Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, đến nay, trong toàn bộ hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chưa có vụ việc về vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; không phát sinh các vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh tài chính trái phép, hoạt động huy động vốn trái phép.
Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (Chỉ thị số 12/CT-TTg) nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ về quản lí tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối, trọng tâm là: (i) Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân; (ii) Nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”; (iii) Tiếp tục đẩy mạnh huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế; (iv) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu; (v) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, quy định pháp luật để quản lý hoạt động vay ngang hàng, vay trực tuyến; (vi) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng, TCTD quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; (vii) Chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; đẩy nhanh tiến độ trả lời các yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.
Truyền thông cần đi trước một bước
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, chỉ đạo của NHNN và của UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã quán triệt, chỉ đạo tới toàn thể công chức, nhân viên của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản như: Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg; Văn bản số 10340/NHNN-TD ngày 31/12/2019 của NHNN về việc tập trung triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen”; Quyết định số 793/QĐ-TQU ngày 08/8/2019 của NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang về ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng Tuyên Quang thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg; Văn bản số 135/UBND-NC ngày 16/01/2019 của UBND tỉnh Tuyên Quang về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; Văn bản số 3645/UBND-NC ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang và Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 19/10/2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg…
Tại các hội nghị định kỳ triển khai nhiệm vụ ngân hàng Tuyên Quang, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã đánh giá kết quả đạt được của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo góp phần thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg; đồng thời có các đề xuất, kiến nghị với NHNN và UBND tỉnh Tuyên Quang; tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, ban hành những văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách cho người dân, nhằm nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước, góp phần ngăn ngừa, hạn chế “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã tuyên truyền trên 186 lượt văn bản liên quan đến lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên báo Tuyên Quang và Cổng thông tin điện tử của NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang; cung cấp thông tin cho phóng viên viết gần 387 tin, bài về hoạt động ngân hàng. Chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh việc tuyên truyền đề người dân nắm bắt đầy đủ các cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nhất là các chương trình chính sách tín dụng, các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức và cách thức tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tiếp tục thực hiện tốt tuyên truyền đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lí, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước
NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện chặt chẽ việc quản lí nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg đến nay, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã ban hành 59 văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn về các nội dung: (i) Thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN và của tỉnh Tuyên Quang về mở rộng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; (ii) Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; (iii) Tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các sản phẩm tín dụng phù hợp, cho vay đáp ứng nhu cầu đột xuất, hợp pháp của người dân; (iv) Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong việc cung cấp thông tin về lãi suất tín dụng phục vụ việc điều tra, xét xử đối với các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; (v) Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời các quy định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng, nhất là các quy định, thủ tục về vay vốn, thanh toán, phí dịch vụ tại các điểm giao dịch, trụ sở làm việc…
NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định; đẩy mạnh áp dụng Hệ thống quản lí chất lượng ISO 9001:2015 trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ ba, mức độ bốn theo lộ trình, hướng dẫn của NHNN.
Công tác thanh tra, theo dõi, giám sát đối với các TCTD trên địa bàn luôn được NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang chú trọng thực hiện; thành lập bộ phận thường trực để tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm. Đến nay các ngân hàng trên địa bàn không có vụ việc mất an toàn trong hoạt động, chưa phát hiện vi phạm về lãi suất huy động, quy định về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN; các chương trình, dự án tài chính vi mô, các điểm giới thiệu dịch vụ trên địa bàn tỉnh của các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động đúng quy định của NHNN, tích cực hỗ trợ người dân nói chung, các hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng, tiếp cận được vốn vay tiêu dùng linh hoạt và đơn giản hơn. Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg đến nay, bộ phận Thanh tra, giám sát của NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành, thực hiện 26 cuộc thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm việc kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích, vay vốn để thực hiện các hình thức cho vay lại với lãi suất cao hơn hưởng chênh lệch.
Hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 9 chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh, 7 ngân hàng huyện/thành phố, 52 phòng giao dịch của các ngân hàng trên địa bàn và 100% các xã đều có điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại một số xã của huyện Sơn Dương có điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Mạng lưới này đã làm tốt công tác huy động và chuyển tải vốn tín dụng đến các đối tượng có nhu cầu vay vốn trên địa bàn, đồng thời đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về thanh toán, các dịch vụ tiện ích ngân hàng cho các tổ chức kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg đến nay, đã có 3 phòng giao dịch mới thành lập, đã chấp thuận chuyển đổi 17 địa điểm phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh và các huyện. Các phòng giao dịch mới và phòng giao dịch chuyển đổi đã thực hiện đúng theo tiêu chuẩn, quy định của NHNN.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang thực hiện giải ngân cho khách hàng vay (Nguồn ảnh: Ngọc Trinh - Cổng thông tin điện tử huyện Hàm Yên)
So với thời điểm ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg, đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 34.851 tỉ đồng, tăng 85%; tổng đầu tư tín dụng trên địa bàn đạt 30.716 tỉ đồng, tăng 90%, trong đó tín dụng thương mại tăng 94%, tín dụng chính sách xã hội tăng 70%; nguồn vốn huy động luôn đáp ứng đủ nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng đối với khách hàng có đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Đồng thời, các ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng qua phương tiện điện tử, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư như: Agribank Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỉ đồng đến 20.952 khách hàng vay vốn nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn; các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn như: NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã triển khai giải pháp Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho vay an sinh xã hội. Đã có 58 khách hàng đăng kí nhu cầu vay và được giải ngân với tổng số tiền là 6.485 triệu đồng.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chấp hành nghiêm quy định về lãi suất cho vay, duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp. Các ngân hàng đã tích cực cải cách hành chính, nỗ lực đổi mới quy trình, đầu tư công nghệ góp phần rút ngắn thời gian thẩm định, giải ngân cho khách hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Nhiều khoản vay ngắn hạn được giải ngân ngay trong ngày nhận được hồ sơ vay vốn của khách hàng, các khoản vay trung và dài hạn đều được giải quyết nhanh, trong phạm vi thời hạn quy định.
Tiếp tục tham gia đẩy lùi “tín dụng đen” trong tình hình mới
Với tình trạng hoạt động của tội phạm công nghệ cao ngày càng phổ biến, ngoài các hình thức cho vay qua mạng, qua ứng dụng điện thoại, cho vay giữa các cá nhân trong các hội nhóm trên mạng xã hội, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn có biểu hiện công khai trên các nền tảng website lậu như các website về bóng đá, các tin nhắn tự động qua mạng điện thoại, mạng Internet có chứa mã độc, điện thoại mạo danh để dò hỏi thông tin cá nhân ngày càng nhiều. Những hoạt động này đều tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn đối với mỗi cá nhân khách hàng. Xác định rõ các khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đưa ra những nhóm nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang phải thực hiện nhằm góp phần tích cực đẩy lùi “tín dụng đen”; cụ thể:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg, Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg, Văn bản số 135/UBND-NC ngày 16/01/2019 của UBND tỉnh Tuyên Quang về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”... Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các sản phẩm tín dụng, nhất là các sản phẩm mới đến mọi tầng lớp nhân dân.
Hai là, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của NHNN, văn bản của ngân hàng cấp trên trực tiếp về các nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng mình hằng năm; tiếp tục chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay theo phương thức điện tử; rà soát, phát triển mạng lưới hợp lí, bảo đảm vừa thuận tiện cho dân, vừa an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các TCTD; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng tạo thuận lợi mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng khi có nhu cầu; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng theo chính sách của tỉnh Tuyên Quang.
Ba là, triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2024 để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, ngành Ngân hàng, chính sách tín dụng tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng; giải thích cho người dân về tác hại của “tín dụng đen”.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, các điểm giới thiệu dịch vụ của các công ty tài chính, chương trình dự án tài chính vi mô trên địa bàn, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lí các hành vi vi phạm. Chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, cung cấp thông tin theo chức năng, nhiệm vụ phục vụ công tác điều tra, xử lí đối với những tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.
Năm là, phối hợp Công an tỉnh Tuyên Quang, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang xem xét, có các biện pháp để quản lí, giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng số thuê bao điện thoại không chính chủ, sim rác; tuyên truyền, quán triệt người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư; các nhà mạng tăng cường quản lí tình hình sử dụng sim điện thoại có cập nhật theo căn cước công dân; phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lí kiên quyết các trường hợp dán, treo quảng cáo, cho vay trái quy định pháp luật; phối hợp Công an tỉnh Tuyên Quang tăng cường công tác quản lí về an ninh, trật tự; rà soát, phát hiện, xử lí nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (đòi nợ, cầm đồ...) hoặc các công ty núp bóng công ty tài chính để lừa đảo người dân dẫn đến vay nợ, cầm cố, siết nợ, đòi nợ thuê trên địa bàn tỉnh; có biện pháp vận động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang về sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Báo cáo của Công an tỉnh Tuyên Quang về sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chị thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Minh Tú
NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang