Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40-CT/TW), hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã được vay vốn tín dụng chính sách xã hội phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Người dân tới Điểm giao dịch NHCSXH tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
vay vốn tín dụng chính sách
Tân Lạc là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Hòa Bình, có diện tích tự nhiên khoảng 52,3 km2, trong đó hơn 80% là rừng núi. Tân Lạc hiện nay chủ yếu có hai dân tộc anh em chung sống là dân tộc Mường và dân tộc Kinh, trong đó dân tộc Mường chiếm tới 85%.
Theo thống kê, huyện Tân Lạc có 5 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với 146 xóm thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 24 xóm đặc biệt khó khăn. Trước thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Lạc coi giảm nghèo là một quyết tâm chính trị trọng tâm, huy động trí tuệ, sức lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện; trong đó xác định tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội và vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương... nhằm thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2024 giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7,35%.
Ông Lê Chí Huyên - Phó Chủ tịch huyện Tân Lạc cho biết, là huyện miền núi có tới 85% dân số là người đồng bào dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì nguồn tín dụng ưu đãi của NHCSXH có vai trò rất quan trọng. Ông Lê Chí Huyên khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao hoạt động của NHCSXH trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần bảo đảm an sinh xã hội địa phương. Đặc biệt, khi có Chỉ thị 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền địa phương đã rất khẩn trương vào cuộc, triển khai ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền tới cấp ủy, đảng viên và đã thu được nhiều kết quả tích cực”.
Phó Chủ tịch huyện Tân Lạc Lê Chí Huyên đánh giá rất cao sự tham gia của NHCSXH trong việc hỗ trợ bà con nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sinh kế. Theo ông Lê Chí Huyên, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW có thể thấy rõ hai điểm nổi bật tại huyện Tân Lạc: Thứ nhất, tỉ lệ giảm nghèo qua từng năm, riêng năm 2024, mục tiêu đưa ra là giảm từ 9,4% xuống 7%, nhưng kết quả sơ bộ đến nay đã giảm 6,8% - vượt chỉ tiêu. Thứ hai, trước đây, huyện Tân Lạc có 10 xã vùng đặc biệt khó khăn thì nay chỉ còn 5 xã. Đặc biệt, khi triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tân Lạc đã tham mưu cho Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về ủy thác ngân sách địa phương sang NHCSXH cho vay. Vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH tăng trưởng qua từng năm; mục tiêu đến năm 2030, con số này đạt khoảng 40 tỉ đồng. Đây là nỗ lực, cố gắng hết mình của một huyện miền núi, bởi 40 tỉ đồng là số tiền không nhỏ, tương đương với thu ngân sách của huyện trong một năm.
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, anh Hà Công Lợi, xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
đã đầu tư trồng quýt vươn lên thoát nghèo
Quả ngọt đến từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Mô hình trồng quýt ngọt ở xã vùng cao Vân Sơn đã giúp gia đình anh Hà Công Lợi ở xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thuộc diện hộ nghèo đã thoát nghèo vào năm 2021. Anh Hà Công Lợi chia sẻ, gia đình anh được tiếp cận vay vốn Chương trình vốn cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn từ NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng. Nhận thấy Vân Sơn có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng quýt, cho chất lượng quả ngọt, năng suất cao, do vậy, gia đình anh đã đầu tư trồng quýt với khoảng 500 gốc, trong đó có hơn 300 cây quýt ngọt và gần 200 cây quýt hôi. Thời điểm đầu mùa, thương lái vào vườn mua với giá 50 nghìn đồng/kg quýt, còn hiện tại là 25 nghìn đồng/kg. Thời điểm giáp Tết Ất Tỵ kỳ vọng quýt sẽ bán được giá hơn.
Ngoài việc chăm sóc vườn quýt, gia đình anh Hà Công Lợi còn chăn nuôi thêm 2 con bò mẹ và 10 con lợn, qua đó giúp đời sống gia đình thêm ổn định.
Gia đình anh Ngô Ngọc Hải ở xóm 1, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là một trong nhiều hộ vay điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH. Vốn sinh ra ở làng quê Nam Định, anh Ngô Ngọc Hải đi xây dựng kinh tế mới ở vùng núi tỉnh Hòa Bình. Chọn huyện Tân Lạc là nơi an cư, lạc nghiệp, ban đầu, gia đình anh gặp không ít khó khăn, nhưng bằng ý chí, nghị lực vượt khó cùng với nguồn vốn vay từ NHCSXH, qua nhiều vòng vay vốn, đến nay, gia đình anh đã gây dựng được vườn bưởi đỏ Tân Lạc với gần 200 gốc, cứ đến vụ là thương lái đến mua, cho thu nhập hằng năm khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh Ngô Ngọc Hải đang còn dư nợ của NHCSXH 40 triệu đồng vốn giải quyết việc làm và 20 triệu đồng vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Thực tế, trong những năm qua, tại xã Tử Nê có rất nhiều hộ dân vay vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo, đóng góp vào tỉ lệ giảm nghèo nhanh của huyện Tân Lạc.
Ông Quách Văn Hoạt, Phó Bí thư xã Tử Nê, huyện Tân Lạc cho biết, năm 2010, xã Tử Nê có 32,6% hộ nghèo; từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, giai đoạn 2014 - 2015, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,73% (138 hộ); đến năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,26%, tương ứng 23 hộ.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, đến nay, Tử Nê là xã có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Tân Lạc. Tính đến ngày 30/10/2024, dư nợ cho vay của NHCSXH trên địa bàn xã Tử Nê đạt 17.435 triệu đồng. Nguồn vốn cho vay tập trung vào chăn nuôi trâu, bò, lợn và trồng trọt các loại cây như bưởi đỏ Tân Lạc, quýt ngọt… cho hiệu quả cao, giúp bà con có việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống.
Sức mạnh của Chỉ thị 40-CT/TW trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội
Tính đến ngày 31/10/2024, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Tân Lạc đạt 578.823 triệu đồng, tăng 378.988 triệu đồng (tăng 189,7%) so với năm 2014, bình quân mỗi năm tăng 37.898 triệu đồng. Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 507.813 triệu đồng, chiếm 87,7% tổng nguồn vốn, tăng 308.825 triệu đồng (154,5%) so với năm 2014; nguồn vốn huy động từ địa phương đạt 57.205 triệu đồng, chiếm 9,9% tổng nguồn vốn, tăng 52.898 triệu đồng (tăng 1.228%) so với cuối năm 2014; nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 13.805 triệu đồng, chiếm 2,4% tổng nguồn vốn; trong khi đó, trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW trong cơ cấu nguồn vốn của NHCSXH huyện Tân Lạc không có nguồn vốn từ ngân sách địa phương.
Ngoài nguồn vốn ngân sách địa phương, NHCSXH còn tập trung huy động từ tổ chức, cá nhân, tính đến ngày 31/10/2024 vốn huy động đạt 57.205 triệu đồng, chiếm 9,9% tổng nguồn vốn, tăng 52.898 triệu đồng (tăng 1.228%) so với năm 2014; trong đó: Nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là 17.721 triệu đồng với 289 Tổ TK&VV tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm, đạt 100% trên tổng số Tổ TK&VV của toàn huyện Tân Lạc. Việc triển khai huy động tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV có tác dụng tạo điều kiện cho hộ nghèo và đối tượng chính sách có thói quen thường xuyên thực hành tiết kiệm, nhằm tích góp, gây dựng nguồn hỗ trợ cho việc trả nợ NHCSXH, tạo lập vốn tự có, đồng thời góp phần bổ sung nguồn cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đến ngày 30/10/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng là 577.757 triệu đồng, tăng 378.205 triệu đồng (tăng 189,5%) so với năm 2014. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, doanh số cho vay đạt trên 1.259 tỉ đồng, với trên 36.400 lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần giúp cho 7.966 lượt hộ thoát nghèo; giúp hộ nghèo xây dựng được 1.941 ngôi nhà để ổn định đời sống; xây dựng được 11.301 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới; hàng chục nghìn lao động trong huyện Tân Lạc được tạo việc làm từ các chương trình tín dụng của NHCSXH và còn rất nhiều hộ gia đình tuy chưa thoát khỏi khó khăn về kinh tế, song nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã có cơ hội làm chủ cuộc sống, thay đổi tập quán làm ăn, ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện Tân Lạc như quan tâm tạo điều kiện trợ giúp về cơ sở vật chất cho điểm giao dịch của NHCSXH, nâng cao hiệu quả và năng lực hoạt động; hiện toàn huyện có 16 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, bảo đảm công tác an ninh, an toàn tại các ngày trực giao dịch (kể cả ngày thứ 7, chủ nhật). Hằng tháng, giao dịch vào ngày cố định đã giúp người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận các chương trình ưu đãi của Chính phủ một cách thuận lợi, tiết giảm chi phí; đồng thời, tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách, qua đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ kịp thời đến đúng với đối tượng hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Có thể thấy, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Tân Lạc trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo ra một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả vốn tín dụng chính sách, giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của NHCSXH một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí khi vay vốn; đồng thời, giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tân Lạc.
Mai Lâm
Hà Nội