Nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, hỗ trợ vốn tín dụng cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

Bài viết khoa học chuyên sâu
Ở Việt Nam, đầu tư vốn, hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân được triển khai theo nhiều hình thức và có sự chuyển đổi theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.
aa

Tóm tắt: Nông nghiệp là một trong các ngành sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Hoạt động nông nghiệp nặng nhọc, lợi nhuận thấp, rủi ro cao; sức thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, nâng cao hiệu quả đầu tư, hỗ trợ vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông dân có vai trò hết sức quan trọng và cần thiết.

Ở Việt Nam, đầu tư vốn, hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân được triển khai theo nhiều hình thức và có sự chuyển đổi theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Nhà nước thường xuyên quan tâm gia tăng đầu tư vốn tín dụng ưu đãi, tín dụng kinh doanh cho nông nghiệp, nông thôn giúp cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, cơ chế bao cấp đôi khi còn hiện hữu, sự chuyển đổi nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa chưa thích ứng hoàn toàn với yêu cầu của kinh tế thị trường, năng lực sử dụng vốn hạn chế... đã tác động đến việc nâng cao hiệu quả đầu tư vốn, hỗ trợ tín dụng cho nông dân sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao hiệu quả đầu tư, hỗ trợ tín dụng cho nông dân sản xuất, kinh doanh, cần tập trung vào giải quyết các vấn đề sau: (1) Ngành nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững... tạo điều kiện cho vay vốn đối với các hoạt động sinh lời cao, ít rủi ro; (2) Nhà nước và ngành Ngân hàng cần đổi mới phương thức cho vay vốn, cải cách thủ tục, giấy tờ; xác định hợp lý, khoa học về đối tượng, lượng tín dụng, mức lãi suất đầu tư, cho vay vốn phù hợp; sử dụng vốn sinh lời bảo đảm thu hồi vốn và hỗ trợ người vay, người được hỗ trợ; (3) Nông dân và các tổ chức nâng cao năng lực quản lý và sử dụng vốn hiệu quả, phục vụ tốt cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Từ khóa: Đầu tư vốn, hỗ trợ nông dân, sản xuất, kinh doanh.

IMPROVING THE EFFICIENCY OF INVESTMENT AND CREDIT CAPITALSUPPORT FOR FARMERS
TO DEVELOP PRODUCTION AND BUSINESS

Abstract: Agriculture is one of the production and business sectors of the economy. Agricultural activities are hard, low profit, high risk; the ability to attract resources, especially capital for developing agricultural production and business. In that context, improving the efficiency of investment, supporting credit capital for agriculture and farmers plays an crucial and necessary role.

In Vietnam, capital investment, credit support for agriculture and farmers are implemented in many forms and changed from a centralized planning mechanism to a market economy. The State regularly pays attention to increasing investment of preferential credit capital, business credit for agriculture and rural areas, helping agriculture, rural areas and farmers develop sustainability.

However, due to limited capital, subsidy mechanisms sometimes still exist, the transition of traditional agriculture to commodity production are unable to adapt to the requirements of the market economy, limited capacity to use capital... has negatively affected the improvement of capital investment efficiency and credit support for farmers in production and business. To improve the efficiency of investment, credit support for farmers in production and business, it is necessary to focus on solving issues: (1) The agricultural sector transform to commodity production, develops high-tech agriculture, sustainable agriculture... creating conditions for lending capital to high-profit, low-risk activities; (2) The State and the banking sector need to innovate lending methods, reform procedures and documents; reasonably and scientifically determine borrowers, credit volume, appropriate investment and lending interest rates; using capital to make profits to ensure capital recovery and support borrowers; (3) Farmers and organizations improve their capital management capacity to serve production and business activities.

Keywords: Capital investment, support for farmers, production, business.

I. Sự cần thiết nâng cao hiệu quả đầu tư, hỗ trợ vốn tín dụng cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

1. Vai trò và đặc điểm vốn trong phát triển sản xuất, kinh doanh

1.1. Vai trò của vốn và đầu tư vốn trong phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp

Vốn là điều kiện cần thiết và không thể thiếu được để hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi ngành, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và các hộ nông dân. Vì vậy, việc đầu tư vốn, đặc biệt là đầu tư vốn có hiệu quả cho nông dân có vai trò hết sức quan trọng, điều đó được biểu hiện:

Một là, nông nghiệp là một trong những ngành sản xuất vật chất quan trọng và cơ bản của nền kinh tế. Khác với các ngành sản xuất khác, nông nghiệp là ngành sản xuất phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên. Vì vậy, đây là ngành cần lượng vốn lớn, nhưng lợi nhuận của ngành thấp, tính rủi ro cao. Trong điều kiện sản xuất hàng hóa, những người sản xuất sẽ tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi nhuận cao, dẫn đến một số ngành đầu tư mang hiệu quả thấp sẽ không được chú ý phát triển. Đầu tư, hỗ trợ vốn cho nông nghiệp, một mặt cung cấp vốn với lãi suất thấp đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh; mặt khác, điều tiết phát triển nông nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế đáp ứng nhu cầu xã hội, đẩy mạnh phát triển hàng hóa.


Hai là, đầu tư cho nông nghiệp, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp là yếu tố quyết định để phát huy tiềm năng về đất đai, sức lao động và các nguồn lợi tự nhiên khác nhằm giúp nông nghiệp từng bước theo kịp với các ngành, lĩnh vực khác trong phát triển kinh tế - xã hội.

1.2. Đặc điểm của đầu tư vốn cho nông nghiệp

Để đầu tư vốn cho nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần thiết phải hiểu rõ những đặc điểm của đầu tư vốn cho lĩnh vực này. Do đặc thù của sản xuất nông nghiệp, vốn, huy động vốn và hoạt động của vốn cũng có những đặc điểm riêng. Cụ thể:

Trước hết, nông nghiệp là ngành lao động có tính nặng nhọc, phức tạp, tính sinh lời thấp và tính rủi ro cao, đây là những đặc điểm đặc trưng nhất. Với những đặc điểm này, nông nghiệp là ngành cần lượng vốn đầu tư lớn, nhưng lượng vốn trong nội bộ ngành ít, sức thu hút vốn từ các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng không cao. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư qua ngân sách, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng.

Thứ hai, nông nghiệp sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi; khai thác cây trồng, vật nuôi làm tư liệu, nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Vì vậy, trong nông nghiệp có những tư liệu lao động có nguồn gốc sinh học (cây trồng, vật nuôi...). Những tư liệu lao động này, một mặt thay đổi giá trị sử dụng theo quy luật sinh học, mặt khác chúng không thể khôi phục từng bộ phận như máy móc. Hơn nữa chu kỳ sản xuất của cây trồng, vật nuôi khá phức tạp. Tùy thuộc từng loại mà chu kỳ sản xuất dài, ngắn khác nhau (loại ngắn cũng phải 3 tháng, có loại thời gian kiến thiết cơ bản dài tới 7 năm, chu kỳ kinh tế tới 40 năm như cây cao su). Những yêu cầu về vốn theo đặc điểm trên rất nghiêm ngặt. Vì vậy, chính sách đầu tư và cung cấp vốn phải tuân thủ và phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi theo những đặc tính sinh học đó.

Thứ ba, hoạt động sản xuất nông nghiệp lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Sự tác động của vốn vào quá trình sản xuất và hiệu quả kinh tế của nó không phải là trực tiếp mà là gián tiếp thông qua đất, cây trồng, vật nuôi. Để đầu tư vốn có hiệu quả, cơ cấu và lượng vốn phải phù hợp với yêu cầu của từng loại đất đai, từng đối tượng sinh học.

Thứ tư, trong điều kiện hiện nay, môi trường sinh thái ngày càng xấu đi, điều kiện thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt hơn làm cho tính rủi ro của sản xuất, tổn thất ngày càng lớn và khó lường trước được. Trong bối cảnh đó, vốn đầu tư cho nông nghiệp cần một lượng rất lớn, nhiều khi đầu tư khó thu hồi, khả năng rủi ro khá cao.

Thứ năm, tính thời vụ của sản xuất nông nghiệp, một mặt làm cho việc tuần hoàn và luân chuyển vốn chậm chạp, sự cần thiết phải dự trữ đáng kể trong trời gian tương đối dài vốn lưu động (giống, thức ăn gia súc, phân bón...) làm cho vốn ứ đọng; mặt khác, tạo ra sự cần thiết tập trung hóa cao hơn cho một lao động nông nghiệp. Vì vậy, yêu cầu vốn cho nông nghiệp thường cần một lượng lớn vào những thời điểm nhất định.

Đối với những nước có nền kinh tế đang phát triển, thu nhập của từng hộ và từng người còn thấp, khả năng tích lũy trong nội bộ nông dân nhỏ, vì thế nông dân cần một lượng vốn lớn để phát triển sản xuất. Muốn tạo sức thu hút vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư thì việc hỗ trợ nông dân sử dụng vốn hiệu quả có vai trò quan trọng.

2. Thực trạng và hiệu quả đầu tư, hỗ trợ tín dụng cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

2.1. Thực trạng các hình thức đầu tư, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất

Vốn đầu tư cho nông nghiệp, hỗ trợ vốn cho nông dân được huy động từ nhiều nguồn: Trong nước (vốn ngân sách, vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động trong dân...); ngoài nước (vốn hợp tác, liên doanh, liên kết, vốn vay và vốn viện trợ...). Vì vậy, đầu tư vốn cho nông nghiệp, hỗ trợ vốn cho nông dân được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau.

- Đầu tư vốn dưới hình thức ngân sách cấp phát tài chính: Trong hình thức này, Nhà nước sử dụng một phần của ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, hỗ trợ vốn cho nông dân - cấp phát vốn trực tiếp không phải hoàn trả cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp hay phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn.

