Ngày 15/11/2020 đã diễn ra lễ bế mạc Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, cũng như lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2021 cho Brunei. Đây cũng là thời điểm thích hợp để nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, ghi nhận nhiều nỗ lực và thành công của Việt Nam và cộng đồng ASEAN nói chung, với tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, vượt qua rào cản không gian, thời gian lẫn hình thức tương tác, tạo động lực mới cho phát triển hiệu quả ASEAN.
1. Vài nét về ASEAN và Năm Chủ tịch ASEAN
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 08/8/1967 tại Băng-cốc, Thái Lan với sự tham gia của 5 quốc gia thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Năm 1984, ASEAN kết nạp thêm Brunei. Ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội. Ngày 23/7/1999, ASEAN kết nạp Lào và Myanmar. Ngày 30/4/1999, Campuchia trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN, hoàn thành giấc mơ về một ASEAN bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á.
Riêng Đông Timo, sau khi tách ra từ Indonesia năm 2002, hiện vẫn là quan sát viên sau khi đã nộp đơn xin gia nhập ASEAN từ tháng 3/2011.
ASEAN hoạt động theo phương thức: (i) Tham vấn và đồng thuận; theo đó, mọi vấn đề của ASEAN đều phải tham vấn tất cả các nước thành viên ASEAN và quyết định chỉ được thông qua khi tất cả các nước thành viên nhất trí hoặc không phản đối; (ii) Tiệm tiến và thoải mái với tất cả các bên: hợp tác khu vực phải được tiến hành từng bước, bảo đảm phù hợp với lợi ích, khả năng của các nước và tất cả đều có thể tham gia; (iii) Phối hợp và nỗ lực xây dựng lập trường chung cũng như tiến hành các hoạt động chung trong quan hệ với các đối tác, các quốc gia thành viên trên cơ sở thống nhất và đoàn kết, tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc đề ra trong Hiến chương ASEAN (Điều 41).
Ngày nay, ASEAN là cộng đồng của những quốc gia độc lập, đoàn kết, đang phát triển; tổng dân số 650 triệu người, đứng thứ 3 thế giới; tổng quy mô GDP năm 2018 đạt 2.950 tỷ USD, đứng thứ 5 toàn cầu; ASEAN là trung tâm trong cấu trúc khu vực, được sự tôn trọng và hợp tác của các cường quốc, các đối tác trên thế giới, đã ký kết 6 hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác hàng đầu thế giới.
Trong các nhiệm vụ của Năm Chủ tịch ASEAN, thì việc tổ chức các cuộc họp định kỳ của ASEAN trong năm là quan trọng nhất, đặc biệt là các kỳ họp Cấp cao, họp Bộ trưởng và họp tư vấn; bao gồm chuẩn bị nội dung và bố trí địa điểm, cơ sở vật chất kỹ thuật.
ASEAN Summit (gọi tắt trong tiếng Việt là “Cấp cao”) là hội nghị giữa các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á để thảo luận về các vấn đề hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa và an ninh giữa các nước thành viên với nhau cũng như với các thành viên đối thoại của ASEAN. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1976. Trong thời gian đầu, do tính chất nội dung Hội nghị không có gì đặc biệt, nên chỉ tổ chức Hội nghị không chính thức. Từ năm 2001, Hội nghị chính thức mới được tổ chức thường niên. Từ năm 2009, Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức mỗi năm 2 lần. Thông thường, một Hội nghị Cấp cao ASEAN bao gồm: Các phiên họp nội bộ giữa các nhà lãnh đạo mười nước thành viên; Phiên hội nghị giữa các nhà lãnh đạo với các ngoại trưởng của các nước thành viên trong Diễn đàn An ninh ASEAN; Phiên họp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN+3 (thêm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc); Phiên họp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN, Úc và New Zealand. Từ Hội nghị cấp cao XI, bắt đầu có thêm phiên hội nghị giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với các nhà lãnh đạo của 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ với tên gọi chính thức là Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Ngoài ra, còn có phiên hội nghị giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Lãnh đạo Nga.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức luân phiên giữa các quốc gia thành viên; và quốc gia nào tổ chức thường kiêm luôn chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, thường là vị Tổng thống hay Thủ tướng quốc gia đó.
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là cơ hội để Việt Nam đóng góp thực chất và nhiều hơn nữa vào phát triển Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao.
