Keywords: Financial crisis, banking crisis, banking system risks, handling banking crisis.
1. Đặt vấn đề
Mới đây, việc 04 ngân hàng ở Mỹ sụp đổ liên tiếp và 01 ngân hàng ở Thụy Sỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng đã dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tương tự như cuộc khủng hoảng vào năm 2008. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác tại Mỹ cũng bị người gửi rút tiền và nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Lo ngại hiệu ứng lây lan sẽ xảy ra và để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của các sự kiện này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Hoa Kỳ (FDIC) cũng như các ngân hàng trung ương ở châu Âu đã có những hành động tức thời để người dân an tâm và tránh hiện tượng rút tiền hàng loạt. Trong những trường hợp này, việc xử lí khủng hoảng thường cần tới sự can thiệp mang quy mô lớn từ các cơ quan chính phủ.
2. Định nghĩa về khủng hoảng hệ thống ngân hàng và hệ lụy của nó
2.1. Định nghĩa về khủng hoảng ngân hàng
Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, khủng hoảng ngân hàng xảy ra khi nhiều ngân hàng trong cùng một quốc gia gặp vấn đề trầm trọng về khả năng thanh toán và/hoặc thanh khoản. Các vấn đề của ngân hàng thường xuất phát từ việc tài sản của ngân hàng sụt giảm về giá trị. Ví dụ, giá trị tài sản của ngân hàng có thể sụt giảm đáng kể trong trường hợp các khoản cho vay trở thành nợ xấu khi số lượng vụ phá sản trong nền kinh tế tăng lên hoặc trong trường hợp giá bất động sản lao dốc. Một trường hợp khác có thể xảy ra là khi chính phủ không thanh toán các nghĩa vụ nợ, việc này có thể làm giảm đáng kể giá trị trái phiếu chính phủ mà ngân hàng nắm giữ. Khi tổng giá trị tài sản của ngân hàng giảm mạnh, ngân hàng có thể rơi vào tình trạng có nghĩa vụ nợ lớn hơn tài sản (có vốn âm hay còn gọi là phá sản); hoặc ngân hàng có thể vẫn có vốn dương nhưng ít hơn mức bắt buộc (vỡ nợ kĩ thuật).
Ngân hàng cũng có thể gặp vấn đề nếu như rơi vào tình trạng có quá nhiều nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán nhưng ngân hàng không có đủ tiền mặt để thực hiện các nghĩa vụ đó. Ví dụ, số lượng lớn người gửi tiền tới rút tiền và lượng tiền mà người gửi muốn rút ra vượt quá số tiền mặt mà ngân hàng đang có (rút tiền hàng loạt) sẽ gây ra hiện tượng thiếu thanh khoản của ngân hàng.
Cũng cần phải lưu ý rằng, việc mất khả năng thanh toán và thiếu thanh khoản là không giống nhau. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, hai vấn đề này xảy ra cùng một lúc. Khi giá trị tài sản của ngân hàng bị sụt giảm, nhiều người gửi tiền thường sẽ không an tâm và phản ứng bằng cách đi rút tiền cùng một lúc khiến ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản.
Khi nhiều ngân hàng cùng rơi vào khủng hoảng tại một thời điểm, khủng hoảng hệ thống ngân hàng xảy ra. Điều này có thể là do các ngân hàng đều bị tác động bởi một sự kiện tiêu cực trong nền kinh tế hoặc do sự sụp đổ của một ngân hàng lây lan sang các ngân hàng còn lại trong toàn hệ thống. Vậy khi nào thì một cuộc khủng hoảng được xác định là khủng hoảng hệ thống? Theo Ergungor và Thomson (2005), khủng hoảng hệ thống ngân hàng xảy ra khi hàng loạt ngân hàng rơi vào khủng hoảng; đồng thời, chính phủ và ngân hàng trung ương xác định sự kiện có thể phát triển thành một cuộc khủng hoảng hệ thống.
2.2. Hệ lụy của khủng hoảng hệ thống ngân hàng
Khủng hoảng ngân hàng, đặc biệt là khủng hoảng hệ thống, có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Những sự kiện này có thể đưa các quốc gia bị ảnh hưởng vào tình trạng suy thoái nặng nề.
