Nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, theo Nghị quyết số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ đã tạo lực đẩy quan trọng giúp hàng ngàn hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong là một trong những địa phương có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao của tỉnh Nghệ An với 97%, chủ yếu là dân tộc Thái, H'Mông, Khơ Mú. Đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc vào nông nghiệp với các loại cây trồng như cây Keo, cây Chanh Leo. Những năm trước đây, do kĩ thuật canh tác còn lạc hậu nên đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm tới 68,4%. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân tại xã Tri Lễ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
.JPG)
Nguồn vốn chính sách là trợ lực giúp ông Lê Đức Hòe, xóm Hồng Tháp, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho lao động tại địa phương
Gia đình ông Lỳ Nỏ Pó, dân tộc H’Mông ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cho biết: Trước năm 2008, gia đình ông vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Không có đất sản xuất, thu nhập của gia đình ông rất bấp bênh. Đến năm 2012, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quế Phong tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Với số tiền này, ông Lỳ Nỏ Pó đã đầu tư mua 03 con bò sinh sản để chăn nuôi. Đến năm 2018, ông đã trả được hết số tiền vay ngân hàng và có một khoản nhỏ tích lũy. Nhận thấy việc chăn nuôi gia súc giúp kinh tế gia đình bớt khó khăn, ông Lỳ Nỏ Pó tiếp tục xin vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để mua trâu sinh sản gia tăng chăn nuôi. Năm 2020, gia đình ông Lỳ Nỏ Pó đã trả hết nợ ngân hàng và chính thức thoát nghèo. Sau khi thoát nghèo, ông Lỳ Nỏ Pó lại tiếp tục được tạo điều kiện vay thêm 65 triệu đồng chương trình hộ thoát nghèo để đầu tư mua thêm giống trâu, bò sinh sản. Đến nay, gia đình ông Lỳ Nỏ Pó đã có hơn 50 con trâu, bò; sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông có khoản thu nhập khoảng từ 100 - 150 triệu đồng. “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình mình thoát nghèo bền vững, dự kiến cuối năm 2023, mình sẽ trả hết số tiền đã vay của ngân hàng”, ông Lỳ Nỏ Pó vui vẻ nói.
Nhờ chí thú làm ăn và trợ lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình ông Lê Đức Hòe, xóm Hồng Tháp, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An giải quyết được việc làm cho người lao động ở địa phương và đang xây dựng căn nhà mới trị giá gần 900 triệu đồng. Ông Hòe cho biết: “Căn nhà mới tôi đang xây dựng khoảng 01 tháng nữa sẽ hoàn thành. Có được cơ ngơi như hôm nay, tôi vô cùng cảm ơn chính quyền địa phương, các cấp, NHCSXH huyện Nghĩa Đàn đã tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ 70 triệu đồng vốn vay ban đầu, giúp tôi mua gỗ về làm bàn, ghế, giường để bán cho khách hàng. Hiện tại, mỗi tháng tôi sản xuất được ít nhất 09 bộ sản phẩm thủ công mĩ nghệ cung cấp cho khách hàng, sau khi trừ hết chi phí, lãi thu được khoảng từ 25 triệu đồng trở lên”.
Nguồn vốn vay từ NHCSXH cũng đã giúp gia đình ông Vừ Tồng Pó, dân tộc H’Mông, ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có được việc làm và phát triển kinh tế bền vững. Ông Vừ Tồng Pó tâm sự: “Gia đình tôi được NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho vay 100 triệu đồng giúp tôi đầu tư mua và nuôi trâu sinh sản, nuôi gà đen. Đến nay, tôi đã phát triển được 20 con bò, 1.500 con gà đen. Hằng ngày, tôi còn đi làm thêm để có tiền đóng lãi cho ngân hàng đúng quy định, có chi phí để trang trải cuộc sống gia đình và còn gửi tiết kiệm hằng tháng tại NHCSXH”.
Bà Lâm Thị Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An hiện đang quản lí 09 tổ tiết kiệm và vay vốn với 400 hội viên, dư nợ của Hội Nông dân xã Tà Cạ đạt trên 18 tỉ đồng. Hội viên Hội Nông dân xã Tà Cạ rất phấn khởi với chủ trương của Đảng, Nhà nước cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Đối với chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 28/2022/NĐ-CP, Hội phối hợp với các hội đoàn thể để chuyển giao khoa học kĩ thuật, đáp ứng yêu cầu đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay.
Luôn đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Luôn đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Vi Văn Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cho biết: Qua thực hiện Nghị quyết số 28/2022/NĐ-CP triển khai vốn tín dụng Chương trình mục tiêu quốc gia đối với xã đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn, xã Tri Lễ đã phối hợp với NHCSXH huyện Quế Phong và các hội đoàn thể rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn. Qua rà soát đối tượng và triển khai cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay đã cho vay được 57 hộ, với tổng dư nợ 2.280 triệu đồng. Nguồn vốn đã phát huy hiệu quả giúp nhiều gia đình khó khăn làm và sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống, ngoài ra nguồn vốn giúp nhiều hộ chuyển đổi nghề bền vững.
Trong quá trình thực hiện, đối với xã đặc biệt khó khăn có tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nguồn vốn chưa đáp ứng so với nhu cầu của hộ vay, do đó, trong quá trình sử dụng vốn vay, các mô hình sản xuất, kinh doanh của hộ dân có tính bền vững và mang lại hiệu quả cao không nhiều. Hiện tại, giá cây, con giống rất cao, trong khi hộ dân chỉ vay tối đa được 100 triệu đồng. Vì vậy, để hộ vay có đủ nguồn vốn phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, NHCSXH cần xem xét nâng mức cho vay.
Từ nguồn vốn vay NHCSXH, người dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
nuôi gà đen để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết: Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, việc giải ngân cho nhóm đối tượng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị và trồng cây dược liệu quý chưa thực hiện được, do địa phương chưa hoàn thành rà soát và phê duyệt đối tượng được vay, vì vậy, NHCSXH chưa đủ cơ sở để giải ngân vốn. Năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Nghệ An đã thực hiện giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn 129.566 hộ dân với số tiền trên 5.637 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân chương trình theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP cho 2.515 hộ dân với số tiền hơn 127 tỉ đồng, bao gồm cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu chuyển đổi nghề số tiền là 65 tỉ đồng với 950 hộ vay. Tuy còn những khó khăn, nhưng để chương trình cho vay này hiệu quả bền vững, hiện nay, NHCSXH chi nhánh tỉnh Nghệ An phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân trong vùng nhận biết một cách đầy đủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Lựa chọn, tìm kiếm những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có thể nhân rộng cho người dân học hỏi để thực hiện theo, đồng thời, tích cực vận động người dân khi sản xuất, kinh doanh phải áp dụng theo các quy trình kĩ thuật của ngành chức năng hướng dẫn, đảm bảo hàng hóa được tạo ra an toàn…
Thời gian tới, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát quyết định phê duyệt danh sách các đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn để làm cơ sở cho vay. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay đúng quy định, đảm bảo vốn vay được chuyển đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Mai Hương (Hà Nội)