Kết thúc quý I/2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực quan trọng đều đạt mức tăng trưởng cao: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 1,92%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,74%; công nghiệp - xây dựng giảm 3,05%; dịch vụ tăng 6,55%; thuế sản phẩm tăng 4,53%. Thu ngân sách nhà nước đạt 1.306 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kì năm trước. Có 95 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí khoảng 1.000 tỉ đồng.
Trên cơ sở các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, ngay từ những tháng đầu năm 2024, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội gắn với bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó, có sự đóng góp quan trọng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, tăng cường huy động vốn, tập trung vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đồng hành với doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Các chủ trương, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn được triển khai kịp thời, hiệu quả
Thực hiện chức năng quản lí nhà nước về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của NHNN đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 219-NQ/BCSĐ ngày 15/01/2024 của Ban Cán sự Đảng NHNN về chủ trương, định hướng nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng năm 2024; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2024 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng...
Một góc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. (Nguồn ảnh: Internet)
Các TCTD, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã bám sát chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình và Hội sở chính, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường các biện pháp quản lí rủi ro trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử, thanh toán thẻ, tăng cường an toàn, an ninh mạng và bảo đảm hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin NHNN. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo chỉ đạo của Chính phủ, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của NHNN.
NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các ngân hàng, TCTD trên địa bàn về nội dung đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư và đề xuất giải pháp đẩy mạnh chương trình; Hội nghị tập huấn công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng; Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Các TCTD năm 2024; Hội nghị về quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)…; thông qua đó, các ngân hàng, TCTD đã nhanh chóng nắm bắt được nội dung của các chính sách, để triển khai một cách có hiệu quả đến với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Diễn biến thị trường tiền tệ từ đầu năm 2024 đến nay được đảm bảo an toàn, đúng quy định. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức 3,2%/năm và 6,5%/năm, giảm lần lượt khoảng 0,3%/năm và 0,5%/năm so với cuối năm 2023. Các chi nhánh NHTM chấp hành nghiêm túc quy định về lãi suất của NHNN và chỉ đạo của Hội sở chính; áp dụng mức lãi suất trên cơ sở lãi suất bình quân đã được công bố trên website của từng hệ thống ngân hàng.
Về quản lí ngoại hối và thị trường vàng, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình biến động tỉ giá, giá vàng trên địa bàn để báo cáo kịp thời về Ngân hàng Trung ương theo quy định. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng kịp thời. NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mĩ nghệ năm 2024 đối với một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Tập trung tín dụng cho khu vực kinh tế trọng điểm
Trước bối cảnh nền kinh tế - xã hội cả nước nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng, chịu sự tác động bất lợi từ kinh tế thế giới, thị trường tài chính trong nước và tình hình biến động lãi suất, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023, các TCTD, chi nhánh NHTM trên địa bàn đã chú trọng các giải pháp để tăng cường huy động vốn để tập trung nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các khu vực kinh tế trọng điểm của địa phương. Năm 2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt 46.575 tỉ đồng, tăng 15,1% so với năm 2022, trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 34.670 tỉ đồng, tăng 4,8% so với năm 2022. Vốn huy động của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng ổn định, huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm 74% nguồn vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 40.061 tỉ đồng, tăng 16,6% so với năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế (13,5%).
Hết quý I/2024, nguồn vốn huy động của các TCTD, chi nhánh NHTM trên địa bàn đạt 34.321 tỉ đồng, giảm 0,9% so với thời điểm ngày 31/12/2023, trong đó, vốn huy động tiền gửi tiết kiệm từ khu vực dân cư chiếm tỉ trọng gần 71% vốn huy động. Một số TCTD, chi nhánh NHTM trên địa bàn có thị phần huy động vốn cao như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chiếm 32,7%; NHTM cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) chiếm 19,3%; NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chiếm 17,2%.
Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ cho vay quý I/2024 của các TCTD, chi nhánh NHTM trên địa bàn đạt 39.978 tỉ đồng, giảm 0,2% so với thời điểm ngày 31/12/2023. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 44,7%; dư nợ trung, dài hạn chiếm 55,3%. Trong đó, tăng trưởng dư nợ của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đạt 4.943 tỉ đồng, tăng 2,5% so với chi tiêu được giao, đạt 97,57% kế hoạch; Chi nhánh NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đạt 6.358 tỉ đồng, tăng 7,3%; Chi nhánh NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam đạt 2.640 tỉ đồng tăng 2,5%, đạt 82,88% kế hoạch; Chi nhánh NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt 2.520 tỉ đồng, tăng 25,9%...
Cụ thể, trong quý I/2024, dư nợ chương trình tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 18.300 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng gần 46%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 9.630 tỉ đồng, chiếm 24,2% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu 40 tỉ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ 22 tỉ đồng.
Dư nợ tín dụng chính sách của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình đạt 4.943 tỉ đồng/19 chương trình, chiếm 12,36% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 2,5% so với thời điểm 31/12/2023, tỉ lệ nợ xấu chiếm 0,08% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay hộ nghèo 953,3 tỉ đồng, chiếm 19,2% tổng dư nợ; cho vay hộ cận nghèo 797,1 tỉ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ; cho vay hộ mới thoát nghèo 488,3 tỉ đồng, chiếm gần 10% tổng dư nợ; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 702,7 tỉ đồng, chiếm 14,2% tổng dư nợ; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 710,5 tỉ đồng, chiếm 14,4% tổng dư nợ; cho vay các chương trình khác chiếm 26% tổng dư nợ (cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, nhà ở xã hội: 192 tỉ đồng; cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn 26,3 tỉ đồng; cho vay giải quyết việc làm 192 tỉ đồng; hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm 70,4 tỉ đồng; hỗ trợ tạo việc làm từ nguồn ngân hàng huy động 167,9 tỉ đồng...).
Thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình thực hiện giải ngân vốn tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đạt 575 tỉ đồng cho 5/5 chương trình, cụ thể: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm 390 tỉ đồng/7.179 khách hàng; cho vay nhà ở xã hội 146,3 tỉ đồng/416 khách hàng; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị học tập 8,4 tỉ đồng/658 khách hàng; cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập 0,5 tỉ đồng/12 khách hàng; cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 29,6 tỉ đồng/535 khách hàng.
Về hoạt động tín dụng của hệ thống QTDND trên địa bàn, dư nợ cho vay trong quý I/2024 đạt 413,96 tỉ đồng (trong đó dư nợ cho vay của các QTDND: Phương Lâm - Đồng Tiến đạt 66,7 tỉ đồng, Chăm Mát 193,9 đạt tỉ đồng, Cao Phong đạt 150,2 tỉ đồng). Số lượt thành viên được vay vốn đến ngày 31/3/2024 là 230 lượt.
Về chất lượng tín dụng của các TCTD trên địa bàn, tính đến hết quý I/2024, nợ xấu nội bảng 325 tỉ đồng, chiếm 0,81%/tổng dư nợ.
Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN, các TCTD trên địa bàn đã chủ động rà soát đối tượng khách hàng gặp khó khăn, đủ điều kiện cơ cấu lại nợ, hướng dẫn khách hàng về thủ tục, hồ sơ theo quy định. Đến thời điểm báo cáo Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank đã cơ cấu lại nợ cho 89 khách hàng (trong đó, có 54 khách hàng doanh nghiệp và 35 khách hàng cá nhân), dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 1.210,7 tỉ đồng, nợ lãi được cơ cấu lại 64,8 tỉ đồng.
Tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 01 dự án thuộc danh mục công bố của UBND tỉnh (danh mục theo Công văn số 1551/BXD-QLN), dự án Nhà ở công nhân và dịch vụ công nghiệp tại xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình; BIDV Chi nhánh Hòa Bình đã tiếp nhận hồ sơ vay vốn của chủ đầu tư, nhưng do thủ tục, hồ sơ vay vốn chưa đầy đủ theo quy định để ngân hàng giải ngân cho vay.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)
Quý I/2024, các hoạt động TTKDTM được các TCTD, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình quan tâm và tăng cường; cung ứng đa dạng các dịch vụ thanh toán, đáp ứng nhu cầu giao dịch thanh toán trực tuyến; khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng hình thức TTKDTM đối với các khoản nộp thuế, phí, tiền điện, nước, viện phí, học phí... Đến nay, hoạt động TTKDTM trên địa bàn luôn đạt kết quả tích cực. Số người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng đạt 660.780 người, tăng 21% so với cuối năm 2022 và vượt chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tỉnh Hòa Bình (40%); tỉ lệ người dân sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến đạt trên 35%. 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản (1.202 đơn vị). Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang có xu hướng chuyển sang trả lương cho người lao động qua tài khoản. Số lượng thẻ ATM, thẻ tín dụng đã phát hành đạt 606.949 thẻ, tăng 20% so với cuối năm 2022; tổng số ATM/CDM đang hoạt động là 73, tăng 5 máy so với năm 2022; tổng số máy chấp nhận thẻ thanh toán (POS) là 492 máy, tăng 86 máy so với năm 2022. Hoạt động TTKDTM đối với dịch vụ thu tiền điện trên địa bàn tỉnh đạt 75,8%; thu tiền nước đạt 58,6%; an sinh xã hội đạt trên 35%; thanh toán học phí đạt khoảng 21,2%...
Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các TCTD là nhiệm vụ quan trọng mà NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng và tăng cường. Trong quý I/2024, đã tiến hành 02 cuộc thanh tra theo kế hoạch. Qua thanh tra đã phát hiện kịp thời sai phạm, tồn tại của các ngân hàng, TCTD, đồng thời có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Đôn đốc các đơn vị thực hiện các kiến nghị, kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giám sát.
NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo quy định; giám sát việc triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, NHNN; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, theo dõi, nắm bắt tình hình áp dụng mức lãi suất bình quân của các NHTM trên địa bàn theo chỉ đạo của Hội sở chính. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định của Đảng, Nhà nước, của Ngành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình cũng đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, sở, ngành trong hoạt động ngân hàng thông qua việc kí kết các quy chế, chương trình phối hợp công tác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để trao đổi, cung cấp thông tin và công tác đảm bảo an ninh, an toàn về hoạt động ngân hàng. Phối hợp với Báo Hòa Bình và Đài phát thanh, truyền hình tỉnh Hòa Bình tuyên truyền về hoạt động ngân hàng trên địa bàn, tuyên truyền về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng; các chủ trương, chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.
Nhìn chung, trong quý I/2024, bám sát chủ trương của Chính phủ, định hướng, chỉ đạo của NHNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương trong năm 2024, hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện và cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của từng đơn vị; tích cực thực hiện các giải pháp phát triển TTKDTM, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng; tập trung chỉ đạo, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình đang tích cực triển khai các giải pháp sau:
Đối với NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình
Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; giám sát các TCTD, các chi nhánh ngân hàng trong việc chấp hành quy định về lãi suất huy động và cho vay.
Chỉ đạo các NHTM đẩy mạnh các giải pháp triển khai Chương trình 120.000 tỉ đồng, cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN; chương trình cho vay lâm sản, thủy sản…; triển khai kế hoạch thanh tra các TCTD theo kế hoạch năm 2024; giám sát các ngân hàng, TCTD trong việc chấp hành quy định về công bố lãi suất cho vay bình quân; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; các chương trình tín dụng ưu đãi; triển khai kế hoạch làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương về việc phối hợp quản lí nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Cung ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn các nhu cầu thanh toán; cung ứng, điều hòa tiền mặt cho các TCTD, Kho bạc Nhà nước, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế; chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy trình vận chuyển, giao dịch tiền mặt tại quầy; chấp hành chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
Đối với các TCTD, chi nhánh NHTM
Tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 theo chỉ đạo của NHNN, của tỉnh và Hội sở, đẩy mạnh các giải pháp huy động vốn để có nguồn vốn tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; có các giải pháp phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản… và các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của NHNN và Hội sở chính; đẩy mạnh các hoạt động phát triển dịch vụ ngân hàng, ngân hàng số, chú trọng các biện pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lí rủi ro trong hoạt động thanh toán, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến... đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; phối hợp các cơ quan liên quan để đẩy mạnh các hoạt động TTKDTM, phổ biến tài chính toàn diện, khai thác thông tin người dân trực tuyến qua tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID.
Chấp hành nghiêm túc các quy định, quy trình của NHNN về giao nhận, bảo quản tiền mặt, giấy tờ có giá; thực hiện tốt công tác phòng, chống khủng bố, an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn; chú trọng công tác truyền thông về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, các chương trình, chính sách tín dụng và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết năm 2023; báo cáo hoạt động quý I/2024 của NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình.
2. Cổng thông tin điện tử Hòa Bình, Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh quý I năm 2024, https://www.hoabinh.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh-quy-i-nam-2024-51019-1170.html
Phương Linh