Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung). Đáng chú ý, tại Điều 7 Chương II của Dự thảo Nghị định có quy định phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với hành vi: “Vi phạm quy định về gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng”.
(Ảnh minh họa; nguồn: Internet)
Nếu Dự thảo Nghị định được thông qua, trường hợp ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm, ngân hàng có thể bị phạt tới 500 triệu đồng. Đây là động thái quyết liệt của NHNN nhằm ngăn chặn tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm
Pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể, khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nghiêm cấm hành vi "đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm". Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng quy định hành vi bị nghiêm cấm: “5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Khoản 2 Điều 113 Luật Các tổ chức tín dụng quy định “2. Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc NHNN”.
Tại Điều 14 Thông tư số 34/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024 của Thống đốc NHNN quy định việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng quy định:
“1. Khi Giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các loại hình bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
2. Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm phù hợp phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc NHNN. Tổ chức tín dụng không được bán các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Thực tế, việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng.
Bancassurance là mô hình liên kết kinh doanh giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng. Trong quan hệ đối tác này, nhân viên ngân hàng và giao dịch viên trở thành điểm bán hàng và điểm liên lạc cho khách hàng.
Đối với khách hàng: Bancassurance có ưu điểm là tiện lợi, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm. Khách hàng có thể mua bảo hiểm ngay tại chi nhánh ngân hàng nơi họ đang giao dịch mà không cần phải tìm đến các công ty bảo hiểm. Khách hàng được tư vấn và hỗ trợ bởi đội ngũ nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp; thường xuyên được hưởng các ưu đãi, khuyến mại khi mua bảo hiểm qua ngân hàng.
Đối với ngân hàng, có thể tăng doanh thu từ phí hoa hồng bán bảo hiểm. Khi bán được sản phẩm bảo hiểm, ngân hàng sẽ được hưởng hoa hồng từ công ty bảo hiểm, đồng thời, mở rộng danh mục sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Khi khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng, bao gồm cả dịch vụ bảo hiểm thì họ sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài hơn với ngân hàng. Thêm vào đó, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm chất lượng cao giúp ngân hàng nâng cao hình ảnh, thương hiệu và uy tín trên thị trường.
Còn công ty bảo hiểm có thể mở rộng thị trường, tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn nhờ mạng lưới chi nhánh rộng khắp của ngân hàng, sản phẩm bảo hiểm của công ty bảo hiểm sẽ được tiếp cận đến nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Bancassurance cũng giúp các công ty bảo hiểm giảm chi phí marketing, bán hàng. Doanh thu phí bảo hiểm tăng, chi phí giảm, từ đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty bảo hiểm được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nói chung cũng làm xuất hiện những bất cập. Thời gian qua, các vụ việc nổi cộm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ như: Tư vấn viên bảo hiểm không rõ ràng khiến khách hàng mất tiền, hiện tượng ép người vay mua bảo hiểm, gửi tiền ngân hàng lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ... Những thông tin không tích cực về việc ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ảnh hưởng chung đến toàn thị trường, trong đó có khối kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ qua kênh Bancassurance.
Các tổ chức tín dụng cần tuân thủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm
Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm. Đối với các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng có quy định về vấn đề này.
Thời gian qua, về phía ngành Ngân hàng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và đối tượng quản lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời bảo đảm việc các tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, NHNN đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng: Nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp tổ chức tín dụng, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm; tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh tổ chức tín dụng có tỉ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ hai thấp.
NHNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến về hoạt động đại lý bảo hiểm và chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hoạt động đại lý bảo hiểm thực hiện một số nội dung nhằm bảo đảm hoạt động đại lý bảo hiểm an toàn, hiệu quả, thực hiện đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh đối với hoạt động ngân hàng.
NHNN cũng đã bổ sung nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng vào kế hoạch tiến hành thanh tra năm 2023 của một số ngân hàng thương mại cổ phần. Đồng thời, yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng có trụ sở trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Ngày 15/02/2023, NHNN đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Tại công văn này, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
NHNN cho biết sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Hai cơ quan này cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính).
Để hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng đi vào khuôn khổ, lành mạnh và hiệu quả, các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, NHNN cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đi kèm với đó là chế tài xử lý vi phạm.
Đối với khâu kiểm tra, quản lý và giám sát từ các cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động này là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính và NHNN. Hiện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chỉ có thẩm quyền thanh kiểm tra hoạt động bán bảo hiểm của công ty bảo hiểm. Với các ngân hàng, thẩm quyền này thuộc về NHNN. Trong khi đó, có nhiều sai phạm cần các bên phối hợp xử lý. NHNN và Bộ Tài chính cần phối hợp có các chương trình đào tạo liên ngành, phối hợp thanh tra, kiểm soát, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường tiên tiến, như áp dụng xử phạt theo tỉ lệ doanh thu, lợi ích kiếm được.
Đáng chú ý, mấu chốt của vấn đề là nhân viên ngân hàng có tư vấn đúng và đủ cho khách hàng hay không. Do đó, các ngân hàng thương mại cần tổ chức đào tạo nhân viên trong việc tư vấn bảo hiểm, có quy định rõ ràng, xây dựng quy trình, giám sát chặt chẽ trong việc tư vấn bán bảo hiểm qua ngân hàng một cách công khai, minh bạch, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm cá nhân vi phạm.
Ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức cho công chúng trong việc phân biệt các sản phẩm đầu tư tài chính với sản phẩm bảo hiểm, các loại hình bảo hiểm khác nhau, lưu ý khi vay vốn hay gửi tiết kiệm ngân hàng, đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm trước khi ký, lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhu cầu và khả năng tài chính.
Khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua bảo hiểm
Về phía khách hàng, trước khi mua, khách hàng cần phải xác định được việc tham gia bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và mong muốn được đáp ứng đúng theo nguyện vọng của bản thân.
Tham gia bảo hiểm nhân thọ cần được duy trì thực hiện trong thời gian rất dài, do đó, khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia mà không bị phụ thuộc vào bất kỳ yếu tố khách quan đến từ ngân hàng để tránh bất kỳ tranh chấp nào có thể xảy ra trong tương lai.
Nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm là lấy số đông bù số ít. Điều này đồng nghĩa, khoản phí mà số đông khách hàng đóng sẽ được tập hợp vào quỹ bảo hiểm, để bù đắp cho những rủi ro của số ít khách hàng không may mắc phải. Do đó, khách hàng cần hiểu rằng, mục tiêu chính của bảo hiểm là để bảo vệ tài chính cho bản thân và gia đình trước những biến cố bất ngờ xảy đến.
Về mức phí tham gia bảo hiểm, khách hàng cân nhắc khoản phí tham gia phù hợp với cá nhân và gia đình. Và số tiền bảo hiểm mà khách hàng tham gia nên tương đương khoản thu nhập trong vòng 5 năm để bảo đảm bù đắp tài chính bị hao tổn nếu gặp rủi ro về tai nạn, thương tật…
Hợp đồng bảo hiểm là văn bản pháp lý quan trọng, quy định quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên. Do vậy, khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm trước khi ký để bảo đảm hiểu rõ.
Tài liệu tham khảo:
1. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).
2. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Thu Trang (NHNN)