Ngân hàng chính sách xã hội - 16 năm chia ngọt, sẻ bùi qua từng chính sách
Thái Hòa
Gần 7 triệu khách hàng, bao phủ đến 11.000 xã trên toàn quốc. Đó là những còn số đưa NHCSXH vào danh sách một trong những hệ thống phân phối tín dụng vi mô rộng lớn nhất trên thế giới mà Tổng thư ký Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) Prasun Kumar Das đã ghi nhận trong chuyến công tác và tham dự hội thảo mới đây tại Việt Nam. Đằng sau những con số này không chỉ là thành quả của cách thức cung cấp dịch vụ tín dụng mà còn chứa đựng sự tâm huyết của NHSCXH “thổi hồn” vào từng chính sách cũng như sự bền bỉ sáng tạo thực thi các chính sách đó.
Từ lắng nghe, thấu hiểu…
Vội từ trên rẫy về, ông Hồ Văn Sỹ (dân tộc Ca Dong) ở xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) thay chiếc áo tươm tất rồi ra hội trường xã. Ấy là vì hôm nay có Đoàn khảo sát về hiệu quả tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH và Ủy ban Dân tộc về. “Tôi phải ra gặp Đoàn khảo sát, nhờ các anh chuyển lời lên cấp trên, người DTTS ở Hiệp Đức cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cảm ơn đồng vốn ưu đãi giúp chúng tôi bước dần ra khỏi đói nghèo”, ông Sỹ tâm sự.
Sông Trà - quê ông là xã miền núi cao nằm phía Tây của huyện Hiệp Đức, với hơn 43% dân số là người dân tộc Ca Dong, Mơ Nông. Đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhưng người Ca Dong luôn mong đẩy lùi cái đói cái nghèo. “Có tiền vay ưu đãi lãi suất thấp này tốt lắm, lại còn được Hội Nông dân tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, làm nương làm rẫy đỡ vất hơn, con bò con lợn cũng sống tốt hơn”, ông Sỹ nói. Lượng hóa bằng con số, 10 năm (từ năm 2007 đến tháng 5/2018), tổng doanh số cho vay 56 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã, giúp cho 521 hộ nghèo được vay vốn. Đặc biệt có 256 hộ/283 hộ đồng bào DTTS vay vốn đầu tư phát triển nhiều ngành nghề như chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng cao su, keo, đầu tư dịch vụ, buôn bán… và làm nhà ở, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, cải thiện đời sống kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
“Cây keo giúp bà con thoát nghèo, nhưng cây cao su sẽ giữ bà con DTTS ở Sông Trà thoát nghèo bền vững hơn. Mà loại cây trồng này đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn, thời gian đầu tư dài hơn. Chúng tôi mong các cấp hữu quan xem xét tăng hạn mức cho vay và kéo dài thời gian vay để đồng vốn thực sự phát huy hết hiệu quả của nó”, Chủ tịch UBND xã Sông Trà Nguyễn Hồng Sơn đề nghị.
Những lời tâm tình của ông Sự, hay đề nghị của Chủ tịch xã Nguyễn Hồng Sơn cũng là những điều mà lãnh đạo NHCSXH luôn muốn tận mắt thấy, tai nghe trong hành trình khảo sát tổ chức thường xuyên hằng năm. Không chỉ là kiểm nghiệm những thành quả của các chương trình tín dụng đã triển khai mà hơn thế lãnh đạo NHCSXH muốn thêm một lần nữa kiểm chứng các đề xuất từ cơ sở, lắng nghe từng tiếng lòng của người dân về các chính sách tín dụng. Từ đó tìm ra cái ưu để nhân rộng, cái nhược để chỉnh sửa, khắc phục và cao hơn là kiến nghị đến các cơ quan chức năng, Chính phủ để có những chính sách hợp lòng dân, gia tăng động lực cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Hệ quả của việc gần dân, sát dân đặc biệt là sự lắng nghe thấu hiểu được kết tinh trong các chính sách của NHCSXH. Ví như với Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành cuối năm 2016 về phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 được xem là một bước tiến với việc khắc phục được những hạn chế, bất cập của các chính sách cho vay trước đây, mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng là hộ người kinh ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn. Mức cho vay tối đa của chương trình này nâng lên bằng mức cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ nghèo (Hiện nay là 50 triệu đồng/hộ). Thời hạn cho vay tối đa của chương trình này lên 10 năm… Đặc biệt là chính sách mới này đã gắn chặt vốn tín dụng chính sách với phương án sản xuất, kinh doanh của hộ vay và hạn chế được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực thúc đẩy thoát nghèo bền vững.
Từ 3 sản phẩm đơn lẻ ban đầu, đến nay, NHCSXH đang dần hoàn thiện hình thành nên một chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo theo tiến trình phát triển của họ, hỗ trợ người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững. Sự linh hoạt trong việc xây dựng, cộng hưởng các chính sách có hiệu quả tạo nên một mạng lưới 22 chương trình tín dụng “trợ đỡ” vào từng nhu cầu của hộ nghèo, đối tượng chính sách giúp họ an cư lập nghiệp, vun đắp tương lai cho con em mình từ cho vay hộ nghèo đến cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay con em các gia đình khó khăn có điều kiện học tập; cho vay nhà ở; cho vay giải quyết việc làm và XKLĐ. Ngoài ra, NHCSXH còn có các chương trình cho vay mang tính thời cuộc cấp thiết như cho vay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt ở miền Trung, làm nhà vượt lũ ở vùng ĐBSCL… nhằm phòng tránh biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn, những sản phẩm dịch vụ ấy giúp khách hàng làm quen với kinh tế thị trường, có vay có trả, mạnh dạn vay vốn nâng cao năng lực sản xuất, học hỏi cách làm ăn hiệu quả cao hơn, tiến tới chịu được lãi suất tiệm cận thị trường.
Không chỉ là nhân rộng đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng, từ kiến nghị các địa phương cũng như những chuyến công tác thực tế ngay sau những dịp thiên tai lũ lụt của lãnh đạo NHCSXH, các giải pháp khoanh, giãn nợ và cho vay tái sản xuất kịp thời được triển khai đưa nguồn vốn tín dụng chính sách vừa là lực đẩy, vừa là lực kéo giúp người dân tái sản xuất, gia tăng ý chí thoát nghèo bền vững.
Đến những xiết tay đầy “sức mạnh”
“Bên cạnh nguồn vốn tín dụng chính sách, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương trong việc đưa ra giải pháp, hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo rất quan trọng”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng chia sẻ suy nghĩ với lãnh đạo chủ chốt của nhiều tỉnh địa phương. Thực tế cho thấy, ở đâu lãnh đạo địa phương và các cấp ngành quan tâm, ở đó tín dụng chính sách hiệu quả.
Cũng bởi vậy cùng với các chuyến đi khảo sát thực tế, động viên cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Ban lãnh đạo NHCSXH luôn chủ động kết nối cùng chính quyền và các cấp hội, đoàn thể để tăng cường hiệu quả triển khai công tác tín dụng chính sách. Trong vai trò cầu nối các nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách, NHCSXH đã từng bước đề xuất các chính sách kết nối cả hệ thống chính trị tham gia vào công cuộc giảm nghèo. Như việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, gắn nguồn vốn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cao hơn nữa là việc ra đời của Chỉ thị 40-CT/TW đã tạo được sự đồng thuận và quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách.
Với NHCSXH, lớn hơn cả niềm vui được địa phương quan tâm hỗ trợ về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn, mức tăng ngày càng lớn. Song song với sự chủ động ủy thác của địa phương, hằng năm từ Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện đến các chi nhánh cấp tỉnh luôn chủ động đề xuất kế hoạch ủy thác cũng như đôn đốc địa phương chuyển nguồn. Ở cấp Trung ương, lãnh đạo NHCSXH chủ động gặp gỡ họp bàn, trao đổi giữa chính quyền địa phương đã góp phần đưa Chỉ thị 40-CT/TW vào sâu trong cuộc sống góp thêm sức mạnh nguồn lực giảm nghèo cả về vật lực và trí lực.
Như trong buổi làm việc mới đây của Đoàn khảo sát của NHCSXH và Ủy ban Dân tộc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum cho biết, tính đến 30/6/2018, nguồn vốn địa phương chuyển sang là 106 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với đầu năm đưa tổng nguồn vốn tín dụng tại địa phương đạt 2.203 tỷ đồng, tăng 116 tỷ đồng (tăng 5,57%) so với đầu năm. Thời gian tới địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và ưu tiên bố trí ngân sách để chuyển qua NHCSXH cho bà con dân tộc thiểu số vay vốn. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Quỹ khuyến nông, hỗ trợ KHKT dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số để chủ động kết hợp với hoạt động hỗ trợ vốn tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn cho vay.
Cùng với mô hình hoạt động “Điểm giao dịch xã” là sản phẩm riêng có của NHCSXH đặt 10.932 Điểm giao dịch xã trên tổng số 11.162 xã, phường, thị trấn trong cả nước đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Trong 16 năm qua, Nhà nước đã huy động trên 200.000 tỷ đồng để dành cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tạo ra doanh số cho vay hơn 500.000 tỷ đồng; qua đó đã giúp hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,6 triệu lao động, hơn 3,6 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11 triệu công trình cung cấp NS&VSMT nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 540 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài… Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 184,7 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, “cuộc chiến giảm nghèo đang rất vất vả không phải ngày một, ngày hai mà hoàn thành, đòi hỏi sự kiên trì của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đồng hành của các cán bộ trong hệ thống NHCSXH - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đặt nhiệm vụ với cán bộ NHCSXH - Trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục kiên trì vận động bà con, hỗ trợ xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình để tạo động lực, kích thích bà con mạnh dạn vay vốn làm ăn. Một khi bà con còn nghèo, địa phương còn hộ nghèo thì chúng ta vẫn phải có trách nhiệm nỗ lực cùng bà con tìm ra giải pháp thoát nghèo”.
(Tạp chí Ngân hàng số 23, tháng 12/2018)