Giải pháp phát triển tài chính toàn diện tại Ngân hàng Chính sách xã hội
09/07/2024 08:01 690 lượt xem
Tóm tắt: Tài chính toàn diện mang đến cho người dân các dịch vụ tài chính thuận tiện và chất lượng, mở rộng khả năng tiếp cận cho tất cả các tầng lớp dân cư, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, đồng thời tạo cơ hội đồng đều và hạn chế bất bình đẳng trong nền kinh tế. Nghiên cứu phân tích thực trạng phát triển tài chính toàn diện tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH), từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển tài chính toàn diện tại NHCSXH.
 
Từ khóa: Tài chính toàn diện, phát triển tài chính toàn diện, NHCSXH.
 
SOLUTIONS FOR THE FINANCIAL INCLUSION DEVELOPMENT
AT VIETNAM BANK FOR SOCIAL POLICIES

 
Abstract: Financial inclusion brings people convenient and quality financial services, expands access to all classes of people, especially the population of low income and create equal opportunities and limit inequality in the economy. The study focuses on analyzing current situation regarding the promotion of financial inclusion at the Vietnam Bank For Social Policies (VBSP). Based on these findings, the authors propose some solutions to promote financial inclusion at VBSP.
 
Keywords: Financial inclusion, promoting financial inclusion, Vietnam Bank for Social Policies.
 
1. Tài chính toàn diện và vai trò của tài chính toàn diện

Theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lí, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”.
 
Vai trò của tài chính toàn diện đối với phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện qua các khía cạnh sau:
 
Thứ nhất, tài chính toàn diện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng cường khả năng huy động các khoản tiết kiệm và đầu tư để phát triển sản xuất.
 
Johnson và Nino-Lazarawa (2009) đã chỉ ra rằng, tài chính toàn diện góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua huy động tiết kiệm và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Việc huy động tiết kiệm tạo điều kiện cho các đối tượng bị loại trừ trong hệ thống tài chính chính thức có thể tiếp cận tiết kiệm, tín dụng và các dịch vụ giảm nghèo để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, cải thiện phúc lợi. Theo Levine (2005), cơ sở hạ tầng của hệ thống tài chính toàn diện góp phần hạn chế thông tin tài chính bất đối xứng, giảm chi phí giao dịch kí kết hợp đồng. Chính sách tài chính toàn diện hiệu quả tác động lên các ngành kinh tế, góp phần giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế nhanh. Mối tương quan giữa tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế một lần nữa được khẳng định thông qua mô hình nghiên cứu của ATISG (2010). (Hình 1)
 
Hình 1: Mối tương quan giữa tài chính 
toàn diện và phát triển kinh tế

Nguồn: Báo cáo của Tiểu nhóm Tiếp cận thông qua đổi mới (ATISG), Nhóm chuyên gia tài chính toàn diện G.20
 

Thứ hai, tài chính toàn diện giúp người nghèo được tiếp cận các dịch vụ tài chính phù hợp với giá cả phải chăng.
 
Một vấn đề quan trọng đối với người nghèo là thu nhập của họ không chỉ thấp mà còn không ổn định. Họ cần có khả năng tự quản lí thu nhập thấp và bấp bênh của mình để đảm bảo dòng tiền mặt thường xuyên và tích lũy đủ số tiền để trang trải các chi phí có thể phát sinh như tiền học cho con, hiếu, hỉ; các tình huống khẩn cấp như bệnh tật hoặc mất việc bất ngờ, tuy nhiên, khả năng quản lí của họ còn thấp. Khi các nhu cầu tài chính xuất hiện, người nghèo phải tìm đến các dịch vụ tài chính phi chính thức nếu họ không thể tiếp cận các dịch vụ chính thức và bán chính thức. Mặc dù các dịch vụ phi chính thức dễ tiếp cận hơn, song, nhiều trường hợp chưa đáng tin cậy, kém an toàn và phải trả chi phí cao hơn so với các dịch vụ bán chính thức và chính thức. Điều này có thể gia tăng gánh nặng chi phí với người nghèo. Báo cáo tài chính toàn diện G20 (2015) cho thấy, hầu hết tại các nước đang phát triển, chỉ có từ 20 - 50% dân số được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức, người nghèo và cận nghèo nằm ngoài khu vực này. Đảm bảo đối tượng nghèo và cận nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ tài chính chính thức, góp phần cải thiện cuộc sống, tạo công ăn việc làm, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
 
Tài chính toàn diện mang lại cơ hội tiếp cận hệ thống tài chính chính thức với mức chi phí hợp lí cho tất cả các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là nhóm dân cư yếu thế, từ đó ảnh hưởng tích cực đến vấn đề công bằng tài chính và phát triển các hoạt động kinh tế. Ở khu vực thành thị, viên chức lương thấp hoặc cá nhân tự kinh doanh như bán hàng rong cũng như những người nông dân và những đối tượng khác mưu sinh bằng các công việc với thu nhập eo hẹp như chế biến thực phẩm, buôn bán nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi quy định sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động tài chính như trên. Do đó, Ogunleye (2009) đã khẳng định tài chính toàn diện đem lại ổn định tài chính, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
 
Thứ ba, tài chính toàn diện góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và tăng phúc lợi cho người nghèo.
 
Tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính như tiết kiệm, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền kiều hối và bảo hiểm sẽ giúp người nghèo tăng khả năng tích lũy tài sản, chống chịu trước những cú sốc kinh tế; đồng thời, tăng khả năng tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập thông qua các khoản tín dụng tiếp cận được. Theo các nghiên cứu chuyên sâu về dân tộc học, Collins và các cộng sự (2009) thực hiện bằng cách theo dõi nhật kí tài chính của tầng lớp dân nghèo ở Bangladesh, Ấn Độ và Nam Phi, tiếp cận các dịch vụ tài chính phù hợp, giá cả phải chăng giúp người nghèo giảm rủi ro ảnh hưởng từ các biến động kinh tế, cải thiện phúc lợi và trong nhiều trường hợp còn tăng thu nhập. Nghiên cứu của Robinson (2001) cũng chỉ ra rằng, ngoài lợi ích về mặt tiết kiệm, thu nhập an toàn và cơ hội vay vốn lớn hơn, tài chính toàn diện cũng mang lại nhiều kết quả tích cực như hạn chế lao động trẻ em và tăng năng suất nông nghiệp.
 
Trong một nghiên cứu phân tích về tầng lớp thu nhập thấp ở Bangladesh, Ấn Độ và Nam Phi, Collins (2009) đã tìm ra mối quan hệ nhân quả giữa khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính phù hợp, giá cả phải chăng và sự cải thiện phúc lợi, thu nhập cho người nghèo. Demirguc-kunt và cộng sự (2008) cũng nhận thấy rằng, tiếp cận tài chính không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn thúc đẩy giảm nghèo cũng như giảm bất bình đẳng thu nhập và cải thiện phúc lợi. Xét trên bối cảnh rộng hơn, tài chính toàn diện đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua tạo giá trị cho các doanh nghiệp nhỏ, đem lại tác động lớn cho việc cải thiện các chỉ số phát triển con người như y tế, dinh dưỡng, giáo dục và đẩy lùi bất bình đẳng, nghèo đói (CIMP, 2011, Obstfield, 1994 và Ghali, 1999).
 
2. Thực trạng phát triển tài chính toàn diện tại NHCSXH 
 
Thứ nhất, NHCSXH đã cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách như các sản phẩm tín dụng, sản phẩm tiết kiệm và sản phẩm thanh toán. Những sản phẩm này đã được khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đón nhận tích cực. Đặc biệt là sản phẩm tín dụng đã tăng trưởng dư nợ qua các năm từ năm 2019 đến năm 2023. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giúp trên 1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; giúp gần 400 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 82 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; giúp hơn 30 nghìn lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và giúp xây gần 7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bên cạnh sản phẩm tín dụng hỗ trợ tích cực về nguồn vốn cho vay để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vốn tín dụng chính sách cũng giúp khách hàng vay vốn tại NHCSXH nâng cao đời sống tinh thần, phụ nữ có tiếng nói hơn trong gia đình, tự tin và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động tại thôn, xã. 
 
Về sản phẩm tiết kiệm: NHCSXH đã có các sản phẩm tiết kiệm phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là sản phẩm tiền gửi tổ viên thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại Điểm giao dịch xã. Hai sản phẩm này được hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đón nhận tích cực; số lượng tiền gửi và tiền tiết kiệm đã tăng lên, cụ thể: Tiền gửi tổ viên tăng từ 10.720 tỉ đồng (năm 2019) lên 16.465 tỉ đồng (năm 2023) và tiền tiết kiệm cá nhân tại Điểm giao dịch xã tăng từ 13.168 tỉ đồng (năm 2019) lên 20.109 tỉ đồng (năm 2023).
 
Thứ hai, các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế (đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện) tiếp cận tín dụng để giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.
 
Hiện nay, tín dụng chính sách đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Từ nguồn vốn 7.105 tỉ đồng năm 2002, đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 346.278 tỉ đồng, tăng gấp hơn 48 lần. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2023 đạt 332.000 tỉ đồng với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung ở một số chương trình như: Cho vay giải quyết việc làm (chiếm 27,04% tổng dư nợ), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (16,2%), cho vay hộ mới thoát nghèo (13,32%), cho vay hộ cận nghèo (12,51%), cho vay hộ nghèo (10,11%), cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên tại vùng khó khăn (7,34%), cho vay nhà ở xã hội (5,09%), cho vay học sinh, sinh viên (4,66%). NHCSXH đã hoàn thành việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách một cách nhanh chóng, giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần tích cực trong việc phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, được người dân, các doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
 
Thứ ba, đối tượng yếu thế tiếp cận tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH ngày càng nhiều, đối tượng được mở rộng. 
 
