Khi dịch vụ ngân hàng hướng về nông thôn
Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149) với mục tiêu để mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững; trong đó, chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Thực hiện Quyết định số 149 và chỉ đạo của Tỉnh ủy Tuyên Quang, ngày 16/12/2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-UBND về thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Quyết định số 636). Quyết định số 636 đã cụ thể hóa các mục tiêu tại Quyết định số 149 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể sau: (i) 70% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; (ii) có 11 chi nhánh, phòng giao dịch (điểm giao dịch) của ngân hàng thương mại/100.000 người dân trưởng thành (tương ứng 66 điểm giao dịch); (iii) 50% số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính, 25% người trưởng thành có gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng (TCTD); (iv) hằng năm, tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt 25%, 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dịch vụ tín dụng tại các TCTD; (v) 50% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Quyết định số 636 cũng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai, thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả; chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động tài chính.
Trong ba năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo ra nhiều sản phẩm tiện ích, dễ sử dụng, chi phí hợp lí và miễn phí nhằm thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện trên địa bàn, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các ngân hàng đã thường xuyên rà soát, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, kĩ thuật, công nghệ, nhân lực để hoạt động thanh toán thông suốt, kịp thời, an toàn, bảo mật; rà soát, mở rộng, sắp xếp hợp lí mạng lưới điểm giao dịch, máy giao dịch tự động (ATM/CDM/CRM), thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS/mPOS), điểm chấp nhận thanh toán di động QR-Code. Ngân hàng cũng phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới và thông báo rộng rãi về mạng lưới này để người dân biết, thuận tiện trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ TTKDTM. Đến nay, nhiều dịch vụ ngân hàng đã được thực hiện ngay trên điện thoại thông minh, máy tính… có kết nối Internet như: Mở tài khoản thanh toán, đóng tài khoản thanh toán, chuyển tiền, mở sổ tiền gửi tiết kiệm, gửi tiền tiết kiệm, vay tiêu dùng giá trị nhỏ, thanh toán giao dịch điện, nước, Internet, thuế, phí...
Phí dịch vụ tài chính là vấn đề luôn được người sử dụng dịch vụ, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng sâu, vùng xa quan tâm và là yếu tố quan trọng quyết định có sử dụng dịch vụ hay không. Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng có nhiều chính sách về giá, phí để kích thích, thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng như: Miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh ngân hàng số đối với khách hàng cá nhân, giảm phí đối với khách hàng tổ chức, ưu đãi về lãi suất tiền gửi đối với khách hàng gửi tiền có thời hạn trên kênh số… Các ngân hàng đều đã phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử trên thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy tính) để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm luôn được ngân hàng cung cấp, cải tiến sản phẩm, dịch vụ hiện đại để đáp ứng thị hiếu khách hàng và hơn hết, khách hàng phải được thỏa mãn với những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại mà ngân hàng cung cấp.
Đến ngày 31/10/2023, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 66 chi nhánh/phòng giao dịch của 08 ngân hàng thương mại (bình quân 11 điểm giao dịch/100.000 người trưởng thành), 07 chi nhánh/phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn 07 huyện/thành phố; phát triển mới mô hình ngân hàng số Agribank Digital; 90 ATM/CDM/CRM (tăng 12% so với đầu năm 2021); trên 500 thiết bị POS/mPOS (tăng 52% so với đầu năm 2021); trên 36.000 điểm thanh toán bằng QR-Pay (tăng 10,3 lần so với đầu năm 2021). Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang cung cấp khoảng 730 nghìn tài khoản thanh toán cho khách hàng cá nhân (bình quân 1,21 tài khoản/người dân trưởng thành), khoảng 68% người trưởng thành trên địa bàn có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và/hoặc các tổ chức được phép khác; hơn 800 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản; gần 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã (chiếm khoảng 90% số cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn) sử dụng dịch vụ nộp thuế qua tài khoản ngân hàng; tỉ trọng tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 56%/tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Với nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang, đến nay, cơ bản các chỉ tiêu về thực hiện chiến lược tài chính toàn diện đến năm 2025 đã hoàn thành (hiện còn chỉ tiêu về số người có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và các tổ chức được phép khác đạt khoảng 68% - kế hoạch giao là 70%).
QR-Code đã thay đổi quan điểm của người dùng về TTKDTM
“Thông minh - Tiện lợi - Đơn giản - Chi phí thấp” là nhận xét của khách hàng, bao gồm cả khách hàng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Tuyên Quang khi nói về hình thức TTKDTM qua mã QR-Code.
.JPG)
Nhân viên Agribank Tuyên Quang luôn sẵn sàng hướng dẫn khách hàng mở và sử dụng QR-Code
Trong những năm gần đây, hình ảnh khách hàng có thể quét mã QR-Code để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ đã không còn xa lạ với nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Theo thống kê tại chợ huyện Chiêm Hóa (một huyện nghèo thuộc tỉnh Tuyên Quang), hiện nay có tới 87% các tiểu thương, hộ kinh doanh chấp thuận và khuyến khích khách hàng thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ thông qua QR-Code. Mô hình TTKDTM bằng QR-Code tiện lợi, đơn giản, cơ động, chi phí thấp, mang lại nhiều lợi ích cho người bán hàng như: Người bán hàng không phải chuẩn bị tiền lẻ để trả lại khách hàng, không phải lo lắng vấn đề tiền giả, mất cắp khi mang tiền mặt theo người, không phải tính toán doanh thu hằng ngày một cách thủ công…
Theo tiểu thương Phan Thu Hà (thành phố Tuyên Quang), các ngân hàng đã triển khai các phương thức TTKDTM từ rất lâu qua POS. Với POS, chi phí lắp đặt và sử dụng rất cao (lắp đặt từ 10 - 20 triệu đồng và phí từ 1,5 - 2,5%/số tiền thanh toán), thiết bị chưa thực sự thuận tiện (một số thiết bị cần cắm điện thường xuyên, cần kết nối với hệ thống mạng qua dây điện thoại cố định) nên chưa khuyến khích được nhiều người sử dụng và hầu hết người bán nhỏ lẻ đều không lựa chọn. Tuy nhiên, người bán hàng đã thay đổi hoàn toàn thói quen từ khi ngân hàng triển khai phương thức thanh toán QR-Code, người dùng không mất chi phí lắp đặt, không mất phí giao dịch, rất thuận tiện có thể mang đi mọi chỗ, mọi nơi, giao dịch diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và loại bỏ được các rắc rối khi dùng tiền mặt như không có tiền lẻ trả lại, tiền giả, tiền rách, tình trạng rơi, mất cắp,… Các lợi ích này đã giúp QR-Code phát triển trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang một cách nhanh chóng.
Không chỉ với người bán, người mua cũng đã có những trải nghiệm thiết thực, thú vị khi thanh toán qua QR-Code. Theo chị Nguyễn Thu Huyền (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), khi dùng tiền mặt đôi khi sơ ý làm rơi hoặc cũng có khi quên mang theo thì bất tiện, với QR-Code thì an toàn, tiện lợi, mua bán hàng trên môi trường mạng cũng dễ dàng hơn, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể thanh toán mọi giao dịch từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng, thậm chí là nhiều hơn. Đây cũng là nhận xét của nhiều người dân khi trải nghiệm QR-Code.
Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đã tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, chi phí thấp, an toàn, tiện lợi để cung cấp cho người dùng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 149 và QR-Code là một trong nhiều sản phẩm như vậy. Với tiện ích cho khách hàng, các ngân hàng đã và đang “phủ xanh” hình thức TTKDTM này đến khắp nơi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, từ thành phố đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về tài chính toàn diện đã đề ra.
Tiếp tục thúc đẩy tài chính toàn diện khu vực nông thôn
Nhằm thúc đẩy sớm hoàn thành và vượt toàn bộ các chỉ tiêu về tài chính toàn diện đã đề ra, góp phần hỗ trợ tối đa cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính hiện đại, bảo đảm tiện lợi, an toàn, dễ sử dụng và chi phí thấp, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang với nòng cốt là hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
Một là, thường xuyên rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, triển khai các quy định về cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số; tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào hoạt động tài chính vi mô; các cơ chế quản lí thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động công nghệ tài chính; quy định thực hiện xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử trực tuyến dựa trên cơ sở khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư...
Hai là, tiếp tục tạo điều kiện cho những ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được mở các điểm cung ứng dịch vụ phù hợp, khuyến khích các tổ chức không phải ngân hàng có mạng lưới rộng khắp hoặc có địa bàn hoạt động tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (tổ chức tài chính vi mô, bưu điện, viễn thông…) phối hợp với ngân hàng nhằm mở rộng phạm vi các điểm cung ứng dịch vụ tài chính; đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Ba là, tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; trọng tâm là đẩy mạnh TTKDTM trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các ngân hàng cung cấp tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu để cung cấp cho người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, người già, người nghèo, học sinh, sinh viên và những đối tượng yếu thế khác…; tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lí, thủ tục nhanh, gọn, thuận tiện, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.
Bốn là, triển khai thực hiện kịp thời chỉ đạo của ngân hàng cấp trên trực tiếp về hệ thống thanh toán phục vụ cho giao dịch bán lẻ nhằm phục vụ cho thanh toán cá nhân và doanh nghiệp tại mọi thời điểm; thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng điện tử để tạo niềm tin và bảo vệ người tiêu dùng tài chính; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lí, xác thực thông tin khách hàng và người thụ hưởng khi cung ứng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chính phủ điện tử.
Năm là, thường xuyên làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược tài chính toàn diện; các cơ chế, chính sách có liên quan; kiến thức, kĩ năng tài chính; phương thức quản lí và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính đến các cơ quan quản lí nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp; về lợi ích, rủi ro, chi phí cùng phương thức quản lí và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính; công khai, minh bạch hóa thông tin của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính; cơ cấu phí và các loại phí dịch vụ đối với người tiêu dùng tài chính; xử lí, giải quyết khiếu nại của khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lí nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Quyết định số 636/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 của UBND tỉnh Tuyên Quang về thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
4. Kế hoạch số 256/KH-TQU ngày 26/02/2021 của NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang về thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
5. Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2021, 2022 của UBND tỉnh Tuyên Quang.
6. Báo cáo kết quả chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh Tuyên Quang.
7. Báo cáo kết quả hoạt động Ngân hàng Tuyên Quang năm 2021, 2022 và 10 tháng đầu năm 2023 của NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang.
Tú Minh
NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang