1. Giới thiệu
Tham nhũng địa phương (tham nhũng cấp tỉnh/thành phố) được xem là một trong những yếu tố làm suy yếu hoạt động ESG của doanh nghiệp. Nó dẫn đến việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, tạo ra kỳ vọng không công bằng và ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Hành vi tham nhũng ở cấp địa phương có thể dẫn đến thiếu minh bạch, giảm tính công bằng, làm giảm khả năng thu hút vốn ESG, tăng nguy cơ cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nghiên cứu này sẽ phân tích tác động của tham nhũng địa phương đến hoạt động ESG của doanh nghiệp Việt Nam, nhằm giải quyết các vướng mắc và nâng cao hiệu quả hoạt động ESG.
Theo học thuyết thể chế, tất cả các công ty đều chịu ảnh hưởng bởi môi trường thể chế, trong đó tham nhũng là một yếu tố quan trọng (Kim và cộng sự, 2017). Tại Việt Nam, tham nhũng được đánh giá là ngày càng phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp độ, nhiều ngành, nghề và chưa hoàn toàn được đẩy lùi (Nguyễn và cộng sự, 2016). Về mặt lý thuyết, có hai quan điểm chính về mối quan hệ giữa tham nhũng và hoạt động doanh nghiệp. Quan điểm “Grabbing hand”: Tham nhũng đóng vai trò như một “bàn tay thao túng”, làm gia tăng chi phí giao dịch và sự ràng buộc trong kinh doanh do sự không chắc chắn xung quanh môi trường tham nhũng (Urbina, 2020; Demirbag và cộng sự, 2007). Quan điểm “Helping hand”: Tham nhũng được các doanh nghiệp sử dụng như một “bàn tay giúp đỡ” để lách luật và quy định, hoạt động như một loại chi phí “bôi trơn” tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh (Urbina, 2020).
Cấu trúc của nghiên cứu được trình bày như sau: Phần 2 nhận xét tổng quan tình hình nghiên cứu và đưa ra giả thuyết nghiên cứu; Phần 3 mô tả dữ liệu, biến số và phương pháp ước lượng mô hình; Phần 4 trình bày kết quả của nghiên cứu và thảo luận kết quả; Phần 5 đưa ra kết luận và hàm ý chính sách của nghiên cứu.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu và xây dựng giả thuyết nghiên cứu
2.1. Mối quan hệ giữa tham nhũng địa phương và hoạt động môi trường của doanh nghiệp
Tham nhũng có tác động tiêu cực đến hoạt động quản lý phát thải của doanh nghiệp. Trong bối cảnh tham nhũng, việc thiết lập và thực hiện các chính sách môi trường trở nên kém hiệu quả và khó khăn hơn do các quan chức tiếp nhận những khoản phí hối lộ từ các doanh nghiệp gây ô nhiễm cho môi trường (Lapatinas và Litina, 2019). Theo Dietz và cộng sự (2007), tham nhũng dẫn đến việc sử dụng tài nguyên doanh nghiệp một cách thiếu hiệu quả do các yếu tố chính trị can thiệp nặng nề. Robbins (2000) cũng chỉ ra rằng, tham nhũng góp phần tạo điều kiện cho các quan chức lợi dụng quyền lực để thu lợi bất chính từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, tham nhũng kích thích việc khai thác tài nguyên bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng tài nguyên của doanh nghiệp và tác hại đến môi trường. Tham khảo các nghiên cứu đi trước, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết:
H1: Hoạt động môi trường của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực do tham nhũng địa phương gây ra.
2.2. Mối quan hệ giữa tham nhũng địa phương và hoạt động xã hội của doanh nghiệp
Theo Cooray (2018), tham nhũng thúc đẩy hoạt động kinh tế ngầm, làm giảm năng suất khu vực tư nhân và thay đổi cơ cấu thuế, dẫn đến giảm nguồn cung lao động. Kết quả thực nghiệm của nghiên cứu này cho thấy, tham nhũng làm giảm động lực làm việc của người lao động, dẫn đến năng suất thấp hơn và hiệu quả kinh tế kém hơn, điều này gián tiếp dẫn đến doanh nghiệp phải chi trả nhiều khoản hối lộ hơn, dẫn đến tăng gánh nặng thuế cho họ và khả năng tuyển dụng lao động bị hạn chế. Tham nhũng trong việc thực thi các tiêu chuẩn an toàn lao động gia tăng nguy cơ tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp. Môi trường làm việc thiếu an toàn, thiếu trang thiết bị bảo hộ và quy trình làm việc không đảm bảo do tham nhũng tạo điều kiện cho những tai nạn thương tâm xảy ra. Từ những nghiên cứu đi trước, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết như sau:
H2: Hoạt động xã hội của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực do tham nhũng địa phương gây ra.
