Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), người dân huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều gia đình có điều kiện phát triển sản xuất, giảm nghèo và từng bước làm giàu, qua đó, góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc NHCSXH huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum Nguyễn Bá Phương dẫn chúng tôi thăm một số mô hình phát triển kinh tế từ vốn tín dụng chính sách xã hội và cho biết: Điểm nổi bật sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ở huyện Kon Rẫy là được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã phát huy tác dụng tích cực, trở thành “trợ lực” quan trọng, đồng hành với những người nông dân nghèo cần cù, chịu khó, có ý chí vươn lên để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu trên vùng đất Kon Rẫy.
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum họp thường kì đánh giá kết quả hoạt động Quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ Quý II/2024
Theo bà Đinh Thị Hồng Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Kon Rẫy, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của huyện Kon Rẫy đạt 373,3 tỉ đồng, tăng 172,81 tỉ đồng (86,2%) so với năm 2018. Trong đó, UBND huyện Kon Rẫy dành vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay với số tiền lũy kế gần 6 tỉ đồng, tăng 5 tỉ đồng so với năm 2018 (84,7%). Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và nâng cao thu nhập, góp phần tích cực giảm tỉ lệ hộ nghèo năm 2023 ở huyện Kon Rẫy xuống còn 10,51%. Hiện nay, huyện Kon Rẫy có 4/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Tân Lập là xã đầu tiên của tỉnh Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội mà hàng trăm hộ gia đình tại huyện Kon Rẫy đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Điển hình có thể kể đến hộ chị Lê Na Wắt ở thôn 8, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, cách đây 5 năm, chị Lê Na Wắt vay 35 triệu đồng từ NHCSXH để trồng trên 1 ha cao su, đến nay, vườn cao su đã cho thu hoạch những xô mủ đầu tiên đem về cho gia đình chị khoản thu nhập khá. Chị Lê Na Wắt phấn khởi chia sẻ: “Trước kia nhà tôi nghèo quá, may mắn nhờ có đồng vốn của NHCSXH nên kinh tế gia đình đã khá hơn nhiều”.
Còn chị Y Liễu ở thôn 11, xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy được vay 70 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư trồng 3 ha cao su, 3 ha mì, nuôi thêm dê, heo cũng đã hết cảnh nghèo túng nhờ có nguồn thu nhập thường xuyên. Chị Y Liễu cho biết: “Tôi được tín nhiệm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn do tôi quản lí có 34 hội viên, đang được vay trên 2 tỉ đồng của NHCSXH, tất cả các chị em trong tổ đều đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn nhân văn của Đảng”.
Tại xã Đăk Ruồng còn có gia đình ông Lương Đình Hồng, trú tại thôn 10 đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay NHCSXH. Ông Hồng tâm sự: Trước đây, tôi vay NHCSXH huyện Kon Rẫy 50 triệu đồng để trồng cà phê. Sau 4 năm thu hoạch cà phê, tôi đã trả xong nợ ngân hàng. Sau đó, nhờ Hội Nông dân xã Đăk Ruồng cho tín chấp, tôi vay thêm 70 triệu đồng nữa để phát triển chăn nuôi và mở rộng diện tích cà phê. Nhờ đó, đến nay, gia đình tôi đã có 1 ha cà phê và 03 con bò, với tổng trị giá gần 500 triệu đồng.
Ông A Líc, dân tộc Ba Na, trú tại thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy vui vẻ kể: Mình vay NHCSXH huyện Kon Rẫy 30 triệu đồng để trồng 04 sào cà phê. Sau khi thu hoạch cà phê, trừ chi phí còn lãi, mình lấy tiền đó đầu tư trồng 1,2 ha cao su. Tính đến vụ thu hoạch cà phê và cao su năm nay, mình sẽ đủ tiền trả nợ cho ngân hàng.
Gia đình anh A Trúc, dân tộc Ba Na, ở thôn 9, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy là một trong những hộ gia đình đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Từ một hộ gia đình có hoàn cảnh thuộc diện khó khăn nhất trong thôn, năm 2017, sau khi vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, anh A Trúc quyết định mua 02 con bò giống về nuôi. Anh A Trúc cho biết, lúc đầu, khi quyết định chăn nuôi bò, bản thân rất lo lắng vì không có kinh nghiệm trong chăn nuôi. Nhờ cán bộ chăn nuôi thú y tại địa phương hướng dẫn tận tình nên anh A Trúc dần tự tin hơn với quyết định của mình. Thuận lợi nữa là nguồn thức ăn cho bò lại dễ kiếm, tận dụng từ nhiều nguồn có sẵn như rơm, cỏ dại và các loại phế phẩm nông nghiệp khác nên cũng không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Nhờ đó, từ 02 con bò giống ban đầu, gia đình anh dần gây được đàn bò 05 con. Anh A Trúc còn mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng từ các nguồn vốn ưu đãi khác để đầu tư cho sản xuất. Cuối năm 2019, qua tính toán thấy gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống nên anh A Trúc đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại địa phương, ông Đặng Tuấn Tịnh, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cho biết, xã Tân Lập hiện đã đạt 21/21 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 58 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,4%. Kết quả này là nhờ địa phương đã tập trung triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đặc biệt là phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Cùng với đó, việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đối với các xã như: Đăk Kôi, Đăk Pne, Đăk Ruồng, Đăk Tơ Lung, Đăk Tờ Re và thị trấn Đăk Rơ Ve… đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bà Y Xanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Kôi khẳng định: “Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả này, tỉ lệ hộ nghèo của xã Đăk Kôi đã giảm khá nhanh. Hội viên phụ nữ muốn được vay nhiều vốn tín dụng chính sách xã hội hơn nữa để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng và được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, khẳng định vai trò trụ cột trong giảm nghèo; góp phần thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giảm nghèo thực chất, hướng tới làm giàu, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Đồng vốn nhân văn của Chính phủ đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum mà hơn cả là vì sự phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Dòng vốn tín dụng chính sách xã hội đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên vùng quê nghèo, giúp làng quê ngày càng phát triển, trù phú hơn.
Theo ông Nguyễn Bá Phương - Giám đốc NHCSXH huyện Kon Rẫy, thời gian tới, NHCSXH huyện Kon Rẫy tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn. Đồng thời, NHCSXH huyện Kon Rẫy tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi mới của Chính phủ. Đặc biệt, đơn vị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, có phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Nguyễn Văn Chiến (Đà Nẵng)