1. Giới thiệu
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến sẽ cần tới 30 tỉ USD. Đây là một thách thức không nhỏ đối với nguồn ngân sách nhà nước. Do vậy, những nguồn lực tài chính ngoài nhà nước, từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh hóa. Trong đó, nguồn tín dụng xanh là một trong những nguồn vốn đầy tiềm năng và hiệu quả phục vụ mục tiêu này.
Sự phát triển của tín dụng xanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và các yếu tố tác động đến sự phát triển của tín dụng xanh theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh của mỗi quốc gia, trong từng giai đoạn phát triển, sự phát triển của nền kinh tế và thị trường tài chính. Các nghiên cứu cho thấy, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của tín dụng xanh. Theo đó, các yếu tố phổ biến được nghiên cứu bao gồm các yếu tố vi mô như cấp bậc, quy mô, quyền sở hữu của tổ chức tài chính và các yếu tố vĩ mô như môi trường, xã hội, kinh tế vĩ mô dưới góc độ tài chính như nguồn vốn dài hạn cho ngân hàng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án xanh. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển của tín dụng xanh bao gồm: Chi phí giao dịch tại ngân hàng cao; khách hàng thiếu kiến thức, thông tin; sự tham gia chưa đầy đủ của các tổ chức quốc tế; giá trị còn lại của tài sản hiện có cần được thay thế; chi phí cao để tích hợp các nguồn năng lượng sạch vào hệ thống, rủi ro chính trị và các quy định; quyền sở hữu trí tuệ không rõ ràng; công cụ tài chính trong nước không phù hợp. Vì vậy, cần tăng cường các nghiên cứu về tín dụng xanh tại thị trường Việt Nam để góp phần làm tăng hiệu quả của việc bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
2. Cơ sở lí luận và tổng quan nghiên cứu
Theo Hoài Linh và cộng sự (2022), tín dụng xanh là hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM) với ba đặc điểm rõ rệt: Thứ nhất, tín dụng xanh được cấp cho các dự án sản xuất, kinh doanh không gây rủi ro về môi trường. Tuy nhiên, không phải dự án nào có yếu tố “xanh” sẽ được cấp tín dụng và mỗi ngân hàng cũng có những tiêu chí nhất định. Thứ hai, cho vay tín dụng xanh chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn huy động từ các thành phần khác nhau trong xã hội, không hoàn toàn từ vốn huy động của ngân hàng, nguồn vốn được sử dụng để cấp tín dụng xanh là vốn xanh. Thứ ba, hoạt động cấp tín dụng xanh của ngân hàng có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng. Vì vậy, để khuyến khích các nhà đầu tư, Chính phủ hỗ trợ thông qua các chính sách thuế và cam kết đầu ra ổn định cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án ưu tiên theo hướng bảo vệ môi trường, cam kết hỗ trợ vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi.
Nhìn chung, căn cứ theo nội dung thì các nhân tố (yếu tố) ảnh hưởng tới quyết định tài trợ tín dụng xanh của NHTM có thể được chia thành hai nhóm nhân tố:
Thứ nhất, nhóm nhân tố nội tại (Internal factors). Các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển tín dụng xanh trong nền kinh tế bao gồm chính sách tín dụng xanh của ngân hàng, quy trình cấp tín dụng xanh, phẩm chất, trình độ cán bộ ngân hàng và các nhân tố khác như kiểm soát nội bộ, tình hình huy động vốn của doanh nghiệp (Vũ Phương Chi, 2018; Barner và Han, 2013). Các yếu tố như thứ hạng, quy mô và tỉ lệ sở hữu của ngân hàng cũng là những yếu tố then chốt giúp ngân hàng có tầm nhìn và từ đó xây dựng kế hoạch triển khai phát triển tài chính xanh. Ngoài ra, xét về mục đích, các tổ chức trung gian tài chính quan tâm tới tín dụng xanh bởi mong muốn củng cố lợi ích về danh tiếng và uy tín cũng như các lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngân hàng có sự cạnh tranh gay gắt (Wright và Rwabizambuga, 2006).
Thứ hai, nhóm nhân tố bên ngoài (External factors). Các nhân tố này bao gồm nhân tố từ phía khách hàng (năng lực của khách hàng, khẩu vị tín dụng, sự hiểu biết và nhận thức về tín dụng xanh). Trong đó, đặc biệt tập trung đến thông tin về khách hàng doanh nghiệp, khả năng tiếp cận tín dụng và các dự án của doanh nghiệp có đang hướng tới mục tiêu phát triển xanh hay không (Shouyu Yao và cộng sự, 2021). Bên cạnh đó còn có nhân tố từ phía Nhà nước như môi trường kinh tế, môi trường pháp luật, chính sách thuế, chính sách kinh tế và bảo vệ môi trường của Chính phủ về phát triển tín dụng xanh (Vũ Phương Chi, 2018)
Để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định tài trợ tín dụng xanh cho bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, tác giả phát triển mô hình từ các lí thuyết gốc bao gồm TPB, mở rộng từ mô hình lí thuyết hành động hợp lí (TRA). Lí thuyết hành vi có kế hoạch bởi các quyết định đầu tư vào hoạt động tín dụng xanh nhằm tài trợ cho môi trường và biến đổi khí hậu đều từ phía các cá nhân, hình thành hành vi có kế hoạch là sự mở rộng của TRA, cũng giống như TRA, TPB cho rằng, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của con người là Ý định hành vi. Sự mở rộng của TPB khi nghiên cứu cho rằng Thái độ, Cảm nhận và Chuẩn chủ quan có ảnh hưởng đến Ý định hành vi (Ajzen, 1975).
3. Mô hình và các giả thuyết nghiên cứu
3.1. Các giả thuyết nghiên cứu đề xuất
Thái độ đối với hành vi của TRA được định nghĩa là đánh giá của một cá nhân về kết quả thu được từ việc thực hiện một hành vi cụ thể, ám chỉ mức độ đánh giá thuận lợi hay bất lợi về một hành vi của một cá nhân (Fishbein và Ajzen, 1975). Trong mô hình này, nhân tố Thái độ đối với hành vi được hiểu như thái độ của các tổ chức tín dụng dẫn tới hành vi quyết định tài trợ tín dụng xanh như thế nào.
H1: Thái độ đối với hành vi có ảnh hưởng thuận chiều đến ý định tài trợ tín dụng xanh.
Theo TRA của Fishbein và Ajzen (1975), Chuẩn chủ quan là một nhân tố có thể giải thích cho ý định hành vi. Chuẩn chủ quan là cảm nhận của các lãnh đạo ngân hàng và các tổ chức khác cung ứng tín dụng xanh đối với hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các định hướng của đơn vị chủ quản.
H2: Chuẩn chủ quan có tác động thuận chiều đến ý định tài trợ cho tín dụng xanh.
Nhân tố Cảm nhận kiểm soát được hiểu là khả năng kiểm soát khoản vay tín dụng xanh sau khi đã kí kết hợp đồng tại các tổ chức tín dụng. Sahoo và cộng sự (2008) và Agrawal (2014) đều có kết luận rằng, việc có khả năng kiểm soát dòng tín dụng giúp các tổ chức tín dụng, các ngân hàng sẵn sàng hơn trong việc cho vay, phát triển bền vững. Để kiểm soát được dòng tín dụng, thị trường cần hoạt động trong khuôn khổ các quy định phù hợp và ngân hàng là một trong những tổ chức có tác động lớn nhất tới nền kinh tế.
H3: Cảm nhận kiểm soát có tác động thuận chiều đến ý định tài trợ cho tín dụng xanh.
Cơ chế, chính sách của cơ quan quản lí, bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Chính phủ được hiểu là khung pháp lí và các quy định do Chính phủ ban hành nhằm khuyến khích, thúc đẩy thực hiện các hoạt động tín dụng xanh. Ahmad và cộng sự (2013) chỉ ra rằng, quy định của Ngân hàng Bangladesh đã thúc ép các NHTM Bangladesh phải thi hành chính sách ngân hàng xanh.
