Trong điều kiện vẫn còn những khó khăn nhất định sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những thách thức từ bên ngoài như tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; lạm phát, lãi suất ở mức cao và xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến tăng trưởng suy giảm, nguy cơ suy thoái kinh tế. Ở trong nước, việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, nền kinh tế còn chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, quy mô còn khiêm tốn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu còn hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân… Song, kinh tế tỉnh Bình Dương nói chung và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng trong năm 2022 vẫn ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp.
Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, là một trong những tỉnh thu hút vốn đầu tư lớn của cả nước (Nguồn: Internet)
Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, với 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp, 59.484 doanh nghiệp trong nước; tổng vốn đầu tư là 627 nghìn tỉ đồng, 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 39,7 tỉ đô la Mỹ - là một trong những tỉnh thu hút vốn đầu tư lớn của cả nước. Theo đó, sự phát triển của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương có sự đóng góp quan trọng của hệ thống ngân hàng tỉnh, với những chương trình cho vay khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kết nối tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Trong năm 2022, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, cán bộ, người lao động của NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, góp phần quan trọng cùng ngành Ngân hàng ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Theo đó, Chi nhánh đã xây dựng Kế hoạch hành động số 170/KH-BDU2 ngày 15/02/2022 để triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022 để triển khai đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.
Đặc biệt, hệ thống ngân hàng tỉnh Bình Dương đã luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp nhằm đẩy lùi “tín dụng đen”; triển khai nhiều chính sách quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (định danh khách hàng điện tử (eKYC), Mobile-Money, Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt). Thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức. Các chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh được kịp thời ban hành và triển khai khẩn trương, đồng bộ. Do đó, trong năm 2022, các TCTD trên địa bàn tỉnh Bình Dương tiếp tục hoạt động hiệu quả, tăng trưởng tín dụng an toàn, theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 276.295 tỉ đồng, tăng 3,5% so đầu năm; tổng dư nợ 285.576 tỉ đồng, tăng 12,38% so với đầu năm; nợ xấu là 2.088 tỉ đồng, chiếm 0,7%/tổng dư nợ (nằm trong giới hạn cho phép, đạt chỉ tiêu kế hoạch hành động đề ra đầu năm 2022 là nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%/tổng dư nợ).
Hệ thống các TCTD trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển mạnh mẽ cả quy mô, mạng lưới hoạt động, các dịch vụ ngân hàng cung ứng ngày càng đa dạng và hiện đại với mạng lưới TCTD, công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn là 79 đơn vị gồm: 17 chi nhánh TCTD có vốn nhà nước chi phối, 34 chi nhánh TCTD cổ phần, 01 chi nhánh TCTD liên doanh, 06 chi nhánh TCTD 100% vốn nước ngoài, 01 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 10 quỹ tín dụng nhân dân, 01 Ngân hàng Chính sách xã hội, 01 Ngân hàng Phát triển khu vực, 05 văn phòng đại diện công ty tài chính, 01 chi nhánh công ty tài chính, 02 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô. Trong đó, nhiều ngân hàng luôn đi đầu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ, mang đến cho khách hàng, người tiêu dùng những trải nghiệm tốt nhất, thuận lợi nhất.
Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn đã chủ động đề ra phương án, giải pháp tích cực theo chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như cơ cấu nợ, giãn nợ, cho vay mới; đã hạn chế phát sinh nợ xấu và tăng cường xử lý nợ xấu như: Chủ động, tích cực đôn đốc thu hồi nợ; xử lý nợ xấu bằng dự phòng; bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo,… đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiểm soát chất lượng tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản để hạn chế rủi ro, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến ngày 31/12/2022, dư nợ đối với các chương trình tín dụng của 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 166.924 tỉ đồng, chiếm 58,45% trên tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay theo các chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn 79.830 tỉ đồng; cho vay xuất khẩu 16.350 tỉ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 64.441 tỉ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ 5.625 tỉ đồng; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 678 tỉ đồng.
Trong năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã tranh thủ và nhận được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền địa phương như: Ngày 12/10/2022, Chi nhánh đã phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương về thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh Bình Dương 1.198 tỉ đồng; doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất là 2.547 tỉ đồng; tổng số tiền đã hỗ trợ lãi suất là hơn 5.599 tỉ đồng; số khách hàng được hỗ trợ lãi suất là 58 khách hàng.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương luôn chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin, thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động, trả lời các thắc mắc của cử tri về lĩnh vực tài chính - tiền tệ - ngân hàng cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy nhằm phản ánh kịp thời tình hình hoạt động tiền tệ và ngân hàng trên địa bàn. Qua đó, đảm bảo cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của các TCTD sâu sát, hiệu quả, giúp cho hệ thống các TCTD trên địa bàn ngày càng phát triển ổn định, vững chắc, phục vụ tốt hơn vào công việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương. Cùng với đó, công tác quản lý ngoại hối, vàng, ổn định thị trường ngoại hối và vàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương tiếp tục được quản lý thực hiện tốt; các yếu tố thị trường: Lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định và diễn biến theo đúng định hướng điều hành của NHNN Việt Nam. Cung - cầu ngoại tệ ổn định và đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Bằng những hành động cụ thể và thông qua công tác phối hợp với UBND tỉnh và các sở, ngành trên địa bàn, hệ thống ngân hàng tỉnh Bình Dương đã thực hiện các nhiệm vụ được NHNN Việt Nam giao để đảm bảo chính sách này phát huy hiệu quả, đạt mục tiêu của Chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của Chính phủ và UBND tỉnh.
Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế - xã hội có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, bước sang năm 2023, NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương và hệ thống các TCTD trên địa bàn cần triển khai kịp thời, có hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng, tiền tệ ngân hàng theo sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND Bình Dương.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương trong năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua các ngân hàng thương mại hiện nay kết quả vẫn còn khiêm tốn. Cần có những giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tăng cường số lượng các đối tượng được hỗ trợ.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Dương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, giảm các thủ tục không cần thiết trong cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng một cách thuận lợi... Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn trong hoạt động, hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh…
Võ Đình Phong
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương