Xóa đói, giảm nghèo là vấn đề mà ngay từ những ngày đầu tiên thành lập đã được chính quyền cách mạng quan tâm. Đây cũng là một trong ba nhiệm vụ hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra khi đó: “Diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm”. 76 năm qua, hệ thống chính sách để thực hiện công tác giảm nghèo ngày càng được hoàn thiện, mà một trong những công cụ hỗ trợ trực tiếp chính là tín dụng chính sách xã hội được triển khai và phát triển cùng với chặng đường 70 năm phát triển của ngành Ngân hàng. Trong đó, việc ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được xem là một bước đột phá quan trọng với việc cho ra đời một kênh tín dụng chuyên biệt, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng phát triển kinh tế đất nước, hội nhập quốc tế.
NHCSXH vinh dự đón nhận danh hiệu "Anh hùng Lao động" thời kỳ đổi mới
Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau
Phát triển kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo là chủ trương nhất quán của Đảng ta những năm qua, đặc biệt, trong quá trình đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V (Khoá VII), tháng 6 năm 1993 đã tạo một bước chuyển mới trong công tác xóa đói, giảm nghèo với việc đề ra chủ trương “Phải hỗ trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, tranh thủ các nguồn tài trợ nhân đạo trong và ngoài nước, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xóa đói, giảm nghèo...”.
Thực hiện chủ trương trên của Đảng, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và phương thức quản lý khác nhau về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo như: giao cho các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất ưu đãi đối với các tổ chức kinh tế và dân cư thuộc vùng núi cao, hải đảo, vùng đồng bào Khơ-me sống tập trung (1986 - 2002), thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất (1995).
Việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo năm 1995 là một bước tiến trong chỉ đạo, điều hành của Đảng và Chính phủ về tín dụng xóa đói, giảm nghèo. Chỉ sau 07 năm hoạt động, Ngân hàng Phục vụ người nghèo đã cho vay với tổng doanh số là 15.264 tỷ đồng; dư nợ đến ngày 31/12/2002 là 7.022 tỷ đồng. Số lượt hộ nghèo vay vốn là 7.867 nghìn lượt hộ, đã góp phần giúp cho 644 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo đói.
Tuy nhiên sau 07 năm hoạt động, tín dụng chính sách theo mô hình của Ngân hàng Phục vụ người nghèo đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đối tượng được vay vốn của Ngân hàng Phục vụ người nghèo chỉ bó hẹp là hộ nghèo, nhiều đối tượng chính sách khác chưa được vay vốn. Bên cạnh Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác còn được giao cho nhiều cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và ngân hàng thương mại cùng thực hiện theo các kênh khác nhau, làm cho nguồn lực của Nhà nước bị phân tán, chồng chéo, trùng lắp, thậm chí cản trở lẫn nhau. Mô hình Ngân hàng Phục vụ người nghèo đặt trong Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cản trở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trong quá trình chuyển sang hạch toán kinh doanh đầy đủ và tham gia cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, nhất là khi có sự xuất hiện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Trước thực tế đó, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vay xóa đói, giảm nghèo để trên cơ sở đó tổ chức lại công tác quản lý một cách chuyên nghiệp hơn đối với loại hình tín dụng này. Năm 1997, Quốc hội khóa X ban hành Luật Các tổ chức tín dụng, tại khoản 3 Điều 4 của Luật này đã nêu rõ: “Phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước”.
Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành Ngân hàng nói riêng. Hoạt động của NHCSXH được xác định như một định chế tài chính đặc thù của Nhà nước để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo.
Hiện có hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang có dư nợ vốn tín dụng chính sách xã hội
Hoàn thiện và tối ưu hóa công cụ tín dụng chính sách
Tín dụng chính sách là một giải pháp tín dụng đầy nhân văn và sáng tạo riêng có của Đảng và Chính phủ Việt Nam để hài hòa mục tiêu vừa mở cửa thị trường phát triển kinh tế, vừa hỗ trợ được những đối tượng yếu thế có thể vươn lên hòa nhập cùng công cuộc đổi mới của đất nước, gia tăng thu nhập, kéo gần khoảng cách thu nhập giữa các khu vực, vùng miền và chênh lệch giàu nghèo. Tính ưu việt của tín dụng chính sách xã hội ngày càng được minh chứng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới khiến các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế đối với người nghèo và đối tượng yếu thế giảm. Các hiệp ước thương mại ngày càng nhiều mở ra cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, song cũng tạo ra những thách thức và áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội khi có sự không đồng tốc trong phát triển giữa các thành phần kinh tế, bên cạnh những hộ nghèo đói, đã phát sinh những đối tượng yếu thế, nguy cơ chênh lệch mức sống ngày càng lớn, nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng và đủ, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng nới rộng, người nghèo sẽ ngày càng tụt lại phía sau.
Đây cũng là điều mà khi nghiên cứu và triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên thực tế, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, đứng đầu là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH đã nhận diện ra. Đặc biệt, HĐQT NHCSXH với 14 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các thành viên HĐQT đều là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hơn ai hết, họ càng thấu hiểu thêm những khó khăn, phát sinh mới trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từ đó hội tụ trí lực nghiên cứu, chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành các chủ trương, chính sách đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn và thực hiện xã hội hóa hoạt động của NHCSXH.
Cũng bởi vậy, từ 03 chương trình cho vay đơn lẻ khi mới đi vào hoạt động năm 2003, đến nay, NHCSXH đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng mang tính trợ giúp theo từng cung bậc khác nhau nhằm hỗ trợ nhu cầu phát triển kinh tế cho người nghèo, giúp họ không chỉ thoát nghèo mà cao hơn là thoát nghèo bền vững, cùng nhiều chính sách tín dụng chuyên biệt giải quyết những vấn đề bức thiết về an sinh xã hội, cũng như nhiều lần nâng mức cho vay các chương trình, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế của người dân và ứng biến với những rủi ro.
Đặc biệt, giai đoạn 10 năm (2011 - 2020), thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH, sự ra đời của 02 chương trình tín dụng là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được coi là bước đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cùng với hiệu ứng của các chương trình tín dụng chính sách trước đó, số hộ nghèo đã giảm mạnh từng năm, như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 9,45%, giảm về 5,2% cuối năm 2015, song khi tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều, thì tỷ lệ hộ nghèo lại vẫn gần 10%. Cùng với đó là nguy cơ tái nghèo cao, nhất là vùng lõi nghèo thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập, kiến thức canh tác, nuôi trồng của người dân còn hạn hẹp. Vì vậy, 02 chương trình tín dụng này đã bù lấp vào những khoảng trống, góp phần đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình tín dụng mới được tạo dựng ngày càng thâm nhập sâu rộng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
Bên cạnh việc mở rộng các chương trình tín dụng, NHCSXH đã kịp thời tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chính sách huy động nguồn lực đảm bảo 100% các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn vay, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng với việc lồng ghép vai trò chính quyền địa phương trên cả phương diện người cung ứng vốn, hỗ trợ người dân tạo dựng sinh kế từ nguồn vốn và giám sát hiệu quả nguồn vốn vay. Đỉnh cao của việc kết nối cả hệ thống chính trị với công cuộc giảm nghèo bền vững, đó là NHCSXH chủ động tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Minh chứng có thể thấy rõ từ việc cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp địa phương không chỉ chung tay nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, mà chủ động dành thêm nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH, coi đây là công cụ quan trọng trực tiếp và mang tính nền tảng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn ủy thác địa phương sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã tăng thêm 16.508 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương qua NHCSXH đến hết năm 2020 đạt 20.315 tỷ đồng.
NHCSXH còn chủ động báo cáo các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phê chuẩn bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để tạo sự ổn định, chủ động trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho các đối tượng thụ hưởng.
Ngoài ra, NHCSXH đã xây dựng và hoàn thiện bộ máy điều hành tác nghiệp làm nhiệm vụ thường trực, tổ chức điều hành, quản lý vốn thống nhất từ Trung ương đến cơ sở đảm bảo gọn nhẹ, gồm: Hội sở chính, Sở giao dịch, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Công nghệ Thông tin, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố và 625 Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, với cơ sở vật chất, thiết bị tin học đảm bảo ưu tiên phục vụ giao dịch tại Điểm giao dịch xã. Việc sửa đổi cơ chế quản lý tài chính đã giúp các đơn vị chủ động cân đối các khoản thu nhập, chi phí; đẩy mạnh thu nợ, thu lãi để cho vay quay vòng, tiết giảm tối đa chi phí quản lý, sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, không để tồn đọng, lãng phí vốn, đồng thời, thúc đẩy các đơn vị tìm kiếm và mở rộng các sản phẩm dịch vụ nhằm gia tăng thu nhập, bù đắp phần thiếu hụt kinh phí quản lý theo định mức được Chính phủ giao. Kết quả, hàng năm, NHCSXH đã tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước về cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý. Nếu như những năm đầu khi thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH (năm 2010), tỷ lệ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý chiếm tỷ lệ 3,27%/tổng dư nợ, thì đến năm 2019, chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,74%/tổng dư nợ (giảm 77%, bình quân mỗi năm giảm cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho ngân sách Nhà nước khoảng 432 tỷ đồng).
Mô hình điểm giao dịch xã của NHCSXH - Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã
Làm sâu sắc hơn phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù
Qua 18 năm hoạt động, NHCSXH đã khẳng định hiệu quả của một phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, ưu việt riêng có phù hợp với cấu trúc chính trị của Việt Nam. Đặc biệt, việc bổ sung Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện không những nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách, mà còn nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
NHCSXH đã xây dựng được đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, luôn đồng hành với đối tượng thụ hưởng, không quản ngại khó khăn, luôn “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, kết nối được ý Đảng, lòng dân.
NHCSXH áp dụng phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Đến cuối năm 2020, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 225.084 tỷ đồng, chiếm 99,5%/tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội.
Với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, đến nay, NHCSXH đang quản lý gần 173 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% thôn, ấp, bản, làng, phum, sóc, tổ dân phố... trên toàn quốc, tổ chức được 10.426 Điểm giao dịch ở hầu hết các xã, phường, thị trấn; các Tổ giao dịch tại xã được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn để phục vụ cho phiên giao dịch tại xã. Thông qua hoạt động này, NHCSXH đã cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngay tại nhà một cách tiện ích. Tại Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá: “Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo”.
Tất cả những nỗ lực của NHCSXH góp nên một bức tranh đầy màu sắc của hoạt động tín dụng chính sách trong 18 năm qua. Chỉ nói riêng 8 năm đầu hoạt động (2003 - 2010), tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH quản lý đạt hơn 146.285 tỷ đồng, giúp cho 2,1 triệu hộ thoát nghèo. Đặc biệt, việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, đã có trên 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 504.565 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, giúp gần 3,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, phát triển hội viên; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), xuống dưới 3% (năm 2020).
Hiệu ứng tín dụng chính sách sẽ tiếp tục rõ nét hơn trong những năm tiếp theo trên cơ sở kết quả đạt được tính đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 226.197 tỷ đồng, đang hỗ trợ cho hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, NHCSXH đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.
Đã đến lúc cần có bước đột phá mới
Bước sang giai đoạn mới 2021 - 2030, NHCSXH khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 với trọng tâm xuyên suốt là đảm bảo xây dựng hệ thống tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát huy vai trò là giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt, NHCSXH sẽ xây dựng mục tiêu cụ thể. Trong đó, dự kiến tăng trưởng vốn tín dụng bình quân hàng năm khoảng 10%. NHCSXH đặt mục tiêu cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng ổn định, tự chủ, trong đó: (i) Nguồn ngân sách Nhà nước cấp theo lộ trình đến năm 2025 đạt 40%/tổng nguồn vốn, tiến tới đến năm 2030 đạt 50%/tổng nguồn vốn. Nguồn lực cấp cho NHCSXH được tổng hợp vào vốn đầu tư công trung hạn theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn; (ii) Tăng nguồn vốn huy động, trong đó, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến năm 2025 chiếm 25%/tổng nguồn vốn, tiến tới đến năm 2030 chiếm 30%/tổng nguồn vốn.
NHCSXH tiếp tục đặt mục tiêu thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, các tổ chức, đơn vị ủy thác vốn. Đảm bảo 100% đối tượng chính sách xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả theo mục tiêu các chương trình tín dụng.
NHCSXH cũng đặt mục tiêu hoàn chỉnh mô hình tổ chức mang tính đặc thù với sự tham gia của bộ, ban, ngành, chính quyền cơ sở từ Trung ương tới địa phương; đổi mới công nghệ, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng và hiện đại hóa công tác quản trị điều hành của NHCSXH.
Tuy nhiên, để tín dụng chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách và thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các tổ chức vào một đầu mối NHCSXH; bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn cho NHCSXH và kịp thời bố trí nguồn vốn để cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách mới được ban hành; mở rộng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho NHCSXH huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách.
NHCSXH cũng sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong chỉ đạo lồng ghép giữa tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm... Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành khi tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm nhiệm vụ thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho NHCSXH cần bố trí nguồn lực tương ứng để thực hiện chương trình tín dụng chính sách.
Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng thực hiện triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giám sát, cần tăng cường chỉ đạo tổ chức hội các cấp thực hiện tốt các nội dung công việc nhận ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; phát động các phong trào thi đua gắn chất lượng tín dụng nhận ủy thác với tiêu chí thi đua trong hệ thống của tổ chức chính trị - xã hội, tạo động lực thi đua thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT các cấp, cùng với việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cần tiếp tục quan tâm, dành một phần vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách xã hội hoặc theo các chương trình, dự án chỉ định của địa phương; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên điều tra, rà soát, xác nhận đối tượng thụ hưởng để tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay vốn kịp thời, đúng đối tượng, phát huy tối đa hiệu quả từng đồng vốn góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó thúc đẩy kinh tế đất nước tiến nhanh và chắc trong hành trình hội nhập và phát triển.
TS. Dương Quyết Thắng
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2021