Thách thức và giải pháp tài chính trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
Tóm tắt: Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động lớn đến đời sống và kinh tế toàn cầu, nông nghiệp tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trên hai khía cạnh thích ứng với môi trường và tác động tiêu cực đến môi trường. Tại Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt, với tốc độ tăng trưởng ổn định và nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, tích tụ đất đai và thị trường tiêu thụ. Để giải quyết những vấn đề này, cần có các giải pháp đồng bộ và tiếp cận đa ngành, đặc biệt là các biện pháp tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh và thân thiện với môi trường đến năm 2050.
Từ khóa: Thách thức, giải pháp tài chính, nông nghiệp bền vững.
CHALLENGES AND FINANCIAL SOLUTIONS
FOR SUSTAINABLE AGRICULTURAL DEVELOPMENT IN VIETNAM
Abstract: Climate change is having widespread impacts on global life and economies. Agriculture, which both adapts to and negatively affects the environment, plays a significant role in socio-economic development. In Vietnam, agriculture holds a vital position, with stable growth rates and ongoing efforts towards sustainable development, reducing greenhouse gas emissions, and protecting the environment. However, Vietnam’s agricultural sector faces numerous challenges, including climate change, limited financial resources, labor shortages, difficulties in land consolidation, and restricted market access. To address these challenges, comprehensive solutions and multi-sectoral approaches are necessary, particularly financial measures, to promote sustainable agricultural development. The goal is to achieve a green and environmentally friendly agriculture by 2050.
Keywords: Challenges, financial solutions, sustainable agriculture.
1. Đặt vấn đề
Nông nghiệp đã đóng vai trò thiết yếu trong nền văn minh nhân loại suốt hàng thiên niên kỷ, không chỉ định hình văn hóa mà còn thúc đẩy sự gia tăng dân số toàn cầu (Lei Lei và cộng sự, 2023). Được hình thành từ các khu vực như Trung Mỹ, Bắc Trung Quốc và châu Phi, ngành nông nghiệp đã trở thành một động lực quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn cầu (Balkrishna và cộng sự, 2021). Trong suốt hai thế kỷ qua, nông nghiệp đã không ngừng đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của dân số toàn cầu, đồng thời giảm giá thành sản phẩm và giải phóng lực lượng lao động cho các ngành kinh tế khác (Federico, 2010). Thành công đáng chú ý của nông nghiệp Trung Quốc từ năm 1978, với việc gần như tăng gấp đôi sản lượng ngũ cốc để nuôi sống 20% dân số thế giới dù tài nguyên hạn chế, minh chứng cho tiềm năng to lớn của ngành này (Christiaensen, 2012). Câu chuyện thành công của ngành nông nghiệp toàn cầu không thể không nhắc đến những tiến bộ công nghệ, cải cách chính sách và thay đổi cấu trúc quan trọng (Devlet, 2020). Sự phát triển này đã được đánh dấu bởi các sự kiện quan trọng như sự gia tăng của các hệ thống thủy lợi, các cuộc cách mạng nông nghiệp thời cổ đại và thời trung cổ, cùng với cơ giới hóa và đổi mới hóa học trong thời hiện đại (Mazoyer và Roudart, 2006).
Dù trong kỷ nguyên hiện đại, nông nghiệp vẫn giữ vai trò là một trụ cột không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự khan hiếm tài nguyên (Lei Lei và cộng sự, 2023). Ngành nông nghiệp toàn cầu vẫn đang tìm kiếm các phương pháp tiếp cận sáng tạo và liên ngành để giải quyết các thách thức cấp bách (Lei Lei và cộng sự, 2023). Tại Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống của người dân. Nông nghiệp luôn là bệ đỡ của nền kinh tế (GSO, 2023). Phát triển nông nghiệp là cốt lõi để đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội, với tỉ lệ tăng trưởng ở mức 2,5% đến 3,5% mỗi năm trong suốt 30 năm qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực (WB, 2024).
Hiện nay, Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu phát triển theo hướng xanh hơn, bao trùm hơn. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27), Việt Nam cam kết giảm 30% lượng khí thải metan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam đã phê duyệt đề án “Một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” tại COP28. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, các quy trình tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn như VietGAP, Organic cũng được Việt Nam chú trọng. Các nghiên cứu gần đây đã kiểm tra việc thực hiện thực hành nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Thực trạng thực hành nông nghiệp bền vững ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, với việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP trong canh tác lúa và cây ăn quả, cùng với việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu sử dụng nguyên liệu thô và chất thải (Nguyễn Thị Hương, 2023). Đối với nông dân trồng cây ăn quả ở Đông Nam Bộ, việc tham gia vào thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đã mang lại hiệu quả kinh tế tích cực (Đào Quyết Thắng, 2023).
Bên cạnh những kết quả tác động tích cực đối với xã hội và môi trường, thực tế hiện nay, việc áp dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn… gặp nhiều khó khăn. Quy mô, tỉ lệ áp dụng không như kì vọng, việc tham gia rồi từ bỏ không tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn là hiện tượng khá phổ biến (Nguyễn Như Trang, 2020; Chu Hoàng Long, 2024). Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích các hộ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến và tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuy nhiên kết quả còn nhiều hạn chế.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030: “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỉ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha”; tầm nhìn đến năm 2050: “Phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị” theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải có những giải pháp trực diện và hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông các vấn đề tắc nghẽn để phát triển nông nghiệp bền vững.
2. Thực trạng khó khăn, thách thức đối với nông nghiệp của Việt Nam
2.1. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Sự gia tăng của mực nước biển và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán đang gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp (Trần Đức Viên, 2023). Nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, với dự báo khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước - sẽ mất từ 500.000 đến 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2050 do nước biển dâng, gây thiệt hại hằng năm lên tới 3% GDP (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2024).
2.2. Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và quy mô vốn
Để triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy trình sản xuất an toàn, vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp và các hộ nông dân gặp phải đầu tiên là vấn đề về vốn sản xuất. Phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động… để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cần khoảng 140 - 150 tỉ đồng (gấp 4 - 5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỉ đồng đến 15 tỉ đồng (Phan Thị Huê, 2023).
Thực tế ở nước ta hiện nay, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển. Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu, hiệu quả đầu tư lại không cao. Năm 2023, cả nước có 16.100 doanh nghiệp nông nghiệp, đa số có quy mô nhỏ và vừa (Agroinfo, 2024), điều này hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay đối với các doanh nghiệp bởi khả năng thế chấp tài sản hoặc vay tín chấp.
Ở góc độ hộ nông dân, lượng vốn tiết kiệm để đầu tư tái sản xuất thấp, cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay cũng ít do thiếu tài sản bảo đảm từ đó tạo ra 1 vòng lặp: Thiếu vốn - đầu tư quy mô sản xuất nhỏ, manh mún - hiệu quả kinh tế thấp - tiếp tục thiếu vốn.
2.3. Hạn chế về nguồn nhân lực
Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn còn yếu và thiếu, nhất là thiếu chuyên gia, đội ngũ có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao; ngoài ra tỉ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn lớn.
Chất lượng nguồn nhân lực được xem là rào cản và thách thức lớn đến mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh và nông thôn hiện đại mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã quán triệt (Vân Nhi, 2023).
2.4. Khó khăn do tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập
Một khó khăn lớn mà hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa gặp phải đó là quy mô diện tích đất để áp dụng các mô hình, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại. Hộ nông dân là thành phần kinh tế quan trọng, chiếm ưu thế trong thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta (chiếm 99,84% tổng số đơn vị sản xuất nông nghiệp). Tuy nhiên, các hộ nông dân đa phần là có diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún (tỉ lệ hộ có diện tích dưới 0,5 ha chiếm hơn 65% số hộ) (Phan Thị Huê, 2023).
Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có diện tích đất quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm. Vấn đề sử dụng đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, mở rộng giao thông khiến cho tình trạng manh mún, nhỏ lẻ của đất đai càng trở nên nghiêm trọng. Chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Với quy mô nhỏ, việc đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả kinh tế không đáng kể, nông hộ không có động lực để đầu tư.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Điều này sẽ là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các khu vực có hạ tầng nông thôn kém phát triển.
2.5. Khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm
Hiện nay ở nước ta, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn, công nghệ cao... chưa có sức mạnh thị trường, giá bán đầu ra chưa có sự khác biệt đủ lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo phương pháp truyền thống, trong khi chi phí đầu tư sản xuất lớn. Hiệu quả kinh tế chưa cao khiến người nông dân không mặn mà với các phương pháp sản xuất an toàn, hiện đại.
Ngoài ra, thị trường mà hộ nông dân hướng tới, đa phần mới dừng lại ở thị trường địa phương, nội địa là chủ yếu với những yêu cầu không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm. Do vậy, đối với hộ nông dân, có vẻ tín hiệu thị trường chưa đủ mạnh để buộc họ phải thay đổi phương thức sản xuất, chuyển sang các mô hình ứng dụng công nghệ cao.