Một số cuộc khủng hoảng lan truyền ra cả những quốc gia không hề có những biểu hiện nguy cơ trước đó. Một trong những sự kiện khủng hoảng ngân hàng lớn có thể kể đến là cuộc đại khủng hoảng từ năm 1929 - 1939 bắt nguồn từ Mỹ và lan ra toàn cầu. Sau tác động của sự giảm mạnh thị trường chứng khoán Mỹ trong suốt năm 1929, cuối năm 1930, một cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng xảy ra trên toàn nước Mỹ khiến 608 ngân hàng Mỹ phải đóng cửa chỉ trong tháng 11 và tháng 12 năm 1930. Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới và kéo theo sự suy giảm trầm trọng của hoạt động thương mại quốc tế. Khủng hoảng ngân hàng sau đó lan rộng ra tới châu Âu, bắt đầu với Đức và Anh. Cuộc đại khủng hoảng đã ảnh hưởng tới cả nước giàu và nước nghèo trên thế giới. Hoạt động thương mại, thu nhập cá nhân, doanh thu của các đơn vị kinh doanh đều giảm mạnh và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao trên toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng tiêu biểu nữa có thể kể đến là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008. Sự kiện này được châm ngòi bởi sự sụp đổ của một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ là Lehman Brothers và kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng lớn trên khắp nước Mỹ. Sau đó, nhiều ngân hàng lớn ở châu Âu, đặc biệt là ở Anh, Iceland, Bỉ và Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng vì cũng tham gia vào thị trường tín dụng thứ cấp ở Mỹ. Rất nhiều ngân hàng ở châu Âu bị rút tiền đột biến và bị mất thanh khoản, sau đó phải quốc hữu hóa. Tình trạng này dẫn đến việc khan tín dụng trên toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất, thương mại và dẫn tới suy thoái kinh tế ở nhiều nước.
Thêm vào đó, khủng hoảng ngân hàng cũng thường là tiền đề cho khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng nợ công. Trong nghiên cứu của Laeven và Valencia (2012), 147 cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng được xác định trong khoảng thời gian từ năm 1970 tới năm 2011. Trong cùng khoảng thời gian đó, 218 cuộc khủng hoảng tiền tệ cùng với 66 cuộc khủng hoảng nợ công cũng xảy ra.
3. Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hệ thống ngân hàng
Nghiên cứu của Ergungor và Thomson (2005) đã chỉ ra rằng, mặc dù các sự kiện khởi nguồn cho các cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng có thể khác nhau, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến khủng hoảng hệ thống ngân hàng đa phần là giống nhau ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đầu tiên, các cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng thường theo sau các thời kì mà chính phủ áp dụng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng. Ví dụ, trong thời kì chính phủ muốn thúc đẩy phát triển kinh tế, họ có thể gỡ bỏ lãi suất trần cho tiền gửi, nới lỏng điều kiện cho phép mở ngân hàng mới, hoặc cho phép ngân hàng hoạt động trong một số mảng mà trước đây bị hạn chế, ví dụ cho vay nước ngoài. Kết quả của việc làm này là các ngân hàng bị cạnh tranh mạnh và phải tăng lãi tiền gửi nhằm huy động vốn, đồng thời phải giảm lãi cho vay để thu hút khách hàng vay vốn. Việc này đồng nghĩa với mức lợi nhuận giảm khi doanh thu giảm mà chi phí tăng. Theo thời gian, các ngân hàng yếu kém sẽ gặp khó khăn về vốn do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và có thể dẫn tới sự sụp đổ. Khi một ngân hàng gặp khó khăn, rút tiền hàng loạt rất dễ xảy ra và tạo ra hiệu ứng lan truyền sang các ngân hàng khác. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ mở rộng có thể khiến giá trị danh nghĩa của tài sản trong nền kinh tế tăng nhanh chóng và thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản, chứng khoán và các khoản vay tiêu dùng. Trong tình hình đó, ngân hàng thường có xu hướng cho vay nhiều hơn đối với khách hàng đầu tư ở các mảng này. Tuy nhiên, đây đều là các mảng đầu tư mang nhiều biến động và rủi ro, trong khi các ngân hàng thường xuyên đánh giá quá thấp khả năng xảy ra các cú sốc tiêu cực trên thị trường (Herring và Wachter, 2002).
