Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Qua đó, từng bước nâng cao vai trò, vị trí của người nông dân trên nhiều phương diện.
Chuyển đổi cơ cấu nâng cao giá trị sản xuất
Ngày 14/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 152/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang”. Với quan điểm nông nghiệp là nền tảng, là “lõi kinh tế” của tỉnh, An Giang định hướng phát triển nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy khát vọng vươn lên làm giàu từ chính nội lực của nông dân, giải quyết được việc làm đối với lao động nông thôn, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển và tăng trưởng. Về lâu dài, An Giang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tuần hoàn, cảnh quan và có trách nhiệm trong mối liên kết chặt chẽ với các cụm ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ phụ trợ, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Nông dân được xác định là chủ thể quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ là yếu tố then chốt để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kĩ thuật, công nghệ, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số nông nghiệp; hình thành văn hóa sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và lối sống xanh.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, An Giang duy trì tăng trưởng bình quân nông nghiệp ổn định 2,8%/năm (giá so sánh với năm 2010) thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm (trồng trọt tăng bình quân 1,9%/năm, chăn nuôi tăng 3 - 4%, thủy sản tăng 5,9%, lâm nghiệp tăng 0,2%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2025 chiếm 26% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
.JPG)
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đang từng bước được cơ giới hóa
An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập tăng gấp 1,5 lần (bình quân 64,5 triệu đồng/người/năm); giá trị sản phẩm đạt 242 triệu đồng/ha; phát triển vùng sản xuất chuyên canh, tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái đạt 10.217 ha; vùng chuyên canh rau màu, rau màu công nghệ cao đạt 6.062 ha; vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao đạt khoảng 10.000 ha/năm; diện tích chuyên canh nuôi cá tra đạt khoảng 1.500 ha. Tỉ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết với doanh nghiệp từ 30% trở lên. Đến năm 2025, nông nghiệp An Giang cơ bản phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế (GAP, hữu cơ…), cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng chủ lực.
Định hướng đến năm 2030, An Giang duy trì tăng trưởng nông nghiệp ổn định, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. An Giang tiếp tục là một trong những tỉnh trọng điểm của cả nước về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trên cơ sở tăng tỉ trọng của các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tiếp tục phát triển tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, An Giang phấn đấu đưa thu nhập và đời sống của nông dân đạt mức trung bình cao tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
An Giang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn (đặc biệt là tiêu chuẩn hữu cơ), có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ lớn. Đến năm 2030, mục tiêu trở thành một trong những trung tâm về ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL.
Động lực tăng trưởng từ vốn vay ngân hàng
Hiện nay, trên địa bàn An Giang có 63 điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng (TCTD) (gồm 36 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), 01 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), 01 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã, 24 quỹ tín dụng nhân dân và 01 tổ chức tài chính vi mô, 14 chi nhánh ngân hàng cấp II, 140 phòng giao dịch, 157 điểm giao dịch và 22 điểm giới thiệu dịch vụ). Quy mô mạng lưới ngân hàng phát triển rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường trên toàn tỉnh An Giang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Dự tính đến ngày 31/3/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 63.546 tỉ đồng, tăng 0,79% so cuối năm 2022. Quy mô huy động vốn trên địa bàn đứng thứ 5/13 tỉnh khu vực ĐBSCL và đáp ứng trên 59% nhu cầu đầu tư tín dụng trên địa bàn.
Ước tính đến ngày 31/3/2023, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 106.350 tỉ đồng, tăng 4,19% so với cuối năm 2022. Quy mô dư nợ của tỉnh đứng thứ 4/13 tỉnh khu vực ĐBSCL. Đáng chú ý, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 63.772 tỉ đồng, chiếm 61,76% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Riêng Agribank Chi nhánh tỉnh An Giang có tổng dư nợ cho vay quy đổi là 15.654 tỉ đồng, tăng 0,70% so với đầu năm 2023 và đạt 98,68% chỉ tiêu kế hoạch quý I/2023. Trong đó, dư nợ cho vay theo ngành kinh tế: Nông, lâm nghiệp 5.913 tỉ đồng, tăng 3,25%, chiếm 37,78% tổng dư nợ; thủy sản 2.825 tỉ đồng, tăng 0,71%, chiếm 18,05% tổng dư nợ; sản xuất và chế biến 406 tỉ đồng, tăng 11,54%, chiếm 2,59% tổng dư nợ; xây dựng 90 tỉ đồng, giảm 14,29%, chiếm 0,57% tổng dư nợ; thương mại - dịch vụ 3.408 tỉ đồng, giảm 1,79%, chiếm 21,77% tổng dư nợ; các ngành khác (tiêu dùng, cầm cố...) 3.012 tỉ đồng, giảm 2,02%, chiếm 19,24% tổng dư nợ.
Về kết quả thực hiện các chương trình tín dụng trên địa bàn: Dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ về thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp đạt 212 tỉ đồng, doanh số cho vay từ đầu chương trình đạt 790 tỉ đồng; cho vay hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn gặp khó khăn do khách hàng chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ tài liệu về hỗ trợ lãi suất, một số khách hàng chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và còn e ngại khi kiểm tra, thanh tra hồ sơ hỗ trợ lãi suất.
Đáng chú ý, chương trình giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng số lãi giảm 5.864 triệu đồng; cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ đạt 11.564 tỉ đồng (tăng 213 tỉ đồng so với đầu năm 2023), chiếm 74,05% tổng dư nợ với 37.515 khách hàng; nợ xấu là 63,3 tỉ đồng, chiếm 0,55% tổng dư nợ; cho vay chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, dư nợ đạt 34,5 tỉ đồng, chiếm 0,22% tổng dư nợ, với 192 khách hàng; nợ xấu 0,5 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu là 1,45%; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, với doanh số cho vay lũy kế 905 triệu đồng, dư nợ 434 triệu đồng; cho vay theo chương trình nông thôn mới 89 xã, dư nợ đạt 5.753 tỉ đồng, chiếm 36,84% tổng dư nợ, với 20.563 khách hàng, tỉ lệ nợ xấu 0,42%.
Tổng dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết theo Quyết định số 5199/QĐ-NHNo-HSX ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đạt 578,1 tỉ đồng, tăng 17,9 tỉ đồng so với đầu năm 2023, với 643 tổ vay vốn, tỉ lệ nợ xấu 2,0%. Chương trình tín dụng tiêu dùng theo quy định với lũy kế cho vay là 653,8 tỉ đồng, dư nợ 19,1 tỉ đồng, với 8.820 khách hàng vay, tỉ lệ nợ xấu 1,57%. Kết quả hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19; cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 385 khách hàng với tổng dư nợ là 105,6 tỉ đồng.
Giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới
Để thực hiện các giải pháp tín dụng hỗ trợ động lực tăng trưởng kinh tế địa phương, Agribank Chi nhánh An Giang đã xác định thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, thực hiện việc tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lí trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh khoản theo quy định, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ, đáp ứng điều kiện theo quy định.
Hai là, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn vốn vay khi mở rộng tín dụng. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị liên kết.
Ba là, thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là khách hàng thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng và người có liên quan có dư nợ lớn, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Trong năm 2023, Agribank tiếp tục dành hơn 100.000 tỉ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, việc chăm lo an sinh xã hội được chú trọng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách ngày càng tăng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng, trình độ lao động được nâng lên. Dân cư nông thôn có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ, chính sách an sinh xã hội. Từ đó, người dân chủ động đóng góp sức người, sức của để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. An ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn được giữ vững, tạo tiền đề thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Nguyên Giáp (An Giang)