Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần 3 thập kỷ xây dựng và trưởng thành
Cùng nhìn lại trang sử 70 năm vẻ vang của ngành Ngân hàng, Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tự hào đã góp một phần công sức trong hành trình đó. Với gần 30 năm xây dựng và phát triển, Vụ Pháp chế NHNN đã nỗ lực, hoàn thiện và phát triển tổ chức, chức năng, nhiệm vụ để thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp Thống đốc NHNN trong việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật, đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống ngân hàng.
Đoàn đại biểu Chi bộ Vụ Pháp chế chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn và Bí thư Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương tại Đại hội Đại biểu lần thứ XXIV của Đảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025
1. Quá trình hình thành và phát triển của Vụ Pháp chế NHNN
Tiền thân của Vụ Pháp chế NHNN là một phòng thuộc Văn phòng NHNN, có vai trò tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN trong việc quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đồng thời tư vấn pháp luật cho Ban Lãnh đạo NHNN trong việc thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng.
Năm 1986, cùng với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của đất nước là sự ra đời của Nghị định số 53-HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức bộ máy NHNN, đánh dấu sự chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp (NHNN và các ngân hàng chuyên doanh) để tách bạch chức năng quản lý Nhà nước của NHNN và chức năng kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Đến tháng 5/1990, Pháp lệnh NHNN Việt Nam ra đời đánh dấu sự đổi mới căn bản hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 12/9/1992, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 183/QĐ-NH9 ban hành quy chế tổ chức của các vụ, cục, đơn vị thuộc bộ máy NHNN, trong đó Vụ Pháp chế được thành lập. Mốc son đó được ấn định, chính thức trở thành ngày truyền thống của Vụ Pháp chế NHNN. Tại thời điểm đó, Vụ Pháp chế NHNN có 02 phòng chuyên môn là Phòng Tư vấn và xây dựng pháp luật và Phòng Tổng hợp.
Năm 1997, sau khi Nghị định số 94-CP ngày 06/9/1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được ban hành, để kiện toàn cơ cấu tổ chức, tăng cường chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 265/1998/QĐ-NHNN9 ngày 11/6/1998 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp chế (sau đó, được thay thế bởi Quyết định số 412/1999/QĐ-NHNN9 ngày 17/11/1999). Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế được xác định rõ, bao gồm việc tham mưu cho Thống đốc NHNN trong việc thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành Ngân hàng; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); tư vấn pháp lý cho Thống đốc NHNN trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN; phổ biến giáo dục pháp luật; kiểm tra việc thực hiện các VBQPPL trong ngành Ngân hàng. Tại thời điểm đó, cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế bao gồm 03 phòng: Phòng Xây dựng pháp luật, Phòng Tư vấn pháp luật và Phòng Tổng hợp.
Năm 2004, trước yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hội nhập kinh tế quốc tế, công tác pháp chế của các bộ, ngành được quan tâm kiện toàn, củng cố theo Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp Nhà nước. Trên cơ sở Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN, ngày 09/9/2004, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1127/2004/QĐ-NHNN ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp chế. Với những nhiệm vụ và quyền hạn mới được quy định tại Quyết định 1127/2004/QĐ-NHNN, Vụ Pháp chế tiếp tục được kiện toàn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo tăng cường vai trò quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành Ngân hàng.
Năm 2008, sau khi Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN có hiệu lực thi hành (thay thế Nghị định số 52/2003/NĐ-CP), ngày 06/10/2008, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2212/QĐ-NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế (thay thế Quyết định số 1127/2004/QĐ-NHNN). Theo đó, Vụ Pháp chế là đơn vị có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong ngành Ngân hàng với các nhiệm vụ xây dựng pháp luật, rà soát và hệ thống hóa các VBQPPL, kiểm tra văn bản, tuyên truyền phổ biến pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tư vấn pháp lý cho Thống đốc trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN…
Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, công tác pháp chế được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được xác định là một trong những công tác trọng tâm trong giai đoạn phát triển mới. Để triển khai thực hiện những nội dung mới của Nghị định 55/2011/NĐ-CP cũng như nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả của công tác pháp chế tại NHNN, ngày 18/4/2012, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 728/QĐ-NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế và đã bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn mới như quản lý công tác bồi thường Nhà nước, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, thi đua - khen thưởng trong công tác pháp chế, hợp tác quốc tế về pháp luật, cập nhật cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế tiếp tục được bổ sung theo Quyết định số 311/QĐ-NHNN ngày 26/2/2014 và hiện nay là Quyết định số 1116/QĐ-NHNN ngày 07/6/2017 của Thống đốc NHNN.
Hiện nay, cơ cấu của Vụ Pháp chế gồm Ban Lãnh đạo Vụ và 04 phòng chuyên môn (Phòng Tổng hợp và tuyên truyền pháp luật, Phòng Tư vấn pháp luật, Phòng Xây dựng pháp luật và Phòng Pháp luật quốc tế). Trong gần 3 thập kỷ qua, đội ngũ cán bộ, công chức Vụ Pháp chế ngày càng phát triển lớn mạnh. Tính tới thời điểm hiện tại, Vụ Pháp chế có 39 cán bộ, trong đó, 100% cán bộ chuyên môn có trình độ từ cử nhân luật trở lên, gần 70% cán bộ chuyên môn có trình độ thạc sỹ.
2. Những đóng góp chính của Vụ Pháp chế với hoạt động quản lý của NHNN
2.1. Hoạt động của Vụ Pháp chế với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng
Hiện nay, Vụ Pháp chế thực hiện chức năng góp ý, thẩm định các VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Thống đốc NHNN và góp ý VBQPPL của các cơ quan khác. Để thực hiện nhiệm vụ này, Vụ Pháp chế đã đồng hành cùng các đơn vị chức năng của NHNN từ khi xây dựng dự thảo cho đến khi các VBQPPL được ban hành, đặc biệt là các thông tư của Thống đốc NHNN. Thông qua đó, công tác pháp chế đã gắn bó chặt chẽ hơn với các nhiệm vụ chuyên môn của NHNN.
Theo số liệu thống kê, từ năm 1990 đến nay, hệ thống VBQPPL ngân hàng đã được ban hành gồm 10 luật, 01 nghị quyết của Quốc hội, 05 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 89 nghị định của Chính phủ, 48 quyết định của Thủ tướng Chính phủ do NHNN chủ trì soạn thảo cùng với khoảng 1.440 văn bản do Thống đốc NHNN hoặc liên tịch các bộ, ngành ban hành. Vụ Pháp chế cùng các đơn vị chức năng của NHNN đã tham gia trực tiếp soạn thảo các văn bản quan trọng như Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Pháp lệnh Thương phiếu, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD… Đây là các VBQPPL rất quan trọng trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế cũng đã tham mưu cho Thống đốc NHNN tham gia xây dựng để trình ban hành các đạo luật quan trọng, có liên quan đến ngành Ngân hàng như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán... Những ý kiến tham gia của Vụ Pháp chế đã được các bộ, ngành ghi nhận, đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng và thông qua các luật quan trọng này.
Ngoài ra, Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Thống đốc NHNN trong việc ban hành và trình Chính phủ ban hành các VBQPPL quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động quản lý của NHNN phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước như khuôn khổ pháp lý điều hành thị trường vàng; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm tiền gửi để tạo lập cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và đảm bảo sự ổn định, lành mạnh của hệ thống các TCTD; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý Nhà nước an toàn, hiệu quả trong hoạt động ngân hàng và ngoại hối thông qua việc tham gia trực tiếp xây dựng và tham mưu ban hành các quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, các hướng dẫn về chính sách quản lý ngoại hối, điều hành lãi suất, cho vay, tỷ giá, bảo lãnh ngân hàng... Đây là những quy định được cải cách mạnh mẽ, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo phù hợp và đồng bộ với quy định pháp luật, phục vụ tích cực cho hoạt động quản lý Nhà nước và mục tiêu cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn mới.
Với một khối lượng VBQPPL đồ sộ như vậy đã ghi nhận công sức lớn lao của cán bộ, công chức các vụ, cục chức năng của NHNN cũng như vai trò quan trọng của Vụ Pháp chế. Những đóng góp này đã góp phần hiệu quả trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển của Ngành, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
2.2. Vụ Pháp chế hướng tới mục tiêu tăng cường chất lượng tham mưu về mặt pháp lý cho Thống đốc NHNN cũng như các đơn vị thuộc NHNN
Trong những năm qua, mặc dù khối lượng và mức độ phức tạp của hoạt động ngân hàng ngày càng tăng nhưng Vụ Pháp chế đã nỗ lực triển khai và hoàn thành xuất sắc công tác tham mưu về mặt pháp lý cho Thống đốc NHNN, tư vấn pháp luật cho các Vụ, Cục thuộc NHNN cũng như các TCTD với số lượng khoảng trên 1.000 vụ việc/năm trên các mảng công tác chính như: (i) Về tái cơ cấu TCTD: Vụ Pháp chế đã tham gia xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD; tham mưu về mặt pháp lý để xử lý các vấn đề của các ngân hàng yếu kém; xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình tái cơ cấu, công tác quản trị của các TCTD, qua đó đảm bảo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD; (ii) Về xử lý nợ xấu: Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Thống đốc NHNN để triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế của NHNN và Bộ Tư pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thi hành án liên quan đến các TCTD, góp phần tích cực vào kết quả xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng; (iii) Tham gia tố tụng: Vụ Pháp chế tham mưu có hiệu quả cho Thống đốc NHNN và các đơn vị trong Ngành trong quá trình tham gia tố tụng đối với các vụ án lớn có liên quan đến ngành Ngân hàng.
Ngoài công tác tham mưu ý kiến pháp lý cho Thống đốc NHNN, Vụ Pháp chế còn tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị của NHNN, các bộ, ngành xử lý các tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến lĩnh vực quản lý của NHNN như một số vụ kiện của nhà đầu tư nước ngoài; xử lý các vấn đề pháp lý, trình Chính phủ phê duyệt nội dung đàm phán và ký hiệp định quốc tế song phương và đa phương có nội dung liên quan đến ngành Ngân hàng... Việc tham mưu, đề xuất xử lý các các vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài đã góp phần quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của ngành Ngân hàng.
2.3. Vụ Pháp chế chủ động triển khai toàn diện các mặt hoạt động pháp chế của NHNN
Hoạt động pháp chế ngày càng được triển khai trên nhiều mặt, nhiều nhóm hoạt động. Hoạt động pháp chế không chỉ triển khai tại Vụ Pháp chế mà còn được triển khai, phối hợp thực hiện rất hiệu quả tại các Vụ, Cục chức năng của NHNN.
Cùng với việc thường xuyên rà soát các quy định pháp luật về ngân hàng, công tác pháp chế còn được triển khai thông qua hoạt động kiểm tra VBQPPL. Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật để xử lý, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ năm 2005, Vụ Pháp chế là đơn vị được phân công làm đầu mối thực hiện công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL của NHNN. Theo đó, Vụ Pháp chế đã kiểm tra được 1.192 văn bản (gồm tự kiểm tra 632 văn bản và kiểm tra theo thẩm quyền 560 văn bản).Có thể nói, công tác kiểm tra VBQPPL đã tác động tích cực đến việc đảm bảo tính tuân thủ trong công tác xây dựng VBQPPL của NHNN; từng bước nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản; giảm bớt tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định giữa các văn bản, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Bên cạnh đó, công tác quan trọng là rà soát, hệ thống hóa VBQPPL được Vụ Pháp chế đầu mối triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu VBQPPL với đầy đủ các thông tin pháp lý, tiện ích tra cứu phục vụ cho công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong ngành Ngân hàng. Năm 2014, Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Thống đốc NHNN triển khai thực hiện việc hệ thống hóa kỳ đầu của NHNN theo Kế hoạch số 2091/KH-NHNN ngày 31/3/2014 để lập danh mục và rà soát hiệu lực các văn bản do NHNN soạn thảo hoặc chủ trì soạn thảo được ban hành trong giai đoạn từ ngày 01/01/1997 đến hết ngày 31/12/2013. Theo đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1354/QĐ-NHNN ngày 08/7/2014 để công bố kết quả hệ thống hóa VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý của NHNN đến hết ngày 31/12/2013, gồm 04 danh mục: (1) Danh mục tổng hợp các VBQPPL thuộc đối tượng hệ thống hóa đồng thời là Danh mục VBQPPL còn hiệu lực, gồm 456 văn bản; (2) Danh mục VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ, gồm 319 văn bản; (3) Danh mục VBQPPL hết hiệu lực một phần, gồm 102 văn bản; và (4) Danh mục VBQPPL cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, gồm 126 văn bản.
Năm 2018, Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Thống đốc NHNN triển khai thực hiện Kế hoạch hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2014 - 2018 của NHNN. Theo đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 211/QĐ-NHNN ngày 31/01/2019 để công bố kết quả hệ thống hóa VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của NHNN trong kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018, bao gồm 4 danh mục: (1) Danh mục VBQPPL còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của NHNN trong kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018, gồm 480 văn bản; (2) Danh mục VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của NHNN trong kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018, gồm 1.051 văn bản; (3) Danh mục VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của NHNN trong kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018, gồm 131 văn bản; và (4) Danh mục VBQPPL cần đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của NHNN trong kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018, gồm 69 văn bản.
Để tạo điều kiện cho quy định pháp luật được triển khai trên thực tế, không thể không đề cập vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là nội dung công việc luôn được Ban Lãnh đạo NHNN quan tâm và coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, là khâu tiên quyết của quá trình thi hành pháp luật. Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng, thông qua hội nghị phổ biến, tuyên truyền các VBQPPL; xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức trong ngành Ngân hàng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; xuất bản sách hệ thống hóa VBQPPL; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề về các nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng...
Hằng năm, Vụ Pháp chế tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong toàn ngành Ngân hàng. Ngày Pháp luật trở thành sự kiện sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng đối với mọi đơn vị, tổ chức và tập thể công chức, viên chức, người lao động trong NHNN, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
2.4. Vụ Pháp chế chủ động đề xuất và tăng cường đối thoại chính sách trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật
Công tác pháp chế trong giai đoạn vừa qua đã đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả hoạt động đối thoại chính sách. Thực tế vừa qua cho thấy, hoạt động đối thoại chính sách không chỉ được triển khai giữa các đơn vị của NHNN trong quá trình xây dựng VBQPPL mà còn được mở rộng các kênh đối thoại với các TCTD và các đối tượng liên quan, đặc biệt trong quá trình triển khai thi hành pháp luật. Cụ thể, trong quá trình xây dựng VBQPPL, NHNN đã rất chú trọng việc trao đổi, lấy ý kiến góp ý, chia sẻ quan điểm và mục tiêu, chính sách quản lý với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh. Đồng thời, các hội nghị giới thiệu các quy định pháp luật mới được ban hành cũng là một kênh truyền thông chính sách rất hiệu quả, được tổ chức ngay sau khi Thống đốc NHNN ban hành các VBQPPL. Việc giới thiệu quy định pháp luật mới được ban hành đến các TCTD cũng như cán bộ, công chức NHNN thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, thanh tra, giám sát là phương pháp quan trọng, trực tiếp để quán triệt, đảm bảo thống nhất trong việc thực hiện, giám sát việc thi hành và nâng cao tính tuân thủ các quy định pháp luật. Với những hiệu quả trên thực tế, đây sẽ là một yêu cầu quan trọng trong hoạt động đối thoại chính sách mà NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
2.5. Công tác của Vụ Pháp chế gắn liền và hỗ trợ hiệu quả cho công tác cải cách hành chính
Xác định việc hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn liền với nâng cao hiệu quả công vụ, hiệu quả quản lý Nhà nước và đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, Vụ Pháp chế đã chủ động, tích cực rà soát và đề xuất các ý kiến pháp lý về đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm mục tiêu cắt giảm 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và phối hợp với Văn phòng NHNN để tham mưu Thống đốc NHNN thực hiện cắt giảm gần 50 điều kiện kinh doanh khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần đáp ứng được yêu cầu giao dịch thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí... cho doanh nghiệp và người dân.
Cùng với nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng trong công tác cải cách hành chính, Vụ Pháp chế đã thường xuyên đôn đốc, theo dõi và chủ động thực hiện, hoàn thành 100% các chương trình, kế hoạch của NHNN, góp phần không nhỏ đưa NHNN xếp hạng nhất 5 năm liên tiếp từ 2015 - 2019 về chỉ số về cải cách hành chính - Par-Index (NHNN đạt điểm tuyệt đối các tiêu chí 2.1, 2.2, 2.3, 2.4 lĩnh vực “Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ” và tiêu chí 3.1, 3.2 thuộc lĩnh vực “Cải cách thủ tục hành chính”).
3. Thay cho lời kết
Chặng đường gần 30 năm xây dựng và phát triển đã ghi nhận nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công chức Vụ Pháp chế trong việc quyết tâm phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật trong tiến trình đổi mới và phát triển ngành Ngân hàng. Vụ Pháp chế đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong ngành Ngân hàng. Với những đóng góp đó, Vụ Pháp chế và cán bộ, công chức của Vụ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2017; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2012; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008; được tặng thưởng nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của NHNN, Bằng khen của Thống đốc NHNN, Bằng khen của Văn phòng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Với bề dày thành tích đó, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo NHNN, thế hệ những người làm công tác pháp chế NHNN hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, vững bước tiến lên để công tác pháp chế NHNN tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng hơn nữa với trọng trách, nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững của ngành Ngân hàng.
Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN
Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2021