Qua hơn 20 năm hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách; đạt tổng dư nợ 496.535 triệu đồng với số khách hàng đang dư nợ là 12.013 hộ, tỉ lệ tăng trưởng dư nợ năm 2023 là 19,38%, bình quân hằng năm tăng trưởng 10%.
Huyện Cư M’gar cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khoảng 18 km về hướng Tây Bắc. Toàn huyện có 17 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 02 thị trấn. Năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế huyện Cư M’gar và ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Bám sát chủ trương, chính sách của các cấp, NHCSXH huyện Cư M'gar nỗ lực triển khai nhiều giải pháp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp cho nhiều hộ nghèo thoát nghèo, thoát cận nghèo góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Cư M'gar chiếm 4,42%, đến năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,83%, hộ cận nghèo từ 7,52% xuống còn 6,92%.
Đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
Trong năm 2023, NHCSXH huyện Cư M’gar đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt là các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH. Từ đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hộ nghèo trên địa bàn huyện Cư M’gar vay vốn tín dụng chính sách
phát triển đàn dê cho thu nhập khá, cuộc sống ổn định
Đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn NHCSXH huyện Cư M’gar thực hiện đạt 542.902 triệu đồng, tăng 84.771 triệu đồng và tăng 18,40% so với năm 2022. Tổng doanh số cho vay đạt 154.796 triệu đồng, tăng 39.269 triệu đồng so với cùng kì năm 2022, với 3.271 số lượt khách hàng vay vốn.
Nguồn vốn cho vay từ NHCSXH huyện Cư M’gar đã góp phần giúp cho nhiều hộ thoát nghèo và cận nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho hơn 725 lao động; 36 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 24 lao động được đi xuất khẩu lao động; xây dựng 1.870 công trình nước sạch, hợp vệ sinh nhằm cải thiện môi trường tại vùng nông thôn; xây mới 13 căn nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan...
Tín dụng chính sách đã phủ kín tới tận các buôn, thôn, tổ dân phố của huyện Cư M’gar; bình quân dư nợ hơn 29,2 tỉ đồng/xã, tăng 4,73 triệu đồng so với năm 2022; dư nợ bình quân 41,33 triệu đồng/hộ, tăng 4,9 triệu đồng so với năm 2022. Hiện nay, tại địa bàn huyện Cư M’gar đã thực hiện cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách, trong đó cho vay tập trung phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp giải quyết nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo trong thôn, buôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển nông thôn toàn diện, từng bước hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2023, NHCSXH huyện Cư M’gar đã giải ngân cho hơn 3.200 lượt khách vay vốn với gần 150 tỉ đồng, doanh số cho vay đạt cao nhất so với những năm trở lại đây. Kết quả này khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH huyện Cư M’gar trong việc kịp thời đưa đồng vốn chính sách đến với người dân, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, hoàn trả vốn cho ngân hàng.
Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay đến người vay, phương thức tổ chức cho vay quản lí đặc thù này nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhất là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, vai trò, trách nhiệm giữa NHCSXH và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách tín dụng ngày càng được phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ các đối tượng chính sách để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giúp nông dân, hộ chính sách vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Chúng tôi có dịp được tiếp xúc với những hộ vay vốn tín dụng chính sách như ông Phan Văn Bằng, trú tại thôn Đồng Tâm, xã Ea M’đroh, huyện Cư M’gar. Ông Bằng cho biết, ban đầu gia đình ông thả nuôi khoảng 14kg cá giống các loại nhưng nguồn ra không ổn định chủ yếu bán lẻ, giá cả bấp bênh, thời tiết không thuận lợi nên đời sống gia đình cũng chưa ổn định kinh tế. Đến tháng 3/2022, được sự động viên, tuyên truyền của Ban tự quản thôn Đồng Tâm, ông Bằng đã xin gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), được các thành viên trong Tổ bình xét cho ông vay vốn tín dụng chính sách 50 triệu đồng để làm chuồng trại, mua 07 con dê sinh sản và dê thịt. Nhờ vào tính kiên trì, cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi, chăm sóc đàn vật nuôi, sau 01 năm, gia đình ông Bằng đã phát triển được hơn 15 con dê gồm dê sinh sản và dê bán thịt, đồng thời, ông Bằng phát triển thêm ao cá của gia đình, quy mô được mở rộng hơn, cá đã được xuất bán trong các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, ông Bằng còn tận dụng vườn rộng nuôi thêm 03 con heo sinh sản và trồng rau.
Tín dụng chính sách được phủ kín các buôn, thôn, tổ dân phố của huyện Cư M’gar giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới
Theo Ban quản lý Tổ TK&VV thôn Đồng Tâm, xã Ea M’đroh, huyện Cư M’gar, nhờ biết tận dụng chung nguồn thức ăn, lấy ngắn nuôi dài cộng với áp dụng phương thức vườn - ao - chuồng nên vườn rau xanh tốt và đạt năng suất cao, nhờ đó gia đình ông Bằng giải quyết được việc làm, kinh tế gia đình không còn khó khăn, hằng tháng trả lãi và gửi tiết kiệm đều đặn cho NHCSXH huyện Cư M’gar. Ông Bằng tâm sự: “Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách mà gia đình tôi đã có thêm việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và dần ổn định cuộc sống”.
Nguồn vốn vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) cũng làm thay đổi nhận thức và cách sinh hoạt đối với hộ dân ở nông thôn. Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn 7, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar trước đây chỉ có nhà tắm, nhà vệ sinh tạm bợ, mọi sinh hoạt đều dùng nước suối ở những khe; nguồn nước không bảo đảm vệ sinh nên mọi người rất hay bị bệnh đường ruột, da liễu. Tháng 3/2023, gia đình chị được vay 20 triệu đồng từ chương trình NS&VSMTNT để xây nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Cùng với tiền tiết kiệm, gia đình chị đã xây công trình khép kín nhà tắm, nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Chị Hiền phấn khởi cho biết: “Nhờ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình tôi có nước sạch, công trình vệ sinh khép kín nên mọi sinh hoạt tiện lợi hơn nhiều”.
Hiệu quả từ một chính sách
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025 đã mở ra cơ hội, động lực giúp người nghèo vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã của huyện Cư M’gar vươn lên gây dựng kinh tế gia đình, tạo việc làm, ổn định kinh tế. Những năm qua, NHCSXH huyện Cư M’gar đã tổ chức triển khai tích cực, góp phần giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn. Riêng tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 28/NĐ-CP tính đến ngày 31/12/2023 tại NHCSXH huyện Cư M’gar là 7.546 triệu đồng với 122 hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ nhà ở là 280 triệu đồng với 07 căn nhà đã được xây dựng.
Ước mơ về một căn nhà kiên cố, tươm tất đối với gia đình anh
Y Prêk Ayũn và chị H Gên Niê tại buôn Huk B, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã thành hiện thực. Gia đình anh, chị là hộ nghèo dân tộc thiểu số, thiếu đất sản xuất, nguồn thu nhập chính từ việc làm thuê và chăn nuôi nên không dám nghĩ tới việc xây dựng được một căn nhà vững chắc để ở. Được tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, sau hơn 01 tháng thi công, ngôi nhà của vợ chồng anh Y Prêk Ayũn đang dần được hoàn thiện, đem lại niềm vui cho gia đình. Anh Y Prêk Ayũn chia sẻ: “Gia đình tôi rất khó khăn, được cha mẹ làm thủ tục cho tặng mảnh đất với diện tích 60m2 đất ở đứng tên hai vợ chồng và dựng căn nhà gỗ tạm, cứ mưa là bị dột, không có chỗ để ngủ. Sau khi gia đình được chính quyền các cấp hỗ trợ và được vay vốn từ NHCSXH số tiền 40 triệu đồng để dựng nhà mới với thời gian cho vay 15 năm, lãi suất 3%/năm, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà. Bây giờ, tôi yên tâm hơn nhiều, trời nắng cũng như trời mưa không sợ thấm dột nữa”.
Hộ gia đình ông Y Thuốt Kbuôr (dân tộc Êđê, buôn Dhung, xã Cư M'gar) không có đất sản xuất, hằng ngày phải đi làm thuê nên kinh tế của gia đình khá chật vật. Tháng 9/2023, ông Y Thuốt Kbuôr được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Có được số vốn vay, ông Y Thuốt Kbuôr mua bò giống để chăn nuôi. Cùng với gia đình ông Y Thuốt Kbuôr, gia đình anh Y Weh Ayun cũng được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Số tiền này, gia đình anh Y Weh Ayun mua dê về để nuôi. Anh Y Weh Ayun cho biết: “Được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Cư M’gar với lãi suất ưu đãi chỉ 3,3%/năm, thời gian vay vốn dài và phân kì trả nợ nên tôi rất vui mừng. Vợ chồng tôi chăm chỉ làm lụng để phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học”. Theo anh Y Weh Ayun, nuôi dê là phù hợp với điều kiện của mình nhất. Sau thời gian đi làm thuê, tranh thủ lúc nghỉ, anh Y Weh Ayun đi cắt cỏ, tìm thức ăn cho dê để phát triển thêm đàn dê của gia đình.
Hội đoàn thể và Tổ TK&VV xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk
kiểm tra tiến độ xây dựng nhà theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP
Đặc biệt, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP là một trong những giải pháp khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19 cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân thêm vốn tái đầu tư sản xuất, trong hai năm 2022 và 2023, NHCSXH huyện Cư M’gar đã giải ngân cho vay 05 chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP gồm: Cho vay 09 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; 05 học sinh, sinh viên mua thiết bị, dụng cụ học tập trực tuyến; 510 hộ để hỗ trợ tạo việc làm, 14 hộ với 14 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; 122 hộ theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề. Đến ngày 31/12/2023, NHCSXH huyện Cư M’gar đã hoàn thành giải ngân số vốn theo kế hoạch tỉnh Đắk Lắk giao. Tổng dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 47.026 triệu đồng.
Cũng trong những tháng cuối năm 2023, NHCSXH huyện Cư M’gar đã giải ngân cho vay 800 triệu đồng/10 hộ chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, là chính sách mang ý nghĩa nhân văn, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, làm ăn chân chính và phát triển kinh tế gia đình.
Ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc NHCSXH huyện Cư M’gar chia sẻ: Huyện Cư M’gar có 17 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 02 thị trấn với 171 thôn, buôn, tổ dân phố. Năm 2022 và năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế người dân. Việc NHCSXH huyện Cư M’gar thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trong hơn 20 năm qua, đặc biệt là trong hai năm 2022, 2023 đã góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và an ninh chính trị, thiết thực chào mừng 40 năm ngày thành lập huyện Cư M’gar (23/01/1984 - 23/01/2024). Tổng dư nợ đến ngày 31/12/2023 đạt 496.535 triệu đồng với số khách hàng đang dư nợ là 12.013 hộ, tỉ lệ tăng trưởng dư nợ năm 2023 là 19,38%, tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác tăng hằng năm, đạt 27.172 triệu đồng, trong đó nguồn vốn tỉnh chuyển sang là 12.696 triệu đồng, tăng 3.190 triệu đồng so với năm 2022; nguồn vốn các huyện chuyển sang NHCSXH để cho vay là 14.476 triệu đồng, tăng 2.225 triệu đồng so với năm 2022, hoàn thành 111% kế hoạch giao. Cũng từ hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện Cư M’gar trong thời gian qua đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm thiểu bất ổn xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Phúc Tiên (Đắk Lắk)