Ngày 18/11/2002, Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010 đã xác định việc xây dựng và phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á. Nội dung này được tái khẳng định tại Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện tại, TP.HCM vẫn chưa có tên trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính khu vực và quy mô còn rất nhỏ so với các trung tâm khác.
1. TẠI SAO PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH?
Một cộng đồng Fintech khởi nghiệp sôi động là điều cần thiết để xây dựng
và củng cố hệ thống các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Fintech - công nghệ tài chính - đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính bằng cách phá vỡ các dịch vụ và sản phẩm tài chính, theo cách mà các công nghệ số tương tự đã định hình lại các ngành công nghiệp khác như xuất bản, âm nhạc, du lịch và taxi. Đồng thời, các đổi mới Fintech cũng tạo ra sự dịch chuyển các công việc từ dịch vụ tài chính truyền thống sang lĩnh vực kỹ thuật số mới nhanh chóng và trở thành một nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời. Theo báo cáo GFH (2018), hiện tại, có 7 trung tâm Fintech quốc tế và 23 trung tâm Fintech khu vực. Trong đó, Trung Quốc có 4 trung tâm Fintech quốc tế và 6 trung tâm Fintech khu vực, nổi lên những thành phố mà trước đây không phải là trung tâm tài chính quốc tế như Nam Kinh.1 Ngoài ra, báo cáo này cũng xếp TP.HCM vào trong danh sách 25 trung tâm Fintech mới nổi (Emerging Fintech Hub) của thế giới. Chính vì thế, một vấn đề đặt ra là TP.HCM nên phát triển thành một trung tâm tài chính truyền thống hay trở thành một trung tâm Fintech (Fintech hub) của khu vực. Nội dung của bài viết này sẽ tập trung phân tích tiềm năng hình thành trung tâm Fintech của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Từ các kết quả phân tích này, các khuyến nghị chính sách sẽ được phác thảo.
2. TRUNG TÂM FINTECH: CÁC YẾU TỐ HÌNH THÀNH
Trung tâm Fintech là một tâm điểm của khu vực và quốc tế để phát triển trong ngành công nghiệp Fintech, là nơi có hệ sinh thái phát triển mạnh. Trung tâm Fintech được xây dựng dựa trên sự kết nối và tác động qua lại lẫn nhau giữa các công ty khởi nghiệp, các tổ chức tài chính có tên tuổi, các nhà cung cấp CNTT và công nghệ, các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần, các tổ chức nghiên cứu và giáo dục cũng như các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo ra một mối quan hệ không ngừng phát triển. Theo các nghiên cứu gần đây về các trung tâm Fintech hàng đầu toàn cầu cũng như các nghiên cứu tình huống quốc tế về các trung tâm Fintech thành công trên toàn cầu, có sáu yếu tố chính để trở thành trung tâm Fintech (KPMG, 2014; Nicholas Wesley-James và cộng sự, 2015 và Oxford Research, 2015):
(i) Cộng đồng khởi nghiệp Fintech sôi động: việc có nhiều sự kiện và hoạt động diễn ra sẽ tạo nền tảng cho việc thành lập và phát triển các công ty khởi nghiệp.
(ii) Các công ty lâu đời có danh tiếng năng động: các công ty Fintech lớn có danh tiếng đầu tư vào các sản phẩm đổi mới và nâng đỡ các Fintech tiềm năng - các công ty khởi nghiệp không thể tự mình xây dựng trung tâm Fintech.
(iii) Tiếp cận vốn rủi ro: Việc tiếp cận vốn rủi ro là rất quan trọng để tài trợ cho việc thành lập và phát triển của các công ty đổi mới sáng tạo.
(iv) Sự hỗ trợ chính trị và Cơ quan quản lý “thân thiện”: Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ khu vực Fintech và công bố các hỗ trợ công khai, và các cơ quan quản lý cũng cần thay đổi từ tư duy đối phó sang chủ động và hợp tác hơn.