Cấp phát vốn thông qua các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các chương trình cải tạo giống, như chương trình Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, sản xuất lúa lai... Các hình thức đầu tư này được áp dụng ở hầu hết các nước do chính sách ưu đãi đối với nông nghiệp, nhưng mức độ có khác nhau.

Ở nước ta, trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, hình thức đầu tư này được thực hiện một cách tràn lan không xuất phát từ yêu cầu thực tế sản xuất và tập trung phần lớn cho khu vực kinh tế quốc doanh. Tuy nhiên, từ sau Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, vốn đầu tư qua ngân sách cho các doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước giảm mạnh. Vốn dành cho các nông trường quốc doanh từ trên 40% của những năm 1986 - 1987 giảm xuống còn 10%. Trong những năm 2000 - 2005, bên cạnh các khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn, các khoản hỗ trợ sản xuất trong nước, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng.

Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phần trợ cấp cho xuất khẩu dần loại bỏ theo quy định. Phần hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong nước theo tổng mức hỗ trợ gộp là 10% tổng giá trị nông sản. Khi đó, tổng giá trị của 4 mặt hàng chủ yếu là lúa gạo, thịt lợn, đường, bông vào khoảng 150 - 160 nghìn tỉ đồng và tổng mức hỗ trợ gộp cho 4 mặt hàng này mới là 2 - 3,5 nghìn tỉ đồng, tương đương 13 - 25% mức cho phép.

- Đầu tư vốn ngân sách qua hình thức tín dụng: Vốn ngân sách ngoài đầu tư dưới hình thức cấp phát tài chính, phần còn lại đầu tư cho nông nghiệp dưới hình thức tín dụng với lãi suất ưu đãi, (cho vay để xây dựng các kết cấu hạ tầng và cho vay thông qua các dự án phát triển kinh tế - xã hội). Ở Việt Nam, trước năm 1988, mô hình tín dụng chủ yếu theo hình thức: Nhà nước thông qua Vụ Tín dụng nông nghiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân bố tín dụng theo quyết định của Chính phủ, các ngân hàng sử dụng nguồn vốn Nhà nước để cho vay và tiếp vốn cho hợp tác xã tín dụng nông thôn.

Sau năm 1988, các hợp tác xã tín dụng ở cơ sở bị tê liệt do hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, hoạt động tín dụng ở nông thôn chủ yếu là do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thực hiện. Chính sách tín dụng thời kỳ này đã cởi mở hơn. Ngoài phần vốn ngân sách thông qua Agribank để thực hiện việc cho vay vốn tới hộ, Chính phủ còn yêu cầu một số ngân hàng chuyên doanh thực hiện cho vay ưu đãi. Nhờ đó, nhu cầu vốn của hộ nông dân đã dần được đáp ứng. Vốn tín dụng đã được chuyển giao tới hộ nông dân qua nhiều hình thức, từng bước xóa bỏ các thủ tục rườm rà, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đối với người vay.

- Đầu tư vốn tín dụng kinh doanh: Phần đầu tư này hoàn toàn dựa trên cơ sở kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Đây là hình thức đầu tư bình đẳng, không ưu đãi. Lãi suất cho vay được tính toán trên cơ sở lãi suất đi vay, chi phí của các hoạt động tín dụng... Các thủ tục cho vay được thực hiện chặt chẽ nhằm bảo toàn vốn, duy trì ổn định lâu dài hoạt động ngân hàng.

Trong điều kiện ở Việt Nam, khi năng suất lao động và năng lực sử dụng vốn trong nông nghiệp còn thấp, hình thức đầu tư vốn này còn hạn chế. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế trang trại với nhiều mô hình làm ăn giỏi đã mở ra khả năng rất lớn của chính sách đầu tư qua hình thức tín dụng này.

- Đầu tư bằng vốn nước ngoài qua liên doanh, liên kết: Vốn nước ngoài đầu tư vào ngành nông nghiệp qua nhiều hình thức: Vốn hợp tác liên doanh/liên kết, vốn vay và vốn viện trợ. Các hình thức vốn vay và vốn viện trợ phần lớn được bổ sung vào nguồn vốn ngân sách đầu tư dưới hình thức gián tiếp. Phần vốn còn lại được đầu tư dưới hình thức trực tiếp qua hợp tác liên doanh, liên kết. Đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nguồn vốn từ bên ngoài đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Cùng với việc mở rộng các mối quan hệ hợp tác kinh tế với các nước, nông nghiệp nước ta ngày càng có điều kiện huy động thêm nhiều nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, hình thức đầu tư vốn, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân phát triển sản xuất rất đa dạng. Ở Việt Nam, tồn tại tất cả các hình thức đầu tư vốn, hỗ trợ nông dân và có sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, theo hướng gia tăng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn và tuân thủ các quy định của các tổ chức tham gia, các quy định chung.

