Ngành ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019, với tốc độ lây lan và tử vong cao của dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Đến 11h30 ngày 07/4/2020¹, dịch đã lan ra 210 quốc gia/vùng lãnh thổ, với tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới là 1.347.235 người, trong đó có 74.767 người tử vong², vượt xa số ca nhiễm SARS năm 2003³. Dịch bệnh đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi mà Trung Quốc đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, cung ứng và thương mại toàn cầu.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020, trong đó, IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 suy thoái và có khả năng phục hồi vào năm 2021, dự báo kinh tế Trung Quốc bi quan hơn ước tính ban đầu, năm 2020, tăng trưởng có thể xuống 2,2%, dự báo các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Anh tăng trưởng âm. Các ngành du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải (nhất là hàng không), một số chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu và khu vực có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, đầu tư quốc tế, thị trường chứng khoán, bảo hiểm đang là những ngành/lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và sâu rộng nhất do dịch Covid-19 gây ra; giá vàng, giá dầu biến động bất thường.
Để đối phó với những ảnh hưởng về kinh tế, tài chính gây ra bởi Covid-19, Chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTW) nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nhiều NHTW trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, Anh, châu Âu, Philippines, Indonesia, Thái Lan… đã hạ lãi suất điều hành và/hoặc tăng cường mua giấy tờ có giá để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các NHTW G7 cam kết phối hợp hành động. Đáng chú ý, Fed nới lỏng tiền tệ mạnh tay như giai đoạn đại khủng hoảng 2008, trong đó cắt giảm liên tiếp 1,5 điểm % lãi suất Fed Fund trong 2 phiên họp bất thường (3/3 và 15/3) xuống 0 - 0,25%, triển khai gói nới lỏng định lượng (QE) không giới hạn, trong đó, mở rộng diện mua giấy tờ có giá sang thương phiếu doanh nghiệp và trái phiếu đầu tư của doanh nghiệp, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0% và triển khai hoán đổi USD với 14 NHTW lớn khác trên toàn cầu để hỗ trợ thanh khoản toàn cầu. Sau Fed, nhiều NHTW ban hành các giải pháp khẩn cấp nới lỏng tiền tệ như Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Anh, ECB,... Hàng loạt các quốc gia như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia, Thái Lan… công bố các gói tài khóa để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Thượng viện Mỹ (24/3) đã thông qua gói kích thích tài khóa trị giá 2.000 tỷ USD (hỗ trợ trực tiếp, bảo hiểm thất nghiệp, y tế, các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp,…).
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới tác động của dịch Covid-19, để đạt được mức tăng trưởng GDP khoảng 6,8% năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội đặt ra là hết sức khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam đều sẽ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó, những ngành, lĩnh vực chịu tác động ngay và lớn như: nông lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản; các ngành sản xuất công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn giữa Việt Nam - Trung Quốc (điện - điện tử, da giầy, dệt may, thép); du lịch, dịch vụ lưu trú và nghệ thuật, giải trí; vận tải, các dự án BOT, BT giao thông (giảm giao thương ảnh hưởng đến thu phí)… ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng, từ đó tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng ở hai khía cạnh:
(i) giảm cầu tín dụng; và (ii) chất lượng tín dụng giảm sút (gia tăng nợ quá hạn, nợ xấu do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn).
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và hệ thống ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ:
- NHNN đã điều hành ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng, ổn định vĩ mô, trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu biến động mạnh, diễn biến tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh.
- Về lãi suất: Tháng 3/2020, NHNN đã điều chỉnh giảm từ 0,5 - 1%/năm lãi suất điều hành, giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên nhằm ổn định và hạ mặt bằng lãi suất. Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã tiết giảm chi phí, thực hiện nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, miễn, giảm lãi, phí, giúp khách hàng vay có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay tháng 3/2020 đã giảm 0,2 - 0,5%/năm so với cuối năm 2019. Đồng thời, tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại (NHTM)4 ngày 31/3/2020, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay khoảng 2% - 2,5% so với thời điểm trước dịch.
- Về tỷ giá: Trước những diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam mất giá mạnh, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, đảm bảo sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tỷ giá USD/VND Trung tâm đến ngày 10/4/2020 tăng khoảng 0,3% so với đầu năm, đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại, tâm lý thị trường không xáo trộn, thanh khoản thông suốt.
- Về tín dụng: Ngay khi xảy ra dịch bệnh, NHNN đã chủ động chỉ đạo và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng; nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. NHNN cũng đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19.
Ngày 31/3/2020, Thống đốc NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HĐTV/TGĐ các TCTD nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng... Đến nay, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.863 tỷ đồng; đã miễn giảm lãi cho 6.394 khách hàng với dư nợ 124.679 tỷ đồng. Đồng thời, các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5% - 3%/năm, theo đó đã cho vay mới đối với 351.770 khách hàng, doanh số cho vay đạt 160.240 tỷ đồng.
- Miễn, giảm phí nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam đã miễn, giảm phí chuyển mạch5, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng6
trên quy mô lớn giúp giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, đã thực hiện miễn, giảm phí thanh toán số tiền 560 tỷ đồng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (qua Napas, CIC).
- Chỉ đạo toàn ngành nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh: NHNN đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong Ngành tổ chức triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hệ thống ngân hàng (khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ, máy ATM, vệ sinh khử trùng tiền mặt)…; tăng cường khuyến khích sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động online, hạn chế giao dịch trực tiếp; chủ động xây dựng phương án, đảm bảo các hoạt động liên tục ngay cả khi dịch bệnh phức tạp (đặc biệt là hệ thống thanh toán, công nghệ thông tin…) nhằm cung ứng kịp thời dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.
- Tăng cường công tác an sinh ủng hộ phòng, chống dịch: Hưởng ứng Lễ phát động kêu gọi cả nước tham gia phòng, chống dịch Covid 19 do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, đến nay toàn ngành Ngân hàng đã ủng hộ trên 160 tỷ đồng an sinh xã hội cho phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trong nước. Do đó, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai các giải
pháp như:
- Chủ động xây dựng các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp. NHNN có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ. Tiếp tục điều hành đồng bộ, nhịp nhàng các công cụ tỷ giá, lãi suất, sẵn sàng bán can thiệp để ổn định thị trường ngoại tệ.
- Tiếp tục chỉ đạo các TCTD:
+ Cân đối nguồn vốn và tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch, các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thời gian dịch và sau khi dịch được kiểm soát; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
+ Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN; Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí các khoản vay cũ, tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi,… giúp khách hàng ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh.
+ Đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng qua thiết bị di động, giao dịch tự động và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
+ Rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động, lương, thưởng; điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp để dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
- Phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tham gia xây dựng và tổ chức triển khai các phương án sử dụng công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp để hỗ trợ khắc phục dịch bệnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế trong nước và thế giới sẽ cần có thời gian để phục hồi, nhưng với những nỗ lực của ngành Ngân hàng, hệ thống giải pháp hỗ trợ tài chính, kích cầu đồng bộ từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19, sẽ giúp giảm thiểu tối đa nhất những tác động tiêu cực của dịch và phấn đấu đạt được các mục tiêu kinh tế đã đặt ra.
1 Thông tin từ Bộ Y tế.
2 Trong đó, lục địa Trung Quốc có 81.708 người mắc bệnh, 3.331 người tử vong; Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm với 366.906 người; Ý đứng đầu về số ca tử vong lên đến 16.523 người.
3 SARS: 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 8.000 người nhiễm và 744 người tử vong.
4 17 NHTM có dư nợ cho vay chiếm trên 75% dư nợ toàn hệ thống.
5 Lần 1: Miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến, các dịch vụ công; Giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch. Lần 2: Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NAPAS tiếp tục giảm 50% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giao dịch có giá trị từ 500.000 - 2.000.000 áp dụng từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Lần 3: Chỉ đạo TCTD áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch Covid 19 và hạn hán, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL.
6 CIC giảm phí 20% từ 01/1/2020 đến hết tháng 02/2020 và giảm 50% từ ngày 01/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
TS. Nguyễn Quốc Hùng
(TCNH Số 8/2020)