Từ năm 2022 trở về trước, đối tượng yếu thế trong quan hệ tín dụng với NHCSXH gồm: Người nghèo (hộ gia đình, cá nhân trong hộ gia đình nghèo, bao gồm cả cận nghèo hoặc mới thoát nghèo), doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc nhỏ, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương. Đến năm 2023, NHCSXH có thêm chương trình tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù. (Hình 2)

Hình 2: Người yếu thế trong quan hệ tín dụng với NHCSXH

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023, dư nợ bình quân của khách hàng vay vốn tại NHCSXH tăng từ 31,8 triệu đồng (năm 2019) lên 48,8 triệu đồng (năm 2023). Số lượng khách hàng vay vốn cũng tăng lên từ 6,5 triệu người (năm 2019) lên 6,8 triệu người (năm 2023).
 
Thứ tư, mạng lưới hoạt động của NHCSXH trải rộng trên địa bàn cả nước nên dễ dàng thúc đẩy tài chính toàn diện.
 
Mạng lưới hoạt động giao dịch tại xã của NHCSXH đến ngày 31/12/2023 có 10.452 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 10.395 Điểm giao dịch xã độc lập, 57 Điểm giao dịch liên phường của 130 phường và 78 xã, phường, thị trấn, thực hiện giao dịch vào một ngày cố định trong tháng tại trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc trụ sở NHCSXH nơi cho vay. Thông tin về địa điểm, thời gian giao dịch tại các Điểm giao dịch xã được niêm yết công khai trên website của NHCSXH và được cập nhật thường xuyên khi có thay đổi. Trong đó, tỉ lệ giao dịch giải ngân tại Điểm giao dịch xã là 96,91% (tăng 0,79% so với năm 2022); tỉ lệ giao dịch thu lãi tại Điểm giao dịch xã đạt 99,54% (tăng 0,20% so với năm 2022); tỉ lệ giao dịch thu nợ gốc tại Điểm giao dịch xã đạt 93,91% (tăng 0,68% so với năm 2022). 
 
Trong đó, tổ TK&VV đóng vai trò nền tảng trong hoạt động của NHCSXH, mạng lưới tổ TK&VV là cầu nối giữa NHCSXH với người vay, giúp chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng được thụ hưởng nhanh chóng, hiệu quả, tiết giảm tối đa chi phí. Ban quản lí tổ TK&VV được NHCSXH ủy nhiệm thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay, như: Tuyên truyền về tín dụng chính sách, hỗ trợ tổ viên gia nhập tổ, tiếp nhận Giấy đề nghị vay vốn, bình xét cho vay, hỗ trợ quá trình sử dụng vốn, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi, thu lãi, thu tiền gửi của tổ viên và giao dịch với NHCSXH định kì vào ngày giao dịch tại trụ sở UBND xã. Vì vậy, hoạt động ủy nhiệm của Ban quản lí tổ TK&VV đóng vai trò lớn, thể hiện chất lượng hoạt động tín dụng của NHCSXH.
 
Với mạng lưới trải rộng đến từng bản, làng (điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước, các tổ TK&VV đến từng thôn, ấp, bản, làng), các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vốn yếu thế, dễ bị tổn thương được tiếp cận nguồn vốn, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, với mạng lưới gần dân, sát dân cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch với ngân hàng; ngân hàng, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp cận, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân để có những giải pháp phù hợp, đẩy mạnh việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức, hạn chế “tín dụng đen”. 
 
Thứ năm, tín dụng chính sách là cầu nối để thúc đẩy các đối tượng yếu thế tiếp cận với các dịch vụ thanh toán, tiết kiệm và tiếp cận công nghệ số trong quan hệ tín dụng. 
 
Việc triển khai các Điểm giao dịch xã, thành lập tổ TK&VV và đưa các nghiệp vụ về thực hiện tại cơ sở không chỉ giúp đảm bảo mục tiêu cho vay đúng đối tượng, đúng hộ vay, thuận lợi trong việc thực hiện quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng mà còn tạo điều kiện để người nghèo, các đối tượng chính sách, người dân biết và tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính khác ngoài tín dụng. Chẳng hạn, hoạt động nhận tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV đã tạo ý thức cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hành tiết kiệm để tạo lập vốn tự có, tạo nguồn hỗ trợ cho việc trả nợ, trả lãi. Đến cuối năm 2023, gần 100% số tổ TK&VV thực hiện nghiệp vụ nhận tiền gửi của tổ viên, 6,8 triệu tổ viên tham gia với số dư tiền gửi đạt 16.465 tỉ đồng. Các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp và đối tượng chính sách khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ điều hành, những đối tượng hiện đang thiếu sự tiếp cận tới các dịch vụ tài chính chính thức đã bắt đầu quen với dịch vụ Mobile Banking của NHCSXH. Tính đến ngày 20/6/2024, có hơn 53 triệu tin nhắn được gửi thành công đến gần 90% khách hàng của NHCSXH; 100.000 người dùng phần mềm App giáo dục số tích hợp trên ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách (NHCSXH - QLTDCS);  50.084 Tổ trưởng tổ TK&VV sử dụng quản lí tín dụng chính sách với trên 19 triệu giao dịch, tương ứng 8.285 tỉ đồng. Dịch vụ Mobile Banking đã được NHCSXH triển khai tới khách hàng từ tháng 6/2022; đến ngày 30/4/2024, đã có 232.797 khách hàng đăng kí sử dụng hệ thống Mobile Banking với 4.269.968 giao dịch, đạt tổng số tiền là 26.985 tỉ đồng.
 