2.2. Kết quả các hoạt động đầu tư vốn, hỗ trợ vốn tín dụng cho nông dân phát triển sản xuất giai đoạn 2010 - 2023

Đây là giai đoạn hầu hết những hoạt động đầu tư cho nông nghiệp, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất được chuyển đổi sang triển khai phát triển các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn là chủ yếu. Cụ thể:

Hỗ trợ vốn ngân sách qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Ở Việt Nam, việc xóa đói, giảm nghèo đã được triển khai trong nhiều năm và có sự điều chỉnh ngày càng phù hợp, đạt được các kết quả vượt bậc, trong đó có sự đóng góp của các hoạt động đầu tư vốn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là những năm nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường. Cụ thể:

Ngay từ đầu năm 1991, vấn đề xóa đói, giảm nghèo đã được đưa ra trong các hội thảo, các nghiên cứu và triển khai thành phong trào xóa đói, giảm nghèo. Ngày 21/5/2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo”. Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 02/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020” với các dự án: Chương trình 30a; Chương trình 135; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

- Kết quả đầu tư vốn, hỗ trợ giảm nghèo: Ở Việt Nam, nguyên nhân nghèo, đói khá đa dạng, gồm cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân về thiếu vốn có sự tác động mạnh mẽ nhất. Sau 33 năm triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xét trên phương diện đầu tư, hỗ trợ vốn cho người nghèo đã được ưu tiên cho nông nghiệp và nông dân, với nhiều hình thức khác nhau:

Thứ nhất, vốn và đầu tư vốn đã tập trung vào xây dựng cơ ở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo...). Với những cơ chế thực thi khác, đặc biệt với phương châm “xã có công trình, dân có việc làm, thu nhập” ở Chương trình 135; “Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch” ở Chương trình 30a đã giúp người nông dân thoát nghèo, thay đổi đời sống.

Thứ hai, vốn ngân sách đầu tư hướng đến giảm nghèo bền vững và được triển khai theo từng nguyên nhân khác nhau: Từ hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập đến hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề, nâng cao dân trí và hỗ trợ cán bộ về các huyện nghèo. Nhờ đó, vốn đầu tư hỗ trợ nông nghiệp, nông dân đã đúng đối tượng, đúng lĩnh vực. Vì vậy, đầu tư hỗ trợ nông dân có hiệu quả hơn trong hoạt động giảm nghèo bền vững.

Thứ ba, đã mở rộng các hình thức đầu tư hỗ trợ vốn bằng tiền (cấp phát tiền trực tiếp), bằng hiện vật (cấp con giống, cây giống), kết hợp giữa bằng tiền và hiện vật (kết hợp giữa Nhà nước với người dân, thông qua cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm). Nhờ đó việc đầu tư hỗ trợ hộ nghèo đúng đối tượng, đúng nguyên nhân đói nghèo, sử dụng hỗ trợ đúng mục đích, giảm bớt các thất thoát, hiệu quả đầu tư hỗ trợ nông dân từng bước được nâng lên. Cụ thể, nguồn lực Nhà nước dành cho xóa đói, giảm nghèo tăng từ 200 tỉ đồng năm 1993 lên 12.000 tỉ đồng năm 2020. Tổng vốn giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 48.000 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 12.690 tỉ đồng, vốn huy động khác 14.310 tỉ động cho các dự án thành phần là: (1) Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo...; (2) Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; (3) Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; (4) Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...

- Kết quả xóa đói, giảm nghèo: Nhờ triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, tỉ lệ đói nghèo, nghèo đa chiều giảm nhanh. Năm 1993, tỉ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58%, thì đến năm 2022, con số này là 4,3% (theo chuẩn nghèo đa chiều); năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo 2,93% và cận nghèo là 2,78%. Tỉ lệ này cao hơn nếu tính riêng ở nông thôn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các hộ nông dân.

Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt 185 USD, năm 2023 đã tăng lên đến 4.284 USD, tăng 23,15 lần so với năm 1993. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, các chính sách kinh tế và xã hội của Việt Nam đã giúp đạt được những kết quả to lớn trong mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỉ lệ nghèo của các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm xuống là kết quả rất đáng khích lệ, trong giai đoạn 2014 - 2016, tỉ lệ nghèo của nhóm này đã giảm tới 13%, giảm mạnh nhất trong một thập niên vừa qua.

Đầu tư vốn ngân sách qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM)

Việc xây dựng NTM ở Việt Nam trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ; giai đoạn nâng cao 2021 - 2025 theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những Chương trình huy động tổng hợp các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là nguồn lực tài chính, với những kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể:

- Kết quả huy động các nguồn lực tài chính từ nguồn vốn ngân sách: Cơ chế huy động vốn của Chương trình giai đoạn 2010 - 2020 xây dựng NTM được xác định như sau: (1) Vốn ngân sách; (2) Vốn tín dụng; vốn từ doanh nghiệp, hợp tác xã...; (3) Vốn đóng góp của cộng đồng dân cư. Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình đã huy động được hơn 2,4 triệu tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình là hơn 320 nghìn tỉ đồng; nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,2% trong cơ cấu tổng nguồn vốn nhưng tăng 1,2 lần so với giai đoạn 1, chủ yếu là do người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng NTM trên địa bàn. Người dân cả nước đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm NTM.

- Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM:

+ Giai đoạn 2010 - 2020: Trong 10 năm với mức độ đầu tư xây dựng nông thôn tăng hơn nhiều so với những năm trước đây, vì vậy, Chương trình xây dựng NTM trên phạm vi cả nước đã đạt được những kết quả nhất định. Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành với mức vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu. Đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 4 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Thu nhập của người dân năm 2020 tại khu vực nông thôn tăng nhanh hơn khu vực thành thị và mức tăng chung của cả nước trong giai đoạn 2010 - 2020. Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị giảm dần, năm 2010 thu nhập của khu vực thành thị là 2,1 triệu đồng, gấp 2 lần khu vực nông thôn, giảm xuống còn 1,7 lần năm 2020 (thu nhập khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, nông thôn đạt 3,4 triệu đồng).

+ Giai đoạn xây dựng NTM nâng cao 2021 - 2025: Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; trong số đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.

Trong 3 năm triển khai, từ năm 2021 (thực chất từ năm 2022) đến năm 2023, Chương trình xây dựng NTM nâng cao đã huy động khoảng 2,2 triệu tỉ đồng. Trong số đó, vốn ngân sách trung ương là 22.235 tỉ đồng (16.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển, 5.210 tỉ đồng kinh phí sự nghiệp và 1.025 tỉ đồng vốn nước ngoài được bổ sung thực hiện Chương trình); vốn ngân sách địa phương 152.532 tỉ đồng, chiếm 6,9% tổng nguồn lực huy động (trong đó, tổng vốn đối ứng từ ngân sách địa phương của 49 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương chiếm khoảng 41,6%).

Vốn lồng ghép từ hai Chương trình mục tiêu quốc gia (dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững) và các chương trình, dự án khác là 127.739 tỉ đồng (chiếm khoảng 5,8%).

Đầu tư hỗ trợ nông dân qua tín dụng xã hội, ưu đãi

Đây là hình thức đầu tư vốn qua hoạt động tín dụng ưu đãi thuộc các chương trình, dự án, là một phần trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình cho vay tạo việc làm, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM... Kết quả cụ thể:

- Tín dụng ưu đãi qua Chương trình giảm nghèo bền vững: Tính riêng hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đến ngày 31/3/2024, tổng dư nợ tín dụng 3 năm 2021 - 2023 đạt 340.171 tỉ đồng, với hơn 6,8 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Riêng dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt khoảng 134.000 tỉ đồng, chiếm 39,4% tổng dư nợ, với hơn 2,8 triệu hộ đang còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay tại các huyện nghèo đạt 32.660 tỉ đồng, chiếm 9,6% tổng dư nợ, với gần 556 nghìn hộ đang còn dư nợ. Trên thực tế, tín dụng xã hội đã giúp cho gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chính sách tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số giúp người dân được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng, như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay hộ đồng bào thiểu số đặc biệt khó khăn. Cơ chế, chính sách được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không. Tăng cường hỗ trợ có điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cơ sở, người dân, phát huy vai trò của cộng đồng, khuyến khích các sáng kiến giảm nghèo bền vững do cộng đồng đề xuất, thực hiện, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tín dụng ưu đãi qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM: Theo cơ chế huy động vốn, vốn tín dụng cho xây dựng NTM khoảng 30%. Tuy nhiên, vốn tín dụng ưu đãi chủ yếu được huy động cho phát triển sản xuất, khai thác các công trình NTM mới được xây dựng, trong khi đó, nhiều công trình mới hoàn thiện ở cuối giai đoạn 2010 - 2020. Vì vậy nguồn vốn tín dụng trong Chương trình này còn hạn chế, nhất là cho khai thác các công trình phát triển nông nghiệp.

Trên thực tế, các ngân hàng đã tích cực đồng hành cùng người dân tiếp cận nguồn vốn, như NHCSXH, Agribank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam... Trong đó, Agribank xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một trong những chương trình tín dụng chính sách trọng điểm và tích cực triển khai với cam kết ưu tiên dành nguồn vốn lớn trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Quyết tâm đồng hành cùng hệ thống chính trị thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Agribank là ngân hàng duy nhất phủ sóng nguồn vốn đến 100% xã, bản trong cả nước. Trong đó, có trên 50% nguồn vốn cho vay xây dựng NTM để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư nghiệp nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực; có gần 35% nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ thương mại, trên 15% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong 2 năm 2021 - 2022, Chương trình đã huy động nguồn vốn tín dụng là 436.738 tỉ đồng, chiếm 70,3% tổng số vốn huy động, cao hơn nhiều so mức bình quân hằng năm giai đoạn 2010 - 2020, do sức thu hút của Chương trình phát triển các sản phẩm OCOP và khai thác các công trình hạ tầng nông thôn.

Bên cạnh đó, Agribank cũng chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều cách làm hiệu quả để người dân được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thông qua ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương. Agribank cũng đã phát triển trên 69.000 tổ vay vốn; thông qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đưa vốn và dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa, giúp người dân tiếp cận nguồn tín dụng, đầu tư vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.