2.3. Mối quan hệ giữa tham nhũng địa phương và hoạt động quản trị của doanh nghiệp
Tham nhũng làm giảm vai trò của hội đồng quản trị doanh nghiệp. Trong bài khảo sát của Claessens và Yurtoglu (2013), tham nhũng được chứng minh có mối liên hệ tiêu cực với chất lượng quản trị doanh nghiệp do chúng làm suy yếu sự giám sát của ban quản lý và làm xấu đi vai trò của hội đồng quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Donadelli và cộng sự (2014) cũng kết luận rằng, các công ty hoạt động trong môi trường tham nhũng thường phải đối mặt với khoản chi phí đại diện lớn hơn. Bởi vì, các nhà quản lý sẽ hành động vì lợi ích cá nhân thay vì mục đích tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, tạo ra sự xung đột lợi ích, làm tăng thêm chi phí và làm giảm hiệu quả hoạt động của ban quản trị công ty. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng kém minh bạch trong cơ cấu tổ chức doanh nghiệp nói chung và cấu trúc của hội đồng quản trị nói riêng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết:
H3: Hoạt động quản trị của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực do tham nhũng địa phương gây ra.
2.4. Mối quan hệ giữa tham nhũng địa phương và hoạt động ESG của doanh nghiệp
Dựa trên nghiên cứu của Cicero và Shen (2016), mối liên hệ tiêu cực giữa tham nhũng và điểm ESG của Bloomberg đã được chứng minh. Theo đó, điểm ESG cao hơn cho thấy hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tốt hơn và điều này có thể được đo lường bằng số lượng mục có trong báo cáo hoặc tiết lộ CSR của một công ty. Ioannou và Serafeim (2012) đã chỉ ra rằng, các công ty ở những quốc gia có mức độ tham nhũng thấp hơn thường có hiệu quả xã hội của doanh nghiệp (CSP) cao hơn. Ngoài ra, Krishnamurti và cộng sự (2018) phát hiện rằng, rủi ro tham nhũng sẽ giảm bớt khi doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào CSR. Lý do được đưa ra là việc tham gia CSR có thể giúp giảm nguy cơ bị chính trị gia và quan chức tham nhũng lợi dụng. Vì vậy, giả thuyết H4 được đưa ra như sau:
H4: Toàn bộ hoạt động ESG của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực do tham nhũng địa phương gây ra.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp thu thập dữ liệu
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của 426 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như y tế, giáo dục, bảo hiểm, chứng khoán, hóa chất... để đánh giá hoạt động ESG của họ. Dữ liệu được thu thập từ năm 2013 đến năm 2022 thông qua các nguồn sau: Báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững, trang web chính thức của doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (tên cũ: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)).
3.2. Dữ liệu và biến số
Biến độc lập: Tham nhũng địa phương
Để đo lường tham nhũng địa phương, nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số chi phí không chính thức do mối liên quan trực tiếp giữa chi phí không chính thức và vấn đề tham nhũng (Trần và cộng sự, 2020). Nhằm nâng cao độ chính xác trong đánh giá mức độ tham nhũng địa phương, nhóm nghiên cứu đã bổ sung chỉ số thiết chế pháp lý bên cạnh chỉ số chi phí không chính thức vốn được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu trước đây. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa hệ thống pháp luật và hành vi của doanh nghiệp, bao gồm cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội (Amor và cộng sự, 2017) và thực hành kinh doanh bền vững (Horisch và cộng sự, 2017). Do đó, việc sử dụng chỉ số thiết chế pháp lý giúp phản ánh hiệu quả của hệ thống pháp luật trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng, từ đó, góp phần nâng cao tính chính xác cho phép đo lường biến tham nhũng địa phương.
