Cho vay ngang hàng: Kinh nghiệm quản lý tại một số quốc gia và bài học đối với Việt Nam
14/01/2022 10:15 7.938 lượt xem
Cho vay ngang hàng là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua các tổ chức trung gian tài chính...
 
Tóm tắt: Cho vay ngang hàng là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua các tổ chức trung gian tài chính. So với cho vay truyền thống, cho vay ngang hàng có nhiều lợi thế trong ứng dụng công nghệ và sự tiện lợi. Tuy vậy, cho vay ngang hàng vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Bài nghiên cứu tìm hiểu thực trạng và mô hình quản lý hoạt động cho vay ngang hàng tại một số quốc gia trên thế giới bao gồm Mỹ, Anh và Trung Quốc. Từ đó, làm căn cứ rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.
 
Từ khóa: Cho vay ngang hàng, mô hình cho vay ngang hàng.
 
PEER-TO-PEER LENDING: EXPERIENCES IN SOME COUNTRIES AND LESSONS FOR VIETNAM
 
Abstract: Peer-to-peer lending is an activity designed and built on a digital technology application platform to directly connect borrowers with lenders without going through financial intermediaries. Although there are many advantages over traditional lending, peer-to-peer lending has some disadvantages. This paper explores the current situation of peer-to-peer lending in some countries that have achieved certain achievements in peer-to-peer lending in the world, including the US, UK and China, and studies the operational management model for peer-to-peer lending in these countries. Finally, the study draws some lessons for Vietnam in managing peer-to-peer lending.
 
Key words: P2P Lending, management model of P2P Lending.
 
1. Giới thiệu
 
Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã đóng góp vai trò thúc đẩy một phương thức cho vay trực tuyến mới là cho vay ngang hàng (Peer-to-peer Lending/P2P Lending). Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc xuất xứ của P2P Lending nhưng tựu trung lại, P2P Lending đều được hiểu chung là hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ tài chính được thiết kế và xây dựng trên nền tảng giao dịch trực tuyến kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay mà không thông qua các trung gian tài chính như tổ chức tín dụng. Toàn bộ hoạt động phê duyệt khoản vay, giải ngân, hay trả nợ giữa người đi vay và người cho vay được thực hiện trên nền tảng giao dịch trực tuyến của các công ty P2P Lending, được lưu trữ bằng các bảng ghi điện tử, số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của công ty. Có thể thấy, các công ty P2P Lending không sử dụng chênh lệch giữa lãi suất huy động vốn và cho vay thu lợi nhuận như các ngân hàng, thay vào đó là phí quản lý từ việc xếp hạng tín dụng, phân loại mức độ rủi ro, đăng ký tài khoản. Vì vậy, so với mô hình ngân hàng truyền thống thì lãi suất của nhà đầu tư sẽ tăng lên, đồng thời lãi suất của người đi vay và chi phí giao dịch sẽ giảm. Bên cạnh đó, P2P Lending cũng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy quá trình tài chính toàn diện. Mặc dù có nhiều lợi thế hơn so với cho vay truyền thống, P2P Lending có một số nhược điểm nhất định: (i) Người cho vay có thể không thu hồi được khoản nợ khi người đi vay không có khả năng trả nợ; (ii) Công ty P2P Lending quảng cáo lừa đảo, chiếm dụng vốn của khách hàng; (iii) Nguy cơ bị đánh cắp các thông tin, tài khoản; (iv) Mô hình P2P Lending dễ dàng trở thành công cụ cho một số đối tượng tiến hành trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc cho các hành vi bất hợp pháp.
 
2. Tổng quan chung về P2P Lending
 
2.1. Nghiên cứu quốc tế
 
Alexander Bachmann (2011), trong nghiên cứu “Online Peer - to - Peer Lending - A Literature Review”  đề cập đến các nghiên cứu về P2P Lending trong giai đoạn sơ khai từ 2006 - 2010, trong đó có đề cập đến các nghiên cứu về: Cơ quan quản lý, Ngân hàng đối tác, Vụ thông tin tín dụng. Cơ quan quản lý đóng vai trò khác nhau tùy thuộc quy định ở các quốc gia khác nhau. Một số quốc gia yêu cầu phải bắt buộc có sự tham gia của các ngân hàng thương mại như một đối tác trong hoạt động ngang hàng.
 
Kevin Davis and Jacob Murphy (2016), đã đưa ra các đặc điểm chính của P2P Lending, các rủi ro liên quan và các phương pháp điều chỉnh các nền tảng P2P Lending qua nghiên cứu “Peer to Peer Lending Structures, risks and regulation”. Điều quan trọng là cần phải phát triển một hệ thống khung pháp lý hoặc quy định phù hợp hơn với các dịch vụ tài chính mới nổi, có tiềm năng hiệu quả hơn các mô hình kinh doanh truyền thống nhưng cũng đan xen nhiều loại rủi ro khác nhau.
 
2.2. Các nghiên cứu trong nước 
 
P2P Lending ra đời đã mang lại nhiều lợi ích, trong đó lợi ích lớn nhất là tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của người dân. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển P2P Lending. Nguyễn Văn Hiệu (2018) cho rằng, P2P Lending có nhiều lợi thế hơn so với hình thức cho vay truyền thống, đặc biệt trong việc giúp tổ chức có quy mô nhỏ và cá nhân có thu nhập thấp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Chánh (2019) chỉ ra, tiềm năng phát triển P2P Lending tại Việt Nam là do số lượng người sử dụng Internet và sở hữu điện thoại thông minh khá cao và có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, theo Đỗ Lê (2018), rủi ro trong P2P Lending là không thể tránh khỏi. Hoạt động P2P Lending còn tồn tại nhiều bất cập như không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thiếu thông tin về các loại rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải, người cho vay có thể mất tiền, không truy đòi được từ phía công ty P2P Lending.
 
Đặc biệt, trong bối cảnh P2P Lending phát triển rất nhanh chóng thì hệ thống hành lang pháp lý cho hoạt động này chưa hoàn thiện theo kịp với sự phát triển. Đó cũng là một nguy cơ mang lại nhiều rủi ro cho các bên tham gia. Điều này đã được đề cập đến thông qua nghiên cứu của Hà Văn Dương (2019), Hoàng Thị Duyên, Đỗ Thị Tuyết Mai (2019)…
 
2.3. Các mô hình P2P Lending
 
Có nhiều cách thức phân loại P2P Lending tùy theo mục đích quản lý như phân loại theo vai trò tham gia của nhà đầu tư/bên cho vay trong quy trình hay cách thức phân loại theo cơ cấu tổ chức cũng là cách thức phân loại phổ biến nhất. Cụ thể:
 
(i) Mô hình P2P Lending truyền thống
 
Công ty P2P Lending cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến kết nối giữa người đi vay và người cho vay. Theo đó, hợp đồng vay vốn được ký kết trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay. Người cho vay chịu mọi rủi ro nếu người đi vay không trả nợ. Vốn vay và tiền trả nợ theo hợp đồng vay được tách biệt khỏi tài khoản trên nền tảng giao dịch trực tuyến. Công ty P2P Lending có nguồn thu từ phí giao dịch của các bên tham gia. Như vậy, trong mô hình này, các công ty P2P Lending chỉ cung cấp nền tảng công nghệ đơn thuần. (Hình 1)
 
(ii) Mô hình P2P Lending hợp tác với ngân hàng

Công ty P2P Lending đóng vai trò như đại lý môi giới đối với người cho vay và người đi vay. Trên cơ sở thỏa thuận của công ty P2P Lending và ngân hàng, sau khi nhận thông tin từ Công ty P2P Lending, ngân hàng cấp các khoản vay và sau đó, bán lại cho công ty P2P Lending. Với mô hình tổ chức này, vai trò của công ty P2P Lending không chỉ còn là cung cấp công nghệ đơn thuần mà tham gia trực tiếp vào quy trình tín dụng. Trong mô hình hợp tác này, với sự tham gia của ngân hàng trong quá trình giải ngân, rủi ro đối với người đi vay được giảm thiểu khi họ có đầy đủ điều kiện được vay và giấy tờ cần thiết sẽ được giải ngân. Các bước trong mô hình này được cụ thể hóa theo Hình 2.
 
(iii) Mô hình P2P Lending cam kết về lợi nhuận
 
Trong mô hình này, công ty P2P Lending cung cấp các khoản vay từ chính nguồn vốn được đóng góp bởi người cho vay/nhà đầu tư. Công ty P2P Lending đánh giá, lựa chọn đề xuất vay vốn và tự chủ động tiến hành cho vay trực tiếp đối với người đi vay và hưởng lãi suất, phí (nếu có) từ khoản vay này. Nhà đầu tư đóng góp nguồn vốn vào quỹ/vốn của công ty P2P Lending và nhận lợi nhuận theo cam kết của công ty P2P Lending. (Hình 3)
 
3. Kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới về quản lý hoạt động P2P Lending
 
3.1. Mỹ
 
Tại Mỹ, mô hình P2P Lending đã bắt đầu xuất hiện với sự ra đời của hai công ty P2P Lending đầu tiên tại Mỹ là Prosper và Lending Club lần lượt vào năm 2006 và 2007. Tính đến nay, thị trường P2P Lending tại Mỹ bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với sự tăng trưởng vượt bậc cả về khối lượng và chất lượng cho vay. (Hình 4)
 

 
Theo IBISWorld, từ năm 2012 đến nay, quy mô thị trường P2P Lending tại Mỹ đã phát triển đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn 2017 - 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên quy mô thị trường này có sự sụt giảm duy trì ở mức tổng quy mô trao đổi 819 triệu USD, với 17 doanh nghiệp và đã tạo ra 2.255 việc làm trên khắp đất nước. Mặc dù quy mô thị trường giảm, nhưng trong năm 2020, các nền tảng P2P Lending vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho các chủ doanh nghiệp nhỏ với việc Quốc hội Mỹ mở rộng gói Chương trình Bảo vệ Tiền lương. 
 
Do thị trường P2P Lending ở Mỹ phát triển với tốc độ nhanh, có sự liên kết chéo giữa nhà cung cấp dịch vụ P2P Lending và ngân hàng cho vay (gọi là notary model - mô hình trong đó khoản vay sẽ được cấp từ ngân hàng đối tác thay vì bản thân công ty P2P Lending), nên việc dự thảo các quy định quản lý trải qua những giai đoạn phức tạp. Từ cuối năm 2015, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) quyết định áp dụng các quy tắc quản lý với hoạt động huy động và tài trợ vốn cộng đồng cho hoạt động P2P Lending. Vì vậy, tại Mỹ, quản lý P2P Lending tập trung vào bốn mục chính như sau:
 
Thứ nhất, quy định về giới hạn vốn huy động. Công ty P2P Lending chỉ được huy động tối đa 1,07 triệu USD trong mỗi năm từ nhà đầu tư, trừ trường hợp đặc biệt phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
 
Thứ hai, quy định về giới hạn đầu tư cá nhân. Giới hạn đầu tư của một cá nhân được tính bằng tổng các khoản đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư đó trong vòng 12 tháng và không có trường hợp ngoại lệ. Giới hạn đầu tư được xác định tùy vào thu nhập hoặc tài sản ròng hàng năm của nhà đầu tư. 
 
Thứ ba, các tiêu chuẩn cấp phép và hoạt động đối với công ty P2P Lending - tương tự như điều kiện cấp phép hoạt động đối với công ty quản lý đầu tư tại Mỹ. 
 
Thứ tư, các tiêu chuẩn, yêu cầu về công khai thông tin đối với các công ty P2P Lending. Để được cấp phép hoạt động, các công ty P2P Lending cần cung cấp “32 loại thông tin” ngoài các chứng từ kế toán trong 3 năm tài chính liên tiếp cho SEC và hàng năm, các công ty có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động, giống như các tổ chức tín dụng khác. Ngoài ra, các công ty P2P Lending bắt buộc phát hành chứng chỉ vay nợ phải thông qua một tổ chức trung gian (platform), để đảm bảo công chúng có thể tiếp cận thông qua cổng Internet hoặc các phương tiện điện tử và tự do trao đổi thông tin về khoản vay.
 
3.2. Anh
 
Nước Anh được biết đến như là cái nôi của hoạt động P2P Lending với sự xuất hiện của nền tảng P2P Lending đầu tiên trên thế giới - Zopa vào năm 2005. Với sự ra đời của Zopa, nước Anh trở thành nước đầu tiên xuất hiện hoạt động P2P Lending và bắt đầu với việc tài trợ các khoản vay tín chấp cá nhân. Sau một thời gian dài hình thành và phát triển, tính đến cuối năm 2017, tại thị trường Anh có hơn 50 nền tảng P2P Lending, trong đó có 03 nền tảng lớn nhất là RateSetter, Zopa và The Funding Circle với tổng dư nợ cho vay lần lượt là 2,2; 2,9 và 3 tỷ bảng Anh. Ba ông lớn này chiếm tổng cộng 69% thị phần và còn lại 31% chia cho hơn 47 nền tảng P2P Lending khác (Nguyen, Luong and Vo, 2019).
 
Thị trường P2P Lending tại Anh ban đầu chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, càng về sau, các nền tảng đã phát triển thành các tổ chức kiêm luôn việc cho vay và mở rộng đối tượng tham gia cả đối với các tổ chức là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy tỷ trọng P2P Lending đối với khu vực này còn thấp so với các hình thức truyền thống, song vẫn giữ được xu hướng tăng trưởng qua các năm xét về mức độ cạnh tranh. (Hình 5)  

 
Năm 2014, nước Anh một lần nữa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng hệ thống các quy định luật pháp về hoạt động P2P Lending. Cơ quan Kiểm soát ngành tài chính (FCA) hiện là cơ quan quản lý chính cho ngành công nghiệp P2P Lending. Cơ quan này cùng với Cơ quan Luật lệ an toàn (PRA) là hai đơn vị được tách ra từ Cơ quan Giám sát tài chính Anh Quốc (FSA). Theo đó, các nền tảng P2P Lending phải được cấp phép hoạt động thông qua FCA mới có thể cấp tín dụng và trở thành thành viên của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (Nguyen, Luong and Vo, 2019).
 
Các quy định nổi bật về P2P Lending ở Anh được FCA đặt ra bao gồm quy định về vốn, quy trình cấp phép hoạt động, quy định giám sát thị trường, quy định bảo vệ người đi vay:
 
Quy định về vốn: Công ty P2P Lending phải có số vốn tối thiểu lớn hơn tổng số vốn tối thiểu cố định và vốn tính trên giá trị còn lại của vốn vay trên sàn. Theo quy định, từ ngày 01/4/2017, vốn tối thiểu cố định là 50.000 bảng Anh.
 
Quy trình cấp phép hoạt động: Các công ty muốn thành lập và vận hành nền tảng giao dịch trực tuyến P2P Lending cần thỏa mãn các điều kiện sau: Có kế hoạch kinh doanh chi tiết và phù hợp, trong đó nêu rõ hoạt động dự kiến, rủi ro, ngân sách và nguồn lực về con người, hệ thống vốn…
 
Giám sát thị trường: FCA theo dõi và giám sát hoạt động của các công ty P2P Lending thông qua trang web và báo cáo điều hành quản lý định kỳ hàng tháng của các công ty P2P Lending.
 
Bảo vệ người đi vay: FCA quy định công ty P2P Lending phải tuân thủ quy định về tiền của khách hàng trong việc nhận tiền của bên cho vay, nhận tiền trả nợ của bên đi vay và chuyển tiền trả cho bên cho vay.
 
3.3. Trung Quốc
 
Có thể nhận định rằng, không có một quốc gia nào trên thế giới có thể sánh với Trung Quốc về tốc độ phát triển và mức độ sử dụng các nền tảng P2P Lending. Các nền tảng cho vay trực tuyến ngày càng được sử dụng rộng rãi và phổ biến kể từ khi nền tảng đầu tiên được ra mắt vào năm 2007 - nền tảng PPdai. Ban đầu, ngành công nghiệp này đã được các nhà chức trách buông lỏng quản lý, không bị ràng buộc hoặc giám sát bởi bất kỳ một quy định nào. Vì vậy, một lượng lớn tiền nóng đã được bơm vào các sàn P2P Lending, thúc đẩy hoạt động này phát triển mạnh mẽ. Báo cáo hàng năm của ngành cho vay trực tuyến của Trung Quốc năm 2016 cho biết, tổng doanh thu toàn ngành đạt 2,063 nghìn tỷ RMB (tương đương 311,73 tỷ USD), tăng 110% so với năm 2015. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của ngành cho vay trực tuyến năm 2016 đạt 816,22 tỷ RMB (123,29 tỷ USD), tăng 100,99% so với cùng kỳ năm 2015 và gấp 125 lần so với năm 2012. Bên cạnh những nền tảng thành công như Yiren Digital (được thành lập năm 2012 là một công ty con của Creditease), có thể kể đến những trường hợp phá sản lớn của sàn P2P Lending tại Trung Quốc như Ezubao, Tairan. Những vụ việc vỡ nợ, phá sản hay lừa đảo tại các sàn P2P Lending đã ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín hoạt động P2P Lending cũng như việc tổ chức quản lý hoạt động này đối với các cơ quan quản lý Trung Quốc.
 
Mặc dù nền tảng P2P Lending đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2007 nhưng phải tới năm 2010, mới có quy định đầu tiên tác động đến lĩnh vực P2P Lending. Quy định đầu tiên là các biện pháp quản lý tạm thời đối với các công ty bảo lãnh tài chính. Các biện pháp này quy định các công ty P2P Lending phải được chấp thuận khi thành lập và không được tham gia vào hoạt động nhận tiền gửi và cho vay trực tiếp. Bộ máy quản lý hoạt động P2P Lending ở Trung Quốc gồm hai cấp: Trung ương và địa phương.
 
Cấp Trung ương: Cấu trúc quản lý tài chính hiện tại ở Trung Quốc là phân quyền quản lý dựa trên lĩnh vực. Năm 2016, sau gần 10 năm kể từ khi sàn P2P Lending đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc, P2P Lending chính thức được coi như là kinh doanh ngân hàng theo hình thức cho vay trực tuyến, do đó thuộc thẩm quyền của Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC).
Cấp địa phương: Cơ quan quản lý địa phương thường là văn phòng hoặc phòng tài chính do chính quyền địa phương thành lập. Cơ quan quản lý địa phương chịu trách nhiệm giám sát các nền tảng P2P Lending tại địa bàn của mình về các vấn đề như thành lập, thay đổi và giải thể.
 
4. Bài học về kinh nghiệm quản lý hoạt động P2P Lending
 
Tại Việt Nam, hiện nay, có khoảng hơn 40 công ty đang tham gia hoạt động P2P Lending như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan... Ngân hàng Nhà nước (2019) đã nhận định, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội (có khả năng tiếp cận Internet); qua đó, góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”. Tuy nhiên, hoạt động P2P Lending cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro (rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng, chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng...) có thể tác động bất lợi, bất ổn đến hệ thống tài chính nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về hoạt động P2P Lending trở nên cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
 
Thông qua kinh nghiệm quản lý hoạt động P2P Lending tại Mỹ, Anh và Trung Quốc, Việt Nam có thể rút ra được những bài học hữu ích như sau:
 
Thứ nhất, cần công nhận hoạt động P2P Lending và cho phép hoạt động của các công ty P2P Lending. Việc chưa có một quy định hướng dẫn cụ thể đối với việc thành lập cũng như tổ chức hoạt động P2P Lending đã khiến tổ chức cho vay gặp nhiều khó khăn. Các quy định P2P Lending nhìn chung được đánh giá là khá phức tạp và rắc rối, đặc biệt là đối với những đối tượng mới tham gia thị trường này. Vì vậy, cần sớm có sự cụ thể hóa trong việc cấp phép hoạt động. Các văn bản quy phạm pháp luật này phải quy định rõ các điều kiện cấp phép hoạt động P2P Lending như yêu cầu mức vốn tối thiểu, hạn mức cho vay tối đa, đáp ứng các tiêu chuẩn về công nghệ cũng như cần phải đảm bảo an toàn hoạt động đối với công ty; cụ thể hóa các quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp P2P Lending; quy định rõ ràng, chặt chẽ về quyền truy cập thông tin của người cho vay và người đi vay, làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp P2P Lending đối với nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra đổ vỡ. Tại Việt Nam, hiện nay, khi các công ty hoạt động P2P Lending chưa chịu sự quản lý của Luật Các tổ chức tín dụng mà chỉ chịu quản lý của Bộ luật Dân sự, cần sớm ban hành hành lang pháp lý quy định đối với hình thức P2P Lending và các đơn vị cung cấp sản phẩm này.
 
Thứ hai, cần có chế tài cụ thể trong việc quản lý thị trường P2P Lending. Bài học từ Trung Quốc đã cho thấy, việc không sớm có chế tài quản lý đã khiến quốc gia này chịu nhiều thiệt hại to lớn từ những vụ việc vỡ nợ hay lừa đảo từ cả phía cho vay và bên đi vay. Trong thời gian xây dựng và hoàn thiện các biện pháp quản lý phù hợp cho thị trường P2P Lending, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các quy định rõ ràng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cải cách thủ tục hành chính, minh bạch và công bố công khai thông tin về hoạt động cho vay của mình cùng với tăng cường triển khai nhiều chính sách ưu đãi vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi chủ thể trong nền kinh tế có thể tiếp cận được với vốn ngân hàng. 
 
Thứ ba, việc quản lý hoạt động P2P Lending cần được thực hiện chặt chẽ ở cả cấp Trung ương và địa phương. Từ đó, Việt Nam cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, cụ thể cho hoạt động P2P Lending. Hoạt động giám sát P2P Lending nên được trao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu mô hình hoạt động phù hợp với bối cảnh quốc gia và luật hóa trong quy định cấp phép thành lập. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần cho phép các nền tảng P2P Lending truy cập thông tin tín dụng từ cổng thông tin kết nối khách hàng vay của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Phương pháp này sẽ vừa đảm bảo cho các nền tảng cho vay biết được các khoản nợ tín dụng hiện có của khách hàng. 
 
Thứ tư, Chính phủ cũng nên tham gia quản lý và điều hành trực tiếp các nền tảng P2P Lending này để đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như thực hiện ưu đãi thuế cho các cá nhân cần vốn để đầu tư thông qua các bên cho vay. Việc được nhận các khoản đầu tư hàng năm để sử dụng vào hoạt động P2P Lending kết hợp với các ưu đãi về thuế sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào hoạt động P2P Lending, từ đó phát triển thị trường P2P Lending cả về số lượng lẫn chất lượng.
 
Như vậy, việc có những quy định cụ thể và định hướng chiến lược rõ ràng đang là những yêu cầu cấp thiết để xây dựng một hệ thống P2P Lending hoạt động hiệu quả và lành mạnh ở thị trường Việt Nam hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
 
1. Alexander Bachmann (2011), Online Peer-to-Peer Lending - A Literature Review”, Journal of Internet Banking and Commerce, August 2011, vol. 16, no.2
 
2. Deloitte (2018) Marketplace lending: A temporary phenomenon? An analysis of the UK market. [online]. Available from: https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/uk/Documents/financial-services/deloitte-uk-fs-marketplace-lending.pdf.
 
3. Đỗ Lê (2018), “Cho vay ngang hàng: Nhận diện tiềm năng, rủi ro”, Thời báo Ngân hàng.
 
4. Hà Văn Dương (2019) “Cho vay ngang hàng: Cơ chế vận hành và mô hình kinh doanh”, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ.
 
5. Hoàng Thị Duyên, Đỗ Thị Tuyết Mai (2019) "P2P Lending trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam", Tạp chí Tài chính.
 
6. IBISWorld (2020). Peer-to-Peer Lending Platforms in the US - Market Size 2005–2026. [Online] Available at: https://www.ibisworld.com/industry-statistics/market-size/peer-to-lending-platforms-united-states/
 
7. Kevin Davis and Jacob Murphy (2016), “Peer to Peer Lending Structures, risks and regulation”, the Finsia Journal of Applied Finance, 2016:3, 37-44
 
8. Nguyen, T.T.T., Luong, X.M. and Vo, T.N.H. (2019) Peer-to-peer lending in Vietnam and experience from other countries. Science & Technology Development Journal - Economics - Law and Management. 3  (3), pp. 211–218. doi:10.32508/stdjelm.v3i3.561.
 
9. Steinisch, M. (2012). "Peer-to-Peer Lending Survey", Consumer Action, pp. 2–4.
 
10. Nguyễn Thị Thu Trang, Lương Xuân Minh và Võ Thị Ngọc Hà (2019). “Cho vay ngang hàng ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm quản lý từ một số quốc gia”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ: Chuyên san Kinh tế - Luật và Quản lý, 3(3), trang 211-218. 
 
11. Nguyễn Văn Hiệu (2018). “Cho vay ngang hàng - Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, 11/2018, Số 22, tr. 10-16
 
12. Nguyễn Ngọc Chánh (2019) , “Cho vay ngang hàng tại Việt Nam và một số vấn đề đặt ra”, Tạp chí Tài chính, Số 712, tr. 65 - 68.

TS. Bùi Tín Nghị, TS. Nguyễn Thị Thái Hưng, 
ThS. Trần Hải Yến, ThS. Đào Mỹ Hằng, ThS. Nguyễn Thị Vân

Học viện Ngân hàng

Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Chính sách tín dụng nông nghiệp của Ấn Độ và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Chính sách tín dụng nông nghiệp của Ấn Độ và kinh nghiệm đối với Việt Nam
03/10/2024 14:46 402 lượt xem
Nằm ở lưu vực sông Ấn và sông Hằng, Ấn Độ là một quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời với quy mô thị trường ước đạt 372,94 tỉ USD vào cuối năm 2024, dự kiến ​​sẽ đạt 473,72 tỉ USD vào năm 2029 (Mordorintelligence, 2024).
Tác động của địa chính trị đến thương mại quốc tế
Tác động của địa chính trị đến thương mại quốc tế
01/10/2024 16:10 645 lượt xem
Bài viết giới thiệu một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm về tác động của địa chính trị đến thương mại toàn cầu thông qua phương pháp nghiên cứu định tính với kỹ năng chính là khai thác, phân tích, tổng hợp và bình luận các thông tin thứ cấp từ các nghiên cứu có liên quan.
Pháp luật về giám sát tập đoàn tài chính tại Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Pháp luật về giám sát tập đoàn tài chính tại Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
30/09/2024 08:01 744 lượt xem
Tập đoàn tài chính không phải là một hình thái tổ chức hoạt động kinh doanh mới trên thị trường mà bắt đầu được hình thành từ những năm 60 tại Mỹ khi hiện tượng các ngân hàng với hoạt động cấp tín dụng kết nối các công ty bảo hiểm, chứng khoán thông qua sở hữu vốn...
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
26/09/2024 13:23 1.028 lượt xem
Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, cả hai quốc gia đều trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh và tái xây dựng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn.
Quy định về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng tại Vương quốc Anh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Quy định về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng tại Vương quốc Anh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
26/09/2024 08:19 928 lượt xem
Sau cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra tại các quốc gia châu Âu và Mỹ giai đoạn 2007 - 2008 khiến cho hàng loạt hệ thống ngân hàng sụp đổ, các chuyên gia cho rằng quản trị ngân hàng yếu kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng của ngành Ngân hàng.
Các rủi ro trên con đường giảm lạm phát toàn cầu
Các rủi ro trên con đường giảm lạm phát toàn cầu
17/09/2024 10:52 1.762 lượt xem
Theo báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS, 2024), nền kinh tế toàn cầu đã để lại phía sau những hậu quả của các cú sốc về hàng hóa và đại dịch Covid-19; lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm, nền kinh tế tránh được nguy cơ suy thoái.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho thanh toán bán lẻ và một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho thanh toán bán lẻ và một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
11/09/2024 11:39 2.032 lượt xem
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á tiên phong thí điểm CBDC với hàng loạt các dự án được nghiên cứu, triển khai từ năm 2018.
Sự điều chỉnh chính sách ngoại thương của Ấn Độ và gợi mở cho Việt Nam
Sự điều chỉnh chính sách ngoại thương của Ấn Độ và gợi mở cho Việt Nam
05/09/2024 09:00 2.533 lượt xem
Bài viết phân tích, đánh giá sự điều chỉnh chính sách ngoại thương năm 2023 so với giai đoạn 2015 - 2020 của Ấn Độ, để thấy rõ sự thay đổi này không chỉ là một động thái chiến lược nhằm tăng cường vị thế kinh tế quốc tế, mà còn là một minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và định hướng phát triển của quốc gia đang trên đà vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu.
Một số mô hình Ngân hàng Phát triển trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
Một số mô hình Ngân hàng Phát triển trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
01/09/2024 08:20 2.921 lượt xem
Từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các NHPT đã tồn tại song song với các ngân hàng khác nhưng ở nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Vào thế kỷ 19, nước Mỹ đã hoàn thành công nghiệp hóa, nước Anh và một số quốc gia Trung Âu đã phát triển nền tảng công nghiệp cơ bản.
Phát triển tài chính toàn diện trong bối cảnh chuyển đổi số: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Phát triển tài chính toàn diện trong bối cảnh chuyển đổi số: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
12/08/2024 10:09 4.319 lượt xem
Bài viết tập trung tìm hiểu về phát triển tài chính toàn diện trong bối cảnh chuyển đổi số ở một số nước trên thế giới và Việt Nam. Qua đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính Việt Nam.
Tại sao các ngân hàng trung ương mua vàng?
Tại sao các ngân hàng trung ương mua vàng?
08/08/2024 09:34 4.361 lượt xem
Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương (NHTW) vào cuối năm 2023 lập kỷ lục cao thứ hai sau năm 2022.
Thanh toán xuyên biên giới đang mở rộng
Thanh toán xuyên biên giới đang mở rộng
07/08/2024 08:52 3.989 lượt xem
Ngày 04/6/2024, BIS công bố báo cáo của Ủy ban Thanh toán và hạ tầng thị trường (CPMI) về kết quả điều tra tình hình hoạt động thanh toán xuyên biên giới. Báo cáo nêu rõ, tháng 10/2020, lãnh đạo các nước G20 đã phê chuẩn kế hoạch chiến lược thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới.
Tiền số của Ngân hàng Trung ương với khả năng thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng cường hiệu quả chính sách tiền tệ
Tiền số của Ngân hàng Trung ương với khả năng thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng cường hiệu quả chính sách tiền tệ
27/07/2024 08:04 6.882 lượt xem
Tiền kĩ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có khả năng thúc đẩy tài chính toàn diện tại nước ta do có thể mang lại cho những người dân và doanh nghiệp hiện chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng...
Hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam: Thực trạng và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả
Hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam: Thực trạng và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả
08/07/2024 08:22 8.127 lượt xem
Bài viết tập trung nghiên cứu, làm rõ thực trạng của hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, trình bày những khó khăn và đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam trong thời gian tới.
Kinh nghiệm một số quốc gia về cơ chế giao dịch và hoạt động công bố thông tin trong giao dịch bán khống
Kinh nghiệm một số quốc gia về cơ chế giao dịch và hoạt động công bố thông tin trong giao dịch bán khống
03/07/2024 09:19 5.340 lượt xem
Mục tiêu của bài viết nhằm xem xét cơ chế giao dịch và hoạt động công bố thông tin trong giao dịch bán khống thông qua những quy định hiện hành tại một số quốc gia; qua đó, đưa ra các hàm ý đối với Việt Nam.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

82.000

84.000

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

82.000

84.000

Vàng SJC 5c

82.000

84.020

Vàng nhẫn 9999

82.000

83.300

Vàng nữ trang 9999

81.950

83.000


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,550 24,920 26,604 28,064 31,668 33,015 163.07 172.56
BIDV 24,580 24,920 26,828 28,045 32,079 33,022 165.6 172.99
VietinBank 24,578 24,918 26,859 28,059 32,139 33,149 165.46 173.21
Agribank 24,570 24,930 26,777 28,005 31,882 33,001 164.72 173.02
Eximbank 24,520 24,980 26,795 27,806 31,943 33,105 166.07 172.35
ACB 24,560 24,920 26,840 27,772 32,108 33,091 165.78 172.4
Sacombank 24,580 24,920 26,852 27,824 32,039 33,191 166.17 173.18
Techcombank 24,560 24,951 26,679 28,031 31,738 33,083 162.54 175.04
LPBank 24,365 25,090 26,732 28,383 32,170 33,181 164.34 176.25
DongA Bank 24,600 24,910 26,830 27,720 32,030 33,010 164.10 171.70
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?