Keywords: Support policy, workers, labor export.
1. Hiệu quả kinh tế - xã hội từ xuất khẩu lao động ở Đồng Tháp
Đồng Tháp là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 3.378 km2, dân số toàn tỉnh khoảng 1,6 triệu người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh năm 2022 đạt 910.502 người, trong đó lao động nam là 492.288 người, chiếm 54,07%; lao động nữ là 418.214 người, chiếm 45,93%. Trong tổng số lực lượng lao động, khu vực thành thị là 180.296 người, chiếm 19,80%; khu vực nông thôn là 730.206 người, chiếm 80,20%. Tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo năm 2022 đạt 14,44%, trong đó lao động đã qua đào tạo khu vực thành thị đạt 28,05%, khu vực nông thôn là 11,08%1. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn chiếm tỉ trọng cao; đời sống cư dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng còn ở mức thấp, chênh lệch giàu - nghèo, thành thị - nông thôn và giữa các vùng còn cao. Số người đến tuổi lao động chưa tìm được việc làm có xu hướng ngày càng gia tăng, tạo nên sức ép rất lớn về việc làm; trong khi đó, thực trạng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh còn kém hiệu quả, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay giải quyết việc làm chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động trong tỉnh… Do đó, xuất khẩu lao động được xem là một trong những giải pháp quan trọng để tạo việc làm cho người lao động, giúp người lao động có thu nhập tốt hơn, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tiếp cận được những công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc công nghiệp, hình thành nên đội ngũ chuyên môn có tay nghề cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp.
Thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động đã được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện. Trong đó, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành 13 văn bản theo thẩm quyền, đặc biệt, đã có 6 lần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế 6 Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp và các sở, ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, số lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài hằng năm đều gia tăng đáng kể; nhiều lao động sau khi hết hợp đồng làm việc ở nước ngoài tiếp tục quay trở lại làm việc. Riêng giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Đồng Tháp có 5.298 người đi xuất khẩu lao động; trong đó, Nhật Bản có 4.676 người, Hàn Quốc có 390 người, Đài Loan có 64 người; bình quân mỗi năm có khoảng 1.750 lao động đi làm việc ở nước ngoài
2. Tuy nhiên, lực lượng đi xuất khẩu lao động chủ yếu là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề và bộ đội xuất ngũ. Trong đó, lao động phổ thông đi làm việc ở nước ngoài là 4.885 người, chiếm 84,7%; lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 552 người, chiếm 10,4%; lao động đã qua đào tạo nghề là 261 người, chiếm 4,9%. Đa số lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài trong độ tuổi thanh niên; trong đó, số lao động từ 20 đến 29 tuổi có 4.151 người, chiếm 78% (Bảng 1).
Bảng 1: Thống kê trình độ và tuổi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại tỉnh Đồng Tháp từ năm 2021 - 2023
Đơn vị tính: Người
Nguồn: Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH)
Tính đến ngày 29/11/2024, toàn tỉnh Đồng Tháp có 2.220 lao động đã xuất cảnh sang nước ngoài làm việc; số lao động đang học ngoại ngữ - giáo dục định hướng là 716 người
3. Ngành, nghề người lao động tham gia làm việc ở nước ngoài gồm: Nông nghiệp, trang trí nội thất, cơ khí, công nghệ ô tô, chế biến thực phẩm, điện tử, đóng gói công nghiệp, điều dưỡng... Tính từ năm 2014 đến tháng 8/2024, toàn tỉnh Đồng Tháp có 15.472 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó có 6.699 người là lao động nữ), lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài tập trung nhiều nhất là thị trường Nhật Bản, với 11.702 người, chiếm 76% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài, Đài Loan có 1.944 người, chiếm 13%, Hàn Quốc có 1.184, chiếm 8% và còn lại là các thị trường khác, chiếm 3%
4. Qua khảo sát 1.107 người đi làm việc ở nước ngoài trở về địa phương, có 43 lao động khởi nghiệp mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán, chiếm 3,8%. Các mô hình khởi nghiệp của lao động sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2020 - 2022 đến nay vẫn được duy trì, điển hình như lao động Nguyễn Chương Phi (huyện Cao Lãnh) với Công ty TNHH Quang Vinh Food chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả sấy khô; lao động Trần Minh Đạo (thành phố Sa Đéc) với Khu du lịch sinh thái Sa Nhiên Garden Sa Đéc; lao động Hoàng Đình Hưng (huyện Tam Nông) với cơ sở nuôi và sản xuất yến sào Tràm Chim. Các mô hình kinh doanh đều đạt hiệu quả, thu nhập ổn định, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương.