Biến phụ thuộc: Hoạt động ESG
Khác với số lượng nghiên cứu đồ sộ về hoạt động ESG ở cấp độ doanh nghiệp hay quốc gia, số lượng nghiên cứu về tác động của tham nhũng lên hoạt động ESG còn tương đối khiêm tốn. Phần lớn các nghiên cứu này đều sử dụng thang điểm hỗ trợ bởi AI để đánh giá các chỉ tiêu ESG. Ví dụ điển hình là thang điểm Refinitiv từ 0 đến 100 được Chen và Yang (2020); Ioannou và Serafeim (2012) sử dụng để đánh giá mức độ tuân thủ các nguyên tắc ESG. Thay vì sử dụng thang điểm truyền thống, nhóm nghiên cứu sẽ áp dụng mô hình FinBert, một công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiên tiến được hỗ trợ bởi AI, để tính toán điểm số hoạt động ESG. Sau khi thu thập dữ liệu thô dạng văn bản từ các báo cáo của doanh nghiệp, mô hình FinBert sẽ được sử dụng để chuyển đổi dữ liệu văn bản thành dữ liệu dạng số có thể phân tích và sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Các công thức tính toán được thể hiện như sau:
Trong đó:
Escoreit: Điểm số môi trường của doanh nghiệp i tại năm t.
Sscoreit: Điểm số xã hội của doanh nghiệp i tại năm t.
Gscoreit: Điểm số quản trị của doanh nghiệp i tại năm t.
ESGscoreit: Điểm số trung bình môi trường, xã hội, quản trị của doanh nghiệp i tại năm t.
Emissionit, ResourceUseit, ProductInnovationit: Điểm số các tiêu chí trong hoạt động môi trường của doanh nghiệp i tại năm t, theo thứ tự: Phát thải; sử dụng tài nguyên; cải tiến sản phẩm và các hoạt động môi trường khác.
Communityit, Diversityit, Employmentit, HSit, HRit, PRit, Trainingit: Điểm số các tiêu chí trong hoạt động xã hội của doanh nghiệp i tại năm t, theo thứ tự: Hoạt động cộng đồng; đa dạng hóa; tuyển dụng và chất lượng làm việc; an toàn và lao động; nhân quyền; trách nhiệm sản phẩm; và đào tạo phát triển.
BFunctionit, BStructureit, Compensationit, Shareholderit, Visionit: Điểm số các tiêu chí trong hoạt động quản trị của doanh nghiệp i tại năm t, theo thứ tự: Chức năng của hội đồng quản trị; cấu trúc hội đồng quản trị; chính sách thù lao cho hội đồng quản trị và ban lãnh đạo; chính sách đối với nhà đầu tư; tầm nhìn, chiến lược.
Biến kiểm soát
Để lựa chọn biến kiểm soát một cách hợp lý và phù hợp, nhóm nghiên cứu đã áp dụng quy trình lựa chọn biến kiểm soát được xây dựng bởi Bernerth và Aguinis (2015). Việc sử dụng quy trình hệ thống này giúp nâng cao tính minh bạch, mức độ đáng tin cậy và khả năng tham khảo của kết quả nghiên cứu. Dựa trên quy trình đó, biến kiểm soát được lựa chọn cần đáp ứng hai tiêu chí: Có mối liên hệ giữa biến kiểm soát và biến phụ thuộc, biến kiểm soát có thể đo lường một cách đáng tin cậy. Các biến trong mô hình sẽ được giải thích chi tiết trong Bảng 1.
Bảng 1: Giải thích các biến trong mô hình
Nguồn: Nhóm tác giả tự tính toán và tổng hợp
3.3. Mô hình nghiên cứu
Nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:
ESGijt = β0 + β1ESG(ijt-1) + β2Chi phí không chính thứcjt + β3Sự hài lòngjt + β4Khó khănjt + β5Thiết chế pháp lýjt + Xity + εit
Trong đó:
ESGijt: Điểm số hoạt động ESG của doanh nghiệp i tại tỉnh j vào năm t.
Chi phí không chính thứcjt: Chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh j vào năm t.
Sự hài lòngjt: Tỉ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng “Công việc thường xuyên hoặc luôn luôn đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức” (% luôn luôn/hầu hết) của tỉnh j vào năm t.
Khó khănjt: Tỉ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” (%) của tỉnh j vào năm t.
Thiết chế pháp lýjt: Hệ thống pháp luật có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ nhũng nhiễu (% thường xuyên/luôn luôn) của tỉnh j vào năm t.
Xity: Véc-tơ các biến kiểm soát trong mô hình.
εjt: Sai số của mô hình.
3.4. Phương pháp phân tích dữ liệu
Nghiên cứu này sử dụng các biến phụ thuộc để đánh giá hiệu quả hoạt động ESG của doanh nghiệp qua các năm. Các biến phụ thuộc này phản ánh mức độ thực hiện các hoạt động liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị của doanh nghiệp. Hoạt động ESG mang tính liên tục và có mối liên hệ qua lại giữa các năm. Điều này có nghĩa là kết quả hoạt động ESG của năm trước có thể ảnh hưởng đến hoạt động ESG của năm sau. Do dữ liệu có đặc điểm “T nhỏ, N lớn” (số năm nghiên cứu ít, số quan sát nhiều) (10 năm, 3410 quan sát), nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng GMM hệ thống do Arellano và Bond (1991) phát triển. Phương pháp này có khả năng giải quyết các vấn đề nội sinh xuất phát từ thiên lệch chọn mẫu và mối liên hệ qua lại giữa các biến nghiên cứu (Arellano và Bover, 1995). Để đảm bảo tính nhất quán của ước lượng GMM hệ thống, nghiên cứu sử dụng kiểm định Sargan hoặc Hansen về các hạn chế xác định quá mức để kiểm tra tính hợp lệ của biến công cụ. Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng phép kiểm định Arellano - Bond về tự tương quan đối với các tương quan nối tiếp bậc hai trong các sai phân bậc một để kiểm tra giả định không có tự tương quan bậc hai giữa các sai số. Kết quả kiểm định cho thấy ước lượng GMM hệ thống là khá nhất quán.
Bảng 2: Kết quả hồi quy bằng phương pháp GMM
đối với hoạt động môi trường, xã hội, quản trị và ESG
Chú thích: Bảng 2 trình bày kết quả ước lượng mô hình (1) bằng phương pháp GMM đối với biến môi trường, xã hội, quản trị và ESG. p-value được trình bày trong ngoặc với *:
p < 0,10, ** p < 0,05, *** p < 0,01. L. Môi trường, L. Xã hội, L. Quản trị, L.ESG lần lượt là độ trễ của các biến môi trường, xã hội, quản trị và ESG.
Nguồn: Nhóm tác giả tự tính toán và tổng hợp
4. Kết quả và thảo luận
Ảnh hưởng của tham nhũng địa phương đến hoạt động môi trường của doanh nghiệp
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tham nhũng địa phương có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Hai biến độc lập chính đại diện cho tham nhũng địa phương là chi phí không chính thức và mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi đạt được kết quả mong muốn sau khi chi trả chi phí không chính thức. Kết quả cho thấy, cả hai biến này đều có tác động tiêu cực đến điểm số hoạt động môi trường của doanh nghiệp. Cụ thể, mỗi đơn vị gia tăng của chi phí không chính thức và mức độ hài lòng sẽ làm giảm điểm số hoạt động môi trường lần lượt 0,0048 và 0,033 đơn vị, với mức độ ý nghĩa thống kê 1%. Ngược lại, biến thể chế pháp lý giúp phát hiện tham nhũng lại có tác động tích cực đến hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cũng với mức độ ý nghĩa thống kê 1%. Ngoài ra, nghiên cứu cũng kiểm soát các biến khác như vòng quay tổng tài sản, tỉ lệ thanh toán hiện hành, tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, vốn hóa thị trường và lợi nhuận trên tài sản (ROA). Tất cả các biến kiểm soát này đều có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đối với hoạt động môi trường của doanh nghiệp. Phân tích kiểm tra tự tương quan Arellano - Bond ở mô hình 1 cho thấy không có tự tương quan bậc 1 (AR1) nhưng có tự tương quan bậc hai (AR2). Điều này nghĩa là sai số của hai giai đoạn khác nhau không tương quan với nhau, khẳng định tính chính xác của mô hình. Giá trị p-value không có ý nghĩa thống kê của các kiểm tra Sargan và Hansen cho thấy các giá trị trễ là các biến công cụ phù hợp (Azmi và cộng sự, 2021). Nghiên cứu này nhất quán với các nghiên cứu trước đây của Fredriksson và cộng sự (2004) trong việc chỉ ra tham nhũng làm suy yếu tính thực thi các quy định môi trường.
