Đặt mục tiêu tập trung huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, tăng cường huy động vốn tại địa phương, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực phấn đấu để đảm bảo chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.
Trong năm 2023, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang luôn tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, Kế hoạch số 16/KH-HĐQT ngày 21/4/2022 của Hội đồng quản trị về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg, Công văn số 542-CV/TU ngày 09/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Bắc Giang đối với tín dụng chính sách xã hội. Song song là tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 28/02/2023 triển khai thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 và chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; ban hành Quyết định số 93/QĐ-UBND ngày 17/01/2023 về việc phê duyệt đề án “Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023 - 2025”.
Người nghèo và các đối tượng chính sách làm thủ tục vay vốn tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang, trong năm 2023, đơn vị đã không ngừng tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, Quyết định số 1630/QĐ-TTg, Kế hoạch số 16/KH-HĐQT, Công văn số 542-CV/TU và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Bắc Giang đối với tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội phổ biến sâu rộng Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Đồng thời, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 20/QĐ-HĐQT ngày 20/3/2023 của Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH, Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược.
Đáng chú ý, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã triển khai đến toàn thể cán bộ, người lao động trong đơn vị Kế hoạch số 463/NHCS-KH ngày 31/5/2023 của Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện, tình hình tại địa phương; tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp, các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành các mục tiêu Chiến lược.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 10/CTrPH-MTTW-NHCS ngày 23/12/2022 và Kế hoạch số 06/KH-MTTQ-NHCS ngày 27/3/2023 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và các nội dung trong Chương trình phối hợp và Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình tại địa phương.
Ngoài ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã tham mưu UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với NHCSXH tổ chức triển khai xây dựng Kế hoạch tín dụng năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2026 trên địa bàn. Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2023 và tập trung tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, các chính sách tín dụng ưu đãi góp phần thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc rà soát đối tượng cho vay, hỗ trợ lãi suất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng vốn, tránh trục lợi chính sách; tăng cường rà soát nhu cầu vay vốn trên địa bàn, hướng dẫn hồ sơ và cho vay kịp thời; đối với cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm yêu cầu rà soát, lựa chọn và tập trung vào những đối tượng ưu tiên đảm bảo mục tiêu của Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2025; làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn và kế hoạch nguồn vốn thu hồi đảm bảo cho vay quay vòng hiệu quả; quản lí và điều hành linh hoạt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng theo quy định; có các giải pháp huy động vốn đảm bảo kế hoạch được giao.
Đặc biệt, Phòng giao dịch NHCSXH các huyện: Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp chỉ đạo tổ chức, rà soát, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025 làm cơ sở để NHCSXH thực hiện cho vay. Ngoài ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ cho vay kí quỹ tại NHCSXH đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS theo Quyết định số 16/2023/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị điều kiện tốt nhất để kịp thời giải ngân chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg ngày 05/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Cảnh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn tại NHCSXH, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, giúp thực hiện các hồ sơ, thủ tục vay vốn đảm bảo tuân thủ đúng quy định, nhanh chóng và kịp thời; chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đánh giá mức độ khó khăn, khả năng trả nợ của khách hàng để thực hiện các biện pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời. Nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng hoạt động giao dịch xã và hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); quan tâm chỉ đạo, phân tích nguyên nhân và có các giải pháp cụ thể đối với tổ TK&VV xếp loại trung bình; món vay qua đối chiếu, phân loại nợ không có khả năng thu hồi; món nợ quá hạn lâu ngày; món vay khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú; món vay tồn đọng lãi; tăng cường kiểm soát tốt nợ đến hạn, nợ quá hạn. Quan tâm triển khai dịch vụ Mobile Banking giai đoạn 2 đến khách hàng theo Kế hoạch số 464/KH-NHCS ngày 31/5/2023 của Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, mở rộng đối tượng sử dụng dịch vụ, trong đó tập trung khai thác khách hàng hiện có dư nợ tại NHCSXH và khách hàng hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, đảm bảo chỉ tiêu được giao theo văn bản số 516/NHCS-KTNQ ngày 19/6/2023. Thường xuyên phối hợp với tổ chức hội nhận ủy thác trong việc nhập, khai thác kết quả kiểm tra hoạt động ủy thác theo văn bản số 10566/HD-NHCS; triển khai việc sắp xếp, lưu giữ hồ sơ hoạt động ủy thác, hoạt động tổ TK&VV theo văn bản số 3920/NHCS-TDNN ngày 10/5/2023 của Tổng Giám đốc NHCSXH.
Vay vốn tín dụng để thoát nghèo và làm giàu trên quê hương Bắc Giang
Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đạt trên 7 nghìn tỉ đồng. Nguồn vốn chính sách xã hội đã giúp trên 31 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 6.639 lao động; xây mới và sửa chữa 25.090 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, mua 958 căn nhà ở xã hội; giúp 136 đối tượng chính sách vay vốn để chi phí đi lao động nước ngoài theo hợp đồng; giúp cho 2.043 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, 34 học sinh, sinh viên có máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, không có học sinh, sinh viên nào phải nghỉ học vì khó khăn về tài chính.