3. Những vấn đề đặt ra để nâng cao hiệu quả đầu tư, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động đầu tư vốn, hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển sản xuất của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là hiệu quả sử dụng vốn thấp. Nguyên nhân do:

Thứ nhất, ngành nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế, nên hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp. Vốn đầu tư và hỗ trợ tín dụng cho nông dân chưa đến được các ngành, các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao. Thất thoát trong nông nghiệp cao làm giảm thu nhập của nông nghiệp, nông dân. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), hằng năm, thất thoát sau thu hoạch nông nghiệp ở Việt Nam lên tới 40 - 45%. Riêng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm sản xuất ra 20 - 22 triệu tấn lúa, nhưng tỉ lệ thất thoát ở mức 10 - 12%, tương đương khoảng 3.000 - 3.500 tỉ đồng bị mất đi. Đối với rau quả và trái cây cũng trong tình trạng tương tự. Tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức độ tổn thất có thể lên tới 45%. Sản phẩm thủy, hải sản cũng không phải là ngoại lệ khi tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch ở ngưỡng 35%. Đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao còn hạn chế. Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp chưa bền vững; kết nối giữa sản xuất với thị trường chưa chặt chẽ; chất lượng sản phẩm chưa cao. Những nguyên nhân cơ bản đó làm cho hiệu quả kinh doanh nông nghiệp thấp, trong đó có hiệu quả của đầu tư và sử dụng vốn.

Thứ hai, những hạn chế trong đầu tư và hỗ trợ tín dụng.

Một là, lượng vốn đầu tư tuy có tăng qua các năm, nhưng so với mức đầu tư của các ngành, theo yêu cầu của nông nghiệp, nông dân vẫn còn thấp. Tình trạng này dẫn đến mức đầu tư vào các công trình hạ tầng nông thôn, mức cho vay để sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thấp. Đầu tư luôn trong tình trạng dàn trải, không có trọng điểm và không dứt điểm. Đây là nguyên nhân dẫn đến đầu tư kéo dài, các công trình chậm đưa vào vào hoạt động, vốn đầu tư đọng, chậm thu hồi, hiệu quả không cao.

Hai là, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đầu tư phát triển nông thôn ở cấp Trung ương chậm được ban hành, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương.

Ba là, nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương phân bổ chậm, không kịp thời và quy trình phải thực hiện theo Luật Đầu tư công nên mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án, giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án. Bên cạnh đó, yêu cầu nội dung kế hoạch 5 năm, hằng năm phải có mục tiêu, chỉ tiêu của từng chương trình mục tiêu quốc gia, từng dự án, tiểu dự án thành phần, nên công tác lập và giao kế hoạch của địa phương mất khá nhiều thời gian. Ngày 24/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, bãi bỏ các thông tư có liên quan để thống nhất thực hiện.

Bốn là, về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển cần nhiều thời gian để cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Trong khi một số quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đất đai... chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư công dù đã được phát hiện nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc kiểm soát chất lượng hồ sơ dự án do đơn vị tư vấn lập còn yếu kém, dẫn đến chưa bảo đảm yêu cầu khi thẩm định...

Năm là, các thủ tục cho vay, lượng tiền vay, thời điểm cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh còn khá rườm rà; việc xác định đối tượng vay chưa thoáng để tạo điều kiện sử dụng vốn đúng mục đích; cần mở rộng các đối tượng vay ưu đãi để đạt mục đích cho vay và nâng cao hiệu quả sử dụng tiền vay.

Thứ ba, người nông dân còn hạn chế trong tổ chức sử dụng vốn đầu tư, tín dụng ưu đãi, nên hiệu quả không cao.

II. Các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư vốn, hỗ trợ vốn tín dụng cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh

1. Đối với ngành nông nghiệp

Đây là các giải pháp nhằm gia tăng nguồn thu, giảm bớt chi phí và thất thoát... nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và hiệu quả đầu tư vốn, hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể:

Một là, khai thác tiềm năng, lợi thế, chuyển mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa để đáp ứng vai trò cung cấp lương thực và thực phẩm của các tầng lớp dân cư với yêu cầu ngày càng phong phú và tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Hai là, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả nông nghiệp, tạo tốc độ tăng trưởng cao, hạn chế thất thoát trong nông nghiệp do tác động tiêu cực của tự nhiên và tổn thất sau thu hoạch.

Ba là, phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, kết hợp giữa chuyên môn hóa với phát triển tổng hợp.

Bốn là, phát triển theo hướng kết nối ngành hàng, theo chuỗi giá trị gia tăng ngành hàng nông sản. Phát triển theo xu hướng này tạo sự gắn kết lợi ích giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo sự phát triển bền vững cho cả nông nghiệp với công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản.

Năm là, phát triển nông nghiệp sinh thái, trong đó chú ý cả những sản phẩm hữu hình, đong đếm được (gạo, thịt, trứng, sữa...) và những sản phẩm vô hình, khó đong, đo, đếm được (oxy, cảnh quan, môi trường...) trong phát triển nông nghiệp... gia tăng nguồn thu cho nông dân.

2. Đối với Nhà nước và các tổ chức tín dụng

- Đối với nguồn vốn ngân sách thông qua các chương trình, dự án: Các giải pháp cần tập trung vào những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm như:

+ Đầu tư có trọng điểm, dứt điểm thông qua phân bổ, cấp phát vốn; cho vay vốn nhanh chóng từ nguồn vốn đến các công trình; thực hiện triển khai sớm các văn bản chính sách để kịp thời đi vào cuộc sống; rà soát đơn giản, nhưng chặt chẽ các thủ tục giải ngân vốn.

+ Cân đối đầu tư giữa các khâu hoạt động từ đầu tư xây dựng đến quản lý, khai thác và tu bổ, bảo dưỡng các công trình, nhất là các công trình của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình 135.

+ Gắn chặt giữa đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn với các định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trước mắt cũng như sự biến động lâu dài của nông nghiệp trong khoảng từ 10 - 20 năm theo tuổi thọ của công trình.

- Đối với nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ nông dân:

+ Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội trong xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác: Quy định tiêu chí cụ thể đối với nguồn vốn tín dụng ưu đãi do ngân sách nhà nước cấp để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện; bổ sung các quy định liên quan ở các luật chuyên ngành khác liên quan đến cho vay giảm nghèo khi sửa đổi, bổ sung Nghị định, tránh trường hợp có quy định mà không triển khai được.

+ Đẩy mạnh công tác phối hợp, quản lý, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức ở địa phương nhằm thúc đẩy các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung vào những dự án có tính liên kết, có mối liên hệ trong sản xuất, tiêu thụ nhằm khắc phục tính nhỏ, lẻ trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho người vay vốn sớm thoát nghèo.

Cần bố trí đủ ngân sách nhà nước, lồng ghép các chương trình, huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội. Tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các địa phương trong huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao; khi thiết kế hoặc sửa đổi chính sách, cần kèm theo những điều kiện nhất định về hỗ trợ cũng như sau một thời gian hỗ trợ để hạn chế tình trạng “cho không” gây lãng phí và tạo sự ỷ lại - những yếu tố hạn chế hiệu quả sử dụng vốn vay.

+ Chủ động nghiên cứu, đề xuất, từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn; nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề. Đối tượng vay vốn giảm nghèo, tạo việc làm... không chỉ người nghèo, người không có việc làm mà các tổ chức cá nhân khác vay để thu hút người nghèo, người không việc làm, nâng cao hiệu quả vốn vay.

+ Các tổ chức tín dụng chủ động giám sát, hỗ trợ người vay, nhất là nông dân trong quá trình triển khai sử dụng các khoản vốn vay theo hình thức gia tăng trách nhiệm của các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các hội nghề theo hình thức tín chấp. Phối hợp giữa các tổ chức tín dụng với tổ chức cung cấp các yếu tố đầu vào cho nông nghiệp theo sự định hướng của các tổ chức, sự lựa chọn của người vay. Những trường hợp vay không đúng đối tượng, không đúng mục đích... cần được khắc phục. Vốn vay có đủ các điều kiện tổ chức sử dụng có hiệu quả.

3. Đối với hộ nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp

Hộ nông dân và các tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp là những tổ chức và cá nhân trực tiếp sử dụng các công trình, các nguồn vốn tín dụng nên có vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, hỗ trợ tín dụng cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Các giải pháp tập trung vào các vấn đề trực tiếp và trọng yếu sau:

- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho các công trình hạ tầng nông thôn: Trên thực tế, đầu tư vốn xây dựng các cơ sở hạ tầng có những thiên lệch, tuy đã từng bước cải thiện gần đây, nhưng tình trạng các công trình hạ tầng của Chương trình 135, Chương trình xây dựng NTM... chưa được khai thác tốt đã tạo ra sự lãng phí, hiệu quả đầu tư các công trình thấp. Để sử dụng các công trình đầy đủ, hợp lý, hiệu quả, yêu cầu địa phương các cấp từ thôn/bản, xã, huyện... căn cứ vào quy mô công trình (điện, thủy nông, giao thông...) xây dựng các đề án phát triển kinh tế, trước hết là kinh tế và kinh doanh nông nghiệp. Trong quá trình xây dựng đề án, các địa phương cần rà soát tính hợp lý của theo phương án chuyển đổi của ngành nông nghiệp để điều chỉnh các công trình trong xây dựng NTM kiểu mẫu.