Ảnh hưởng của tham nhũng địa phương đến hoạt động xã hội của doanh nghiệp
Nghiên cứu này ủng hộ giả thuyết H2 khi chỉ ra rằng, tham nhũng địa phương có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xã hội của doanh nghiệp. Ba biến đại diện cho tham nhũng địa phương bao gồm: Chỉ số chi phí không chính thức, mức độ hiệu quả công việc sau khi chi trả chi phí không chính thức và mức độ gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi cán bộ đều có tác động tiêu cực đến điểm số hoạt động xã hội của doanh nghiệp với các hệ số β2 = -0,014, β3 = -0,066 và β4 = -0,033, tất cả đều có ý nghĩa thống kê (5 mức 1% và 5%). Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đây của Lance và cộng sự (2014) và Hossain (2021), những nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, các công ty hoạt động tại những khu vực có mức độ tham nhũng cao hơn thường có mức độ trách nhiệm xã hội thấp hơn. Trên thực tế, tham nhũng địa phương cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xã hội của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở những khu vực có mức độ tham nhũng cao thường có hoạt động trách nhiệm xã hội kém hơn (Lance và cộng sự, 2014; Hossain, 2021). Lý do là vì tham nhũng làm giảm nguồn lực dành cho hoạt động ESG của doanh nghiệp, đồng thời, xói mòn niềm tin xã hội, vốn là động lực thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động có trách nhiệm với cộng đồng.
Ảnh hưởng của tham nhũng địa phương đến hoạt động quản trị của doanh nghiệp
Mô hình 3 khẳng định, tham nhũng địa phương gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Hai yếu tố đại diện cho tham nhũng địa phương là chi phí không chính thức và các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải đều tác động xấu đến điểm số hoạt động quản trị. Cụ thể, mỗi đơn vị tăng thêm của chi phí không chính thức và các khó khăn sẽ lần lượt khiến điểm số hoạt động quản trị giảm đi 0,0016 và 0,0078 điểm, với mức độ ý nghĩa thống kê lần lượt là 5% và 10%. Kết quả này nhất quán với kết quả thu được ở mô hình 2 đối với biến chỉ số môi trường, củng cố giả thuyết H3. Tuy nhiên, mô hình 3 có thể bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tự tương quan. Kiểm định tự tương quan Arellano - Bond cho thấy mô hình có hiện tượng tự tương quan, do đó kết quả thu được chưa thể hoàn toàn tin cậy. Theo nghiên cứu của Lin và cộng sự (2018), sự gia tăng của tham nhũng và sự yếu kém trong quản trị doanh nghiệp sẽ dẫn đến môi trường kinh tế biến động và không ổn định. Điều này gây ra những khó khăn trong việc hoạch định chiến lược, đưa ra quyết định và điều hành doanh nghiệp hiệu quả. Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường tham nhũng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất trắc, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Ảnh hưởng của tham nhũng địa phương đến toàn bộ hoạt động ESG của doanh nghiệp
Nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tiêu cực giữa tham nhũng địa phương và hoạt động ESG của doanh nghiệp. Khi tham nhũng gia tăng, điểm số ESG của doanh nghiệp có xu hướng giảm. Điều này được thể hiện qua kết quả ước lượng mô hình. Đối với chỉ số chi phí không chính thức, khi chỉ số này tăng 1 đơn vị, điểm số ESG trung bình giảm 0,010 đơn vị (p-value < 0,01). Điều này cho thấy tham nhũng buộc doanh nghiệp phải chi trả thêm chi phí không chính thức để được cấp phép, ưu đãi hoặc giải quyết các vấn đề hành chính, dẫn đến giảm lợi nhuận và hạn chế nguồn lực dành cho hoạt động ESG. Ngoài ra, chỉ số mức độ doanh nghiệp cho biết công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi trả chi phí không chính thức tăng 1 đơn vị, điểm số ESG trung bình giảm 0,033 đơn vị. Điều này cho thấy tham nhũng làm giảm niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh, khiến họ dè dặt hơn trong việc đầu tư cho các hoạt động ESG. Kết quả này phù hợp với giả thuyết H4 và tương đồng với nghiên cứu của Wei và cộng sự (2024). Tham nhũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ESG của doanh nghiệp thông qua nhiều kênh. Doanh nghiệp phải chi trả thêm chi phí không chính thức, dẫn đến giảm lợi nhuận và hạn chế nguồn lực dành cho hoạt động ESG. Tham nhũng làm giảm niềm tin của doanh nghiệp, khiến họ dè dặt hơn trong việc đầu tư cho các hoạt động ESG. Ngân sách đầu tư cho các hoạt động ESG có thể bị sử dụng sai mục đích do tham nhũng. Hậu quả của tham nhũng có thể làm giảm hiệu quả thực hiện các hoạt động ESG của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, xã hội và cộng đồng.