Chủ đề của năm ASEAN 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”; theo đó, “Gắn kết” thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất và sức mạnh nội tại của ASEAN, tăng cường kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm; “Chủ động thích ứng” phản ánh nhu cầu của ASEAN nâng cao tính chủ động, sáng tạo và khả năng thích ứng trước những thời cơ và thách thức do những chuyển biến lớn trong cục diện khu vực và thế giới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020 ngày 6/1/2020, Việt Nam cam kết dẫn dắt các mục tiêu của ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN 2020: Thứ nhất, hòa bình và ổn định, đoàn kết và thống nhất, thịnh vượng và bền vững là mục đích, là bản sắc và cũng là mục tiêu phấn đấu của Cộng đồng ASEAN; Thứ hai, kết nối hiệu quả trong nội khối và hội nhập sâu rộng với bên ngoài, dựa trên sự sáng tạo, ổn định và hài hòa với sự lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) trong đời sống kinh tế - xã hội của cả Cộng đồng. Cộng đồng ASEAN sẽ là mẫu hình của kinh tế tuần hoàn với những sức mạnh mới; Thứ ba, tự cường với khả năng thích ứng, chống chịu và xử lý hiệu quả các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, rác thải nhựa… dần trở thành một khu vực đáng sống trên hành tinh với mạng lưới các thành phố thông minh được mở rộng, an sinh xã hội được bảo đảm; hệ thống học tập tiên tiến, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số, có chiến lược phát triển bền vững, cơ hội mở ra cho mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau; Thứ tư, đưa các hoạt động khoa học ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và năng động, đóng góp ngày càng tích cực cho Cộng đồng và người dân ASEAN.
Đặc biệt, Việt Nam nhấn mạnh 5 trọng tâm ưu tiên, không chỉ cho năm 2020 mà còn hướng đến những mục tiêu dài hạn hơn, đó là: (i) Đóng góp tích cực cho môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; (ii) Thúc đẩy phát triển thịnh vượng trên cơ sở liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội của CMCN 4.0; (iii) Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; (iv) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững, phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; (v) Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Việt Nam đã nghiêm túc và chủ động chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, chính thức khai trương website ASEAN 2020 ngày 6/1/2020.
2. Những nỗ lực và dấu ấn Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020
Năm 2020 là một năm đặc biệt cho cả Việt Nam và thế giới. Đây là năm đầu tiên Việt Nam đồng thời đảm nhận sứ mệnh Năm Chủ tịch ASEAN (lần hai theo luân phiên) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) (lần thứ hai sau khi đã trúng cử với 192/193 phiếu bầu trong kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng LHQ tháng 6/2019). Đặc biệt, năm 2020 là năm mà cả thế giới đối diện với thảm họa kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, khiến trên 50 triệu người mắc, trên một triệu người tử vong. Đại dịch này đã, đang và sẽ tiếp tục gây thiệt kinh tế - xã hội nghiêm trọng chưa từng có trong vòng trăm năm qua, với ước tính nhiều chục nghìn tỷ USD và những hệ lụy khác. Hơn nữa, đến nay lời giải kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế vẫn chưa thực sự rõ ràng cho mỗi nước, cũng như cho toàn thế giới.
Đảm nhận Năm Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh đó đòi hỏi những kỹ năng và sáng tạo mới chưa từng có tiền lệ của ASEAN và cả thế giới.
Thực hiện tốt trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công tất cả các cuộc họp cần thiết trong hoạt động hàng năm của ASEAN dưới hình thức trực tuyến và bán trực tuyến, thay vì tập trung trực tiếp như hình thức họp truyền thống.
Việt Nam đã tổ chức thành công 2 Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và 37 dưới hình thức trực tuyến, cụ thể:
- Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (từ 6 - 26/6/2020); trong đó có Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19; Phiên họp đặc biệt của Lãnh đạo ASEAN về Nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số; Cuộc gặp giữa các Lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Liên nghị viện ASEAN; Đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với Thanh niên ASEAN; Đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN.
- Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (từ 12 - 15/11/2020) với 20 cuộc họp liên quan khác; trong đó có: Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 (Vietnam Business Summit - VBS 2020) với chủ đề “Việt Nam số hoá: Chủ động thích ứng hướng tới phát triển bền vững”, được VCCI tổ chức vào ngày 12/11/2020. Tổ chức ngay liền sau Hội nghị VBS 2020 là Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN ABIS) 2020 diễn ra tại Hà Nội từ 13 - 14/11/2020, với chủ đề “ASEAN số: Bền vững và bao trùm”. Đây là sự kiện được mong đợi nhất của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Hội nghị tập trung 6 chủ đề bao gồm: triển vọng kinh tế ASEAN; công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; nông nghiệp đổi mới; đạt được tăng trưởng xanh qua quản trị tốt; hậu cần và thành phố thông minh; ASEAN đổi mới và khởi nghiệp công nghệ số. Đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN quảng bá thương hiệu, khẳng định vị thế tại khu vực và trên trường quốc tế, mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư không chỉ với các đối tác tại 10 quốc gia thuộc khối ASEAN mà còn vươn tới các đối tác đối thoại của ASEAN như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, EU, Nga, Canada…
Trong các hội nghị Cấp cao lần thứ 37, trên 80 văn kiện đã được thông qua. Đây là số văn kiện được thông qua cao nhất trong các kỳ họp ASEAN.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua Báo cáo đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; nhất trí về sự cần thiết tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN; khẳng định nỗ lực phát huy tích cực vai trò của ASEAN thúc đẩy hợp tác tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN để mọi người dân, mọi vùng miền có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng. Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN. Hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc; lãnh đạo ASEAN khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng bài hát ASEAN, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng. Lãnh đạo các nước cũng đã thông qua Bản Tường thuật về bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thống nhất khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương, liên kết và tự do hóa kinh tế; nhất trí vai trò trung tâm của ASEAN cần được duy trì và tiếp tục phát huy, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ; đồng thời, đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch bệnh COVID-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn quan trọng, tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực với người dân luôn ở vị trí trung tâm.
Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, là cơ hội quý để phụ nữ các nước ASEAN đóng góp cho các nỗ lực phát triển và tăng trưởng bền vững của khu vực.
Nhiều sáng kiến của ASEAN về hợp tác ứng phó COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai, như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN và Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
Lãnh đạo ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia.
Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Columbia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số các nước tham gia Hiệp ước này lên con số 43.
Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS-15) cũng thông qua các tuyên bố quan trọng, trong đó có Tuyên bố về 15 năm EAS và Tuyên bố EAS về hợp tác biển bền vững. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường năng lực tự cường kinh tế - tài chính trước các thách thức, một lần nữa khẳng định vai trò và thế mạnh của khuôn khổ ASEAN+3 trong ngăn ngừa và ứng phó các nguy cơ khủng hoảng kinh tế - tài chính ở khu vực.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN với LHQ lần thứ 11, các nước ASEAN đề nghị LHQ hỗ trợ triển khai các sáng kiến ứng phó với COVID-19, nâng cao năng lực y tế dự phòng cho khu vực, nhất là vùng sâu, vùng xa và kém phát triển. ASEAN đánh giá cao LHQ cam kết chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng và triển khai Khung phục hồi tổng thể, hoan nghênh sự trợ giúp tích cực của LHQ triển khai các nỗ lực phục hồi, bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại - đầu tư và duy trì liên kết khu vực. ASEAN hoan nghênh LHQ phát huy vai trò quan trọng trong đảm bảo vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 trở thành hàng hóa công cộng, được cung ứng đồng đều. Để triển khai kế hoạch hành động giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025, hai bên nhấn mạnh cần tiếp tục dành quan tâm và nguồn lực nhiều hơn cho phối hợp liên ngành, thúc đẩy quyền năng, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình, an ninh, nâng tầm hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng trưởng đồng đều và bao trùm, phát triển nguồn nhân lực bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Lộ trình tương hỗ thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình Nghị sự LHQ về phát triển bền vững 2030, đóng góp thiết thực cho phát triển bền vững, không bỏ ai ở lại phía sau, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh và đối phó với các thách thức đang nổi lên. Hai bên khẳng định cam kết tiếp tục đóng góp ủng hộ nỗ lực củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế minh bạch, hoạt động dựa trên luật lệ.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các bên tái khẳng định tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm quốc gia trong xây dựng hòa bình, duy trì ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục là nguy cơ lớn, đe dọa trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội các nước. Hai bên khẳng định chia sẻ tầm nhìn và cam kết vì những mục tiêu chung là đề cao luật pháp quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và xây dựng trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn, sẵn sàng thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, thực hiện ngoại giao phòng ngừa trong khu vực, trên các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 - khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển.
Quan điểm của Việt Nam phù hợp với lập trường nguyên tắc của ASEAN đã được khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 6/2020, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 tháng 9/2020 cũng như tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 lần này, nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác. Theo đó, cần tránh các hành động gia tăng căng thẳng, không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và tiếp tục các nỗ lực đạt COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký LHQ ghi nhận việc hai bên thông qua Kế hoạch hành động ASEAN - LHQ giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt, trong khuôn khổ thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao 37 của ASEAN, Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4 cũng được tổ chức thành công. Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định cũng được ký kết ngày 15/11/2020 giữa 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, có 2,2 tỷ dân, chiếm 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu. Trong đó, riêng ASEAN, với dân số gần 640 triệu người và tổng GDP 2,57 nghìn tỷ USD, được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. RCEP có các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại; xóa bỏ ngay thuế đối với 61% hàng hóa nhập khẩu sang Nhật Bản từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, cùng với 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc. Việc ASEAN và các đối tác kết thúc đàm phán và ký chính thức Hiệp định RCEP thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế, rất đáng khích lệ. Hiệp định RCEP được kỳ vọng các nước sớm phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp và sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới tại khu vực, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững và phát triển chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 cũng như sự hỗ trợ quá trình hồi phục sau đại dịch.
Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng đã tổ chức hơn 30 cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng và tương đương.
Kinh tế - tài chính là một trong những nội dung quan trọng của hợp tác ASEAN và được củng cố thêm một bước trong năm 2020. Điều này được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương khu vực ASEAN lần thứ 6 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 2/10/2020, tại Hà Nội: Hoan nghênh chủ đề ưu tiên của Việt Nam cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 về một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”; hoan nghênh các sáng kiến của nước Chủ tịch trong việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu thúc đẩy hội nhập và kết nối nội khối trong khu vực ASEAN, làm sâu sắc hơn sự gắn kết của khu vực với cộng đồng quốc tế vì hòa bình và phát triển bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực thể chế của ASEAN; cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường ổn định và hội nhập tài chính trong khu vực ASEAN, bất chấp những bất ổn do đại dịch COVID-19. Các hoạt động hội nhập tài chính khu vực vẫn diễn ra mạnh mẽ đóng vai trò là bộ đệm giúp chống lại tác động của căng thẳng thương mại và địa chính trị kéo dài, trong bối cảnh các nước tiếp tục tăng cường hợp tác khu vực nhằm nhận thức và quản lý rủi ro về biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế và sự ổn định tài chính khu vực ASEAN. Các hoạt động kinh tế bị kiểm soát, thu hẹp đáng kể và sẽ là yếu tố dẫn tới tăng trưởng âm của ASEAN trong năm 2020. Những gián đoạn do đại dịch gây ra đã cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng chống chịu của nền kinh tế khu vực của chúng ta trước các cú sốc. Các nước đã nỗ lực đáng kể để giảm thiểu tác động của đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế bằng cách thực hiện các phương pháp đặc biệt, thông qua hỗ trợ tài chính, tiền tệ và tín dụng có mục tiêu cho nền kinh tế và hệ thống tài chính, tái khẳng định các cam kết đảm bảo dòng chảy liên tục của hàng hóa và dịch vụ; đoàn kết và hợp tác là chìa khóa giúp ASEAN chiến thắng đại dịch và khôi phục tăng trưởng khu vực.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã không chỉ tổ chức thành công các cuộc họp nội, ngoại khối, mà Việt Nam còn có nhiều sáng kiến, cùng các nước ASEAN và đối tác kiểm soát dịch COVID-19, triển khai Kế hoạch phục hồi tổng thể, trong đó tạo thuận lợi cho việc đi lại của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư để đảm bảo hoạt động của các chuỗi cung ứng, phân phối không bị gián đoạn, phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn. Duy trì, phát triển tinh thần hợp tác ASEAN; chủ động dẫn dắt sự hợp tác nội khối về chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần “gắn kết, chủ động và thích ứng”, góp phần ký kết RCEP… Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN để tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số; môi trường, xã hội và quản trị (ESG); công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực; phát triển bền vững và bao trùm. Cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu chung đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Đồng thời, tranh thủ các cơ hội mới do sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư toàn cầu hướng vào khu vực ASEAN.
Những nỗ lực của Việt Nam đã được tất cả các nước thành viên ASEAN ghi nhận và đánh giá cao. Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao vai trò của EAS đối với các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời bày tỏ nhất trí với nội dung chủ đạo của “Tuyên bố Hà Nội”; hoan nghênh và cam kết ủng hộ các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức cuộc họp “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Vai trò của ASEAN” lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 01/2020 tại New York.
Có thể nói, cùng với sự nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi của các cơ quan chuyên ngành ASEAN trên 3 trụ cột và ở các cấp, cũng như Ban Thư ký ASEAN, chính sự nỗ lực và thành công của Việt Nam với vai trò Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thực sự, trực tiếp và gián tiếp, góp phần tạo động lực mới để sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức trong bối cảnh bình thường mới của mỗi nước và toàn thế giới.
Cùng với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2021 của Brunei, với chủ đề “We care. We prepare. We prosperity” (Chúng ta quan tâm. Chúng ta sẵn sàng. Chúng ta thịnh vượng), nhiều căn cứ và kỳ vọng về một ASEAN tự tin vững bước vào thập niên thứ sáu, một chặng đường dài không ít thách thức, nhưng cũng đầy hứa hẹn đang dần mở ra.
TS. Nguyễn Minh Phong
ThS. Nguyễn Trần Minh Trí
Theo Tạp chí Ngân hàng số 22/2020