Đầu tư công: Tiếp sức tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Tăng cường đầu tư công không chỉ để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, mà còn giúp tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi một khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Lúc này, cần tránh ăn theo dịch bệnh như một lý do phổ quát dùng để giải thích cho sự chậm trễ dự án, hoặc cố tình đánh đồng sự chậm trễ do yếu kém cố hữu với dịch bệnh.
Trong ảnh: Công trình đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. Ảnh: Dũng Minh
Đưa tinh thần chống dịch vào thúc đẩy đầu tư công
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2020, vốn đầu tư toàn nền kinh tế ước đạt 367.900 tỷ đồng, chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 31% GDP. Trong đó, vốn đầu tư khu vực tư nhân chiếm 45,2%, chỉ tăng 4,2%, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 24,3% và giảm đến 5,4%. Vốn đầu tư công chiếm 30,5% và đạt mức tăng cao nhất là 5,8%.
Dưới tác động của dịch Covid-19, hoạt động thương mại, dịch vụ suy giảm tăng trưởng rõ rệt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2020 chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 27,8%. Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, quý I chưa phải là đáy của suy giảm, những khó khăn trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn cả ở phía cung lẫn phía cầu của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đầu tư và tiêu dùng tư nhân suy giảm, chi tiêu và đầu tư công trở thành một giải pháp để duy trì một phần sức tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo đời sống người dân. Chi tiêu công trong bối cảnh hiện nay không chỉ hướng đến mục tiêu tái phân phối, mà còn để cung cấp phúc lợi cho người dân, đặc biệt là người đang bị tổn thương bởi dịch bệnh hoặc tình trạng sa sút về kinh tế, mất việc làm, không có thu nhập ổn định.
Đối với đầu tư công, tăng cường đầu tư công không chỉ để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, mà còn giúp tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi một khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Ngoài những dự án trọng điểm của quốc gia, những dự án nhỏ nhưng có thể có tác động lan tỏa không nhỏ đối với nền kinh tế. Đặc biệt, nhờ tính linh hoạt trong cách thức triển khai thực hiện và vấn đề bố trí việc làm, chia nhóm nhỏ lao động, những dự án này có thể giúp duy trì một phần việc làm trong bối cảnh dịch, tạo thu nhập dựa trên lao động, cung cấp mạng lưới an sinh xã hội cho một bộ phận người dân.
Điều cần quán triệt là, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy tiến độ các dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khẩn trương, hiệu quả như tinh thần chống dịch Covid-19 đang được Chính phủ thúc đẩy. Yêu cầu cần có những chuyển biến rõ nét về kết quả tiến triển cụ thể đối với từng ngành, từng cấp, từng đơn vị, từng dự án; tránh ăn theo dịch bệnh như một lý do phổ quát dùng để giải thích cho sự chậm trễ dự án, hoặc cố tình đánh đồng sự chậm trễ do yếu kém cố hữu với dịch bệnh.
Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 cũng như cho cả nhiệm kỳ 2016-2020. Lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng đến việc tái ứng cử, đề cử, tái bổ nhiệm vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.
10 nhóm nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư công
Dưới đây là các nhóm nhiệm vụ chủ yếu cần được Chính phủ thúc đẩy:
Thứ nhất, yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị định có liên quan của Chính phủ. Trên cơ sở danh mục dự án trọng điểm của trung ương/địa phương, phân công đích danh từng lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối cuối cùng trên cơ sở tổ chức nhiều đầu mối cấp 1, cấp 2 ở các bộ, ngành và địa phương, chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân của các dự án.
"Các cấp, ngành, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các Dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khẩn trương, hiệu quả như tinh thần chống dịch Covid-19." |
Thứ hai, đôn thúc các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trước mắt, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương lập ngay danh sách các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2020, với cam kết hoàn thành và không thể hoàn thành trong năm 2020 để có phương án thúc đẩy hoặc xử lý.
Thứ ba, với các dự án đang gặp vướng mắc, các cơ quan liên quan cần phải liên tục rà soát tình hình thực hiện từng dự án, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, về xây dựng, về đấu thầu; nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, về giải phóng mặt bằng; nhóm các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân, thanh quyết toán…; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc không giải ngân vốn theo kế hoạch, trong đó xác định đúng nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ người chịu trách nhiệm chính, người liên đới trách nhiệm.
Thứ tư, giải quyết nhanh quy trình, thủ tục quản lý và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; không yêu cầu các điều kiện, tiêu chuẩn không theo quy định hoặc không phù hợp với quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Có thể cho phép chỉ định thực hiện với một số chương trình, dự án đặc biệt trên cơ sở đảm bảo công khai, gắn trách nhiệm của chủ đầu tư. Chủ động hướng dẫn các quy định pháp luật về đấu thầu cho các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công khi có yêu cầu hoặc phát sinh tình huống cần hướng dẫn, đề xuất rút gọn quy trình đấu thầu bằng cách loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà mang tính hình thức hoặc các bước không cần thiết.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất, kết hợp chính sách tái định cư và giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng tái định cư. Trong bối cảnh dịch bệnh, có thể cho phép ứng trước một phần tiền cho người dân trong diện thu hồi, giải tỏa đất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố và chủ đầu tư để rà soát, tham mưu phương án cân đối, bố trí đủ nguồn vốn để các tỉnh, thành phố sớm chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trong khi đó, chính quyền các địa phương cần hoàn thành kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án để đề xuất bố trí vốn phù hợp; không để xảy ra tình trạng dự án đã được bố trí vốn nhưng chậm trình thẩm định, phê duyệt giá bồi thường, dẫn đến chậm giải ngân, chi trả, ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân.
Thứ sáu, đối với những dự án sắp hoặc có thể đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, cần tích cực chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Chuẩn bị trước một bước hồ sơ, kịp thời thanh toán ngay với kho bạc khi có khối lượng nghiệm thu từng phần hoặc toàn phần để đảm bảo có dòng tiền cho nhà thầu, thu nhập cho công nhân, không nhất thiết để dồn việc thanh toán vào cuối quý hoặc cuối năm hoặc chờ dồn nhiều dự án lại để tiến hành thủ tục thanh toán một lần.
Thứ bảy, những nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký cần bị loại bỏ ngay, công khai danh sách các nhà thầu vi phạm hợp đồng, không hoàn thành kế hoạch, chậm tiến độ; nhanh chóng xác định khối lượng đã thực hiện để “khép sổ”, đồng thời tìm kiếm, lựa chọn nhà thầu thay thế có năng lực để tiếp tục triển khai dự án ngay khi điều kiện cho phép.
Thứ tám, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định về thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; hoàn thành việc cấp phép xây dựng, giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết kịp thời và đến nơi đến chốn các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát các quy định liên quan đến xây dựng, các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình, thẩm tra, cấp giấy phép trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian, thủ tục nhiều hơn.
Thứ chín, tăng cường nhiệm vụ thanh, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây chậm trễ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chậm trễ trong triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án, công tác nghiệm thu, bàn giao, vận hành dự án. Đặc biệt, làm rõ tình trạng chậm trễ do tác động của dịch bệnh hay là do bất cập nội tại ngay cả khi không có dịch bệnh.
Thứ mười, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm công chức và đạo đức công vụ, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Các cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư hoặc làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án so với kế hoạch mà không có lý do chính đáng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đa số nhiệm vụ trên mang tính bàn giấy, hành chính, không cần tập trung nhiều lao động một chỗ, cán bộ có thể làm việc tại nhà và tương tác trực tuyến, nên không thể có lý do gì để chậm trễ hoặc ngưng đọng công việc. Với công việc xây dựng, phải tập trung lao động, giống việc tổ chức lao động trong các doanh nghiệp, có thể chia nhỏ lao động và đảm bảo các biện pháp vệ sinh theo hướng dẫn của ngành y tế.
Thủ tướng nêu tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thời gian qua, chúng ta nhìn thấy tinh thần làm việc quên mình của đội ngũ y bác sĩ. Chúng ta chỉ cần các bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng hành động thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công như tinh thần chống dịch đang triển khai. Mỗi lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức nếu ai cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm như vậy, thì các dự án đầu tư công đã không bị tắc hoặc chậm trễ như vừa qua.
Nhìn rộng ra và tựu trung, mỗi bộ ngành và địa phương hãy xem các nút thắt thuộc bộ, ngành và địa phương mình cũng giống như virus, từ đó tập trung nỗ lực “diệt virus” với tinh thần kỷ luật, khẩn trương mà cả hệ thống chúng ta đang thực hiện đối với công tác chống dịch Covid-19 vậy.
Đỗ Thiên Anh Tuấn (*) (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright)
Nguồn: https://baodautu.vn/dau-tu-cong-tiep-suc-tang-truong-kinh-te-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-d119642.html