Một lí do nữa thường được nhắc đến là do các cơ quan chức năng do dự trong việc xử lí các ngân hàng có vấn đề. Điều này có thể là do khi một quốc gia đang trong giai đoạn tập trung phát triển kinh tế, các cơ quan chức năng có thể do dự trong việc đóng cửa các ngân hàng phá sản hoặc xử lí các ngân hàng có dấu hiệu đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, bởi vì sự phát triển của hệ thống tài chính được xem là một trong những thước đo quan trọng của phát triển kinh tế. Một lí do nữa là do tư duy nhiệm kì, các nhà quản lí có thể không muốn thừa nhận các vấn đề tiêu cực diễn ra dưới thời kì mà mình đương nhiệm và dự đoán rằng các tổn thất sẽ xuất hiện dưới nhiệm kì của người khác.
Trong nghiên cứu của Llewellyn (2002), tác giả tổng hợp các nguyên nhân chi tiết hơn dẫn tới khủng hoảng ngân hàng. Các nguyên nhân này bao gồm: Sự thiếu ổn định của kinh tế vĩ mô; sự yếu kém của nền kinh tế và hệ thống tài chính; các hoạt động ngân hàng rủi ro cao; quy định quản lí ngân hàng còn nhiều lỗ hổng; việc quản lí không hiệu quả của các cơ quan chức năng, cơ chế quản lí doanh nghiệp không chặt chẽ...
4. Cơ chế xử lí khủng hoảng ngân hàng
Các công cụ phổ biến để xử lí khủng hoảng ngân hàng bao gồm: Thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng của ngân hàng trung ương; thông báo đảm bảo toàn bộ tiền gửi ngân hàng từ cơ quan có thẩm quyền; tái cơ cấu ngân hàng sau khủng hoảng.
Thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng của ngân hàng trung ương
Trong rất nhiều trường hợp, ngân hàng trung ương cần phải cung cấp tiền dự trữ (hoặc các hình thức khác phục vụ thanh khoản) cho hệ thống ngân hàng. Ngân hàng trung ương có thể có nhiều cách phản hồi khác nhau khi một ngân hàng hoặc cả hệ thống ngân hàng gặp vấn đề. Khi khủng hoảng hệ thống ngân hàng xảy ra, nhu cầu thanh khoản trong toàn hệ thống tăng cao đột biến, chỉ ngân hàng trung ương mới có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong trường hợp này (Dobler và cộng sự, 2016).
Trong tình huống như vậy, ngân hàng trung ương có thể cung cấp tiền dự trữ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng gặp vấn đề và hạn chế nguy cơ xảy ra hiệu ứng đổ vỡ lan truyền. Chức năng người cho vay cuối cùng có ý nghĩa ngăn chặn sự đổ vỡ của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, hoạt động này cũng có nguy cơ dẫn đến rủi ro đạo đức của các ngân hàng thương mại. Rủi ro đạo đức xảy ra khi các ngân hàng thương mại biết chắc chắn rằng ngân hàng trung ương sẽ cung cấp tiền dự trữ trong trường hợp họ thiếu thanh khoản và có nguy cơ đổ vỡ. Như vậy, các ngân hàng có thể có xu hướng tham gia vào các hoạt động rủi ro hơn khi biết chắc chắn rằng mình sẽ được hỗ trợ. Vì vậy, ngân hàng trung ương cần có sự cân nhắc kĩ càng khi đưa ra sự hỗ trợ cho các ngân hàng và cần đặt ra điều kiện chỉ hỗ trợ khi các công cụ hỗ trợ khác đã được sử dụng tối đa mà ngân hàng vẫn chưa giải quyết được vấn đề.
Thông báo đảm bảo toàn bộ tiền gửi từ chính phủ
Theo Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), bảo đảm toàn bộ tiền gửi là một tuyên bố của chính phủ rằng tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng được bảo vệ toàn bộ và sẽ được trả đầy đủ. Hoạt động này nhằm ngăn chặn nguy cơ đột biến rút tiền gửi dẫn đến sụp đổ một ngân hàng hoặc cả hệ thống ngân hàng. Biện pháp này đã được rất nhiều quốc gia áp dụng và đã phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn đột biến rút tiền gửi trong nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng. Gần đây, trong tháng 3/2023, FED, Bộ Tài chính Mỹ và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang đã tuyên bố bảo đảm toàn bộ tiền gửi tại Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature cho cả những khoản tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm ngay sau khi hai ngân hàng này bị đóng cửa và cho biết người nộp thuế sẽ không chịu chi phí. Động thái này nhằm trấn an người gửi tiền, bảo vệ hệ thống tài chính và ngăn chặn khủng hoảng lan rộng. Trước đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008, Chính phủ Singapore, New Zealand và một số quốc gia đã thực hiện biện pháp này và thành công trong việc ngăn chặn được sự khủng hoảng của hệ thống ngân hàng.
So với biện pháp người cho vay cuối cùng thì biện pháp tuyên bố bảo đảm tiền gửi có ưu điểm hơn ở việc vẫn bảo vệ người gửi tiền, tránh nhiễu loạn hệ thống tài chính nhưng ít tạo cơ hội để các ngân hàng có những hành vi mạo hiểm. Nguyên nhân là do ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình và có thể bị đóng cửa nếu gặp vấn đề.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Theo PGS., TS. Lê Quốc Hội (2012), tái cấu trúc ngân hàng là một nội dung của tái cấu trúc nền kinh tế. Tái cấu trúc ngân hàng là việc sắp xếp, nâng cao khả năng điều hành của ngân hàng thương mại để hướng đến xây dựng một hệ thống ngân hàng có sức khỏe tài chính ổn định, khả năng quản lí, kiểm soát rủi ro và khả năng quản trị tốt (Claessens, 1998).
Sau những cuộc khủng hoảng ngân hàng, các vấn đề chính cần giải quyết là tình trạng thiếu vốn, thiếu thanh khoản, nợ xấu và quản trị ngân hàng. Thứ nhất, đối với vấn đề thiếu vốn, ngân hàng trung ương cần rà soát và can thiệp bằng một số biện pháp để nâng cao năng lực vốn của ngân hàng. Trong trường hợp các ngân hàng không có khả năng tự mình tái cấu trúc, ngân hàng trung ương và các cơ quan có chức năng có thể chỉ đạo các ngân hàng lớn tham gia điều hành và kết hợp vận hành để nâng cao năng lực vốn; nếu cần có thể phải thực hiện hợp nhất hoặc sáp nhập. Việc này giúp cho các ngân hàng đang gặp khó khăn nâng cao năng lực vốn và bảo vệ người gửi tiền cũng như nhà đầu tư, nâng cao năng lực quản trị cũng như đảm bảo thanh khoản và an toàn vốn. Thứ hai, đối với vấn đề về thanh khoản, ngân hàng trung ương có thể trực tiếp cung cấp thanh khoản hoặc chỉ đạo các ngân hàng lớn cung cấp thanh khoản nhằm giảm thiểu rủi ro thanh khoản của hệ thống. Ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng có thể cho phép hoạt động mua, bán nợ đối với các ngân hàng đủ tiêu chuẩn nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản. Thứ ba, về vấn đề nợ xấu, ngân hàng trung ương có thể cho phép điều chỉnh kì hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng hoặc khoản nợ của doanh nghiệp có dấu hiệu khả quan. Thứ tư, về việc quản trị ngân hàng, các ngân hàng cần tập trung vào việc đạt được mức vốn tự có đủ để bù đắp rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp theo quy định của Basel II và hướng tới áp dụng Basel III. Đối với các ngân hàng yếu kém và trong diện kiểm soát đặc biệt, ngân hàng trung ương có thể sẽ cần phải chỉ đạo các ngân hàng lớn tham gia hỗ trợ điều hành để giúp các ngân hàng yếu kém đi vào hoạt động ổn định.
5. Những rủi ro của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam
Nghiên cứu của Đỗ Thu Hằng và Tạ Thanh Huyền (2020) đã chỉ ra một số rủi ro chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam như tỉ lệ tiền gửi ngắn hạn lớn, cho vay dài hạn và tập trung vào một số lĩnh vực rủi ro cao, tỉ lệ nợ xấu có sự biến động lớn, mức độ đòn bẩy tài chính lớn khiến hệ thống dễ bị tổn thương. Ngoài ra, chất lượng quản trị ngân hàng trong các hệ thống ngân hàng của Việt Nam chưa được đồng đều.
Thứ nhất, về cơ cấu vốn huy động của các ngân hàng thương mại, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ trong bài phỏng vấn với Báo Kinh tế & Đô thị trong tháng 4/2023 rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam có tỉ lệ tiền gửi ngắn hạn cao đến 80 - 90% trên tổng số dư tiền gửi1. Tuy nhiên, tỉ lệ cho vay dài hạn khá cao và tập trung vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản và chứng khoán (Đỗ Thu Hằng và Tạ Thanh Huyền, 2021). Tình trạng này dẫn đến sự bất cân xứng trong cơ cấu vốn huy động và vốn vay, gây ra rủi ro mất an toàn vốn trong hệ thống.
Thứ hai, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng sau các thời kì diễn ra khủng hoảng kinh tế. Sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009, tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng ở Việt Nam tăng mạnh lên trên mức khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Không chỉ vậy, báo cáo của các tổ chức nước ngoài còn cho rằng tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam trong giai đoạn này còn có thể cao hơn gấp bốn lần mức được báo cáo (Đỗ Thu Hằng và Tạ Thanh Huyền, 2021). Gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trầm trọng và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Tỉ lệ nợ xấu có xu hướng tăng từ thời điểm cuối năm 20222. Tình trạng nợ xấu tăng có thể dẫn đến khủng hoảng nguồn vốn và người gửi tiền có thể thiếu tin tưởng vào ngân hàng, từ đó có thể dẫn đến tình trạng rút tiền hàng loạt gây ra khủng hoảng hệ thống.
Thứ ba, tỉ lệ đòn bẩy tài chính lớn cũng khiến cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, những rủi ro hình thành từ tình trạng này thường tích lũy theo thời gian và khó quan sát. Đồng thời, vào thời kì kinh tế suy thoái, đây có thể là điểm yếu dẫn tới khủng hoảng hệ thống ngân hàng mang tính lan truyền.
Thứ tư, chất lượng quản trị doanh nghiệp tại các ngân hàng ở Việt Nam chưa đồng đều. Việc quản trị doanh nghiệp tốt sẽ góp phần xây dựng một hệ thống ngân hàng ổn định và phát triển bền vững. Các ngân hàng làm tốt việc quản trị doanh nghiệp có thể thúc đẩy hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí vốn và tăng giá trị tài sản và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Một trong những điểm quan trọng nhất của quản trị ngân hàng đó là quản trị rủi ro. Tại Việt Nam, đã có một số ngân hàng hoàn thành chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế Basel II, Basel III, đồng thời tiến hành triển khai chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa đạt được sự đồng đều trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế này. Việc đạt các chuẩn mực quốc tế trên toàn hệ thống giúp ngăn chặn những tác động tiêu cực của các sự kiện khủng hoảng, hạn chế tổn thất và hiệu ứng lan truyền khi có khủng hoảng và hỗ trợ việc xử lí hậu khủng hoảng được thuận lợi hơn.
6. Khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc ổn định hệ thống ngân hàng và chuẩn bị ứng phó với cuộc khủng hoảng
Đứng trước những biến động về kinh tế và xã hội toàn cầu trong thời gian gần đây, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng để hạn chế những tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng cũng như xây dựng nền tảng vững vàng để có thể hồi phục sau khủng hoảng.
Đầu tiên, ở mức độ vĩ mô, Việt Nam cần phải hoàn thiện các lỗ hổng pháp lí đối với khủng hoảng ngân hàng nhằm cảnh báo và can thiệp sớm đối với hệ thống ngân hàng trong trường hợp có nguy cơ xảy ra khủng hoảng hoặc xảy ra khủng hoảng. Cụ thể, chúng ta cần đẩy mạnh các điểm sau đây:
Thứ nhất, chúng ta cần rà soát và điều chỉnh để tăng độ nhất quán của các luật liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động của hệ thống ngân hàng (Luật Các tổ chức tín dụng, Luật NHNN…) và tích hợp các chuẩn mực quốc tế vào các luật này một cách đầy đủ nhất có thể. Trong đó, Luật Các Tổ chức tín dụng cần làm rõ một cách chi tiết các mục tiêu về giải quyết căng thẳng tài chính ngân hàng và thẩm quyền pháp lí trong vấn đề này.
Thứ hai, các thông tin về thẩm quyền và các biện pháp bảo vệ trong trường hợp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp trong Luật NHNN cũng cần được làm rõ (Hoàng Lan, 2023).
Thứ ba, cần tăng cường cơ chế giám sát đối với các tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng nhằm phát hiện sớm các rủi ro có thể xảy ra.
Thứ tư, cần có một cơ chế can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả trong trường hợp bất kì ngân hàng nào xảy ra sự cố nhằm ngăn chặn hiệu ứng lan truyền trong toàn bộ hệ thống.
Thứ năm, rà soát, sửa đổi các luật có liên quan như Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật NHNN; cần chú ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
Thứ sáu, để chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, chúng ta cũng nên xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó với khủng hoảng đối với các ngân hàng có quy mô khác nhau và với toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Để xây dựng được các kịch bản ứng phó mang tính ứng dụng cao, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm các trường hợp của những quốc gia có đặc điểm giống Việt Nam. Các kịch bản này hướng đến việc khôi phục trạng thái ổn định tài chính của các ngân hàng hoặc hệ thống ngân hàng khi rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Việc này đòi hỏi phải lập kế hoạch kĩ lưỡng để tránh gây tổn thất cho người gửi tiền và những bên liên quan.
Ở mức độ vi mô, mỗi ngân hàng cần phải chủ động chuẩn bị để đảm bảo an toàn vốn và an toàn hoạt động. Các ngân hàng cần hướng tới đảm bảo một cơ cấu vốn an toàn, đa dạng hóa lĩnh vực cho vay để tránh việc tập trung quá mức vào một số mảng. Để làm được điều này, các ngân hàng cần đưa ra mục tiêu cụ thể về cơ cấu vốn và triển khai một cách quyết liệt. Thành viên độc lập trong ban quản trị cần phải bao gồm đầy đủ đại diện của không chỉ cổ đông, mà còn có đại diện của người lao động và của cơ quan quản lí như NHNN. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào việc huy động vốn và cấp tín dụng cũng có thể góp phần tăng cường an toàn vốn. Cụ thể, bằng việc ứng dụng công nghệ số, ngân hàng có thể thu hút được lượng vốn dồi dào hơn mà không bị cản trở bởi khoảng cách địa lí và người gửi tiền cũng sẽ dễ dàng tiếp cận được với các dịch vụ tiền gửi của ngân hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ số giúp ngân hàng có thể rà soát tín dụng một cách khách quan và minh bạch, mặt khác cũng gia tăng số lượng các dự án được thẩm định. Như vậy, các ngân hàng cần chủ động đặt ra mục tiêu về an toàn vốn cũng như tận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả của hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng.
1 https://kinhtedothi.vn/khung-hoang-ngan-hang-o-my-va-chau-au-viet-nam-chu-dong-ung-pho.html.
2 https://kinhtedothi.vn/no-xau-truc-cho-bao-mon-loi-nhuan-ngan-hang.html).
Tài liệu tham khảo:
1. Banking crisis, n.d., 2016 https://www.worldbank.org/en/publication/gfdr/gfdr-2016/background/banking-crisis
2. Brill, F.N., Robin, E., 2020. The risky business of real estate developers: network building and risk mitigation in London and Johannesburg. Urban Geography 41, pages 36-54. https://doi.org/10.1080/02723638.2019.1637211
3. Claessens, S., n.d. Experiences of resolution of banking crises.
4. Đỗ Thu Hằng, Tạ Thanh Huyền, 2021. Thực trạng rủi ro hệ thống tại các ngân hàng thương mại Việt Nam và một số khuyến nghị. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng.
5. Dobler, M., Gray, S., Murphy, D., Radzewicz-Bak, B., 2016. The Lender of Last Resort Function after the Global Financial Crisis. International Monetary Fund.
6. Ergungor, O.E., Thomson, J.B., 2005. Systemic Banking Crises. FEDERAL RESERVE BANK OF CLEVELAND.
7. Herring, R., Susan, W., 2003. Asset price bubbles: The implications for monetary, regulatory, and international policies 217, pages 217-230.
8. Laeven, M.L., Valencia, M.F., 2012. Systemic banking crises database: An update. International Monetary Fund.
9. Lê Quốc Hội, 2022. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam: Thực trạng năm 2012 và triển vọng năm 2013.
10. Llewellyn, D.T., 2002. An analysis of the causes of recent banking crises. The European Journal of Finance 8, pages 152-175. https://doi.org/10.1080/13518470110071182
11. Trâm Anh, 2023. Khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu: Việt Nam chủ động ứng phó, Báo Kinh tế & Đô thị. https://kinhtedothi.vn/khung-hoang-ngan-hang-o-my-va-chau-au-viet-nam-chu-dong-ung-pho.html
12. Thảo Nguyên, 2023. Nợ xấu “trực chờ” bào mòn lợi nhuận ngân hàng, Báo Kinh tế & Đô thị. https://kinhtedothi.vn/no-xau-truc-cho-bao-mon-loi-nhuan-ngan-hang.html
ThS. Nguyễn Thị Thục Hiền
Trường Đại học PHENIKAA Hà Nội