2.6. Ít thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Nông nghiệp là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cả nước.
Doanh nghiệp được coi là nguồn lực chủ chốt, có điều kiện và tiềm năng lớn để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cả nước.
Dù số doanh nghiệp nông - lâm - thủy sản qua các năm tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng lại giảm về tỉ trọng (Phan Thị Huê, 2023). Năm 2023, ngành nông nghiệp đóng góp vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế ở mức 0,34 điểm phần trăm (GSO, 2023b). Điều này cho thấy, có quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vì vậy cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn ít hơn rất nhiều lần so với số lượng doanh nghiệp nông nghiệp.
3. Đề xuất giải pháp
Nông nghiệp thế giới đang trải qua những chuyển đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, với trọng tâm là công nghệ cao và phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, để đảm bảo sự phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam, cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó cần tiếp cận đặc biệt từ góc độ tài chính - một khó khăn cố hữu của nông nghiệp Việt Nam.
Một là, xây dựng Quỹ đầu tư xanh và tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu. (i) Thiết lập Quỹ đầu tư xanh: Tạo ra một quỹ đầu tư tập trung vào các dự án nông nghiệp bền vững, ưu tiên các sáng kiến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quỹ này có thể được huy động từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. (ii) Chính sách tín dụng ưu đãi: Áp dụng mức lãi suất thấp hơn cho các dự án nông nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Hỗ trợ các hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn với thời hạn vay dài hơn, giúp họ đầu tư vào công nghệ giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu.
Hai là, hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp và hộ nông dân. (i) Xây dựng các chương trình hỗ trợ tài chính trực tiếp: Cung cấp các khoản trợ cấp hoặc miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp và hộ nông dân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, xử lý môi trường và áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh. (ii) Hỗ trợ tín dụng không tài sản bảo đảm: Xây dựng các chính sách tín dụng cho phép các hộ nông dân vay vốn mà không cần tài sản bảo đảm, thông qua việc đánh giá tiềm năng và kế hoạch kinh doanh của họ.
Ba là, xây dựng cơ chế bảo hiểm nông nghiệp. (i) Phát triển chương trình bảo hiểm nông nghiệp: Thiết lập các chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho các hộ nông dân và doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu, sâu bệnh và thị trường. Nhà nước có thể hỗ trợ một phần phí bảo hiểm để khuyến khích tham gia. (ii) Bảo hiểm tín dụng: Cung cấp bảo hiểm tín dụng cho các khoản vay nông nghiệp, giúp các ngân hàng thương mại yên tâm cho vay, đồng thời bảo vệ nông dân khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Bốn là, thiết lập Quỹ đầu tư phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao. (i) Quỹ đào tạo và phát triển nhân lực: Thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo lao động nông nghiệp chất lượng cao, bao gồm việc cấp học bổng, hỗ trợ chi phí đào tạo và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu. Các chương trình đào tạo này nên tập trung vào các kỹ năng công nghệ cao, quản lý nông trại, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics nông nghiệp. (ii) Ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp đào tạo nhân lực: Cung cấp các ưu đãi tài chính, như giảm thuế hoặc trợ cấp, cho các doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động nông nghiệp. (iii) Tập trung đào tạo kỹ năng quản lý tài chính và đào tạo liên tục: Đào tạo nông dân về quản lý tài chính, lập kế hoạch đầu tư để họ thấy rõ hiệu quả kinh tế của việc áp dụng công nghệ. Hiểu rõ về lợi ích lâu dài sẽ giúp nông dân duy trì ứng dụng công nghệ. Tổ chức các chương trình đào tạo liên tục về kỹ thuật và công nghệ mới, giúp nông dân cập nhật kiến thức và tự tin áp dụng công nghệ mà không cần sự hỗ trợ liên tục từ nhà nước.
Năm là, hỗ trợ tài chính cho tích tụ đất đai và cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp: Hỗ trợ tài chính cho các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc mua bán, sáp nhập hoặc thuê dài hạn đất nông nghiệp nhằm tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, phù hợp cho việc áp dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Chính phủ nên tăng cường đầu tư vào hệ thống giao thông, thủy lợi và hạ tầng lưu thông hàng hóa, sử dụng các hình thức đối tác công tư (PPP) để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân.
Sáu là, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp. (i) Ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính: Cung cấp các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Áp dụng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế đất nông nghiệp hoặc giảm thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (ii) Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn: Thiết lập các quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác đầu tư và tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế.
Bảy là, hỗ trợ mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu nông sản. (i) Tài trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại: Cung cấp tài trợ và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xúc tiến thương mại, như tham gia hội chợ quốc tế, nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản; (ii) Quỹ hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị: Hỗ trợ tài chính cho các dự án liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và hộ nông dân tiếp cận thị trường trong và ngoài nước; (iii) Xây dựng thương hiệu và chất lượng: Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm và đảm bảo chất lượng để tiếp cận các thị trường tiêu thụ ổn định, có giá trị cao. Khi có đầu ra ổn định, nông dân sẽ có động lực duy trì sản xuất; (iv) Hợp đồng bao tiêu sản phẩm: Doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, cam kết thu mua sản phẩm với giá ổn định nếu sản xuất theo quy trình công nghệ cao. Điều này tạo động lực để nông dân tiếp tục áp dụng công nghệ; (v) Tiếp cận thị trường quốc tế: Hướng dẫn nông dân tham gia các chương trình chứng nhận sản phẩm (GAP, hữu cơ) để tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, nơi có nhu cầu cao về sản phẩm nông nghiệp chất lượng và công nghệ cao; (vi) Khuyến khích liên kết sản xuất: Thúc đẩy mô hình hợp tác xã và liên kết với các doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị bền vững. Các doanh nghiệp có thể cung cấp công nghệ, kỹ thuật và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân duy trì áp dụng công nghệ ngay cả khi hết hỗ trợ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Agroinfo (2024), Vị thế nông nghiệp Việt, agro.gov.vn
2. Balkrishna, A., Sharma, G., Sharma, N., Kumar, P., Mittal, R., & Parveen, R. (2021), Global Perspective of Agriculture Systems: From Ancient Times to the Modern Era, Sustainable Agriculture for Food Security, https://doi.org/10.1201/9781003242543-2
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), Hội thảo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường.
4. Christiaensen, L. (2012), The role of agriculture in a modernizing society: food, farms, and fields in China 2030, Sustainable Development - East Asia and Pacific, World Bank.
5. Chu Hoàng Long (2024), Tính kinh tế và cách tiếp cận thị trường nhằm thúc đẩy kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp, Hội thảo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
6. Devlet, A. (2020), Agriculture History and Policy, International Journal of Science Letters.
7. Đào Quyết Thắng (2023), Effects of participation in Good Agricultural Practice on overall economic efficiency of clean fruit producing households in the southeast area, Journal of Scientific Research and Development, Vol 2(1), pages 54-65.
8. GSO (2023), Thách thức phát triển nông nghiệp những tháng đầu năm. Available at: General Statistics Office of Vietnam (Accessed: 18 September 2024).
9. GSO (2023b), Thách thức phát triển nông nghiệp những tháng đầu năm. Available at: General Statistics Office of Vietnam (Accessed: 18 September 2024).
10. Lei, L., Zhu, Y.-G., & Zhang, Q. (2023), A new era in agriculture, Modern Agriculture, pages 1-3. Available at: Modern Agriculture - Wiley Online Library.
11. Mazoyer, M., & Roudart, L. (2006) A History of World Agriculture: From the Neolithic Age to the Current Crisis.
12. WB (2024), Tổng quan về Việt Nam. Available at: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview
13. Nguyễn Như Trang (2020), Quyết định lựa chọn sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ nông dân vùng Trung du miền núi phía Bắc, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
14. Nguyễn Thị Hương (2023), Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam - Thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí Điện tử Khoa học và Công nghệ Giao thông, doi: 10.58845/jstt.utt.2023.vn.3.2.47-52.
15. Phan Thị Huê (2024) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khó khăn và triển vọng, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, https://kinhtevadubao.vn/nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-o-viet-nam-kho-khan-va-trien-vong-28355.html
16. Trần Đức Viên (2023), Vietnam’s Agricultural Development: Issues and Solutions, Vietnam Integration, https://vietnamhoinhap.vn/vi/phat-trien-nong-nghiep-viet-nam–van-de-dat-ra-va-mot-so-giai-phap-45590.htm
17. Vân Nhi (2023), Nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0: thực trạng và giải pháp, https://iasvn.org/tin-tuc/Nguon-nhan-luc-cho-nong-nghiep-4.0-Thuc-trang-va-giai-phap-17878.html
18. Vũ Quyên (2022), Vốn FDI vào nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, https://baodautu.vn/von-fdi-vao-nong-nghiep-viet-nam-con-nhieu-han-che-d179794.html
TS. Nguyễn Như Trang (Khoa Quản lý đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội)
TS. Hoàng Mạnh Hùng (Đại học Kinh tế Quốc dân)
TS. Đặng Phi Trường (Khoa Quản lý - Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)