(v) Tiếp cận lao động chất lượng cao: Fintech là một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn chuyên và điều này phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận lao động chuyên môn có trình độ cao.
(vi) Xây dựng thương hiệu trung tâm Fintech: Để thu hút lao động chất lượng cao quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, ... Việc xây dựng thương hiệu trung tâm Fintech là quan trọng.
Một số bài học kinh nghiệm về sự phát triển thành công trung tâm Fintech trên toàn cầu như sau (Oxford Research, 2015):
- Xây dựng một cơ sở dành riêng cho các công ty khởi nghiệp Fintech và cộng đồng. Level 39 tại London là một ví dụ về cách thức một trung tâm Fintech có thể thu hút cộng đồng khởi nghiệp Fintech với các công ty lâu đời có danh tiếng và nuôi dưỡng mối quan hệ này.
- Cam kết chính trị và hỗ trợ pháp lý cho lĩnh vực Fintech: Tại London, thị trưởng và một số nghị sĩ đã tích cực hỗ trợ và thúc đẩy Fintech ở phạm vi địa phương và toàn cầu. Cơ quan quản lý tài chính Anh (FCA) đưa ra dự án Đổi mới vào năm 2014 nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ các quy tắc và chính sách cụ thể đang hạn chế những hoạt động của họ. Trong khi đó, ở Singapore, Tập đoàn Fintech & Innovation (FTIG), đã được thành lập với mục đích cải thiện các quy định chính sách về công nghệ mới và đổi mới trong lĩnh vực tài chính.
- Sự tham gia tích cực của các công ty thành danh trong lĩnh vực Fintech. New York là một ví dụ điển hình, tại đây, có 5 chương trình xúc tiến khởi nghiệp trong Fintech được vận hành bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính tư nhân như như Barclays và MasterCard hoặc bởi một nhóm các ngân hàng (như Startupbootcamp Fintech và Fintech Innovation Lab). Các công ty này rất cởi mở với các đổi mới, sẵn sàng chỉ dẫn và cố vấn cho các công ty khởi nghiệp.
- Nguồn vốn hỗ trợ cho các khởi nghiệp Fintech. Tại Stockholm, Quỹ đầu tư mạo hiểm NFT được thành lập. Đó là Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Stockholm chỉ tập trung vào lĩnh vực Fintech. Ngân hàng Hapoalim đã tạo ra một nền tảng đầu tư mạo hiểm (Venture capital platform) tại Tel Aviv nhắm vào các công ty khởi nghiệp Fintech với mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới trong dịch vụ tài chính.
- Gia tăng sự tương tác và nhận biết giữa các công ty và nhà đầu tư trong hệ sinh thái. Tại Amsterdam, nền tảng số StartupDelta được phát triển nhằm cung cấp thông tin về toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp của Hà Lan, cung cấp cho các công ty khởi nghiệp về các nhà đầu tư tiềm năng và cung cấp hỗ trợ, thông tin tài chính và các quy định tài chính.
- Cuối cùng, các hội nghị Fintech cấp cao rất quan trọng để xây dựng thương hiệu và định vị một thành phố là một trung tâm quan trọng. Ví dụ, Singapore đã thành công trong việc thu hút cả Sibos, Innotribe, NextBank và Finovate vào năm 2015 và điều đó đã tạo ra dấu ấn trong việc xây dựng thương hiệu Singapore như một trung tâm Fintech.
3. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA FINTECH TẠI VIỆT NAM
3.1. Tổng quan về sự phát triển Fintech tại Việt Nam
Từ hơn 40 công ty Fintech vào cuối năm 2016, đến tháng 6 năm 2019, Việt Nam có khoảng 154 công ty hoạt động trong mảng Fintech trong các lĩnh vực khác nhau như: thanh toán, gọi vốn cộng đồng, blockchain, quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS/mPOS, quản lý dữ liệu, cho vay, so sánh thông tin… (Hoàng Công Gia Khánh và cộng sự, 2019). Trong đó, các công ty Fintech hoạt động trong mảng thanh toán và ví điện tử là 37 doanh nghiệp chiếm 24%. Kế đến là mảng cho vay (lending) chiếm 16% với 25 công ty. Xếp thứ ba là mảng chuỗi khối, tiền số và chuyển tiền (Blockchain, Crypto & Remittance) với 22 công ty, chiếm 14%. Trong số các công ty Fintech hoạt động ở Việt Nam, hiện nay, có khoảng 70% là các công ty khởi nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, có khá nhiều nhà đầu tư tham gia vào các công ty Fintech đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Đan Mạch, Pháp, Scotland và một số quốc gia lân cận như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Hầu hết các công ty Fintech có sự tham gia của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trải đều tất cả các lĩnh vực nhưng tập trung nhiều nhất ở các mảng: (i) Chuỗi khối, tiền số và chuyển tiền (12 nước ngoài, 10 trong nước); (ii) Phân tích và xếp hạng tín nhiệm (6 nước ngoài, 6 trong nước); (iii) Thanh toán và ví điện tử (8 nước ngoài, 29 trong nước). (Hình 1)
Trong tổng số 154 công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam thì có khoảng 60 công ty có trụ sở tại TP.HCM chiếm hơn 50% số lượng công ty Fintech so với cả nước. Những đại diện nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực Fintech phải kể đến là Momo (thanh toán), Abivin (quản lí chuỗi cung ứng) đều có trụ sở chính hoặc chi nhánh ở TP. HCM. Năm 2018, Momo là đại diện duy nhất của Việt Nam trong danh sách Fintech 100 bên cạnh các “kỳ lân công nghệ” như Ant Financial. JD Finance, Robinhood (Patwardhan và cộng sự, 2018). Momo được đánh giá là Fintech đổi mới theo định hướng tài chính toàn diện mang đến cho khách hàng, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội giá trị đột phá. Abivin - cung cấp phần mềm quản lí chuỗi cung ứng, tuy là một công ty khởi nghiệp còn khá mới trên thị trường Fintech nhưng Abivin là đại diện đầu tiên của Việt Nam đạt được vị trí quán quân tại Startup World 2019 vượt qua các đại diện từ những cường quốc về công nghệ như Trung Quốc, Singapore, Mỹ.
Bên cạnh các công ty Fintech, Việt Nam cũng đã có các công ty phát triển công nghệ lâu đời trong nước như VNPT, Viettel, FPT, VNG và quốc tế như Grab, Intel, Samsung. Các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính như ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, trong đó các ngân hàng đều đã có sự hợp tác với các công ty Fintech khác như Vietcombank liên kết với 30 công ty; Vietinbank, MB: 26 công ty; VIB, Sacombank và VPbank: 25 công ty.
Ngoài ra, thị trường fintech tại TP.HCM cũng đã thu hút được một số tổ chức đầu tư mạo hiểm như IDG, Mekong Capital, Standard Charterd, Goldman Sachs… đổ vốn vào các doanh nghiệp fintech.
3.2. Điểm mạnh và điểm yếu của hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam
Các công ty lâu đời có danh tiếng, các công ty khởi nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm và giới nghiên cứu là bộ phận cần thiết trong việc hình thành một hệ sinh thái Fintech mạnh mẽ và sôi động. Sự hợp tác giữa các bên là rất quan trọng để phát triển Fintech tại Việt Nam, tạo ra nhiều sự đổi mới, thúc đẩy khởi nghiệp mới và thu hút đầu tư và lao động trình độ cao.
Từ sáu yếu tố hình thành trung tâm Fintech đã trình bày ở trên, nội dung của phần này sẽ trình bày các điểm mạnh và yếu của hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam. Bảng 1, trình bày tóm tắt các điểm mạnh và điểm yếu theo 6 yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành trung tâm Fintech.
4. CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH CHO VIỆC PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH TẠI VIỆT NAM
Các phân tích ở trên cho thấy, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có một số tiềm năng để trở thành một trung tâm công nghệ tài chính. Từ các phân tích này, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị chính sách để phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
4.1. Cộng đồng khởi nghiệp Fintech sôi động
Một cộng đồng Fintech khởi nghiệp sôi động là điều cần thiết để xây dựng và củng cố hệ thống các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam.
Thiết lập ngôi nhà chung cho cộng đồng Fintech và khởi nghiệp
Cộng đồng Fintech cần một trung tâm, không gian làm việc chung, nơi các công ty khởi nghiệp có thể làm việc, nơi diễn ra các sự kiện liên quan đến Fintech và nơi các nhà đầu tư và các công ty đã thành danh có thể đến và tham gia với các công ty khởi nghiệp. Mô hình trên được chứng minh ở những nơi như blk71 ở Singapore, B. ở Amsterdam cũng như Level-39 ở London. Tác động của một ngôi nhà chung như vậy là cộng đồng sẽ cùng nhau thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và tạo ra mạng lưới kết nối chất lượng. Hiện tại, TP.HCM cũng có một vài địa điểm có thể cân nhắc cho việc xây dựng ngôi nhà chung này như khu công nghệ cao tại quận 9 hoặc khu đô thị Thủ Thiêm - quận 2.
Điều quan trọng là không nên giao không gian làm việc chung này cho những bên muốn tối đa hóa doanh thu cho thuê của mình, mà thay vào đó là một bên muốn tối đa hóa giá trị cho cộng đồng Fintech.
Đảm bảo các chương trình, kế hoạch hỗ trợ liên tục cho các công ty khởi nghiệp mới
Mặc dù Việt Nam cũng đã có các chương trình hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp như Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” (Đề án 844) nhưng cần mở rộng và có chương trình tập trung cho lĩnh vực công nghệ tài chính.
Các công cụ hữu hiệu cho việc thực hiện này là việc tổ chức các hackathon và các sự kiện gặp gỡ, nơi mọi người tụ họp và chia sẻ ý tưởng và thông tin. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, càng nhiều sự kiện, càng tốt để thúc đẩy các hành động.
Tại Việt Nam, một số công ty lớn cũng đã có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, do đó, điều quan trọng là tìm nguồn tài trợ từ những công ty này và/hoặc các nguồn công khai, đây chính là những người có tầm nhìn dài hạn và có thể nhìn thấy giá trị chiến lược cho chính họ cũng như toàn bộ cộng đồng Fintech.
Tạo điều kiện để các công ty khởi nghiệp tiếp xúc với các cá nhân/doanh nghiệp thành công trong khởi nghiệp (mentor)
Một thành phần quan trọng trong giai đoạn khởi nghiệp là sự hỗ trợ của các cố vấn, đây là các doanh nhân thành đạt, các chuyên gia trong ngành. Do đó, xây dựng một nhóm các cố vấn chất lượng, những người sẵn sàng hỗ trợ các công ty mới khởi nghiệp với kinh nghiệm và mối quan hệ của họ. Kinh nghiệm quốc tế cho việc này là cần tìm các cố vấn sẵn sàng hỗ trợ cho cộng đồng miễn phí.
