Tiếp sức cho người nghèo ở Long An
Lê Ngọc
Thời gian qua, từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Long An đã vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá, giàu ở địa phương.
Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận vốn ưu đãi
Hộ nghèo, cận nghèo rất cần sự tiếp sức của xã hội để vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Theo đó, NHCSXH tỉnh Long An thông qua 4 hội, đoàn thể để kịp thời trao “cần câu” cho người nghèo. Chủ tịch Hội CCB huyện Mộc Hóa Nguyễn Văn Lai bộc bạch: “Hiện nay, Hội CCB huyện quản lý tổng dư nợ trên 37 tỷ đồng, từ nguồn vốn của NHCSXH. Thông qua nguồn vốn này, nhiều hội viên đầu tư nuôi ếch, bò sinh sản,… phát triển kinh tế. Để bảo đảm nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, Huyện hội thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc người vay sử dụng vốn, trả lãi theo cam kết. Trong 30 ngày sau khi giải ngân, Hội CCB xã kiểm tra nguồn vốn vay có được sử dụng đúng mục đích hay không, nếu không thì yêu cầu người vay hoàn vốn. Với cách làm trên, Hội CCB huyện góp phần giúp nhiều hội viên ổn định cuộc sống, đến nay, hội chỉ còn 12 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo”.
Từng là hộ nghèo, không có đất sản xuất, mọi chi phí sinh hoạt dựa vào tiền làm thuê của chồng, nhưng giờ đây, gia đình chị Nguyễn Thị Phụng, ngụ ấp 1, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua được gần 1ha đất nông nghiệp. Chị Phụng tâm sự: “Năm 2003, gia đình tôi được Hội CCB huyện giới thiệu mô hình nuôi bò sinh sản và được NHCSXH hỗ trợ vay 10 triệu đồng. Từ một con bò ban đầu, gia đình tôi nhân giống ra hàng chục con. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định”.
Theo điều tra của ngành LĐTBXH, người nghèo chủ yếu không có đất sản xuất, đông con, không nghề nghiệp ổn định, neo đơn, bệnh tật,… trong đó, một số hộ còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Xác định được nguyên nhân nghèo, chính quyền địa phương đưa ra nhiều mô hình hay, cách giảm nghèo bền vững. Chủ tịch UBND xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ Mai Thanh Tân nói: “Với những người nghèo còn khả năng lao động và có ý chí vươn lên thoát nghèo, UBND xã luôn tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất bằng nhiều cách như hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, dạy nghề, giới thiệu việc làm,… Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm theo từng năm, đến nay còn 3,6% (năm 2018 giảm 25 hộ nghèo). Số hộ nghèo còn lại đa số là neo đơn, bệnh tật nên rất khó thoát nghèo”.
Hiệu quả từ nguồn vốn vay
Theo sự giới thiệu của NHCSXH huyện Tân Hưng, chúng tôi tìm về gia đình bà Nguyễn Thị Cử, ngụ ấp Kinh Mới, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng. Để có cuộc sống ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương, trước đó, bà Cử nhận được sự tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Bà Cử vui vẻ nói: “Năm 2004, tôi được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Sau khi bán bò, tôi mở dịch vụ nấu ăn và đào ao nuôi cá. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng. Nhờ có đồng vốn của NHCSXH, gia đình tôi có điều kiện phát triển sản xuất”.
Cùng hoàn cảnh với bà Cử, chị Nguyễn Thị Ron, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Chị Ron chia sẻ: “Lúc lập gia đình, ra ở riêng, gia đình tôi rất khó khăn. Được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với NHCSXH để được vay 10 triệu đồng thuê đất canh tác lúa. Nhờ chăm chỉ làm ăn, sau nhiều năm, gia đình tôi không chỉ hoàn trả vốn mà còn mua được 3ha đất nông nghiệp và vươn lên thành hộ khá giàu ở địa phương”.
Vốn rất chăm chỉ làm ăn và từng là hộ khá giàu ở địa phương nhưng sau nhiều năm chăn nuôi heo bị thua lỗ, vợ chồng bà Lê Thị Điệp ngụ ấp 6, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ lâm vào cảnh khó khăn. Khi đó, người dân xung quanh nghĩ rằng gia đình bà Điệp khó có thể thoát nghèo, bởi hai vợ chồng đều lớn tuổi. Song, bằng nghị lực, ý chí và nguồn vốn vay từ NHCSXH, vợ chồng bà Điệp đã thoát nghèo. Bà Điệp nói: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên được NHCSXH huyện xét duyệt cho vay 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi dê. Ngoài nuôi dê, vợ chồng tôi còn làm ruộng, lúc rảnh rỗi thì đi làm thuê. Thấy cuộc sống gia đình không còn khó khăn, cuối năm 2018, gia đình xin thoát nghèo”.
Các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo là một hợp phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của Nhà nước. Qua đó, nhằm tập trung nguồn lực tài chính của Nhà nước vào một đầu mối để cho vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững. Với vai trò là cơ quan tham mưu và triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, NHCSXH tỉnh đã và đang tích cực làm tốt công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lê Bá Chuyên chia sẻ: “Những năm qua, vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đến với 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, đặc biệt là các xã nghèo, xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới thuộc vùng khó khăn của tỉnh. Nguồn vốn chủ yếu được đầu tư phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả…, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Các hộ này vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần hạn chế đáng kể việc cho vay nặng lãi ở nông thôn”.
Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, nhất là góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Hy vọng, thời gian tới, NHCSXH tỉnh nói riêng, các cấp, các ngành trong tỉnh nói chung tiếp tục có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả để người nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
(Tạp chí Ngân hàng số 24, tháng 12/2018)