Thứ sáu, thông qua các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt, thông qua phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, ủy nhiệm qua tổ TK&VV và sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào hoạt động tín dụng chính sách giúp kiến thức và kĩ năng tài chính của các đối tượng yếu thế được cải thiện.
 
Hơn 20 năm triển khai các chương trình tín dụng chính sách, các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã có niềm tin tuyệt đối với NHCSXH và có sự chuyển biến tích cực trong tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn, chủ động tiếp cận ứng dụng khoa học, kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm sử dụng vốn vay hiệu quả. Bên cạnh đó, việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ TK&VV trong việc triển khai nhanh chóng các chính sách tín dụng đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức tài chính đã giúp nâng cao ý thức của người vay trong việc tuân thủ nguyên tắc tín dụng “có vay - có trả”; quản lí, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; thực hành tiết kiệm, gửi góp định kì hằng tháng. Thông qua phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở để chuyển tải nguồn vốn của Nhà nước đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp đỡ họ biết cách sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được với dịch vụ tín dụng - tài chính của NHCSXH thuận lợi, nhanh chóng, tiết giảm được thời gian và chi phí đi lại. Việc cho vay thông qua tổ TK&VV đã được thực hiện công khai, dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, nâng cao trách nhiệm của người vay trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, trả nợ NHCSXH. 
 
Đồng thời, ứng dụng App Giáo dục tài chính thông qua điện thoại di động cũng là một kênh hữu ích cung cấp thông tin, kiến thức, kĩ năng tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
 
3. Giải pháp phát triển tài chính toàn diện tại NHCSXH
 
3.1. Nhóm giải pháp đối với chủ thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính là NHCSXH
 
3.1.1. Tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối tượng chính sách
 
Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ và quyết liệt.
 
NHCSXH là một trong các định chế tài chính chuyên biệt có định hướng hoạt động phù hợp với mục tiêu tài chính toàn diện. Do vậy, cần tập trung nguồn lực cho NHCSXH triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023. Theo đó, chú trọng: Nâng cao năng lực tài chính đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững; tập trung nguồn lực Nhà nước thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng cho các đối tượng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
 
Tập trung các nguồn vốn tín dụng cho đối tượng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào NHCSXH nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày một lớn của các đối tượng chính sách như đưa Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sang đầu mối là NHCSXH để cho vay; rà soát, sắp xếp lại các Quỹ hỗ trợ theo nhóm các đối tượng là nông dân, phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp… vào một đầu mối là NHCSXH. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp chiếm 30% tổng nguồn vốn tín dụng cho đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, tập trung huy động, đa dạng hóa nguồn vốn với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”. 
 
3.1.2. Hoàn thiện chính sách và quy trình tín dụng tại NHCSXH

NHCSXH cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tín dụng hiện tại với mô hình quản lí đặc thù và cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Quản lí chặt chẽ hoạt động của các tổ TK&VV, phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra ở cấp tổ, nhóm.
 
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống đánh giá xếp hạng tín nhiệm nội bộ với khách hàng tiềm năng, kết hợp dữ liệu tài chính và hành vi. Thu thập thông tin khách hàng thông qua các kênh offline và online một cách chọn lọc để có thể phân tích mức độ rủi ro sớm của khách hàng. 
 
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong quá trình vay vốn và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
 
Tiếp tục hoàn thiện công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đối với các hộ nghèo, việc phân tách giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh với chi tiêu thường xuyên thường không rõ ràng do họ ít có kiến thức về tài chính, quy mô chi tiêu nhỏ. Hơn nữa, nguồn tiền để chi trả cho hoạt động tiêu dùng hằng ngày có thể xuất phát từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà người nghèo vay vốn ngân hàng. Đơn cử như hộ nghèo vay tiền để chăn nuôi, hằng ngày họ có thể bán con gà, quả trứng để lấy tiền cho tiêu dùng sinh hoạt chứ không phải để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Do đó, việc kiểm tra món vay phải được phân tích bao trùm trên cả hoạt động kinh doanh lẫn sinh hoạt xã hội của hộ nghèo, bao gồm các nguồn thu nhập và chi tiêu để có thể đánh giá năng lực trả nợ của người nghèo.
 
