Việt Nam tuân thủ các khuyến nghị và tiếp tục tăng cường thực hiện nghĩa vụ quốc tế về phòng, chống rửa tiền
Trong xu thế hội nhập quốc tế cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, tốc độ luân chuyển các luồng vốn giữa các nước tăng mạnh, các hành vi và thủ đoạn rửa tiền cũng biến đổi ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
Theo Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (United Nations Office on Drugs and Crime - UNODC), số tiền được coi là “rửa tiền” trên toàn cầu ước tính trung bình khoảng 2,4 nghìn tỷ USD một năm¹ và số lượng thực tế bị phát hiện mới chỉ chiếm chưa đến 1%. Hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đã ban hành các quy định pháp luật để ngăn chặn các hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố, đồng thời, hướng tới mục tiêu thu hồi tối đa tiền, tài sản có được từ hoạt động phạm tội. Các quy định đó về cơ bản được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí (PCRT/TTKB/TTPBVK) do Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) ban hành (hay còn được gọi là các khuyến nghị của FATF).
FATF là một cơ quan liên chính phủ được thành lập vào năm 1989, đưa ra các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả công tác PCRT/TTKB/TTPBVK và những hiểm họa có liên quan khác. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 190 quốc gia trên toàn cầu đã cam kết thực thi các khuyến nghị của FATF thông qua mạng lưới các tổ chức liên kết khu vực kiểu FATF (FSRB) như Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), Lực lượng đặc nhiệm tài chính vùng Caribe (CFATF), Nhóm Á Âu (EAG).... Các khuyến nghị của FATF về PCRT/TTKB/TTPBVK không ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế nhưng đưa ra tổ hợp các biện pháp toàn diện và gắn bó chặt chẽ mà các quốc gia cần thực hiện nhằm chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trên cơ sở thực thi của các quốc gia, thông qua các đợt đánh giá đa phương của các tổ chức khu vực, FATF có thể đưa các quốc gia không tuân thủ các khuyến nghị trên vào danh sách bị rà soát thường xuyên hay danh sách tăng cường khi quốc gia đó có những thiếu hụt trong khuôn khổ pháp lý và hiệu quả thực thi công tác PCRT/TTKB/TTPBVK.
Năm 2007, Việt Nam là thành viên chính thức của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG)², thành viên liên kết của FATF, là một tổ chức liên chính phủ hợp tác trong lĩnh vực chống rửa tiền, hoạt động theo mô hình FSRB tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với tư cách là thành viên của APG, theo quy trình đánh giá đa phương về cơ chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố đối với các nước thành viên, Việt Nam đã trải qua hai đợt đánh giá đa phương lần thứ nhất của APG vào năm 2009 và lần thứ hai vào năm 2019. Trên cơ sở những thiếu hụt đã được chỉ ra tại các bản báo cáo đánh giá đa phương liên quan đến khuôn khổ pháp lý cũng như hiệu quả thực thi của công tác PCRT/TTKB/TTPBVK tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, các đơn vị liên quan đã nhận thức được rõ hơn tầm quan trọng của công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố và qua đó, đã nỗ lực triển khai ngày càng có hiệu quả hơn công tác này thông qua việc ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua như: Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Phòng, chống khủng bố; Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và các thông tư, văn bản hướng dẫn dưới Luật. Ngoài ra, Việt Nam cũng đẩy mạnh hơn nữa việc giám sát việc thực thi các quy định về PCRT/TTKB/TTPBVK đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là các lĩnh vực mới nổi mà tội phạm có khả năng sử dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí như tài sản ảo, cho vay ngang hàng, các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới.
Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành và tổ chức trong nước, việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các cơ quan phòng, chống tội phạm các nước là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện công tác PCRT/TTKB/TTPBVK một cách hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển.
Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 là những văn bản luật được Quốc hội ban hành quy định lĩnh vực tương trợ tư pháp. Luật là bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp. Có thể nói, đến nay, Việt Nam đã có khung pháp lý tương đối toàn diện và phù hợp đối với lĩnh vực tương trợ tư pháp hình sự, dân sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và trao đổi thông tin giữa cơ quan phòng, chống rửa tiền, cơ quan thực thi pháp luật liên quan tới các tội phạm rửa tiền, tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Khung pháp lý này được tăng cường bởi các cơ chế hợp tác song phương và đa phương để đảm bảo công tác hợp tác quốc tế chính thức và không chính thức nhằm trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện công tác PCRT/TTKB/TTPBVK với các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập một số tổ chức quốc tế lớn về phòng, chống rửa tiền trong khu vực, tham gia các Công ước quốc tế và phê chuẩn thực hiện các công ước như Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các loại ma túy và chất hướng thần năm 1988 (Công ước Viên), Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo), Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước Merida), Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…, tham gia Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự khối ASEAN, ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương về tương trợ tư pháp và dẫn độ. Đặc biệt, thực hiện kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 ban hành theo Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã chính thức gia nhập Mạng lưới liên cơ quan thu hồi tài sản Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ARIN - AP) vào tháng 12/2020.
Trong trao đổi thông tin với các nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký các bản ghi nhớ về trao đổi thông tin nhằm chống tội phạm rửa tiền với 09 quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Việt Nam đã thể hiện sự sẵn sàng và quyết tâm hội nhập quốc tế trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm rửa tiền nói riêng, bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính, là cơ sở quan trọng cho các tổ chức quốc tế đánh giá đầy đủ, toàn diện về cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVK của Việt Nam.
Thời gian tới, hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCRT/TTKB/TTPBVK cần phải tiếp tục được tăng cường, đặc biệt phải đẩy mạnh trao đổi thông tin giữa cơ quan đầu mối thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam (Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước) với các cơ quan thực thi pháp luật khác như cơ quan Thuế, Hải quan, Công an, Quốc phòng… và các đối tác nước ngoài nhằm phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói chung, tội phạm rửa tiền nói riêng./.
¹ Nguồn: https://www.amlintelligence.com/2020/11/opinion-intelligence-led-approach-key-to-tackling-financial-crime-in-the-future/
² APG là một tổ chức quốc tế được tổ chức trên nguyên tắc tự nguyện tham gia và hợp tác, thành lập tại Bangkok, Thái Lan năm 1997 bởi 13 thành viên sáng lập bao gồm: Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, New Zealand, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Mỹ, Vanatu.
Cục Phòng, chống rửa tiền