5. Kết luận và hàm ý chính sách
Nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa tham nhũng địa phương, chất lượng thiết chế pháp lý, hiệu quả tài chính của doanh nghiệp và hoạt động ESG của doanh nghiệp. Tham nhũng địa phương ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ESG của doanh nghiệp thông qua nhiều kênh như: Chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh kém minh bạch và sử dụng ngân sách công kém hiệu quả. Chất lượng thiết chế pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động ESG của doanh nghiệp bằng cách nâng cao khả năng phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, khuyến khích tuân thủ pháp luật và tạo niềm tin cho các bên liên quan. Hiệu quả tài chính cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động ESG, với các doanh nghiệp có hiệu quả tài chính cao thường có khả năng thực hiện các hoạt động ESG tốt hơn.
Từ những kết quả nghiên cứu tìm được, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của tham nhũng và cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh tại địa phương, góp phần nâng cao hoạt động ESG cho doanh nghiệp như sau:
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần tăng cường thực thi pháp luật bằng cách nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố và xử lý các hành vi tham nhũng liên quan đến môi trường. Các cơ quan Nhà nước cần cải thiện hệ thống quản lý môi trường bằng cách hoàn thiện pháp luật và tăng cường giám sát thực thi.
Đối với doanh nghiệp, các giải pháp nâng cao hiệu quả tài chính và các chính sách xã hội nhằm nâng cao hoạt động ESG cần được đưa ra góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và khuyến khích sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về môi trường có thể được triển khai nhằm nâng cao tính minh bạch trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Arellano, M. and Bover, O. (1995), “Another look at the instrumental variable estimation of errorcomponents models”, Journal of Econometrics, Vol. 68 No. 1, pages 29-51
2. Claessens, S., & Yurtoglu, B. (2013). Corporate governance and corruption in emerging markets. In Oxford Handbook of Economic Geography, pages 451-473. Oxford University Press. https://academic.oup.com/edited-volume/38593
3. Cooray, A., & Dzhumashev, R. (2018). The effect of corruption on labour market outcomes. Economic Modelling, 74, pages 207-218. https://doi.org/10.1016/j.econmod.2018.05.015
4. Demirbağ, M., Glaister, K. W., & Tatoğlu, E. (2007). Institutional and transaction cost influences on MNEs’ ownership strategies of their affiliates: Evidence from an emerging market. Journal of Business (Print), 42(4), pages 418-434. https://doi.org/10,1016/j.jwb.2007.06.004
5. Dietz, S., Neumayer, E., & De Soysa, I. (2007). Corruption, the resource curse and genuine saving. Environment and Development Economics, 12(1), pages 33-53. https://doi.org/10.1017/s1355770x06003378
6. Donadelli, I., Faccio, M., & Panzetti, G. (2014). The costs of corruption: Firm-level evidence from Italy. Journal of the European Economic Association, 12(5), pages 1027-1054. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=734184
7. Fredriksson, P. G., Vollebergh, H. R., & Dijkgraaf, E. (2004). Corruption and energy efficiency in OECD countries: theory and evidence. Journal of Environmental Economics and Management, 47(2), pages 207-231. https://doi.org/10.1016/j.jeem.2003.08.001
PGS., TS. Kim Hương Trang, Nguyễn Ngọc Hà, Bùi Bảo Châu, Chử Xuân Khải, Nguyễn Hà Chi (Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Ngoại thương)
Lưu Ngọc Lan (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Ngoại thương)