Xác định hoạt động ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, tích cực triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Thống đốc NHNN và của tỉnh về hoạt động tiền tệ - ngân hàng nhằm góp phần tích cực đưa Tuyên Quang từ điểm xuất phát rất thấp từng bước trở thành tỉnh khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương
NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời tổ chức các hội nghị quan trọng ngay từ đầu năm: Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, tổ chức cuộc họp về tăng trưởng tín dụng năm 2022 để triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể, thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN, nhất là các giải pháp tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, tín dụng đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh; thực hiện các biện pháp kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, xử lý nợ xấu theo quy định của Thống đốc NHNN. Đồng thời, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc với hệ thống ngân hàng trên địa bàn huyện, thành phố để đánh giá tình hình, kết quả hoạt động ngân hàng; đề xuất các nội dung của hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang tham gia xây dựng các kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh; xây dựng các kế hoạch của hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, của Ngành và của tỉnh.
Hoạt động ngân hàng đã góp phần duy trì ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh Tuyên Quang
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CPngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, NHNN ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước qua các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN trong toàn hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; kịp thời tổ chức Hội nghị chuyên đề về chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhằm đánh giá kết quả sau 04 tháng triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Qua đó, kịp thời đề xuất NHNN xem xét, quy định, hướng dẫn thống nhất về các trường hợp hộ kinh doanh nhưng chưa có đăng ký kinh doanh; trường hợp hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp đăng ký đa ngành nghề, trong đó có ngành nghề thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất; quy định, hướng dẫn cụ thể về tiêu chí “có khả năng phục hồi”; trường hợp các khách hàng là hộ kinh doanh mua hàng của người trực tiếp sản xuất nông, lâm sản.
Đồng thời, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Kế hoạch truyền thông và chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chủ động, linh hoạt, tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh hoạt động truyền thông về những kết quả ngành Ngân hàng đã triển khai và định hướng trong thời gian tới; các chương trình, sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại; các quy định, các điều kiện, các thủ tục để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, các hiệp hội, các sở, ngành liên quan để phổ biến, tuyên truyền về Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN và các văn bản của NHNN về giải đáp, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nghiệp các huyện, thành phố trong việc thông tin những khó khăn, vướng mắc và đề xuất trong việc thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, của trụ sở chính theo từng hệ thống ngân hàng, các NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn đã triển khai hiệu quả các chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đến ngày 31/12/2022, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 27.119 tỷ đồng, tăng 3.204 tỷ đồng (tăng 13,4%) so với cuối năm 2021; tổng dư nợ tín dụng các thành phần kinh tế đạt 62.277 tỷ đồng, tăng 4.042 tỷ đồng (tăng 18,8%) so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn đạt 14.800 tỷ đồng, tăng 997 tỷ đồng (tăng 6,6%) so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 101 tỷ đồng (tăng 2,6%) so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng chính sách đạt 3.713 tỷ đồng, tăng 474 tỷ đồng (tăng 14,6%) so với cuối năm 2021.
Kết quả cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại NHCSXH cũng đạt được kết quả ấn tượng: Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 140.000 triệu đồng (2.519 hộ); cho vay nhà ở xã hội đạt 16.950 triệu đồng (42 hộ); cho vay học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến đạt 4.580 triệu đồng (451 học sinh, sinh viên); cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đạt 764 triệu đồng (09 cơ sở); cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 39.373 tỷ đồng (781 khách hàng). Các NHTM trên địa bàn cho vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với 14 lượt khách hàng, dư nợ 1.256 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng là 4,83 tỷ đồng,...
Cùng với hoạt động đầu tư tín dụng, các NHTM, NHCSXH đã quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ đối với khách hàng như: Ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã với số dư nợ là 5,3 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ 510 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ 96 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn giảm 250 triệu đồng; hạ lãi suất trực tiếp đối với số dư nợ hiện hữu 13.043 tỷ đồng cho 62.484 khách hàng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi 6.696 tỷ đồng, 6.992 khách hàng...