Tiếp tục đổi mới cơ chế ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực tiễn hiện nay cho thấy, lãi suất tín dụng chính sách cho hộ nghèo không quá thấp so với lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại nhưng người nghèo vẫn có thể chi trả lãi đều đặn. Việc quy định lãi suất thấp sẽ khiến Nhà nước phải bù chênh lệch lãi suất và trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, lượng khách hàng là hộ nghèo có thể tiếp cận với tín dụng ưu đãi sẽ không cao, làm giảm đi phạm vi tác động của tín dụng chính sách xã hội. Bởi vậy, NHCSXH cần có lộ trình đề xuất giảm dần mức độ ưu đãi trong lãi suất, chú trọng hơn những hỗ trợ về thủ tục, về kĩ thuật phù hợp với xu thế mới và thực tiễn kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.
 
3.1.3. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực, trình độ, kĩ năng của cán bộ trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính
 
NHCSXH cần có chính sách thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực phù hợp với tín dụng chính sách xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ví dụ, sử dụng nhân lực tại chỗ, tăng cường đào tạo chuẩn hóa các nhân lực này thông qua các chương trình đào tạo, giảng dạy kết hợp (blended learning).
 
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực không chỉ có kiến thức về tài chính - ngân hàng mà còn được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng về công nghệ thông tin, kĩ năng mềm để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cũng như hỗ trợ khách hàng một cách nhanh chóng, đúng nhu cầu, rút ngắn thời gian giao dịch. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tân tâm, tận tụy phục vụ người dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
 
Nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ giao dịch trực tiếp với khách hàng thông qua việc cải tiến tác phong làm việc; nâng cao kĩ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực thẩm định và quản lí các rủi ro, khả năng sử dụng các công cụ nghiên cứu và kĩ năng phân tích rủi ro tín dụng của cán bộ NHCSXH.  
 
Chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ có đủ năng lực, trình độ, uy tín, sức khỏe nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm chăm lo, đảm bảo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, người lao động, nhất là cán bộ công tác ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
 
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có đạo đức nghề nghiệp, có đầy đủ kĩ năng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu lực hệ thống kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
 
3.1.4. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, các sản phẩm, dịch vụ tài chính NHCSXH tới người dân
 
NHCSXH cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giải thích, giới thiệu cho người dân các chương trình, chính sách ưu đãi hiện có theo phương thức phù hợp với đặc điểm tâm lí, trình độ nhận thức của mọi tầng lớp dân cư; đẩy mạnh các hình thức truyền thông trên đa dạng các kênh truyền thông như kênh thông tin truyền thống (báo, đài, tivi…) và phi truyền thống (biển hiệu quảng cáo, mạng xã hội…). Cần có chiến lược quảng cáo giới thiệu bài bản tới các khách hàng về những sản phẩm hiện chưa thu hút như sản phẩm cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, các sản phẩm thanh toán hiện đại…
 
3.1.5. Tăng cường chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ, ứng dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử 
 
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính ngày càng mạnh mẽ. Bởi vậy, tăng cường chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ, ứng dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử là giải pháp quan trọng để NHCSXH và các tổ chức cung ứng tín dụng cho người dân có thể tiếp cận khách hàng với chi phí thấp, thời gian nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, giúp giảm tín dụng đen online, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ cung cấp. 
 
Nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thiện, nâng cao, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thực hiện trên hệ thống ngân hàng điện tử. Tập trung phát triển sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Hoàn thiện hơn nữa hệ thống Mobile Banking, cập nhật và đầu tư hơn nữa cho App VBSP Smart Banking với các tiện ích đa dạng, phát triển thêm các sản phẩm thanh toán, xây dựng nền tảng ngân hàng số. 
 
Nghiên cứu ngân hàng đại lí, các dịch vụ thanh toán và tài khoản trực tuyến, ngân hàng trực tuyến, mPOS, QR Pay, thanh toán trực tuyến, ví điện tử, tự động trích nợ… hoặc hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp thanh toán các khoản phải trả qua các kênh có nhiều tiện ích, tiện lợi như ngân hàng trực tuyến… 
 
Phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp. 
 
Đẩy mạnh các hoạt động thanh toán điện tử qua tài khoản của NHCSXH thông qua các hình thức ưu đãi, hỗ trợ, chiết khấu khi khách hàng sử dụng dịch vụ này.  Bên cạnh đó, cần chú trọng vào việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính bền vững, tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối hiện đại. 
 
3.1.6. Nguồn vốn cho thúc đẩy tài chính toàn diện
 
Để có thể thúc đẩy tài chính toàn diện thực sự hiệu quả và bền vững, cần gia tăng quy mô hoạt động nguồn vốn đầu tư cho cung ứng các dịch vụ tài chính, qua đó, giúp phát triển, mở rộng nhanh chóng phạm vi tiếp cận đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khó tiếp cận nhất. NHCSXH cũng cần xây dựng kế hoạch để phát triển các sản phẩm, dịch vụ cụ thể như: Chi bao nhiêu cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới hay đầu tư công nghệ, trang thiết bị mới, đào tạo, tập huấn về giáo dục tài chính...
 
3.1.7. Phối hợp khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu cá nhân 
 
NHCSXH cần phối hợp với ngành Công an để kết nối, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư, qua đó phân loại các dữ liệu theo giới tính, lứa tuổi, học vấn, nghề nghiệp, thu nhập của khách hàng. Đây là dữ liệu quan trọng để NHCSXH dựa vào các đặc tính cá nhân của người tiêu dùng phân loại và phân khúc khách hàng để cung ứng tốt hơn, đầy đủ, hợp lí cho các đối tượng khách hàng khác nhau. 
 
3.1.8. Giải pháp đối với sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH
 
a) Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính của NHCSXH
 
Tiếp tục phát triển sâu các sản phẩm hiện có của NHCSXH như: Thanh toán, mở tài khoản, chuyển tiền trực tuyến… phù hợp với khả năng và điều kiện của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng cao, vùng xa; mở rộng đối tượng được vay vốn đến hộ có mức sống trung bình, các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm tạo ra theo chuỗi giá trị, phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng miền, tạo động lực thúc đẩy người dân sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập. Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính của NHCSXH hướng tới tính tiện dụng, thích ứng và tính kết nối giữa các sản phẩm, có tính tới phân khúc khách hàng liên quan đến giới tính, độ tuổi, học vấn, nghề nghiệp. Gia tăng các sản phẩm hợp lí để phục vụ khách hàng ở khu vực nông thôn, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thông minh áp dụng công nghệ tài chính, các sản phẩm có thể áp dụng qua điện thoại, máy tính, Internet như mở tài khoản từ xa, các dịch vụ thanh toán trên nền tảng điện tử, mở tiết kiệm điện tử. 
 
Bên cạnh hình thức đảm bảo tiền vay bằng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, NHCSXH cần xem xét bổ sung hình thức đảm bảo tiền vay cầm cố tài sản. Điều này góp phần tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và các đối tượng vay có đảm bảo bằng tài sản.
 
b) Đơn giản hóa các thủ tục giao dịch 
 
NHCSXH cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu các loại giấy tờ để tạo thuận lợi và thu hút người tiêu dùng có nhu cầu và khả năng sử dụng sản phẩm tài chính; hướng tới lấy khách hàng là trung tâm. 
 
c) Đẩy mạnh công tác bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính
 
NHCSXH cần hướng dẫn cụ thể hơn nữa các quy định như: Thông tin về sản phẩm được công khai và minh bạch, cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, cơ chế phản hồi thông tin cho khách hàng; tổ chức đào tạo nhiều hơn về cơ chế rủi ro, xử lí rủi ro để phòng ngừa các rủi ro bất khả kháng của các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh thua lỗ, thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến các khoản vay được xếp vào nhóm rủi ro cao. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm lợi dụng các dịch vụ thanh toán ngân hàng điện tử trong phạm vi liên quan đến tài chính, ngân hàng; bảo vệ thông tin/dữ liệu của khách hàng; bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính tránh khỏi bị truy thu từ tài khoản giao dịch, như bị chủ nợ siết nợ, hoặc các khoản truy thu khác… 
 
3.2. Nhóm giải pháp đối với chủ thể sử dụng sản phẩm, dịch vụ là khách hàng của NHCSXH
 
3.2.1. Nâng cao hiểu biết về tài chính đối với người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng yếu thế

NHCSXH cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại địa phương để tổ chức các khóa đào tạo hướng dẫn thủ tục cho vay, các dịch vụ của NHCSXH để giúp người dân hiểu rõ hơn, tiếp cận được với các nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, cần phân loại các nhóm đối tượng mục tiêu: Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm người có thu nhập thấp, nhóm phụ nữ, nhóm thanh, thiếu niên, học sinh, nhóm người lao động, nhóm người khuyết tật… để có những chương trình đào tạo phù hợp; phối hợp với Hội sinh viên, Hội học sinh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội hưu trí giúp triển khai các chương trình đào tạo, phổ biến các kiến thức về tài chính hoặc lồng ghép đào tạo và các hoạt động của hội. Các chương trình đào tạo phải được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa và hướng dẫn các đối tượng này tiếp cận với các dịch vụ tài chính như: Thanh toán, mở tài khoản, các sản phẩm tiết kiệm, cho vay và sản phẩm bảo hiểm. Bên cạnh đó, NHCSXH phối hợp với các Trường đại học (Học viện Ngân hàng, Kinh tế quốc dân...), Viện nghiên cứu về Giáo dục tài chính, Học viện Phụ nữ Việt Nam... để xây dựng, thực hiện đề án truyền thông và đào tạo về kiến thức tài chính cho khách hàng và các đối tượng có liên quan đến việc phối hợp thực hiện chính sách tín dụng nhằm tăng cường kiến thức, kĩ năng quản lí tài chính, nâng cao hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và khách hàng, từ đó tăng khả năng sử dụng, đánh giá lợi ích, rủi ro của các sản phẩm, dịch vụ tài chính cung ứng, giúp người tiêu dùng sáng suốt lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu thực tế của cá nhân. 
 