4.2. Sự tham gia của các công ty lớn
Tham gia với các công ty khởi nghiệp và hỗ trợ hệ sinh thái
Các công ty lớn đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện và củng cố hệ sinh thái Fintech. Các công ty khởi nghiệp có thể nhanh hơn và đổi mới hơn so với những công ty đã thành danh. Tuy nhiên, những công ty lớn có khả năng tạo ra những thay đổi lớn thường tạo ra nhiều việc làm và có ảnh hưởng hơn so với các công ty khởi nghiệp. London là một ví dụ điển hình về việc hàng chục ngân hàng và các tổ chức tài chính đầu tư hàng chục triệu euro xây dựng hệ sinh thái mỗi năm, và tác động này là rất rõ ràng.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đang hợp tác với các công ty Fintech (Hoàng Công Gia Khánh và công sự, 2019), sự hợp tác này sẽ tạo thêm giá trị cho các sản phẩm và dịch vụ hiện tại của ngân hàng như cũng như sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công ty Fintech. Trong tương lai, các doanh nghiệp này nên chủ động trong việc tìm cách tiếp tục sự hợp tác này theo chiều ngang với nhau và theo chiều dọc với các công ty khởi nghiệp và các công ty đang mở rộng quy mô.
Đầu tư phát triển sáng kiến đổi mới nội bộ
Đầu tư cho các sáng kiến đổi mới nội bộ là một yếu tố cho sự thành công của trung tâm Fintech. Tại Việt Nam, các ngân hàng cũng đã có các chương trình đầu tư phát triển sáng kiến đổi mới nội bộ như ACB với chương trình ACB Win. Tuy nhiên, một điều tra trong năm 2018 của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia về hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp cho thấy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn hạn chế.4 Chính vì thế, trong tương lai, tăng cường đổi mới nội bộ và tận dụng tài sản như nhân viên, thương hiệu, dữ liệu và công nghệ của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng Fintech.
Thiết lập mối quan hệ có cấu trúc với các trường ĐH và các Viện nghiên cứu trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học.
4.3. Tiếp cận vốn rủi ro
Tiếp cận nguồn tài trợ là một trong những thành phần quan trọng nhất của hệ sinh thái Fintech thịnh vượng, vì các công ty khởi nghiệp cần vốn rủi ro để tồn tại, phát triển và tăng trưởng. Các nguồn tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đã có (đầu tư mạo hiểm, vốn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia), tuy nhiên, vẫn cần phải cải thiện như hoàn thiện luật pháp về đầu tư mạo hiểm để biến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng thành một nơi hấp dẫn cho các nhà đầu tư và khởi nghiệp Fintech. Nếu thu hút được vốn đầu tư cho Fintech từ các định chế tài chính quốc tế lớn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.
Vốn đầu tư thiên thần tại Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Chính vì vậy, một chính sách khuyến khích đầu tư như các khoản tín dụng thuế hoặc miễn giảm thuế thu nhập cho các khoản đầu tư vào các Fintech khởi nghiệp sẽ thu hút nguồn vốn này hơn.
Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp như Đề án 844 cũng cần được xem xét đánh giá hiệu quả. Hoặc các nguồn vốn này có thể chuyển thành các ưu đãi thuế như đề xuất ở trên cho các nhà đầu tư và từ đó tiến tới một cơ chế mà thị trường (các nhà đầu tư) quyết định tiền sẽ đầu tư vào đâu bằng cách tự thuê vốn, thay vì thuê người phân bổ tiền.
Ngoài ra, Chính phủ có thể xem xét thiết lập một cơ chế quỹ đồng đầu tư 1:1 (Đầu tư của Chính phủ và đầu tư của tư nhân) nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ tài chính - tương tự như kinh nghiệm của Singapore.
4.4. Sự hỗ trợ chính trị và Cơ quan quản lý “thân thiện”
Singapore và London đã chứng minh cho thấy cam kết chính trị và một cơ quan quản lý thân thiện có thể mang lại cho thành phố hoặc quốc gia một lợi thế cạnh tranh và giúp thu hút nhân lực trình độ cao và thúc đẩy sự đổi mới.
Các hỗ trợ chính trị
Thứ nhất, chính quyền TP.HCM nên xác định định hướng phát triển TP.HCM là sẽ trở thành một trung tâm Fintech.
Lãnh đạo TP.HCM nên tham gia vào các sự kiện Fintech địa phương, khu vực và toàn cầu, tương tự như những gì mà cựu thị trưởng London - Boris Johnson đã làm.
Khu vực công không nên điều hành các hoạt động trong hệ sinh thái - mà nên để tư nhân điều hành để tránh các hoạt động này trở thành một chương trình nghị sự chính trị. Tương tự, nên có sự kết hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong việc đóng góp kinh phí cho các dự án phát triển hệ sinh thái được tài trợ bởi các chủ thể tư nhân để giúp kích thích các hoạt động phát triển hệ sinh thái, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM.
Cơ quan quản lý thân thiện
Để tạo điều kiện tốt nhất hoạt động đổi mới sáng tạo, các cơ quan quản lý nhà nước nên thay đổi tư duy từ người quản lý các quy định sang chủ động làm việc với các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo để giúp điều hướng trong quy định hiện hành, nhưng cũng sẵn sàng đối thoại và xem xét các quy định hiện tại cần được điều chỉnh như thế nào để phù hợp với các mô hình kinh doanh và công nghệ đổi mới trong tương lai.
4.5. Tiếp cận lao động chất lượng cao
Nâng cao trình độ lao động hiện có của các công ty lớn trong hệ sinh thái
Các công ty cần nâng cao trình độ của đội ngũ nhân viên hiện có hoặc thu hút các nhân sự với các kỹ năng khác nhau để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Hơn nữa, việc nâng cao năng lực hoặc thu hút lao động trình độ cao mới là rất quan trọng đối với những công ty này để có thể đổi mới và phát triển các giải pháp Fintech mới. Một sự phối hợp giữa giữa các bên liên quan như các doanh nghiệp trong ngành với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu có thể là một giải pháp cho vấn đề này.
Thu hút lao động trình độ cao quốc tế
Hiện nay, hệ sinh thái Fintech đang hoạt động ở quy mô toàn cầu. Nếu TP.HCM có tham vọng trở thành một trung tâm khu vực thực sự, thì thành phố cần thu hút lao động trình độ cao từ nước ngoài, những người vừa có thể mang đến những kỹ năng mới và quan trọng mà còn cả những ý tưởng mới, sự đa dạng và quan trọng cho sự phát triển thành trung tâm Fintech của thành phố.
Khuyến khích hoạt động khởi nghiệp của sinh viên
Tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên Việt Nam những năm gần đây đang tăng lên. Đặc biệt, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ký ngày 30/10/2017 đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp tại các trường đại học. Tuy nhiên, so với các quốc gia, Việt Nam vẫn còn tương đối ít người trẻ quyết định thành lập doanh nghiệp của riêng mình hoặc làm các công việc liên quan đến đổi mới sáng tạo trong các công ty lớn. Các trường đại học có thể giúp khắc phục điều này bằng cách tổ chức các hackathon để sinh viên có cơ hội được trải nghiệm thực tế với sự đổi mới và cho phép sinh viên thử nghiệm trong môi trường không có rủi ro.
4.6. Xây dựng thương hiệu trung tâm Fintech
Phối hợp, truyền thông và quảng bá là những yếu tố quan trọng để thu hút, củng cố và giới thiệu TP.HCM là trung tâm Fintech.
Xây dựng một trang web để quảng bá TP.HCM như một trung tâm Fintech tại địa phương, khu vực và toàn cầu. Trang web sẽ đóng vai trò là cửa ngõ cho những ai quan tâm đến Fintech tại TP.HCM. Trang web sẽ bao gồm các thông tin: (1) Hệ sinh thái Fintech của thành phố; (2) Các thông tin về các trường hợp khởi nghiệp thành công; (3) Lịch trình các hoạt động, sự kiện; (3) Tin tức; (4) Các nghiên cứu; (5) Địa điểm gặp gỡ của những người lần đầu tiên khởi nghiệp. Ngoài ra, các trang mạng xã hội cũng nên được sử dụng cho các hoạt động quảng bá.