Nguồn vốn chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với 148/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 06 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Gia đình chị Ngô Thị Chín, tổ dân phố Tam Hợp, thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là hộ vay tín dụng học sinh, sinh viên bày tỏ, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vợ mất sức lao động từ hồi sinh con năm 2002 đến nay và mọi thu nhập của gia đình đều dựa vào chồng, nhưng 2 năm trở lại đây, chồng cũng mất sức lao động trong khi phải nuôi 03 người con đang tuổi ăn học, trong đó, người con đầu là sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, người con thứ hai đang là sinh viên Cao đẳng Sư phạm và người con út hiện là học sinh cấp 3. Thế nên nếu không có hỗ trợ vay vốn của NHCSXH, hai vợ chồng đã phải tính tới phương án cho các con thôi học để đi làm…
Cùng là hộ vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, anh Nguyễn Văn Thi ở cụm dân cư Bắc Sơn, tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, gia đình anh vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên để cho cô con gái lớn, sinh năm 2003, đang theo học Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nhờ nguồn vốn vay này mà gia đình yên tâm để con theo học và bố mẹ tập trung làm kinh tế cũng như chăm nuôi tốt cậu con trai sinh năm 2013 khi thu nhập của hai vợ chồng chỉ trông chờ vào mảnh vườn, cánh đồng, thửa ruộng của gia đình.
Tại tỉnh Bắc Giang, đã có nhiều gương hộ điển hình vay vốn NHCSXH vươn lên thoát nghèo như hộ anh Nguyễn Văn Quỳnh ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với số tiền vay 70 triệu đồng, anh đã đầu tư mua bò sinh sản và đến nay, sau 3 năm vay vốn, gia đình anh Quỳnh đã thoát nghèo, xây được một căn nhà cấp 4 khang trang. Hay cơ ngơi vườn, ao, chuồng của hộ vay vốn Trần Văn Tìu, sinh năm 1957, thương binh hạng 1/4 tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã vay 100 triệu đồng cải tạo chuồng trại khang trang với đàn lợn gần 50 con, tạo sinh kế bền vững, từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đặc biệt là cơ sở Bánh bao Bảo Phát, phố Giáp Lễ, phường Đình Kế, thành phố Bắc Giang của anh Nguyễn Vương Quyền. Chủ cơ sở cho biết, anh được tiếp cận nguồn vốn từ sinh hoạt mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Bắc Giang và được NHCSXH tạo điều kiện giải ngân, có vốn để đầu tư xây dựng lại cơ sở, nhất là sắm thêm máy móc. “Trước đây, làm thủ công, cơ sở chỉ đáp ứng quy mô trên dưới 1.000 chiếc/ngày, từ khi mua sắm thêm máy móc, năng suất và quy mô lên tối đa 5.000 chiếc/ngày”, anh Nguyễn Vương Quyền phấn khởi chia sẻ.
Cơ sở bánh bao Bảo Phát, phố Giáp Lễ, phường Đình Kế, thành phố Bắc Giang
vay vốn tín dụng chính sách mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm thương hiệu OCOP
Sản phẩm bánh bao Bảo Phát hiện đạt chuẩn 3 sao và thị trường bánh bao thành phố Bắc Giang hiện nay không thể không nhắc đến thương hiệu Bảo Phát. Anh Quyền cũng mong muốn sẽ tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi và hợp lí để yên tâm hơn về nguồn vốn lưu động, đáp ứng các tiêu chuẩn ISO để nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã từng bước thoát nghèo, tự tin cho con em đi học, theo đuổi ước mơ dưới mái trường đại học, cao đẳng và thậm chí có hộ còn không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Ưu tiên tập trung vốn tín dụng chính sách xã hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ đạt trên 7 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm gần 19%. Vốn tín dụng chính sách xã hội hiện được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn, trong đó được ưu tiên tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhờ có nguồn vốn này đã giúp cho trên 752 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền 17,4 nghìn tỉ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống; giúp cho gần 184 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và trên 90 nghìn hộ thoát cận nghèo, tạo việc làm mới cho trên 72 nghìn lao động.
Nguồn vốn này đã từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo. Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 30,67% (năm 2005) xuống còn 3,81% (năm 2022), theo chuẩn nghèo đa chiều mới.
Tại Bắc Giang, Chi nhánh NHCSXH tỉnh có 09 phòng giao dịch trực thuộc và mạng lưới các điểm giao dịch được bố trí tại 100% trụ sở UBND cấp xã đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi. Ngoài ra, Ngân hàng cũng đã thành lập và quản lí 3.156 tổ TK&VV tại các tổ dân phố và thôn, bản trên địa bàn với 109.418 tổ viên.
Theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang được giao thực hiện các chương trình cho vay, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi gồm: Hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, phát triển vùng trồng dược liệu quý và hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Để vốn vay sớm đến các đối tượng, Chi nhánh đã chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện chủ động phối hợp rà soát các đối tượng được thụ hưởng chính sách và tham mưu cho UBND cấp huyện phê duyệt danh sách, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng. Nhờ đó giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kịp thời tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 03 năm 2024 - 2026. Theo kế hoạch này, năm 2024, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm; phấn đấu có 02 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Có thể thấy, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền địa phương, tìm mọi giải pháp huy động nhiều nguồn lực tài chính và tổ chức tốt các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhờ đó đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Điểm nổi bật trong hoạt động với phương thức “Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã” qua mạng lưới hàng nghìn tổ TK&VV cùng mạng lưới hàng trăm Điểm giao dịch xã, NHCSXH đã phủ kín xuống tận các xã, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận đầy đủ, thuận lợi nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Cùng với đó, việc phối hợp giữa NHCSXH với các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, góp phần thực hiện tốt công tác bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn chính sách xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ được Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang thực hiện đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu giúp tỉnh Bắc Giang thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Thời gian tới, những cán bộ làm tín dụng chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang xác định rõ nhiệm vụ: Phấn đấu tăng trưởng tín dụng chính sách xã hội đạt từ 7 - 10%; tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương theo chuẩn nghèo mới để làm căn cứ rà soát nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Việt Hà (Hà Nội)