Bên cạnh đó, các NHTM, NHCSXH đã thực hiện tốt công tác giao dịch, công tác thanh toán trên địa bàn; thực hiện đúng quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn hệ thống công nghệ thông tin, đường truyền hoạt động ổn định, thông suốt không xảy ra sự cố; tiếp tục thực hiện tốt dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, học phí, viện phí, các dịch vụ thanh toán thẻ ATM/CDM, thanh toán qua POS, trả lương qua tài khoản, triển khai các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ngân hàng số như: Ngân hàng không nhân viên, ngân hàng phi vật lý, thanh toán một chạm qua máy chấp nhận thanh toán thẻ, mở tài khoản trực tuyến bằng công nghệ định danh điện tử (eKYC), các chiến dịch mở tài khoản ngân hàng trực tuyến, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí thấp cho nhà hàng, cửa hàng, siêu thị, chợ… qua mã QR-Pay nhằm phục vụ tối đa việc thanh toán thuận tiện cho tổ chức, cá nhân.
Tính đến tháng 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 90 máy giao dịch tự động (ATM/CDM), tăng 04 máy so với đầu năm 2022; có trên 330 POS/mPOS; trên 6.000 điểm thanh toán QR Code đang hoạt động; có trên 800 đơn vị hưởng lương ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản; có khoảng 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nộp thuế qua ngân hàng đã đáp ứng tốt nhu cầu về giao dịch, về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, các ngân hàng đã miễn toàn bộ phí giao dịch qua Mobile Banking, Internet Banking cho khách hàng cá nhân, góp phần tích cực vào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện. Tốc độ phát triển thanh toán qua điện thoại di động, qua QR Code năm 2022 đã cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả giai đoạn 2020 - 2021.
Hoạt động ngân hàng đã góp phần duy trì ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang. Một số ngành, lĩnh vực chủ yếu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ; du lịch, dịch vụ hoạt động trở lại và có nhiều khởi sắc; các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao. Cải cách hành chính được triển khai thực hiện quyết liệt; các hoạt động về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm và thúc đẩy. Triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Tiếp tục đồng hành cùng địa phương
Xác định đồng hành cùng địa phương vừa là nhiệm vụ, vừa là lợi ích của toàn bộ hệ thống ngân hàng trên địa bàn, NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang tiếp tục yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần bám sát hơn nữa tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển hệ thống ngân hàng theo một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, nhất là các cơ chế, chính sách ngân hàng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị định, nghị quyết của Chính phủ. Thường xuyên nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn để định hướng chỉ đạo, điều hành hoạt động ngân hàng bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Thống đốc NHNN và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định chồng chéo hoặc không còn phù hợp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm an toàn, phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp với các cơ quan, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh để triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của tổ chức, cá nhân; đồng thời phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ngân hàng hoặc kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Hai là, tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng mới, các chính sách về hỗ trợ lãi suất tiền vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ; nhất là các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ thủ tục để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nắm rõ, thuận lợi trong quá trình thực hiện. Các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm bắt, phản hồi và xử lý có hiệu quả các vấn đề dư luận quan tâm, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với các cơ chế, chính sách ngành Ngân hàng đang triển khai thực hiện. Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin và thực hiện tốt quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị đã ký kết quy chế phối hợp công tác; tham gia đầy đủ các đợt tiếp xúc cử tri để kịp thời nắm bắt, giải quyết, giải trình, trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh để nắm bắt và giải quyết các ý kiến của doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng.
Ba là, từng ngân hàng đề ra các giải pháp cụ thể để tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm do ngân hàng cấp trên giao và định hướng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tiếp tục tập trung vốn tín dụng đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo các nguyên tắc: công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách. Thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất cho vay, nhất là lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, về bảo đảm tiền vay và đăng ký giao dịch bảo đảm; tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Bốn là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thống đốc NHNN về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; các kế hoạch của hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai mạnh mẽ các dịch vụ ngân hàng số, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; chủ động rà soát, đảm bảo hạ tầng thanh toán, phương tiện, trang thiết bị, phần mềm… để hoạt động thanh toán thông suốt, kịp thời, an toàn, bảo mật. Tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; nhất là quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Thực hiện nghiêm túc các thủ tục, quy trình nghiệp vụ theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất và tạo môi trường thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát của NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, đẩy mạnh hoạt động giám sát trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và xử lý nghiêm các sai phạm, nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng. Thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng; không để phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, vượt cấp liên quan đến hoạt động ngân hàng. Chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, của Thống đốc NHNN và của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về bảo vệ bí mật nhà nước, không để xảy ra các vụ việc lộ, lọt bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng.
Hoàng Minh Tú
NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang