1. Tình hình kinh tế tỉnh Quảng Nam và hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 69.110 tỉ đồng, tăng 11,2% cao hơn so với năm 2021, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm; đứng vị trí thứ 11/63 so với cả nước. Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) năm 2022 hơn 116.374 tỉ đồng.
Trước những khó khăn, thách thức, tác động bất lợi từ khu vực quốc tế, trong nước; thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp, lãi suất, tỉ giá thường xuyên biến động…, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai các giải pháp để đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, ổn định; chỉ đạo phân bổ nguồn vốn kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân; công tác truyền thông, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra được quan tâm sát sao, triển khai tích cực; mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng dịch vụ được cải tiến, đa dạng để đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của nền kinh tế.
Đến tháng 02/2023, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có mức tăng trưởng tốt so với năm trước, đạt 103.982 tỉ đồng. Tỉ trọng cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ đang tăng mạnh trở lại: Năm 2021 là 52,87%, năm 2022 là 56,27% và đến tháng 02/2023 là 58,69%. Dòng vốn tín dụng được tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn. Cho vay các lĩnh vực ưu tiên đều tăng cao so với năm trước; tập trung đẩy mạnh cho vay bán lẻ (tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống, cho vay qua thẻ tín dụng), thị phần dư nợ cho vay ở phân khúc này có mức tăng trưởng khá và chiếm tỉ trọng 14,75%; tín dụng cho vay bất động sản được kiểm soát tốt, chiếm 20,08% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 6.568 tỉ đồng, tăng 2,05% so với đầu năm.
Tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến cuối tháng 02/2023 là 2.572 tỉ đồng, chiếm 2,47% tổng dư nợ. Nợ xấu tăng do khách hàng gặp khó khăn về tài chính, doanh thu giảm sút, không đủ khả năng trả nợ đối với những khoản vay đến hạn. Nợ xấu phát sinh làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng.
Hoạt động thanh toán trên địa bàn diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các TCTD quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, tổng số thẻ giao dịch ngân hàng đã phát hành khoảng hơn 1.432 nghìn thẻ. Toàn địa bàn có 287 ATM, 3.883 POS và 4.397 đơn vị chấp nhận thẻ. Giá trị giao dịch thanh toán qua ATM đạt khoảng 13.755 tỉ đồng; giá trị giao dịch thanh toán qua POS đạt 1.646 tỉ đồng; giá trị giao dịch thanh toán qua Internet Banking, Mobile Banking và qua các kênh thanh toán khác ước đạt khoảng 287.273 tỉ đồng.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị khó khăn do dịch Covid-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung của Thống đốc NHNN: Tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi là 4.652,4 tỉ đồng cho 1.774 khách hàng. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 71.775,8 tỉ đồng cho 6.439 khách hàng.
Đặc biệt, trong năm 2022 và 2023, với nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, hệ thống ngân hàng tỉnh Quảng Nam đã kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN để hỗ trợ khách hàng trên địa bàn.
2. NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam quyết liệt triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau hơn hai năm dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống, kinh tế. Trên tinh thần đó, hệ thống ngân hàng tỉnh Quảng Nam đã thực hiện quyết liệt, trách nhiệm chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, góp phần hỗ trợ kinh tế địa bàn khôi phục và phát triển.
NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 của Thống đốc NHNN về Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh để hỗ trợ phục hồi kinh tế; tổ chức bốn hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh về triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP do NHNN chủ trì tại điểm cầu trung tâm để triển khai cho các đơn vị trong hệ thống.
Hai là, thành lập, công bố công khai Bộ phận thường trực và đường dây nóng tiếp nhận, xử lí các phản ánh, khuyến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân liên quan đến chương trình hỗ trợ lãi suất.
Ba là, truyền thông chương trình hỗ trợ lãi suất trên Website của NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam về các văn bản pháp luật đang có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN; cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn với các báo đài địa phương (như Báo Quảng Nam về tình hình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của hệ thống ngân hàng tỉnh Quảng Nam,…). Đồng thời, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại địa phương, lãnh đạo Chi nhánh đã chủ động tuyên truyền kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Quảng Nam và chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP để cử tri nắm bắt và có phương án tiếp cận chính sách.
Bốn là, phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương truyền thông về chương trình hỗ trợ lãi suất đến các hiệp hội doanh nghiệp, các hội, doanh nghiệp trên địa bàn nắm chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và NHNN; tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chương trình. Hội nghị đã nắm bắt, tiếp thu giải trình các ý kiến phản hồi của khách hàng về nhu cầu tiếp cận chính sách, vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền trả lời của NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam. Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đã tổng hợp và phản hồi về NHNN để báo cáo.
Ông Phạm Trọng - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Kết quả đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt trên 132,86 tỉ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 128,23 tỉ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt trên 644,47 triệu đồng cho 14 khách hàng.
3. Tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP
Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc của ngân hàng và doanh nghiệp trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP đã được làm rõ như:
Trường hợp khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, do: (i) Bản thân khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, có tâm lí e ngại, không muốn tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất do cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); mặt khác, trong trường hợp bị xác định phải thu hồi thì khách hàng rất khó xử lí vì đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức; (ii) Nhiều khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các NHTM cho vay với lãi suất ưu đãi nên từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của NHTM.
Trường hợp khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, do: (i) Hiện nay, có nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ (điển hình như tại hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tỉnh Quảng Nam có 70% dư nợ khách hàng hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh); (ii) Một số nguyên nhân khác như khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định; NHTM và khách hàng khó xác định, bóc tách dư nợ vay hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng vay kinh doanh nhiều mục đích khác nhau nhưng khó bóc tách mục đích được hỗ trợ lãi suất và mục đích không được hỗ trợ lãi suất.
Doanh nghiệp tham gia ý kiến đối với chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Về phía NHTM: Vẫn còn tâm lí e ngại khi triển khai thực hiện Chương trình do một số chương trình hỗ trợ lãi suất vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Bên cạnh đó, NHTM cũng lo ngại trong trường hợp nếu phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất đã hỗ trợ khách hàng nhưng khách hàng đã tất toán khoản vay, không còn quan hệ với NHTM thì khó thu hồi số tiền này.
4. Giải pháp trong thời gian tới
Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc nêu trên, tác giả xin đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:
Đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực để mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Các sở, ban, ngành trên địa bàn cần đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin truyền thông về chương trình hỗ trợ lãi suất đến các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp thuộc sự quản lí của mình để các đơn vị nắm kĩ hơn chủ trương của Nhà nước.
Về phía NHNN, cần có hướng dẫn cụ thể hơn với trường hợp khó bóc tách khi xác định mục đích sử dụng vốn cho ngành nghề được hỗ trợ lãi suất hoặc có tỉ lệ quy định đối với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành để các NHTM yên tâm xem xét hỗ trợ. Khuyến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung đánh giá khả năng trả nợ, khả năng phục hồi của khách hàng tại thời điểm đánh giá và ban hành hướng dẫn cụ thể tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi giúp NHTM triển khai thuận lợi hơn, để chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Đối với NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam: Cần thực hiện kiểm tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn theo quy định; xử lí kịp thời các trường hợp thực hiện không nghiêm, không đúng quy định, trốn tránh, từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất. Theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của các NHTM trên địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lí khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, Thống đốc NHNN để xử lí các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền. Tăng cường nhắc nhở đôn đốc, kiểm tra đối với các NHTM chưa tích cực triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN.
Về phía các NHTM: Tiếp tục tăng cường công tác thông tin truyền thông, phổ biến rộng rãi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN giúp các doanh nghiệp trên địa bàn hiểu rõ hơn về chính sách hỗ trợ lãi suất. Tiếp tục ưu tiên tập trung đáp ứng nguồn vốn cho người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực phục vụ sản xuất, kinh doanh có khả năng phục hồi sau dịch. Rà soát danh sách khách hàng thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất để trao đổi, nắm bắt, hướng dẫn khách hàng vay vốn hoàn thiện đầy đủ thủ tục về mặt hồ sơ, chứng từ vay vốn theo quy định để được hỗ trợ lãi suất. Nắm bắt, giải đáp kịp thời hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hỗ trợ lãi suất qua đường dây nóng của NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đã công khai trên Website của Chi nhánh (0235.3859244).
Mặc dù kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP chưa được như kì vọng và còn những khó khăn phía trước, song, có thể nói những kết quả mà hệ thống ngân hàng tỉnh Quảng Nam đạt được trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực và trách nhiệm trong quá trình đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Nam./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 tỉnh Quảng Nam.
2. Thông tin kinh tế - xã hội trên Website Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam. (https://quangnam.gov.vn).
3. Báo cáo kết quả Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN.
Nguyễn Trần Thùy Quyên
Trần Thị Ánh Ly
NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Nam