H4: Cơ chế chính sách có tác động thuận chiều đến ý định tài trợ cho tín dụng xanh.
Trách nhiệm xã hội là một nhân tố tác động trực tiếp tới ý định tài trợ tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng. Đi cùng với định hướng phát triển bền vững, yêu cầu hoạt động kinh tế phải chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, điều này đang ngày càng được chú ý bởi toàn xã hội. Một phần nguyên nhân khiến cho các tổ chức tín dụng mong muốn tài trợ tín dụng xanh, thể hiện trách nhiệm xã hội chính là vì “danh tiếng xanh” - một lợi thế không nhỏ trong quảng bá, truyền thông, xây dựng hình ảnh của các tổ chức tín dụng. Theo Coombs và Holladay (2006), danh tiếng tích cực có thể đóng vai trò là bảo hiểm để chống lại thiệt hại về mặt danh tiếng.
H5: Trách nhiệm xã hội có tác động thuận chiều đến ý định tài trợ cho tín dụng xanh.
Ý định tài trợ tín dụng xanh của các NHTM là động cơ để thực hiện hành động, ra quyết định về việc ngân hàng sẽ tài trợ các khoản tín dụng xanh hay không trong tương lai. Venkatesh và cộng sự (2012), Mahfuz và cộng sự (2016) cho thấy, các điều kiện thuận lợi có ảnh hưởng tích cực đến ý định hành vi, mà ở đây là ý định tài trợ cho tín dụng xanh. Ý định tài trợ tín dụng xanh sẽ thúc đẩy quyết định tài trợ tín dụng xanh. Dựa trên cơ sở đó, tác giả đưa ra giả thuyết:
H6: Ý định tài trợ tín dụng xanh ảnh hưởng thuận chiều đến quyết định tài trợ tín dụng xanh.
Từ giả thuyết đã tổng hợp, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu theo Hình 1.
Hình 1: Mô hình đề xuất
.JPG)
Trong thời gian khảo sát, tác giả nhận về được 200 quan sát. Đối tượng tham gia khảo sát là các cán bộ tín dụng, các nhân viên, quản lí tại các doanh nghiệp đang được tài trợ tín dụng xanh tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình (miền Bắc), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (miền Trung) và Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An (miền Nam). Tất cả các quan sát đều hợp lệ và đầy đủ thông tin, cơ cấu mẫu khảo sát đa dạng và đáng tin cậy, đủ điều kiện đại diện cho tổng thể.
Khảo sát các đối tượng trong bốn nhóm độ tuổi, trong đó nhóm độ tuổi từ 31 - 41 tuổi là lớn nhất chiếm 36%, các nhóm từ 41 - 50 tuổi, từ 22 - 30 tuổi và nhóm trên 50 tuổi chiếm lần lượt là 30%, 12% và 22%. Tỉ lệ người từ 31 - 41 tuổi chiếm tỉ lệ cao hơn có thể giải thích là do bảng hỏi nhắm đến đối tượng là cán bộ và nhân viên các ngân hàng.
Về chức vụ, có 34% người được hỏi là nhân viên các tổ chức tín dụng, trong khi 65% còn lại là quản lí. Nội dung phiếu khảo sát có nhiều câu hỏi liên quan tới cảm nhận của lãnh đạo ngân hàng. Điều này giải thích một phần cho sự chênh lệch về chức vụ trong mẫu quan sát.
Bên cạnh đó, khảo sát về đơn vị công tác có đến 20% người được hỏi đến từ các quỹ bảo vệ môi trường và 80% còn lại đến từ các NHTM.
3.2. Kiểm định độ tin cậy của thang đo
Các thước đo có hệ số Cronbach Alpha từ 0,6 trở lên được coi là chấp nhận được. Các thước đo có hệ số Cronbach Alpha từ 0,7 đến 0,8 là sử dụng được. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khi thước đo có độ tin cậy từ 0,8 trở lên đến gần 1 là thước đo tốt.
Kết quả phân tích nhân tố khám phá cho thấy các biến quan sát được chia thành bảy nhóm, các biến quan sát được phân chia rõ ràng theo cột và có giá trị > 0,6. Quá trình phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis - EFA) cho kết quả theo Bảng 1.
Bảng 1: Kết quả kiểm định EFA
Phép trích: Phân tích thành phần chính. Nguồn: Tác giả tổng hợp
Giá trị tổng phương sai trích = 1,854 > 1, chia nhóm nhân tố thành bảy nhóm nhân tố phân biệt với hệ số tích lũy = 66,790% > 50% đã đảm bảo tính tin cậy của dữ liệu. Giá trị tổng phương sai trích 66,790% > 50% là đạt yêu cầu; giá trị hệ số Eigenvalues của các nhân tố đều cao (từ 1,854 - 7,594) đã đảm bảo yêu cầu > 1.
Ngoài ra, khi tiến hành phân tích nhân tố khám phá cần quan tâm đến kết quả Kiểm định KMO (Kaiser - Meyer - Olkin) và Bartlett’s. Kiểm định KMO là chỉ số dùng để so sánh độ lớn của hệ số tương quan giữa hai biến với hệ số tương quan riêng phần của chúng. (Bảng 2)
Bảng 2: Kết quả kiểm định KMO
.JPG)
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Kết quả phân tích nhân tố cho thấy chỉ số KMO là 0,879 > 0,5, điều này chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn tin cậy.
Kết quả kiểm định Bartlett’s với mức ý nghĩa (p_value) sig. = 0,000 < 0,05, như vậy các biến có tương quan với nhau và thỏa mãn điều kiện phân tích nhân tố.
3.3. Phân tích nhân tố khẳng định (Confirmatory Factor Analysis - CFA)
Tác giả sử dụng phần mềm AMOS 24 để tiến hành phân tích các kết quả. Sau khi móc nối các sai số để cải thiện mô hình phù hợp thực tế, kết quả CFA Chi-Square điều chỉnh theo bậc tự do (CMIN/df) là 1,724 < 2; giá trị sig. = 0,000 cho thấy không có sự khác biệt giữa mô hình lí thuyết và mô hình thực tế.
Chỉ số độ phù hợp (GFI) = 0,896; chỉ số phù hợp không định mức (TLI) = 0,949 > 0,9; chỉ số thích hợp so sánh (CFI) = 0,954
> 0,9 cho thấy mô hình được xem là tốt; chỉ số xác định mức độ phù hợp của mô hình so với tổng thể (RMSEA) = 0,034 < 0,05 cho thấy mô hình được xem là rất tốt, phù hợp với dữ liệu thị trường. (Bảng 3)
Bảng 3: Kết quả mô hình SEM
.JPG)
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Trước khi thực hiện phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM), nhóm tác giả kiểm định độ tin cậy của thang đo để đảm bảo các nhân tố được phản ánh chính xác. Kết quả kiểm định cho thấy các hệ số ước lượng của các nhân tố con trong nhân tố tổng hợp đều lớn hơn 0,5 và có ý nghĩa thống kê (sig. < 0,05). Từ đó cho thấy tất cả các nhân tố quan sát đều có thể được đưa vào mô hình SEM.
Bước tiếp theo, tác giả tiến hành phân tích mô hình SEM để đánh giá tác động của mỗi biến độc lập lên ý định và quyết định tài trợ tín dụng xanh tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Với độ tin cậy là 95%, ta thấy các biến đều có sig. < 0,05 nên các mối quan hệ này đều có ý nghĩa. Các biến Chuẩn chủ quan (CHUANCHUQUAN); Cơ chế, chính sách (COCHECHINHSACH); Cảm nhận (CAMNHAN); Thái độ (THAIDO); Trách nhiệm (TRACHNHIEM) ảnh hưởng đến biến Ý định (YDINH) và biến YDINH ảnh hưởng đến biến Quyết định (QUYETDINH) như thể hiện trong Bảng 3.
Như vậy, kiểm định mô hình SEM cho thấy mức độ tác động của các nhân tố tới ý định tài trợ tín dụng xanh là khác nhau. Trong đó, tất cả các nhân tố đều có tác động dương tới ý định và quyết định tài trợ tín dụng xanh tại các quỹ bảo vệ môi trường và NHTM. Trong đó, nhân tố có mức tác động lớn nhất là Trách nhiệm xã hội của tổ chức tín dụng với mức tác động 0,209. Xếp sau đó là Cảm nhận và Cơ chế chính sách ở mức 0,130 và 0,128. Nhân tố có mức ảnh hưởng thấp nhất là Chuẩn chủ quan, ở mức 0,100. Điều này cho thấy chuẩn Chủ quan chỉ là ấn tượng ban đầu, chưa phải nhân tố mang tính quyết định tới việc có đồng ý thực hiện tài trợ tín dụng xanh cho các dự án bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu hay không.
4. Đề xuất, kiến nghị
Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị giúp thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
Đối với các cơ quan quản lí, phát triển hệ thống tài trợ tín dụng xanh là một quá trình lâu dài có thể chưa mang lại lợi ích trong ngắn hạn, vì vậy, cần kết hợp chiến lược phát triển xanh với chiến lược phát triển chung của đất nước. Chính phủ cần xem xét điều chỉnh hệ thống luật pháp hiện hành và xây dựng các quy định mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế theo xu hướng phát triển tín dụng xanh. Mặt khác, hệ thống tài trợ tín dụng xanh có nhiều đặc điểm khác biệt so với hệ thống tài trợ tín dụng thông thường hiện nay nên Chính phủ cũng đồng thời cần nâng cao năng lực quản lí của các cơ quan nhà nước và đầu tư nhằm hỗ trợ quản lí hệ thống tài chính xanh.
Thứ nhất, Nhà nước và Chính phủ cần xây dựng các chương trình hoặc chính sách nhằm mục đích nâng cao tầm quan trọng và lợi ích của việc tài trợ tín dụng xanh. Chính phủ cần có khả năng dự báo thể hiện trong quá trình hoạch định chính sách thực hiện với tầm nhìn hệ thống để có thể phát hiện khả năng điều hòa, cân đối các yêu cầu khác nhau về nguồn lực.
Thứ hai, Chính phủ cần phải gia tăng mức độ cạnh tranh quốc gia cụ thể như gia tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư (Nguyễn Thường Lạng, 2017). Thực tế cho thấy, việc thu hút nguồn tài trợ tín dụng vào các dự án xanh gặp nhiều cản trở do mức độ hấp dẫn của những dự án đó đối với các nhà đầu tư chưa cao.
Thứ ba, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng cung cấp tín dụng xanh, chính quyền địa phương và các bên liên quan để các tổ chức này có được những thông tin một cách chính xác, từ đó phê duyệt các khoản vay tín dụng xanh một cách dễ dàng hơn.
Thứ tư, cần đổi mới chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, xem xét lại và hoàn thiện chỉ tiêu GDP xanh, cải tiến hệ thống tài khoản quốc gia, phản ánh đủ các chỉ tiêu tính toán môi trường trong hạch toán cân đối tài khoản quốc gia... Bên cạnh đó, cân nhắc hình thành Quỹ tài chính - tín dụng xanh với mục đích chuyên nghiệp hóa cấp tín dụng xanh cho các dự án quan trọng.
Về phía cung tín dụng xanh, các quỹ bảo vệ môi trường và các NHTM cung cấp tín dụng xanh đóng vai trò to lớn trong việc lưu chuyển dòng vốn của nền kinh tế. Do vậy, các tổ chức tín dụng cần có chính sách tăng trưởng quy mô cho vay, cấp tín dụng một cách hợp lí cho các dự án xanh, vừa đáp ứng nhu cầu về vốn của các thành phần, tổ chức kinh tế cũng như vừa đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động của ngân hàng.
Đầu tiên, quỹ bảo vệ môi trường và các NHTM cấp tín dụng nên điều chỉnh các khoản đầu tư dựa trên nền kinh tế thực để giúp điều chỉnh nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, quy trình và lộ trình có thể tham khảo các quốc gia đang tích cực tiến hành xanh hóa nền kinh tế như Nga, Ấn Độ hay Trung Quốc…
Thứ năm, xét trên phương diện vi mô cần đánh giá hệ thống tài trợ tín dụng xanh dưới giác độ lợi ích và chi phí. Mục tiêu hoạt động chính của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Mục tiêu xây dựng mô hình tài trợ tín dụng xanh phải hướng tới việc giảm bớt hoạt động sản xuất và tiêu dùng hàng hóa và sản phẩm có hại cho môi trường và gia tăng hoạt động sản xuất và tiêu dùng những hàng hóa sạch, thân thiện với môi trường.
Thứ sáu, quỹ bảo vệ môi trường và các NHTM cũng cần xem xét phát triển các bộ chỉ số đánh giá cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh, doanh nghiệp xanh, tài chính xanh và nghiên cứu bổ sung các tiêu chí còn thiếu trong bộ tiêu chí xếp hạng tín dụng xanh dành cho các tổ chức kinh tế thực hiện dự án xanh, đặc biệt chú ý tới tiêu chí bảo vệ môi trường, chất lượng của dự án, lịch sử các dự án đã thực hiện trong quá khứ.
Thứ bảy, xây dựng một bộ phận đầu tư xanh trong các ngân hàng hiện có để hỗ trợ đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xanh mà thị trường không thể tài trợ. Những lĩnh vực đầu tư chủ yếu của ngân hàng bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông, xử lí rác và nguồn nước… Xanh hóa hệ thống tài chính tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: (1) Hình thành cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư xanh; (2) Xây dựng những định chế chuyên thực hiện các hoạt động đầu tư và cho vay xanh; (3) Cung cấp các sản phẩm và kênh tài trợ xanh; (4) Đảm bảo sử dụng tài chính công một cách có hiệu quả để khuyến khích dòng tài chính tư nhân; (5) Hình thành cơ sở hạ tầng thông tin hỗ trợ nhà đầu tư đánh giá tác động môi trường tới các khoản đầu tư, ví dụ như hệ thống chỉ số tín dụng xanh, các quy định công bố thông tin môi trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Hoài Linh và cộng sự (2022), Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ. Truy cập tại https://thitruongtaichinhtiente.vn/tin-dung-xanh-tai-viet-nam-thuc-trang-va-cac-khuyen-nghi-chinh-sach-38668.html
2. Do Hoai Linh, Tran Duc Anh, Khuc The Anh, Lai Thi Thanh Loan (2021), Empirical Research on Green Credit Policies in Vietnam, International Journal of Management Studies and Social Science Research Volume 3 Issue 5, pages 163 - 171.
3. Fishbein M. và Icek Ajzen (1975), Belief, attitude, intention and behaviour: An introduction to theory and research, Addison-Wesley Publisher, ISBN:
978-0201020892.
4. Sahoo Pravakar và Bibhu Prasad Nayak (2008), Working paper submitted to Institute of Economic Growth, Tạp chí New Delhi.
5. Venkatesh Viswanath, Michael G. Morris, Gordon B. Davis và Fred D. Davis (2003), User Acceptance of Information Technology: Toward a Unified View, MIS Quarterly, No 27(3), pages
425 - 478.
6. Vũ Phương Chi (2018), Phát triển tín dụng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và một số bài học cho các NHTM Việt Nam: Luận văn Thạc sĩ Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm.
GS., TS. Đỗ Hoài Linh (Đại học Kinh tế Quốc dân)