3.2.2. Hạn chế thói quen sử dụng tiền mặt
 
Số lượng người dân có thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt hiện vẫn còn lớn, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và người dân vẫn ưu tiên sử dụng các kênh truyền thống, e ngại dùng sản phẩm tài chính mới và hiện đại. Người dân thường dùng tiền mặt cho các khoản thanh toán, chi tiêu có giá trị nhỏ dẫn tới hạn chế trong tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính. NHCSXH cần có chiến lược tiếp cận các đối tượng này để tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH như thu lãi, thu nợ, giải ngân bằng phương thức chuyển khoản, hướng tới dịch vụ gửi tiết kiệm online hay giải ngân qua chuyển khoản tại điểm giao dịch trong tương lai để tạo sự tin tưởng cho các khách hàng và loại bỏ dần thói quen sử dụng tiền mặt. 
 
3.2.3. Tăng cường hơn nữa việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ phi tài chính
 
Để khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu và thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn, lãi cho NHCSXH, rất cần các hỗ trợ phi tài chính đi kèm các gói cho vay. Bởi khách hàng vay vốn của NHCSXH chủ yếu sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nên điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học, kĩ thuật, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học, kĩ thuật phục vụ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống còn nhiều hạn chế. Các cán bộ NHCSXH và cán bộ hội, đoàn thể cần chủ động tìm kiếm và kết nối với các trung tâm khuyến nông, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật... tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phối hợp bồi dưỡng nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người vay vốn; kết nối với các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm; tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng quản lí tài chính cá nhân, đổi mới tư duy quản lí tài chính, tạo thói quen tiết kiệm để gửi tiền vào NHCSXH, tạo nguồn vốn trả nợ. Các hỗ trợ phi tài chính cần được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng như: Đưa vào nội dung sinh hoạt chi hội, sinh hoạt tổ, tổ chức tọa đàm, hội thi, tập huấn, hội nghị, biên soạn tài liệu, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông như hệ thống loa truyền thanh cơ sở, nhóm Zalo, Facebook...
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Allen F, Carletti E, Cull R, Qian J, Senbet L, Valenzuela P. (2014). The african financial development and financial inclusion gaps. J Afr Econ 23(5): pages 614-642.
2. Beck, Thorsten, Asli Demirguc-Kunt, and Patrick Honohan (2008). Finance for All? Policies and Pitfalls in Expanding Access, Washington, DC: World Bank.
3. Báo cáo kết quả hoạt động của NHCSXH.
4. Cyn-Young, P. va Rogelio, M. (2015). Financial inclusion, poverty, and income inequality in developing Asia, No.426, Asian Development Bank.

TS. Trần Thị Thu Hường, ThS. Lê Thị Đức Hạnh, ThS. Phạm Văn Thắng
NHCSXH

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Giải pháp tín dụng hỗ trợ và phát triển kinh tế tỉnh Tây Ninh
Giải pháp tín dụng hỗ trợ và phát triển kinh tế tỉnh Tây Ninh
06/09/2024 08:15 144 lượt xem
Với vai trò đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân, hoạt động tín dụng ngân hàng hỗ trợ góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tín dụng chính sách xã hội và một số khuyến nghị cho giai đoạn  tiếp theo
Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tín dụng chính sách xã hội và một số khuyến nghị cho giai đoạn tiếp theo
01/09/2024 08:50 354 lượt xem
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) có sứ mạng thực thi công cụ tín dụng chính sách để hiện thực hóa mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Điều chỉnh lãi suất cho vay nhà ở xã hội: Đảm bảo cân đối nhiều yếu tố
Điều chỉnh lãi suất cho vay nhà ở xã hội: Đảm bảo cân đối nhiều yếu tố
29/08/2024 14:33 536 lượt xem
Theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định số 100/2024/NĐ-CP), từ ngày 01/8/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở từ mức 4,8%/năm lên 6,6%/năm.
Agribank tăng cường các giải pháp ngăn chặn tội phạm lừa đảo công  nghệ cao
Agribank tăng cường các giải pháp ngăn chặn tội phạm lừa đảo công nghệ cao
26/08/2024 08:08 617 lượt xem
Từ đầu năm 2024 đến nay, cán bộ, giao dịch viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ngăn chặn hàng trăm vụ việc tội phạm lừa đảo công nghệ cao, hỗ trợ bảo vệ hơn 12 tỉ đồng tài sản của khách hàng.
Tín dụng chính sách xã hội mang hạnh phúc đến với người nghèo
Tín dụng chính sách xã hội mang hạnh phúc đến với người nghèo
23/08/2024 16:43 691 lượt xem
Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Tập trung nguồn lực thúc đẩy kinh tế địa phương
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Tập trung nguồn lực thúc đẩy kinh tế địa phương
20/08/2024 17:23 736 lượt xem
Thanh Hóa là tỉnh ven biển cực Bắc vùng Bắc Trung Bộ; nằm trong khu vực ảnh hưởng của những tác động từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các tỉnh phía Bắc nước Lào và vùng trọng điểm kinh tế Trung Bộ.
Nâng cao năng lực hoạt động và năng lực tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới
Nâng cao năng lực hoạt động và năng lực tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới
19/08/2024 08:00 609 lượt xem
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) sau gần 30 năm hoạt động, đang ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò quan trọng đối với công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương
16/08/2024 21:15 564 lượt xem
Cùng chung sức với người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống ngân hàng tỉnh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 theo sự chỉ đạo, điều hành của NHNN và UBND tỉnh.
Rộng mở đường đi tới hạnh phúc
Rộng mở đường đi tới hạnh phúc
15/08/2024 07:52 2.087 lượt xem
Hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập. Việc thực hiện tốt chính sách xã hội, trong đó có tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp quan trọng để bảo đảm hạnh phúc cho nhân dân.
Agribank tiếp sức ngành hàng thủ công mĩ nghệ làm từ cây lục bình
Agribank tiếp sức ngành hàng thủ công mĩ nghệ làm từ cây lục bình
12/08/2024 08:16 470 lượt xem
Từng được xem là loại cây cản trở giao thông đường thủy, nhưng nhiều năm nay cây lục bình đã góp phần cải thiện đáng kể kinh tế cho người dân ở tỉnh Đồng Tháp.
Hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024
Hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024
05/08/2024 14:55 794 lượt xem
Cùng với sự phát triển kinh tế địa phương, trong 7 tháng đầu năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai các chính sách của Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh.
Quyết tâm làm sạch tài khoản, tăng cường an ninh, bảo mật trong sử dụng thẻ
Quyết tâm "làm sạch" tài khoản, tăng cường an ninh, bảo mật trong sử dụng thẻ
02/08/2024 20:28 742 lượt xem
Ngày 28/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Thông tư số 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Tín dụng ngân hàng tăng trưởng tích cực, góp phần phát triển kinh tế tỉnh An Giang
Tín dụng ngân hàng tăng trưởng tích cực, góp phần phát triển kinh tế tỉnh An Giang
31/07/2024 08:05 656 lượt xem
Trong 7 tháng đầu năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang đã thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp với thực tế địa phương và diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trong nước...
Hiệu quả tín dụng chính sách trên vùng đất cách mạng Tây Ninh
Hiệu quả tín dụng chính sách trên vùng đất cách mạng Tây Ninh
30/07/2024 08:13 545 lượt xem
Gần nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, mảnh đất chiến khu Tây Ninh đầy bom đạn năm nào, nay đã thay da đổi thịt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, quyết tâm thực hiện thành công các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Agribank Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang tạo lực cho doanh nghiệp phát triển
Agribank Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang tạo lực cho doanh nghiệp phát triển
29/07/2024 09:05 523 lượt xem
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang (Agribank Tuyên Quang) luôn đóng vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển kinh tế địa phương.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

78.500

80.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

78.500

80.500

Vàng SJC 5c

78.500

80.520

Vàng nhẫn 9999

77.250

78.550

Vàng nữ trang 9999

77.150

78.150


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,680 25,050 26,865 28,339 31,919 33,277 166.59 176.32
BIDV 24,715 25,055 27,100 28,350 32,343 33,287 168.25 176.53
VietinBank 24,695 25,035 27,117 28,317 32,408 33,418 167.81 175.56
Agribank 24,700 25,050 27,024 28,258 32,139 33,263 167.38 175.81
Eximbank 24,700 25,130 27,103 28,113 32,263 33,415 169.08 175.43
ACB 24,670 25,030 27,094 28,034 32,350 33,337 168.31 175.02
Sacombank 24,710 25,050 27,321 28,074 32,561 33,263 169.55 175.56
Techcombank 24,678 25,069 26,942 28,299 32,019 33,351 164.87 177.39
LPBank 24,490 25,250 26,981 28,628 32,421 33,426 167.40 179.30
DongA Bank 24,740 25,050 27,120 27,950 32,280 33,250 166.80 174.30
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
2,20
2,20
2,50
3,50
3,50
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,60
3,60
3,60
4,90
4,90
5,30
5,20
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?