Công lao to lớn và tấm gương đạo đức sáng ngời của Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên
Ngày 6/5/1951, tại Hang Bòng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), chính thức khai sinh một ngành kinh tế mới cho đất nước, với các nhiệm vụ chủ yếu: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ; quản lý Kho bạc Nhà nước; huy động vốn và cho vay để phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa; quản lý hoạt động kim dung bằng biện pháp hành chính; quản lý ngoại hối, các khoản giao dịch bằng ngoại tệ và đấu tranh tiền tệ với địch.
Bác Hồ với Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên Nguyễn Lương Bằng (ảnh chụp ngày 19/5/1957)
Khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập, Đảng đã tuyển chọn và điều sang ngân hàng một số lượng lớn đảng viên và cán bộ chính trị để làm nòng cốt; trong đó nhiều người là cán bộ cấp khu, tỉnh và huyện đã được giao trách nhiệm lãnh đạo ngân hàng các cấp. Đứng đầu một Ngân hàng như vậy phải là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, rất mực trung thành với lợi ích của Đảng, của dân tộc và của Nhân dân, có đạo đức cách mạng trong sáng, có uy tín ở Trung ương và các địa phương. Vì vậy, Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã chọn đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài chính Tổng bộ Việt Minh, Trưởng tiểu ban Kinh tế - Tài chính của Đảng để giao trọng trách này. Cùng ngày 6/5/1951, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 16-SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng (với các bí danh: Anh Cả, Anh Cả Đỏ, Sao Đỏ - những tên gọi kính trọng mà nhiều thế hệ chiến sĩ cộng sản dành tặng) là người con ưu tú của quê hương Hải Dương, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, kiên trung, thuộc lớp chiến sĩ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, là người học trò và người bạn chiến đấu sớm nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người hoạt động xuất sắc của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Ðông, nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, lớn lên trong bối cảnh đất nước bị nô lệ, nhân dân phải sống cực khổ, lầm than, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã sớm có tinh thần yêu nước, thương dân, lòng căm thù thực dân xâm lược, sớm nuôi ý chí phá bỏ ách kìm kẹp, bóc lột, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Khi gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh, được giác ngộ về con đường giải phóng dân tộc, đồng chí đã nhanh chóng trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, một lòng, một dạ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong những năm đầu tham gia công tác cách mạng dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí hoạt động trong những người yêu nước Việt Nam ở nước ngoài, ở trên tàu biển, ở miền Bắc và miền Nam. Ðồng chí là người góp phần xây dựng những nền tảng đầu tiên về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Ðảng, một trong những người truyền bá chủ nghĩa cộng sản khoa học ở nước ta. Trong 20 năm hoạt động cách mạng dưới chế độ thực dân, từ năm 1925 đến năm 1945, đồng chí bị bắt 3 lần và cũng 3 lần vượt ngục. Ðương đầu với những cuộc tra tấn dã man của bọn đế quốc, đồng chí không hề nao núng, rất mực trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Ðảng Cộng sản và giai cấp công nhân, luôn nêu cao khí tiết cách mạng. Sao Ðỏ đã trở thành một tấm gương lớn đối với những người cách mạng, còn kẻ thù thì khiếp sợ vì chúng không tài nào lay chuyển nổi một chiến sĩ cộng sản gan vàng dạ sắt. Qua hơn 10 năm tù đày ở nhiều nhà tù, từng trải qua mọi thử thách của sự khủng bố, thiếu thốn, bệnh tật, đồng chí kiên trì hoạt động cách mạng, lãnh đạo và giáo dục các đồng chí của mình đấu tranh với kẻ thù và bọn phản bội. Lần vượt ngục thứ 3 của đồng chí vào năm 1943 là một thành công kỳ diệu, một cuộc vượt ngục thành công hiếm có, như một huyền thoại, từ nhà tù Sơn La qua những con đường cực kỳ nguy hiểm về với Ðảng và Nhân dân.
Là thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Ðảng và của Tổng bộ Việt Minh tổ chức cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn chống ách áp bức của hai đế quốc Pháp, Nhật, đối phó với những cuộc khủng bố điên cuồng, đẩy tới cao trào cứu nước. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng, đồng chí đã tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và là người tham gia sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước cách mạng đầu tiên ở nước ta, tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp và luôn là người học trò, người đồng chí gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Ðảng, giáo dục đảng viên, chăm lo sự vững vàng của Ðảng về tư tưởng và tổ chức, là nhân tố bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng. Cùng Chủ tịch Tôn Ðức Thắng đứng đầu Nhà nước ta, là một Ủy viên Trung ương có uy tín lớn, một người cộng sản có kinh nghiệm hoạt động lâu dài bậc nhất, đồng chí luôn nêu cao tinh thần tận tụy, khiêm tốn, giản dị, chí công vô tư. Tên "Anh Cả" mà nhiều lớp chiến sĩ cách mạng thường gọi là biểu tượng của sự mẫu mực, trong sáng, là tấm gương lớn của những người cộng sản Việt Nam. Có lần, trong ngục tù Hỏa Lò, anh em tù chính trị có được một số tiền do người nhà gửi vào và giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng quản lý. Trước khi vượt ngục Hỏa Lò, ông chia số tiền đó, cùng quần áo, thuốc men cho anh em chuẩn bị vượt ngục, còn bản thân mình không giữ một đồng nào. Trong nhiều năm giữ các chức vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn chắt chiu từng đồng để bổ sung vào quỹ Đảng. Có những lần đi công tác, ông không dùng tiền của Đảng, mà bí mật về quê bán thóc, lấy tiền đi đường. Vì vậy, nhiều đồng chí quý trọng gọi đồng chí là “Anh Cả Đỏ”, đồng chí “Sao Đỏ”. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng nói, trong thời gian phụ trách công tác tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thể hiện đức tính liêm khiết tuyệt đối, rất minh bạch trong hoạt động tài chính, do vậy, Đảng rất yên tâm khi giao đồng chí phụ trách tài chính. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, từng nói về đồng chí Nguyễn Lương Bằng: “Anh rõ ràng là người thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo gương Hồ Chí Minh vĩ đại. Anh theo Bác không phải bằng thuyết giảng về đạo đức, mà bằng cách sống và chiến đấu theo phong cách hằng ngày của Người”. Đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học tập”. Nhiều năm được làm việc bên Bác, được Bác chỉ bảo tận tình, đồng thời luôn phấn đấu, học tập và làm theo Bác, do vậy đồng chí Nguyễn Lương Bằng kế thừa, học tập được rất nhiều điều từ tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác Hồ, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Với trách nhiệm là Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đem hết sức lực và trí lực của mình vào việc xây dựng nền móng tổ chức vững chắc cho hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, thể hiện trên các mặt: Tổ chức bộ máy từ Trung ương xuống các liên khu, các tỉnh; tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ; xây dựng kho tàng, bảo quản chu đáo tiền bạc; xây dựng các chế độ công tác, bảo đảm quản lý chặt chẽ các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng và đề cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đoàn kết nhất trí trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặt ra, phù hợp với hoàn cảnh thời chiến, từ trụ sở đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một ngôi nhà sàn mượn của một gia đình đồng bào dân tộc, cơ sở vật chất nghèo nàn với vài chục cán bộ hầu như chưa có kiến thức và kinh nghiệm hoạt động ngân hàng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được tổ chức thành một hệ thống nhất gồm 3 cấp quản lý: Cấp Trung ương, cấp liên khu, cấp tỉnh; trong đó, ngân hàng tỉnh, thành phố là đơn vị cơ sở; dưới tỉnh là phòng giao dịch đặt ở các huyện (tiền thân của các chi điếm ngân hàng sau này). Nhận thức cán bộ quyết định thành công trong mọi công tác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tuyển chọn, bồi dưỡng kĩ lưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt của Ngành ở Trung ương và các tỉnh. Nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày được tổ chức. Những cán bộ cấp kế cận ở Ngân hàng Trung ương, những cán bộ phụ trách ở địa phương về Trung ương công tác đều được đồng chí trực tiếp, thân tình căn dặn việc đề cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, giữ vững phẩm chất liêm chính của người cán bộ ngân hàng. Chính tấm gương mẫu mực của đồng chí, kèm theo thái độ chân tình, cởi mở của đồng chí đã gây ấn tượng tốt đối với những người tiếp xúc. Đồng chí Phạm Thọ, hồi ấy là thư ký riêng giúp việc đồng chí Nguyễn Lương Bằng kể: “Bác sống rất bình đẳng và quan tâm đến cán bộ. Có lần bác bị mệt, cấp dưỡng làm thêm đĩa trứng. Ngồi vào bàn ăn, thấy khác, bác hỏi; tôi gãi tai và thưa: “Anh mệt nên anh em bồi dưỡng thêm”. Bác lấy đũa xắn trứng ra, gắp đều cho anh em và nói: “Chúng ta đều thiếu và mệt cả, cùng nhau đồng cam, cộng khổ, chia sẻ với nhau”. Chúng tôi hết sức cảm động”.
