Năm 2025 là năm có ý nghĩa lịch sử, một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/1930 - 03/02/2025), 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập thế giới; đặc biệt đây cũng là năm bản lề để đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới (2026 - 2030), tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Đứng trước thời điểm lịch sử của đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - việc phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để xây dựng nước Việt Nam với tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc” là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ hiện nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tự hào đóng góp một phần quan trọng để xây dựng đất nước phồn thịnh. Tạp chí Ngân hàng trân trọng gửi tới độc giả loạt bài viết 3 kỳ với tiêu đề “Viết tiếp sứ mệnh lịch sử con đường huyền thoại Vietcombank” của tác giả Hồ Văn Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Vietcombank.
Kỳ 1: Khơi thông mọi nguồn lực phát triển nền kinh tế
Ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào của dân tộc, Đảng bộ Vietcombank tự hào luôn giữ vai trò tiên phong, chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vietcombank đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau năm 1975, Vietcombank tiếp tục góp sức vào quá trình xây dựng, đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước cũng như của ngành Ngân hàng. Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, Vietcombank đang thể hiện vị thế là ngân hàng hàng đầu; cán bộ, đảng viên Vietcombank đã và đang sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để thực hiện khát vọng vươn mình cùng Tổ quốc.
Sứ mệnh lịch sử “Con đường huyền thoại”
Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, suốt 16 năm (từ năm 1959 - 1975), cùng với những con đường đã đi vào lịch sử dân tộc như: Đường mòn Hồ Chí Minh (hay còn gọi là đường Trường Sơn), Đường Hồ Chí Minh trên biển còn có Con đường Tiền tệ - con đường đã vận chuyển, chi viện nguồn lực tài chính cho chiến trường miền Nam. Tham gia gánh vác sứ mệnh đặc biệt quan trọng trên Con đường Tiền tệ đó chính là Sở Quản lý ngoại hối Trung ương trực thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tiền thân của Vietcombank ngày nay. Đây là nhiệm vụ bí mật cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho chiến trường miền Nam. Với số lượng người ít ỏi, mọi máy móc đều lạc hậu, quá trình vận chuyển thô sơ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các "chiến sĩ ngân hàng" đã thực thi các nhiệm vụ trong thầm lặng; tạo các kênh tài chính bí mật, xuyên qua nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ với đầy rủi ro, nguy hiểm để cung cấp kịp thời các loại tiền chiến trường cần, góp phần bảo đảm cho dòng huyết mạch tài chính lưu thông, làm tròn nhiệm vụ cung ứng ngoại tệ cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần kiên trung, bất khuất, mưu lược, dũng cảm, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, bằng máu và nước mắt, những cán bộ Vietcombank đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta viết nên trang sử hào hùng vào ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn cán bộ Vietcombank làm việc với Ban Kinh tài về số liệu của Trung ương chi viện cho B2 (năm 1972)
Thời kỳ sau giải phóng 1975 - 1986, Việt Nam bước vào giai đoạn tái thiết và phát triển kinh tế với rất nhiều khó khăn, thách thức; việc thanh toán bằng ngoại tệ của Việt Nam với các nước đặc biệt khó khăn do Việt Nam chưa có nhiều quan hệ với các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế và chính sách cấm vận gắt gao của Mỹ, các nước phương Tây. Năm 1978, Chính phủ Việt Nam thành lập Công ty Tài chính Việt Nam tại Hồng Kông (VFC) với cổ đông lớn nhất là Vietcombank, thực hiện vai trò như một trung gian tài chính giữa Việt Nam và quốc tế, hỗ trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, các dịch vụ bảo hiểm, vận tải đường biển và các hoạt động kinh tế đối ngoại khác của Việt Nam. Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức, VFC đã trở thành kênh huy động vốn ngoại tệ của Việt Nam ở nước ngoài, nhận chuyển tiền kiều hối, thực hiện cấp tín dụng và tài trợ vốn cho các hoạt động phục vụ cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế ở trong nước, góp phần quan trọng trong sứ mệnh dựng xây đất nước mà Đảng và Chính phủ đã giao phó cho Vietcombank - ngân hàng duy nhất được phép thực hiện thanh toán đối ngoại lúc bấy giờ. VFC cũng chính là cánh tay nối dài tại thị trường Hồng Kông, là tiền đề để vươn ra quốc tế của Vietcombank.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Vietcombank tiếp bước con đường huyền thoại tạo nên những huyết mạch tài chính vững mạnh để viết tiếp những trang sử hào hùng về dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển
Phát biểu trước Quốc hội, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Cần khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đồng thời, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ đạo: Cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Cũng trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2025. Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Kinh tế tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14 trong tổng số 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%, chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt…; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển mạnh thị trường vốn, kiểm soát cung cầu hàng hóa, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024.
Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể tạo ra những đột phá mạnh mẽ, quyết liệt tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế pháp luật để giải quyết những vấn đề cấp bách mới nảy sinh, những yêu cầu phát triển lâu dài về kinh tế, xã hội, đây được coi là giải pháp tổng thể, mang tính đột phá để khai thác được các cơ hội mới, tạo lập các động lực tăng trưởng mới. Các chính sách lớn, nổi bật được Chính phủ ban hành, sửa đổi trong thời gian vừa qua đã khơi thông nhiều nguồn lực: Tháo gỡ các điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, tài sản công nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư là phân cấp mạnh, để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững… Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành và địa phương đang chủ động, tích cực xây dựng, tiến tới triển khai thực hiện nhiều mô hình, cơ chế, chính sách mới, thu hút nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Vietcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam
Đổi mới từ tư duy quản lý điều hành đến giải pháp thực thi phù hợp với thực tiễn, thị trường tài chính minh bạch và ổn định về chính sách đã tạo được niềm tin, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, hiện đại đến Việt Nam, từ đó huy động, thu hút các nguồn lực tài chính mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới. Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam, trong đó Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,1%, với mức tăng trưởng được cho là nhờ sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất, du lịch và đầu tư. Điều này phần nào đã thể hiện sức hấp thụ nguồn vốn mạnh mẽ của thị trường Việt Nam, đặc biệt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh thu hút FDI trên toàn cầu suy giảm thì dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2023 vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Dòng vốn đầu tư cũng có sự chuyển dịch đáng chú ý về cơ cấu, chuyển đổi từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và dịch vụ. Điều này đã phần nào cho thấy hướng đi mới của nền kinh tế Việt Nam, đó là tập trung vào sản xuất chip công nghệ cao, thị trường kỹ thuật số và du lịch; nỗ lực trở thành cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao, đồng thời vẫn tiếp tục đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến và chế tạo để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng với những tín hiệu tích cực đó, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm hàng đầu cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và giá trị cao, được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kỹ thuật số và áp lực biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tháng 10/2024, Vietcombank đã được bổ sung nguồn vốn nhà nước nhằm hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, giúp Vietcombank làm tốt vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Trong suốt hành trình hơn 60 năm, Vietcombank luôn đóng vai trò là kênh tài trợ vốn chủ lực, chủ đạo cho các công trình trọng điểm quốc gia và các ngành kinh tế mũi nhọn như: Dầu khí, điện lực, hàng không. Đặc biệt, trong thời gian gần đây các sự kiện ký kết tài trợ vốn của Vietcombank với các tập đoàn, tổng công ty lớn đã thêm một lần khẳng định vị thế, uy tín, vai trò quan trọng của Vietcombank trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước: Vietcombank và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ký kết hợp đồng cấp tín dụng (hợp vốn) trị giá 1,8 tỉ USD cho Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc “Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - Giai đoạn 1” do Vietcombank đầu mối hợp vốn với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đây là sự kiện khẳng định năng lực vượt trội của các ngân hàng thương mại nhà nước khi thu xếp khoản cấp tín dụng trung dài hạn bằng ngoại tệ có giá trị lớn nhất của ngành Ngân hàng từ trước đến nay; Vietcombank và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ký kết Hợp đồng khung tài trợ Dự án Mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Vietcombank còn ký kết với các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực năng lượng sạch - các dự án “xanh”: Tập đoàn Goldwind - tập đoàn đa quốc gia sản xuất Turbine gió có mạng lưới kinh doanh tại 38 quốc gia, đơn vị cung cấp điện gió lớn nhất trên toàn cầu; Công ty TNHH Envision Energy Việt Nam ……
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm và chúc mừng thành công của Lễ ký kết Hợp đồng cấp tín dụng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - Giai đoạn 1
Với ngân hàng thương mại cổ phần đa năng có mạng lưới mở rộng trong và ngoài nước, cơ cấu kinh doanh chuyển dịch theo hướng an toàn, bền vững và dần trở thành một tập đoàn tài chính đa lĩnh vực với quy mô lớn như Vietcombank, ngoài việc mở rộng, tăng trưởng quy mô tổng tài sản thì nguồn nhân lực luôn là vấn đề được ưu tiên, chú trọng đầu tiên. Theo đó, để đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhân lực của Vietcombank được đào tạo, phát triển thường xuyên, tích lũy kinh nghiệm thông qua thực tiễn, không chỉ được luân chuyển trong nội bộ trong từng đơn vị mà còn luân chuyển trong toàn hệ thống; có cơ chế, chính sách mở cho việc điều động nhân lực chất lượng cao chuyển đến làm việc tại các đơn vị khác nhau. Công tác tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công việc đã phát huy tối đa năng lực của cán bộ. Đảng ủy Vietcombank đã ban hành Nghị quyết số 338-NQ/ĐU để các cấp ủy đảng triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho tương lai, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận có chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực thực tiễn, có tư duy đổi mới và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.
Với phương thức hoạt động kinh doanh, rõ ràng đối với một ngân hàng thì mục tiêu quan trọng nhất là hiệu quả, nhưng bên cạnh đó, Vietcombank vẫn luôn gắn sự phát triển với các mục tiêu: Phát triển nhanh, phát triển xanh và bền vững. Nhiều phương thức có thể phù hợp ở thời điểm hiện tại nhưng chưa chắc đã hợp lý trong tương lai, chính vì vậy, tập thể Ban Lãnh đạo Vietcombank luôn tìm ra những phương thức phù hợp nối tiếp phát triển, tiếp cận vấn đề một cách tổng thể và xây dựng các giải pháp dài hạn, nhất là các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm sự phát triển bền vững, ổn định.
Ban Lãnh đạo Vietcombank khẳng định luôn chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đây là chìa khóa mang lại thành công cho ngân hàng; chú ý tuyển dụng nhân lực có trình độ cao, nhất là các vị trí phát triển công nghệ, ứng dụng, quản trị/phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số; bồi dưỡng nhân sự chất lượng cao; thường xuyên tổ chức các khóa học, hội thảo, diễn đàn... trong nước và quốc tế để các cán bộ, nhân viên được trao đổi, học tập về kiến thức và công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, Vietcombank luôn tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát triển các kỹ năng số cho cán bộ, nhân viên, giúp mỗi thành viên đều có cơ hội cọ xát với các sản phẩm số, các ứng dụng số hay môi trường làm việc số để từ đó có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng số.
Vietcombank vinh dự nhận tất cả các hạng mục Giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” của HR Asia Magazine
Thực hiện mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam, Vietcombank đã và đang đổi mới toàn diện công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tinh về số lượng, mạnh về chất lượng; tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh doanh, tạo sức mạnh từ nội lực, góp phần đưa Vietcombank vươn lên mạnh mẽ, duy trì vị thế ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, từng bước nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cùng với truyền thống và những thành quả to lớn mà các thế hệ đi trước dày công tích lũy, cán bộ, đảng viên Vietcombank hôm nay vẫn luôn ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống, trau dồi bản thân để viết tiếp sứ mệnh lịch sử “Con đường huyền thoại” trong thời đại mới, thực hiện tốt nhất vai trò trụ cột nền kinh tế của ngành Ngân hàng nói chung và của Vietcombank nói riêng.
Hồ Văn Tuấn
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Vietcombank