Về hiệu quả kinh tế: Số lao động đi làm việc ở nước ngoài phần nhiều là có thời gian hợp đồng làm việc 3 năm, thu nhập ở các thị trường tương đối ổn định cao, tổng số tiền tích lũy sau 3 năm trừ chi phí từ khoảng 600 đến 800 triệu đồng/người tại Nhật Bản và Hàn Quốc, với mức thu nhập bình quân hằng tháng khoảng từ 27 - 35 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cần thiết, mỗi tháng người lao động gửi về gia đình từ 20 - 25 triệu đồng; riêng đối với lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, tổng thu nhập sau 3 tháng làm việc là hơn 90 triệu đồng, sau 8 tháng hơn 200 triệu đồng/người, sau khi trừ chi phí. Bình quân mỗi năm, tổng số người lao động Đồng Tháp gửi về gia đình khoảng 1.000 tỉ đồng5.
Hiệu quả về mặt xã hội: Ổn định việc làm, nâng cao thu nhập góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, đặc biệt, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, 100% hộ gia đình nghèo, cận nghèo có người đi xuất khẩu lao động đã thoát nghèo bền vững, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh Đồng Tháp giảm sâu, còn 1,51% cuối năm 2023 và ước còn khoảng 1,11% vào cuối năm 2024.
2. Thực trạng về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại tỉnh Đồng Tháp
Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và khám sức khỏe
Để hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ theo từng giai đoạn, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, hiện tại Đồng Tháp đang áp dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 51/2023/NQ-HĐND ngày 10/12/2023 của HĐND tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và khám sức khỏe cho người lao động với mức tối đa 7.530.000 đồng/người.
Năm 2023, Đồng Tháp đã chi hỗ trợ cho 1.056 lao động với số tiền là 4.356 triệu đồng đồng để người lao động làm chi phí học ngoại ngữ, học nghề, khám sức khỏe. Chi hỗ trợ theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 11 người, với số tiền 93 triệu đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề; học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và khám sức khỏe cho người lao động là hơn 17 tỉ đồng (Bảng 2).
Bảng 2: Chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại tỉnh Đồng Tháp từ năm 2021 - 2023
Nguồn: Báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp năm 2024
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đã chi hỗ trợ cho 728 người với số tiền hơn 3,4 tỉ đồng để người lao động làm chi phí học học nghề; học ngoại ngữ và khám sức khỏe theo Nghị quyết số 51/2023/NQ-HĐND và chi hỗ trợ theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC cho 3 người với số tiền 27,5 triệu đồng6. Ngoài chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh Đồng Tháp cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước khởi nghiệp như: Chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách phát triển ngành, nghề nông thôn; chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực; đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể...
Chính sách cho vay vốn tín dụng từ NHCSXH
NHCSXH Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài với hình thức vay tín chấp. Tính từ năm 2014 đến nay đã có 8.966 lao động vay vốn từ NHCSXH Chi nhánh tỉnh, với tổng doanh số cho vay 689,5 tỉ đồng7. Trong đó, có 410 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 667 người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, với tổng số tiền cho vay 48.631,77 triệu đồng. Tổng dư nợ cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị quyết số 51/2023/NQ-HĐND là 183.550 triệu đồng với 3.250 người vay (trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Trung ương là 480 triệu đồng, với 18 lao động vay vốn, chiếm 0,26%; dư nợ từ nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH là 183.070 triệu đồng, với 3.232 người lao động vay vốn, chiếm 99,74% tổng dư nợ)8.
Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ đã có tác động tích cực đến công tác xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn tham gia đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao thu nhập, chuyển đổi ngành, nghề, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Các chính sách khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và người lao động nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật trước khi đi làm việc ở nước ngoài chưa phát huy hết hiệu quả. Công tác quản lý, nắm thông tin người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn trở về địa phương còn hạn chế, thiếu dữ liệu nên việc đánh giá, phân tích hiệu quả của chương trình xuất khẩu lao động chưa kịp thời; chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ người lao động “lập thân - lập nghiệp” sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước. Tỉ lệ lao động sau khi trở về khởi nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng của chính quyền địa phương.
3. Hàm ý chính sách
Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Các cơ quan báo chí cần tăng cường thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó thông tin đầy đủ các hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; đưa tin kịp thời, khách quan về tình hình người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; biểu dương và nhân rộng các điển hình tốt, phê phán, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác xuất khẩu lao động. Quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các chính sách, chế độ liên quan đến các đối tượng, người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ thực tập sinh, người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước được tham gia chương trình khởi nghiệp, kinh doanh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, tỉnh Đồng Tháp cần có cơ chế đặc thù cho người lao động vay vốn để chủ động đầu tư học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của người sử dụng lao động ngoài nước hoặc có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tài chính, thuế khi ký kết hợp đồng cung ứng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đi làm việc ở nước ngoài. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cho người lao động để người lao động có thể học tập, tiếp thu những ngành, nghề, công việc cụ thể phù hợp với nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của địa phương. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn sau khi cho vay; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và tham gia đi xuất khẩu lao động.
Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động tham gia làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài đúng quy định. Chú trọng hỗ trợ người lao động thuộc hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp, trung bình; nghiên cứu cơ chế tài chính, tín dụng xây dựng quỹ hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người lao động không may gặp rủi ro trong quá trình đi xuất khẩu lao động. Chú trọng khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lãi suất hỗ trợ cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài vào các mục đích tuyên truyền, tư vấn, vận động và quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về người lao động đi làm việc ở nước ngoài vào hệ thống dữ liệu tổng hợp an sinh xã hội của ngành LĐTBXH tạo thống nhất, dễ quản lý, theo dõi từ khi người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài đến khi trở về nước nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và thực hiện hiệu quả chủ trương “đi làm thuê - về làm chủ”. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ hoạt động đưa người lao động Đồng Tháp đi làm việc ở nước ngoài theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
1. Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp (2023), Niên giám thống kê năm 2022, Nxb. Thống kê , Hà Nội, tr. 39.
2. Tỉnh ủy Đồng Tháp (2024), Báo cáo kết quả năm 2023 và 3 năm thực hiện Kết luận số 246-KL/TU
ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI về tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021 - 2025, số 29-BC/BCSĐ ngày 20/5/2024.
3. UBND tỉnh Đồng Tháp (2024), Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, số 476/BC-UBND, ngày 29/11/2024.
4. Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp (2024), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 2014 - 2020), số 266/BC-SLĐTBXH, ngày 08/8/2024.
5. Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp (2024), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 2014 - 2020), số 266/BC-SLĐTBXH, ngày 08/8/2024.
6. Sở LĐTBXH (2024), Báo cáo sơ kết công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, số 220/BC-SLĐTBXH, ngày 20/6/2024.
7. Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp (2024), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 2014 - 2020), số 266/BC-SLĐTBXH, ngày 08/8/2024.
8. Sở LĐTBXH (2024), Báo cáo sơ kết công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, số 220/BC-SLĐTBXH, ngày 20/6/2024.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp (2023),
Niên giám thống kê tỉnh Đồng Tháp năm 2022, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
2. Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp (2023), Báo cáo kết quả thực hiện giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động 3 năm 2021 - 2023, số 410/SLĐTBXH-LĐVLBH ngày 26/12/2023.
3. Sở LĐTBXH (2024), Báo cáo sơ kết công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, số
220/BC-SLĐTBXH, ngày 20/6/2024.
4. Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp (2024), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 2014 - 2020), số 266/BC-SLĐTBXH ngày 08/8/2024.
5. Tỉnh ủy Đồng Tháp (2024), Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI về tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021 - 2025, số 246-KL/TU ngày 23/11/2021.
6. Tỉnh ủy Đồng Tháp (2024), Báo cáo kết quả năm 2023 và 3 năm thực hiện Kết luận số 246-KL/TU ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Khóa XI về tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021 - 2025, số 29-BC/BCSĐ,
ngày 20/5/2024.
7. UBND tỉnh Đồng Tháp (2024), Báo cáo kết quả thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, số 23/BC-UBND, ngày 23/01/2024.