70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những vết tích đau thương của mảnh đất hoang sơ, đổ nát do bị tàn phá bởi chiến tranh khốc liệt đang dần được xoa dịu bởi màu xanh bạt ngàn cây công nghiệp, cây ăn trái. Cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội mà cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Điện Biên nỗ lực trải rộng trên 100% các thôn, bản, những người dân Điện Biên đang từng ngày vượt lên khó khăn, phát triển sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo và gìn giữ mảnh đất phên dậu của Tổ quốc.
Là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 54 km, Mường Chà có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới gần 95% dân số toàn huyện. Huyện Mường Chà có trên 176.000 ha đất tự nhiên, song diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ lệ thấp, chỉ hơn 7.500 ha. Địa hình chia cắt, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống phân tán... Những điều kiện đó tưởng như là khó khăn muôn thuở trong phát triển kinh tế, song về Mường Chà hôm nay không khỏi ngỡ ngàng khi màu xanh của các vùng chuyên canh trồng dứa, bí đao, dong giềng… đang dần lan rộng thay cho cây ngô, cây sắn có năng suất không hiệu quả. Giờ đây, người dân không thiếu sinh kế phát triển kinh tế cùng với sự trợ lực quan trọng của dòng vốn tín dụng chính sách xã hội.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, anh Quảng Văn Việt, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã đầu tư nuôi trâu sinh sản cho thu nhập ổn định
Như hộ ông Lường Văn Hưởng, bản Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, trải qua các vòng vốn vay hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi, tiếp đó là vốn cho vay hộ mới thoát nghèo 45 triệu đồng, vốn vay giải quyết việc làm 100 triệu đồng để phát triển đàn bò từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Chà, đến nay, gia đình ông Lường Văn Hưởng đã có đàn bò 15 con. Đặc biệt, với nguồn vốn tích lũy từ việc chăn nuôi, gia đình ông Hưởng đã xây dựng được căn nhà mới kiên cố, an cư
lạc nghiệp.
Hay như hộ anh Quảng Văn Việt, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Chà giải ngân từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm 100 triệu đồng. Với số vốn này, anh Việt đã đầu tư nuôi trâu sinh sản. Qua quá trình chăn nuôi, tích lũy tăng đàn, gia đình anh Việt đã dành dụm tiết kiệm một khoản tiền và tiếp tục đầu tư trồng 2 ha dứa. Đến nay, nguồn thu từ việc nuôi trâu sinh sản và trồng dứa giúp gia đình anh Việt có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Báo cáo của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mường Chà cho thấy, tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ tín dụng đạt 441 tỉ đồng. Dòng vốn tín dụng chính sách xã hội gắn chặt với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển cây trồng có giá trị kinh tế. Các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đã giúp Mường Chà bước đầu hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp. Người dân địa phương đã có kiến thức về sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Từ một huyện có tỉ lệ hộ nghèo trên 70%, đến năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo tại Mường Chà hiện còn 42,86%, giảm 6,05% so với năm 2022.
Không chỉ có Mường Chà, dòng vốn tín dụng từ NHCSXH đang len lỏi trên khắp các bản làng, rẻo cao của tỉnh Điện Biên, giúp bà con biến những tấc đất hoang hóa trở thành "tấc vàng" trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội mà còn gia tăng nguồn lực cho NHCSXH tỉnh Điện Biên trong việc đẩy nhanh công tác cho vay giảm nghèo cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tính đến ngày 31/3/2024, nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Điện Biên đạt 4.799,604 tỉ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 102.163 triệu đồng, tăng 33.450 triệu đồng, hoàn thành 101% kế hoạch. Đây là cơ sở để NHCSXH tỉnh Điện Biên tăng cả độ phủ và độ sâu tín dụng. Hiện tại, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đang hỗ trợ 78.874 người nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế với tổng dư nợ đạt 4.787.235 triệu đồng, tăng 117.403 triệu đồng so với đầu năm, tăng 2,51%; hoàn thành 43% kế hoạch được giao với bình quân dư nợ 60,7 triệu đồng/hộ, tăng 1,8 triệu đồng/hộ so với năm 2023. Doanh số cho vay 3 tháng đầu năm 2024 đạt 468.440 triệu đồng với 6.761 lượt khách hàng vay vốn. Nợ quá hạn chiếm 0,22%, giảm 1.525 triệu đồng so với đầu năm cho thấy dòng vốn đã đi vào đời sống và phát huy hiệu quả cao. Vốn tín dụng đã kịp thời hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân, ổn định đời sống sinh hoạt (ăn ở, đi lại, học hành…); khoảng cách giàu, nghèo dần được thu hẹp; đời sống của nhân dân địa phương cơ bản ổn định và ngày càng được cải thiện; nạn di cư tự do được hạn chế. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đóng góp một phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, thực hiện Chương trình mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn…
Những nỗ lực của NHCSXH tỉnh Điện Biên đã góp phần đưa Điện Biên đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành trong cả nước năm 2022. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Điện Biên đạt hơn 7%, cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, đạt khá cao so với bình quân chung cả nước. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng/năm, tăng 1,46 lần so với năm 2020.
Người dân phấn khởi nhận vốn vay ưu đãi từ NHCSXH tại điểm giao dịch xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên để phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo
Tuy nhiên, hành trình xây dựng Điện Biên đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm; GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng, năng suất lao động đạt 190 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8% theo Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 27/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang là thách thức lớn khi mà kinh tế địa phương phát triển chậm, giao thương, buôn bán còn chưa phát triển. Bên cạnh đó, Điện Biên là tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo là 25,68%); tỉnh Điện Biên có 10 huyện, thị, thành phố thì có đến 7 huyện nghèo, 126/129 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 92 xã đặc biệt khó khăn, 29 xã biên giới. Các huyện nghèo hầu hết đều có tỉ lệ hộ nghèo từ trên 30% đến trên 40% như tại huyện Tủa Chùa có tỉ lệ hộ nghèo là 35,21%, huyện Điện Biên Đông là 41,58%, huyện Mường Nhé là 47,30%. Bên cạnh đó, tỉ lệ hộ nghèo tại thành phố Điện Biên Phủ là 0,09%, thị xã Mường Lay là 5,77%, huyện Điện Biên là 7,74%.
Để chung tay cùng địa phương giảm nghèo, phát triển kinh tế, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Trong đó, tăng cường vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng NHCSXH tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình an sinh xã hội của tỉnh; đảm bảo các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn, quản lí và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cấp, các ngành trong xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép với phát huy vai trò của nguồn lực về vốn tín dụng ưu đãi; phối hợp và nâng cao hiệu quả lồng ghép, thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy hơn nữa việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên.
Mai Ngọc (NHNN)