầu nội địa hóa, lệnh cấm vận, giá nhập khẩu tối thiểu, giá nhập khẩu tối đa, giá xuất khẩu tối thiểu và giá hành chính, các yêu cầu thanh toán trước, tiền gửi nhập khẩu trước, yêu cầu giới hạn tiền mặt, trả trước thuế hải quan, tỉ giá hối đoái đa dạng; quản lý ngoại hối; thuế nội địa đối với nhập khẩu (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trị giá gia tăng), biện pháp về hành chính kỹ thuật (bao gồm hình thức hàng đổi hàng, đặt cọc, thủ tục hải quan, mua sắm chính phủ, quy tắc xuất xứ, chất lượng, an toàn hoặc kích thước, ký hiệu, thử nghiệm, các phương pháp thử nghiệm, đóng gói, đóng dấu, các yêu cầu dán nhãn cho một sản phẩm)…
Mặt khác, để bảo đảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại, những quốc gia áp dụng biện pháp này cũng tích cực giám sát, theo dõi biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu để phát hiện hành vi gian lận nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong trường hợp phát hiện hành vi gian lận, nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể điều tra mở rộng phạm vi áp dụng cho hàng hóa tương tự của quốc gia mà tại đó hành vi gian lận xảy ra, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.
Những biện pháp hạn chế nhập khẩu nói trên được đưa ra với một loạt lí do như bảo vệ môi trường hoặc đảm bảo nguồn cung, cũng như giá cả của các mặt hàng nông sản ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc sử dụng những biện pháp như thế để giải quyết các vấn đề này tạo ta những mối nguy hại. Các chính phủ có thể bị lôi kéo vào xu thế sử dụng hạn chế xuất khẩu để thay đổi lợi thế về giá hàng hóa xuất khẩu hoặc tăng cường sản xuất theo hướng bất lợi đối với nước khác.
Khoảng thời gian từ năm 2017 - 2020 được ghi nhận là giai đoạn trỗi dậy của làn sóng bảo hộ mậu dịch, với sự xuất hiện của nhiều công cụ mới, được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.
Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, thế giới đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng gồm: Biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu và các phân biệt đối xử.
Theo WTO, các biện pháp hạn chế/bảo hộ thương mại được các thành viên WTO áp dụng gia tăng, khiến cho căng thẳng trong quan hệ giao thương và gia tăng bất ổn trong thương mại quốc tế. Số biện pháp hạn chế thương mại được bãi bỏ vẫn còn ít. Điều này cho thấy, sự gia tăng đáng lo ngại về tỉ lệ các biện pháp hạn chế thương mại mới được thiết lập, điển hình là các quốc gia đã ký cam kết nhóm các nền kinh tế lớn (G20).
Xu hướng bảo hộ thương mại thông qua việc sử dụng hàng rào kỹ thuật cũng tăng đáng kể, trong đó, Hoa Kỳ, Brazil và EU dẫn đầu trong xu hướng bảo hộ này.
Cùng với việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các nước có xu hướng đưa ra nhiều biện pháp bảo hộ mới. Các nền kinh tế G20, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada cũng thắt chặt kiểm soát nhập khẩu và thường xuyên áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch. Bên cạnh đó, các biện pháp cấm hoặc hạn chế nhập khẩu cũng được áp dụng. Gần đây, các nước có xu hướng triển khai các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu như cung cấp các khoản vay lãi suất thấp thay vì hạn chế nhập khẩu, bởi phạm vi hiệu lực và ảnh hưởng của chính sách tài chính - tiền tệ cũng có phần bị hạn chế. Ví dụ, Brazil áp mức hoàn thuế xuất khẩu 3%. Trung Quốc và Ấn Độ áp chính sách hoàn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu được dùng để sản xuất các thành phẩm phục vụ xuất khẩu.
Tại Mỹ, để bảo vệ lợi ích của mình, nước này đang áp dụng 80% trong số 31.000 biện pháp “bảo hộ mậu dịch” trên thế giới hiện nay; đặc biệt, đã phát triển các biện pháp bảo hộ mậu dịch mới như thi hành chính sách đồng USD rẻ, tăng cường nới lỏng tiền tệ, mở rộng các gói nới lỏng định lượng (QE), lãi suất siêu thấp, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hạ tín nhiệm của các đối tác, bài ngoại…
Theo Báo cáo của Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO cho thấy, trong quá trình rà soát, 102 biện pháp bảo hộ thương mại mới đang được áp dụng bởi các thành viên WTO, bao gồm các biện pháp tăng thuế, tăng hạn chế định lượng, thắt chặt thủ tục hải quan, tăng thuế nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa… Những mặt hàng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế nhập khẩu mới này tập trung vào: Khoáng sản và dầu đốt (17,7%); máy móc thiết bị cơ khí (13%); máy móc, bộ phận điện (11,7%); kim loại quý (6%)… Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO cũng cho rằng, tình hình tăng lên của chính sách và biện pháp bảo hộ thương mại cần nhận được sự quan tâm đúng mức của các thành viên WTO cũng như cộng đồng quốc tế, bởi chúng đang có những tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng thương mại, công ăn việc làm và sức mua của các quốc gia.
Có thể nói, xu hướng bảo hộ thương mại trong thời gian tới sẽ diễn ra cùng với sự chia rẽ nội bộ khu vực và các nước khá sâu sắc về vấn đề toàn cầu hóa thương mại. Sự thành công của các ứng cử viên tổng thống đắc cử nhờ cương lĩnh tranh cử ủng hộ bảo hộ thương mại, mang lại việc làm cho người dân và lợi ích quốc gia là trên hết sẽ là một bài học sâu sắc, trở thành cương lĩnh chính trong việc thu hút cử tri đối với nhiều nguyên thủ quốc gia trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại mới đang dần định hình.
Việc bảo hộ mậu dịch có tác động hai mặt: Một mặt, bảo hộ đem lại lợi ích nhất thời cho các nhà sản xuất trong nước và khuyến khích phát triển một số ngành nghề; hạn chế tiêu dùng; bảo đảm an toàn sức khỏe con người, động, thực vật, môi trường, cân bằng cán cân thanh toán và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước; tăng việc làm mới và phân phối lại thu nhập. Mặt khác, bảo hộ làm cho các nhà sản xuất trong nước có cơ hội đầu cơ trên giá bán hàng (hay cung cấp dịch vụ) ở mức có lợi nhất; giảm động lực áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, giảm thiệt hại cho người tiêu dùng, phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế theo mục tiêu dài hạn. Các hàng rào phi thuế quan đôi khi cũng làm nhiễu tín hiệu của thị trường mà người sản xuất dựa vào đó để ra quyết định. Tín hiệu này chính là giá thị trường. Khi bị làm sai lệch sẽ phản ánh không trung thực lợi thế cạnh tranh, chỉ dẫn sai việc phân bổ nguồn lực trong nội bộ nền kinh tế. Do đó, khả năng xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong trung và dài hạn của người sản xuất bị hạn chế. Hơn nữa, các hàng rào phi thuế quan thường đòi hỏi chi phí nhà nước để duy trì hệ thống điều hành kiểm soát thương mại phi thuế quan. Việc sử dụng các hàng rào phi thuế quan nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước hầu như không đem lại nguồn thu tài chính trực tiếp cho nhà nước, mà thường chỉ làm lợi cho một số doanh nghiệp hoặc một số ngành nhất định được bảo hộ hoặc được hưởng ưu đãi đặc quyền như được phân bổ hạn ngạch, được chỉ định làm đầu mối nhập khẩu. Điều này dẫn đến bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nội bộ nền kinh tế.
2. Thực tế ứng phó và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại ở Việt Nam
Việt Nam hiện đã có quan hệ thương mại tự do với 60 đối tác thương mại thông qua việc ký kết 16 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đối với hàng hóa nội địa, mức cắt giảm thuế quan hầu hết về 0% đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có độ mở cửa cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, quá trình mở cửa, dù theo lộ trình, với các đối tác thương mại lớn có thể làm cho một số ngành sản xuất trong nước không thích ứng kịp với diễn biến cạnh tranh phức tạp, thậm chí không lành mạnh (như bán phá giá, nhận trợ cấp) của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao. Các vụ kiện này không chỉ diễn ra với hàng hóa có thế mạnh xuất khẩu mà ngay cả với các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp. Việc này gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới các ngành sản xuất, xuất khẩu và gián tiếp đặt ra gánh nặng đối với kinh tế, xã hội.
Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Những năm gần đây cho thấy, số lượng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang tăng nhanh, cụ thể: Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2021 có 08 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc cũ đang tiếp tục được điều tra, các vụ việc rà soát hằng năm, rà soát cuối kỳ. Các con số tương tự đến hết năm 2022 là 226 vụ việc điều tra và 17 vụ việc mới; đến hết năm 2023 là 242 vụ và 15 vụ việc mới.
Tính đến tháng 6/2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ.
Nguyên nhân của việc gia tăng số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam gắn với hệ quả của quá trình đẩy nhanh tự do hóa thương mại của Việt Nam với thế giới và cả xu thế bảo hộ thương mại cũng đang diễn biến khó lường, theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau trong những năm gần đây, thể hiện rõ nét hơn khi xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bùng nổ, tác động không nhỏ tới hệ thống thương mại toàn cầu, chuỗi sản xuất khu vực và trên thế giới.
Không chỉ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, nhiều thành viên WTO khác cũng gia tăng bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực gia tăng của hàng nhập khẩu.
Khi một quốc gia bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp của quốc gia này có xu hướng tìm kiếm cách thức khác để có thể tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó có thể phát sinh các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại như gian lận xuất xứ, chuyển tải qua nước thứ ba hoặc dịch chuyển đầu tư. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể là một trong các lựa chọn cho mục tiêu này của các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu nước ngoài.
Để bảo đảm hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại, các quốc gia áp dụng cũng tích cực giám sát, theo dõi biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu để phát hiện hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Các vụ việc mà Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa của Trung Quốc nghi ngờ chuyển tải qua nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, để lẩn tránh các mức thuế cao do Hoa Kỳ áp dụng là ví dụ điển hình.
Mặc dù nguyên nhân lớn nhất của việc gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là xu thế bảo hộ thương mại, còn có các nguyên nhân khác như sự thiếu kiến thức về pháp luật nói chung cũng như pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nói riêng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, thiếu thông tin về các vụ việc phòng vệ thương mại đang áp dụng, chạy theo lợi nhuận trước mắt.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp cá biệt lợi dụng chính sách đầu tư, chính sách thuận lợi hóa thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu để thực hiện các hành vi gian lận thương mại.
Về triển vọng, chủ nghĩa bảo hộ có thể hiện diện một thời gian, nhưng sẽ không lâu, bởi chính quyền lợi của người tiêu dùng và quy luật kinh tế thị trường. Bất luận trường hợp nào thì các công cụ bảo hộ thuế và phi thuế quan đều ảnh hưởng tiêu cực lên dòng hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Xu hướng mới trong bảo hộ thương mại của các nước có thể sẽ khiến trong tương lai gần hàng hóa Việt Nam xuất được lợi thế về giá; tuy vậy, có thể thúc đẩy việc lợi dụng và giả mạo xuất xứ Việt Nam, kéo theo việc Việt Nam bị lôi kéo vào cuộc chiến và bị áp dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng xuất khẩu.
Các vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa, tôm, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với thép cuộn, thép chống ăn mòn do Mỹ khởi xướng, chống trợ cấp dây đồng, ống thép không gỉ do Ấn Độ khởi xướng, biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU... khiến Việt Nam gặp khó khăn trên thị trường quốc tế.
Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp tổng thể và lâu dài. Trước mắt, tập trung vào ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, đặc biệt tránh bị rơi vào hệ lụy của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững; đồng thời, giảm thiểu tình trạng các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể vào Việt Nam; tiếp tục quá trình đổi mới toàn diện, đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế và bảo đảm thực thi có hiệu quả cam kết của các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.
Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường, chủ động nhận diện, thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đủ năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật từ các đối tác xuất khẩu; cũng như nhận thức đúng đắn và coi trọng xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ thị trường và lợi ích quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp nội địa; tăng cường năng lực đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại, cùng với đó, linh hoạt sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống bán trợ giá để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phổ biến rộng rãi cho doanh nghiệp biết và vận dụng…
3. Các giải pháp thích ứng cần có trong bối cảnh gia tăng phòng vệ thương mại
Ngày 04/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; tiếp đó, ngày 31/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Thực hiện các chủ trương nói trên, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt các hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại; tham gia cung cấp, giải trình các chính sách của chính phủ bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO; phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan điều tra nước ngoài làm rõ các cáo buộc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế góp phần nâng cao năng lực phòng vệ thương mại. Các nỗ lực của Việt Nam đã được một số đối tác ghi nhận và đánh giá cao.
Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Kể từ thời điểm lần đầu tiên công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới hết tháng 12/2022, đã có nhiều sản phẩm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, tủ gỗ, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, ghế bọc đệm, pin năng lượng mặt trời, ống thép… Trên cơ sở danh sách cảnh báo, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài... Đồng thời, các Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch ứng phó trong trường hợp vụ việc xảy ra.
Trong năm 2023, hệ thống cảnh báo sớm đã thường xuyên theo dõi biến động xuất nhập khẩu của gần 200 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, qua đó, đưa ra những cảnh báo cụ thể về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp các ngành sản xuất trong nước có thời gian rà soát lại hoạt động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi các nguy cơ thực sự diễn ra.