Trong 7 tháng đầu năm 2024, Thừa Thiên Huế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chậm tăng trưởng, lạm phát cao và thương mại quốc tế suy giảm, các doanh nghiệp địa phương đã phải đối mặt với việc giảm sút thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có những diễn biến tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP (theo giá so sánh) đạt hơn 19.599 tỉ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng đầu năm 2024 tăng 1,72% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 623,8 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 387 triệu USD. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, đảm bảo duy trì trật tự, an toàn xã hội.
Bám sát Nghị quyết số 219-NQ/BCSĐ ngày 15/01/2024 của Ban Cán sự Đảng NHNN về chủ trương, định hướng nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng năm 2024, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024 (Chỉ thị số 01/CT-NHNN) và Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2024 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế địa phương.
Những kết quả khả quan của hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế 7 tháng đầu năm 2024
Về công tác triển khai các chính sách tín dụng, tiền tệ ngân hàng, thông qua các Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 và Hội nghị giao ban ngân hàng định kỳ, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh triển khai hơn 30 văn bản pháp luật, chính sách điều hành liên quan hoạt động tiền tệ ngân hàng. Đồng thời, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN và Công văn số 4315/NHNN-TD ngày 21/5/2024 của NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh tích cực chủ động triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Đặc biệt, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND thị xã Hương Thủy tổ chức Hội nghị đối thoại, kết nối Ngân hàng - Khách hàng tại địa bàn thị xã Hương Thủy vào ngày 01/7/2024 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan liên quan, đại diện lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo của các TCTD có mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch trên địa bàn thị xã và gần 100 khách hàng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Ngay sau khi Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, trong đó điều chỉnh thời hạn thực hiện đến hết ngày 31/12/2024, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai ngay tới các TCTD. Tính đến cuối tháng 7/2024, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 456 khách hàng với tổng giá trị nợ gốc và lãi lũy kế được cơ cấu khoảng 630,89 tỉ đồng; tổng số dư nợ gốc và lãi của khách hàng được cơ cấu khoảng 780,19 tỉ đồng.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế giải ngân vốn vay cho khách hàng tại điểm giao dịch phường Thủy Lương (Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)
Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, giám sát, đảm bảo các TCTD trên địa bàn tăng trưởng tín dụng hiệu quả, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Đến cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 80.269 tỉ đồng, tăng 0,69% so với đầu năm.
Các TCTD trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nỗ lực xử lý nợ xấu, đảm bảo chất lượng tín dụng. Trong 7 tháng đầu năm 2024, các TCTD trên địa bàn đã xử lý khoảng 462 tỉ đồng nợ xấu nội bảng, trong đó 64% nợ xấu được thu hồi từ kênh khách hàng trả nợ, 15% nợ xấu xử lý bằng kênh sử dụng nguồn dự phòng rủi ro. Tính đến ngày 31/7/2024, nợ xấu tại các TCTD trên địa bàn ở mức 1.909 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu ở mức 2,38%.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng để đảm bảo ổn định. NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận 52 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa, trong đó giải quyết trước/đúng hạn 48 thủ tục hành chính. Thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ của 1 đơn vị; thu hồi Quyết định đăng ký đại lý chi trả ngoại tệ của 3 đơn vị và cung cấp 6 lượt tỉ giá, giá vàng, thông tin liên quan đến hoạt động ngoại hối và vàng đến các đơn vị liên quan. NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn, kịp thời ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, TCTD kinh doanh vàng miếng trên địa bàn tỉnh chấp hành đúng quy định; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1685/QĐ-UBND ngày 24/6/2024 về việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối. Đến cuối tháng 7/2024, Đoàn đã tiến hành kiểm tra 8/15 đơn vị theo Kế hoạch.
Đặc biệt, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được quan tâm đẩy mạnh. NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều lượt văn bản chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng; áp dụng các biện pháp phòng, chống rủi ro gian lận trong mở tài khoản thanh toán; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Các chi nhánh NHTM tích cực thực hiện đa dạng hóa kênh cung cấp dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử, QR Code… Hệ thống ATM, POS hoạt động ổn định, được hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các huyện, thị xã. Tính đến ngày 31/7/2024, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 229 ATM và 1.064 POS đang hoạt động; tổng số thẻ đang lưu hành là hơn 1.172.938 thẻ với số lượng giao dịch qua thẻ lũy kế từ đầu năm 2024 đạt hơn 3,7 triệu giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt hơn 10.615 tỉ đồng.
Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Cùng chung sức với người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống ngân hàng tỉnh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 theo sự chỉ đạo, điều hành của NHNN và UBND tỉnh. Một số nội dung trọng tâm được hệ thống ngân hàng tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai trong thời gian tới như sau:
Một là, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tổ chức triển khai chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nhất là nghiên cứu các quy định mới tại Luật Các TCTD năm 2024 và các văn bản hướng dẫn, các cơ chế, chính sách mới có hiệu lực từ sau ngày 01/7/2024 để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai kịp thời. Tiếp tục bám sát các giải pháp, nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiếp tục bám sát những yêu cầu của NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế từ đầu năm về công tác tín dụng và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là triển khai các chương trình tín dụng, về lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn, không để xảy ra tình trạng khách hàng đủ điều kiện mà không được tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng.
Hai là, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ động phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt các thế mạnh, các dự án kinh tế trọng điểm, ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ để tham mưu UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ cho các TCTD trên địa bàn triển khai hoạt động ngân hàng, chương trình, chính sách tín dụng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp TCTD trên địa bàn gây khó khăn trong tiếp cận tín dụng hoặc có những vi phạm trong hoạt động đại lý bán bảo hiểm, trái phiếu...
Ba là, các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay và chủ động công bố thông tin về lãi suất cho vay, chương trình tín dụng có ưu đãi lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp: (i) Tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; (ii) Triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn: Chủ động tổ chức Hội nghị đối thoại, kết nối giữa Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng; (iii) Kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng; (iv) Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu; tuân thủ nghiêm các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tăng cường quản lý tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng dư nợ lớn, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử trên địa bàn; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; thực hiện có hiệu quả Đề án 06, Kế hoạch chuyển đổi số và thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.
Sáu là, chấp hành nghiêm quy định của NHNN về an toàn kho quỹ; chủ động các biện pháp phòng, chống tiêu cực, trộm cướp tại các phòng giao dịch, ô tô giao dịch lưu động; chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN và pháp luật liên quan trong hoạt động quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng.
Bảo Ly