Tổ chức các hội nghị hàng đầu về Fintech tại TP.HCM để xây dựng thương hiệu trung tâm Fintech của thành phố. Để làm điều này, TP.HCM nên đặt ra mục tiêu tổ chức ít nhất 1 sự kiện này trong năm. Đây là một phương thức hiệu quả để thu hút cộng đồng Fitech toàn cầu.
4.7. Các khuyến nghị khác
Trong điều kiện lý tưởng, tất cả hoặc hầu hết các khuyến nghị được đề xuất trên sẽ được thực hiện trong vòng 3 - 5 năm tới. Tuy nhiên, để thực hiện các khuyến nghị này thì cần:
- Có sự phối hợp thực hiện của tất cả các bên như Chính phủ, Chính quyền TP.HCM, các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng, các khởi nghiệp công nghệ tài chính, các trường đại học và các nhà đầu tư.
- Thành lập tổ thực hiện dự án xây dựng trung tâm công nghệ tài chính, đây là một tổ làm việc toàn thời gian và có kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ sinh thái. Chính vì thế, việc thuê một tổ chức tài chính quốc tế có thể sẽ cần thiết và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để có kế hoạch hành động cụ thể.
- Huy động kinh phí cho dự án xây dựng trung tâm công nghệ tài chính. Theo kinh nghiệm quốc tế, ngân sách cho dự án xây dựng trung tâm công nghệ tài chính cần đảm kéo dài ít nhất trong 3 năm và kinh phí dự kiến từ 1 - 2 triệu Euro/năm tùy thuộc quy mô của dự án (Oxford Research, 2015). (Bảng 2)
---------------
[1] Tháng 9/2019 vừa qua, Nam Kinh lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng trung tâm tài chính quốc tế https://www.longfinance.net/media/documents/GFCI_26_Report_2019.09.19_v1.2_O3YMNF0.pdf
[2] https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/xu-huong/nha-dau-tu-thien-than-chua-man-ma-voi-startup-viet-3613955.html
[3] Global Fintech Hub Report (2018)
[4] http://cafef.vn/doi-moi-sang-tao-nhin
-tu-cuoc-dieu-tra-thi-diem-dau-tien-tai-viet-nam-20190405143631039.chn
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Hoàng Công Gia Khánh và cộng sự (2019). Ngân hàng số: từ đổi mới đến cách mạng. Nhà xuất bản ĐHQG HCM.
Global Fintech Hub Report (2018). The future of finance is emerging: new hubs, new landscapes. https://www.jbs.cam.ac.uk/fileadmin/user_upload/research/centres/alternative-finance/downloads/2018-ccaf-global-Fintech-hub-report-eng.pdf
KPMG (2014). Unlocking the potential: The Fintech Opportunity for Sydney. https://assets.kpmg/content/dam/kpmg/pdf/2014/10/Fintech-opportunity-sydney-oct-2014-full-report.pdf
Nicholas Wesley-James, Ingram. C, Källstrand. C, Teigland. R. (2015). Stockholm Fintech: An overview of the Fintech sector in the greater Stockholm Region. Stockholm School of Economics. https://www.hhs.se/contentassets/b5823453b8fe4290828fcc81189b6561/stockholm-Fintech---june-2015.pdf
Oxford Research (2015). Study and recommendations for making Copenhagen a Nordic Fintech hub. CPH Fintech Hub - Full report. https://oxfordresearch.dk/wp-content/uploads/2016/12/Copenhagen-as-a-Nordic-Fintech-Hub-full-report_2015.pdf
Patwardhan. A., Schmitz. K., Singleton. K. (2018). Financial Inclusion in the Digital Age. International Finance
Corporation (IFC).
PGS., TS. Hoàng Công Gia Khánh
TS. Trần Hùng Sơn
ThS. Huỳnh Thị Ngọc Lý
Theo TCNH số 23/2019