Để có giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành gắn liền với thu hồi giấy bạc tài chính, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã liên hệ với nước bạn nhờ khâu in ấn và vận chuyển về nước. Đồng chí tổ chức hệ thống kho tàng bảo quản tiền mới vào hang núi, vào nhà dân, tổ chức ngụy trang che chắn đảm bảo bí mật và an toàn, không bị địch đánh phá, không bị mối xông, chuột cắn… Trước khi giao về các tỉnh, đồng chí cùng Bác Hồ đích thân đi kiểm tra kho tiền ở biên giới. Đồng chí chỉ đạo việc xây dựng các chế độ công tác bảo đảm, quản lý chặt chẽ các nghiệp vụ phát hành kho quỹ, tín dụng, kế toán và thanh toán. Nhờ chuẩn bị chu đáo nên việc triển khai công tác ngân hàng trong bước đầu tiên được đi vào nề nếp, xứng đáng với nhận xét của Hồ Chủ tịch: “Thành lập được Ngân hàng Quốc gia và phát hành giấy bạc ngân hàng là một thắng lợi của ta về mặt kinh tế”.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng phụ trách ngân hàng trong thời gian không lâu, nhưng đồng chí đã xây dựng nền móng tổ chức cho hoạt động ngân hàng, giúp cho ngành Ngân hàng trong quá trình xây dựng và trưởng thành, tạo được truyền thống tốt đẹp trên cơ sở quán triệt đường lối, chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ, thấm nhuần ý thức tổ chức và kỷ luật, tôn trọng và bảo vệ tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, thực hành cần, kiệm, liêm chính, học tập và nâng cao trình độ công tác, đoàn kết giúp nhau tiến bộ. Sau này, tuy đã đảm nhiệm trọng trách khác của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn luôn quan tâm, dành cho Ngành những tình cảm ân cần và sâu sắc. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (1951 - 1976), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đến thăm và căn dặn ngành Ngân hàng: “Nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước có hòa bình độc lập và thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới yêu cầu phải xây dựng một hệ thống ngân hàng xã hội chủ nghĩa lớn mạnh với một đội ngũ cán bộ có đủ đạo đức và tài năng để phát huy chức năng phục vụ và giám sát các hoạt động kinh tế, làm cho ngân hàng thực sự trở thành một trung tâm tiền mặt, một trung tâm tín dụng, một trung tâm thanh toán, có tác dụng huy động mọi tiềm năng của các ngành, các đơn vị kinh tế, nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quản lý, đưa nước nhà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và những cống hiến xuất sắc của các lớp cán bộ cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã viết nên những trang sử hết sức vẻ vang của cách mạng Việt Nam, khai mở con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa nhân dân ta đến tự do, ấm no, hạnh phúc. Thế hệ cán bộ ngành Ngân hàng hôm nay học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên để thêm tin tưởng, quyết tâm sống và làm việc xứng đáng với công lao to lớn và tấm gương đạo đức sáng ngời của đồng chí.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người tham gia sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tạp chí điện tử Xây dựng Đảng (http://www.xaydungdang.org.vn).
2. Mai Văn Lược, Tự hào về Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên - Nguyễn Lương Bằng, Tạp chí Ngân hàng số đặc biệt năm 2001.
3. Thế Trường, Những kiện tiền đầu tiên ở một trạm tiền phương biên giới, Hồi ký 40 năm mùa sen nở, NHNN xuất bản năm 1991.
4. Thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, NHNN chi nhánh Hải Dương xuất bản năm 2014.
5. PGS., TS. Đàm Đức Vượng (2019); Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản tiêu biểu, Báo Quân đội nhân dân online
(https://www.qdnd.vn).
Việt Bảo
Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2021