VAMC 10 năm xây dựng và phát triển - Khẳng định vai trò quan trọng trong việc xử lí dứt điểm nợ xấu
Ngày 27/6/2023, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lí tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (27/6/2013 - 27/6/2023). Tham dự Lễ kỷ niệm có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Nguyễn Văn Khách; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng; các đồng chí Lãnh đạo đại diện một số cục, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí Lãnh đạo đại diện một số vụ, cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD)… Về phía VAMC có đồng chí Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch Hội đồng thành viên; đồng chí Đoàn Văn Thắng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo VAMC cùng toàn thể viên chức, người lao động VAMC.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Khẳng định vai trò quan trọng trong việc xử lí dứt điểm nợ xấu
Giai đoạn 2008 - 2012, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, cùng với những yếu kém nội tại tích tụ qua nhiều năm, tăng trưởng kinh tế suy giảm, kinh tế vĩ mô xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn, tỉ lệ lạm phát cao, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến không trả được nợ vay ngân hàng đúng hạn. Mặc dù các TCTD đã nỗ lực xử lí nợ xấu, song nợ xấu vẫn tăng lên nhanh chóng trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, đe dọa đến an toàn hệ thống. Trước bối cảnh này, Ban Lãnh đạo NHNN thấy rằng cần phải có một công cụ đặc biệt hữu hiệu để xử lí nợ nhanh nhằm đưa tỉ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp. Ngày 27/6/2013, VAMC chính thức được thành lập theo Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 phê duyệt Đề án Xử lí nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án Thành lập Công ty Quản lí tài sản của các TCTD Việt Nam.
Sau 10 năm đi vào hoạt động, được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của NHNN, các vấn đề vướng mắc về pháp lí của ngành Ngân hàng nói chung và VAMC nói riêng liên quan đến xử lí nợ xấu về cơ bản đã dần được tháo gỡ. Đặc biệt, nhằm đẩy nhanh và có hiệu quả quá trình cơ cấu lại các TCTD, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lí nợ xấu của các TCTD. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của NHNN, phối hợp chặt chẽ của các TCTD, sự hỗ trợ tích cực kịp thời của các bộ, ngành, chung sức đồng lòng của Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ nhân viên, VAMC đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò chủ lực, là công cụ của NHNN góp phần xử lí nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Chia sẻ về kết quả hoạt động của VAMC trong 10 năm qua, Tổng Giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng cho biết, lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/5/2023, VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt được 27.891 khoản nợ, 17.269 khách hàng tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 412.242 tỉ đồng, giá mua nợ là 378.917 tỉ đồng. Lũy kế đến ngày 31/5/2023, VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường được 400 khoản nợ, 203 khách hàng với tổng dư nợ gốc là 12.216 tỉ đồng, giá mua là 12.934 tỉ đồng, góp phần xử lí nhanh nợ xấu và thúc đẩy sự hình thành, phát triển của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.
VAMC xác định việc xử lí nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xử lí các khoản nợ đã mua như: Đôn đốc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán nợ và bán tài sản bảo đảm, tổ chức đấu giá tài sản, hợp tác toàn diện với các TCTD... Lũy kế đến ngày 31/5/2023, VAMC đã xử lí và phối hợp với các TCTD xử lí ước đạt 333.482 tỉ đồng dư nợ gốc. Từ thời điểm Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực đến nay, kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm 66% tổng giá trị thu hồi nợ. VAMC đã góp phần quan trọng trong việc đưa nợ xấu toàn Ngành về mức dưới 3% và thực hiện tốt vai trò trong hoạt động tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016 - 2020.
Cơ chế xử lí nợ xấu qua VAMC giúp đẩy mạnh kết nối, thiết lập mối quan hệ với với các đối tác, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới để áp dụng hiệu quả, phù hợp với hoạt động tại Việt Nam. Tập trung thực hiện xử lí nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, VAMC đã kí các thỏa thuận hợp tác toàn diện về xử lí nợ xấu giai đoạn 2017 - 2022 với các TCTD gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tiếp nối thành công đạt được từ các thỏa thuận hợp tác, thời gian vừa qua, VAMC tiếp tục triển khai kí Thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2025 với BIDV, NHTMCP Nam Á (NamABank), NHTMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), NHTMCP Đại Chúng (PVCombank) và Agribank.
Bên cạnh đó, VAMC đã kí kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài để tăng cường giao lưu và học hỏi kinh nghiệm như: Kí kết thỏa thuận hợp tác với SAM, KAMCO; trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn các công ty quản lí tài sản công quốc tế (IPAF) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; tham gia các cuộc hội thảo quốc tế; phối hợp thực hiện dự án hỗ trợ kĩ thuật của JICA, World Bank; hợp tác trao đổi kinh nghiệm với Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ngân hàng Trung ương Bangladesh; thiết lập quan hệ với nhà đầu tư quốc tế như: Tập đoàn Tài chính NorthStar, Canada; Route One; IGPI, Raysum, Ngân hàng Kasikornbank, Rainbow Capital,...
Tiếp tục củng cố nguồn lực, tạo bước tiến quan trọng trong mua, bán nợ theo giá trị thị trường
Các nguồn lực của VAMC đã được Chính phủ, NHNN quan tâm hỗ trợ và không ngừng được củng cố vững chắc, vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng được cấp khi mới thành lập, đến nay đã tăng lên 5.000 tỉ đồng. Năng lực hoạt động của VAMC ngày càng được nâng cao, bộ máy tổ chức của VAMC dần được kiện toàn và hoàn thiện phù hợp theo Đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới năm 2022 tại Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 05/01/2018 và Quyết định số 2162/QĐ-NHNN ngày 02/11/2018 của Thống đốc NHNN.
Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án, VAMC đã xây dựng Kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm của VAMC giai đoạn 2019 - 2023, Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các kế hoạch, chiến lược này được Thống đốc NHNN phê duyệt là nền tảng định hướng hoạt động của VAMC trong giai đoạn hiện nay và được VAMC tích cực triển khai đồng bộ, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
VAMC đã và đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động mua, bán và xử lí nợ xấu mua theo giá trị thị trường thông qua thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC và Câu lạc bộ AMC. Bước đầu hoạt động của Sàn giao dịch đã có những chuyển biến tích cực và góp phần thúc đẩy quá trình xử lí thu hồi nợ xấu của toàn ngành Ngân hàng, tạo lập và thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam.
Từ năm 2017 đến nay, hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường được triển khai tích cực có hiệu quả. VAMC đã mua nợ hơn 12.000 tỉ đồng theo giá thị trường và xử lí được hơn 75% nợ đã mua, bước đầu đã hình thành các chủ thể tham gia vào thị trường, tạo tiền đề để phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp. Hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC đã góp phần minh bạch hóa thông tin nợ xấu, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, kết nối nhà đầu tư, TCTD và VAMC trong hoạt động mua bán nợ, thu hút nhiều sự quan tâm và tham gia. Đến ngày 31/5/2023, đã có 189 khách hàng đăng kí thành viên Sàn giao dịch; triển khai thành công một số dịch vụ môi giới, tư vấn.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng và Lãnh đạo VAMC
tặng hoa tri ân các đồng chí nguyên Lãnh đạo VAMC
Xây dựng VAMC trở thành trung tâm của thị trường mua bán nợ Việt Nam
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả VAMC đã đạt được trong 10 năm hình thành và phát triển, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, VAMC đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm, khẳng định vai trò quan trọng, là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc xử lí nợ xấu và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống TCTD; đồng thời bảo toàn vốn và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Theo Phó Thống đốc, giai đoạn tới, dự báo nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành Ngân hàng nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn do chịu tác động từ tình hình bất ổn của thế giới và hậu Covid-19. Để tiếp tục phát huy vai trò của VAMC là công cụ của Chính phủ và NHNN trong quá trình xử lí nợ xấu, đồng thời xây dựng VAMC trở thành trung tâm của thị trường mua bán nợ Việt Nam, Phó Thống đốc đề nghị VAMC tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về mua bán, xử lí nợ xấu; đồng thời tiếp tục hoàn thiện quy chế nội bộ của VAMC phù hợp với các quy định mới của pháp luật để triển khai nhanh và có hiệu quả hoạt động mua bán và xử lí nợ.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán và xử lí nợ; đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, tăng cường phối hợp với TCTD trong việc xử lí nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.
Ba là, tiếp tục thực hiện mục tiêu tạo lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung mà trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC và tích cực duy trì hoạt động Câu lạc bộ Xử lí nợ.
Bốn là, tích cực thực hiện các giải pháp nêu tại Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thống đốc NHNN phê duyệt. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ mới như tái cấu trúc, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp, bảo lãnh... nhằm duy trì, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời mở rộng hoạt động theo nguyên tắc thị trường đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tăng tính bền vững trong hoạt động của VAMC.
Năm là, tăng cường năng lực tài chính cho VAMC để đạt mức 10.000 tỉ đồng vốn điều lệ theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của VAMC.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động để phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lí nợ xấu, nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị nghiệp vụ, đồng thời tập trung sắp xếp cán bộ, người lao động theo hướng tăng cường cho hoạt động xử lí nợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bảy là, nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho VAMC, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các sai sót, vi phạm nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động VAMC.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, công cuộc xây dựng và hội nhập quốc tế của đất nước đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành Ngân hàng, trong đó có VAMC. Phó Thống đốc mong muốn và tin tưởng trong giai đoạn tiếp theo, VAMC sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu và truyền thống tốt đẹp đã đạt được trong 10 năm qua, với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng.
Anh Thư