- Nâng cao năng lực sử dụng vốn tín dụng ưu đãi: Nâng cao năng lực sử dụng vốn của hộ nông dân, các tổ chức kinh tế, kinh doanh nông nghiệp thông qua đổi mới các hình thức tổ chức kinh doanh, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp. Nâng cao trình độ chuyên môn thông qua nâng cao hiệu quả của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là các hộ nông dân. Chú trọng đào tạo chuyên môn cả về kiến thức kinh tế, kiến thức pháp luật và kiến thức về kỹ thuật theo từng loại cây trồng, vật nuôi phổ biến ở địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. https://vov.vn/chinh-tri/giam-ngheo-o-viet-nam-duoc-vi-nhu-mot-cuoc-cach-mang-post1094370.vov

2. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName= MOFUCM161607

3. https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDoc Name=MOFUCM314933

4. https://mard.gov.vn/Pages/tong-ket-10-nam-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-xay-dung-nong-thon-moi.aspx

5. https://kinhtevadubao.vn/chinh-sach-huy-dong-va-phan-bo-von-cho-xay-dung-nong-thon-moi-nhung-vuong-mac-va-giai-phap-khac-phuc

6. https://tcnn.vn/news/detail/62910/Kip-thoi-cap-nhat-so-lieu-ve-nguon-von-tin-dung-tham-gia-thuc-hien-Chuong-trinh-MTQG-xay-dung-NTM-

7. https://thitruongtaichinhtiente.vn/von-tin-dung-chiem-tren-70-tong-so-von-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-xay-dung-nong-thon-moi-44398.html


Phạm Hoàng Anh
PGS., TS. Phạm Văn Khôi

Đại học Kinh tế Quốc dân

https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Bài viết thông qua phân tích nhanh các cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2023 và trên cơ sở số liệu nghiên cứu kinh tế vĩ mô, nhận diện những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất một số hàm ý về chính sách cho mục tiêu tăng trưởng ổn định và bền vững...
Nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của cán bộ, viên chức và người lao động tại các ngân hàng có vốn sở hữu nhà nước

Nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của cán bộ, viên chức và người lao động tại các ngân hàng có vốn sở hữu nhà nước

Nguồn nhân lực xã hội là tài sản quan trọng nhất của mỗi quốc gia, quyết định sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khẳng định vị thế dân tộc trên trường quốc tế.
Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại Việt Nam

Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản tại ngân hàng thương mại Việt Nam

Các NHTM hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và có nhiều rủi ro, trong đó có RRTK. RRTK là khả năng ngân hàng không đáp ứng nghĩa vụ thanh toán, chi trả đối với khách hàng, ảnh hưởng đến danh tiếng và lợi nhuận của ngân hàng (Casu, 2015).
Đào tạo cá nhân hóa tại ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số

Đào tạo cá nhân hóa tại ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số

Sự chuyển dịch của cấu trúc lao động trong ngành Ngân hàng do tác động của chuyển đổi số dẫn đến sự xuất hiện nhiều vị trí công việc liên quan tới công nghệ.
Mối quan hệ giữa quy định vốn theo Basel III với một số giải pháp chính và khuyến nghị

Mối quan hệ giữa quy định vốn theo Basel III với một số giải pháp chính và khuyến nghị

Quy định về vốn ngân hàng theo Basel III giúp cho các ngân hàng có một lượng vốn kinh tế dự phòng đủ lớn về chất và lượng (gồm vốn cổ phần chung cấp 1 - CET1, vốn cấp 1, cấp 2; khấu trừ từ CET1 các khoản không còn phù hợp theo hướng dẫn của Basel III...
Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính của sinh viên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi quản lý tài chính của sinh viên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Quản lý tài chính cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng để xác định phúc lợi tài chính của mỗi cá nhân (Xiao và cộng sự, 2009). Theo đó, quản lý tài chính cá nhân liên quan đến việc áp dụng các hoạt động khác nhau để lập kế hoạch, quản lý và kiểm soát chi tiêu của một người.
Giải pháp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân hướng đến phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam

Giải pháp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân hướng đến phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước có nhiều biến động, việc huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn nhưng cũng không kém phần rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam.
Cải thiện bất bình đẳng thu nhập thông qua phát triển tài chính và kiểm soát tham nhũng địa phương tại một số tỉnh, thành Việt Nam

Cải thiện bất bình đẳng thu nhập thông qua phát triển tài chính và kiểm soát tham nhũng địa phương tại một số tỉnh, thành Việt Nam

hông qua các phương pháp nghiên cứu định tính và tổng hợp so sánh, nghiên cứu đã chỉ ra sự thay đổi của phát triển tài chính, tham nhũng địa phương và bất bình đẳng thu nhập, đồng thời, ghi nhận tác động cùng chiều của phát triển tài chính đến bất bình đẳng thu nhập và ảnh hưởng của tham nhũng địa phương đến mối quan hệ này.
Xem thêm
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Trong những tháng đầu năm 2024, dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động khó lường như xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng những thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Để góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, trong bài viết này, tác giả làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Thông tư số 54/2024/TT-NHNN ngày 17/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thông tư số 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3

Thông tư số 52/2024/TT-NHNN ngày 29/11/2024 Quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đồng và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15

Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 06/11/2024 Về tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng giai đoạn 2024 - 2028

Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 Quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 49/2024/TT-NHNN ngày 25/10/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 46/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 48/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đông Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 47/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài