Vietcombank - Hành trình nỗ lực và bứt phá vươn ra biển lớn
Trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Ngân hàng đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, chủ động vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động an toàn, hiệu quả, đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiền thân là Cục Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, luôn giữ vai trò là ngân hàng chủ lực, chủ đạo trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, thể hiện bản lĩnh vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiên phong với những bước tiến vượt bậc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, gương mẫu đi đầu trong việc nghiêm túc chấp hành và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành Ngân hàng; có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Ngân hàng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.
Sau khi chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần (tháng 6/2008) và niêm yết thành công cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam (tháng 6/2009), Vietcombank đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng thông qua việc ký kết Hợp đồng bán cổ phần cho cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank thuộc Tập đoàn Tài chính Mizuho - Tập đoàn tài chính lớn thứ ba tại Nhật Bản và thứ 20 trên thế giới vào tháng 9/2011, đây là thương vụ M&A lớn nhất khu vực tại thời điểm đó.
Giai đoạn 2010 - 2015, Vietcombank đã chủ động xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Phương án cơ cấu lại đến năm 2015 đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới. Tăng trưởng quy mô, hiệu quả kinh doanh và chất lượng tài sản luôn ở mức tốt hơn so với bình quân ngành Ngân hàng. Năng lực tài chính của Vietcombank được củng cố, chỉ số an toàn vốn được cải thiện. Công tác quản trị điều hành có nhiều đổi mới và chuyển dịch đột phá, năng lực quản trị được nâng cao và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Tiếp nối thành công Phương án cơ cấu lại đến năm 2015, Vietcombank đã tiên phong xây dựng Phương án cơ cấu lại đến năm 2020 với nhiều mục tiêu đầy thách thức và tham vọng như đứng đầu về quy mô lợi nhuận (mục tiêu đạt 750 triệu USD đến năm 2020 - tăng quy mô lợi nhuận gấp 3 - 4 lần), kiểm soát nợ xấu dưới 1% và là ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất.
Giai đoạn 2016 - 2020 ghi nhận dấu ấn chuyển mình, bứt phá ngoạn mục của Vietcombank với sự tăng trưởng ấn tượng về quy mô và hiệu quả kinh doanh, thiết lập đỉnh cao với những thành công tiếp nối, mở ra vận hội lớn cho Vietcombank trong giai đoạn phát triển kế tiếp. Những chuyển hướng quyết liệt, mạnh mẽ trong chiến lược, quản trị điều hành theo các chuẩn mực quốc tế và thông lệ tốt nhất đã nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng vững chắc cho một giai đoạn phát triển mới của Vietcombank, định vị ngân hàng số 1 tại Việt Nam và hướng tới hội nhập trong khu vực và trên thế giới.
I- Những dấu ấn nổi bật của giai đoạn 2016 - 2020
1. Thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại với kết quả vượt trội
1.1. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tăng trưởng mạnh
Giai đoạn 2016 - 2020, quy mô tổng tài sản của Vietcombank tăng 2,0 lần và kể từ năm 2017 đã vượt qua mốc 1 triệu tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 2,2 lần so với cuối năm 2015. Vietcombank vươn lên là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
1.2. Huy động vốn tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch tích cực
Tăng trưởng huy động vốn bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức 16%/năm, cao hơn nhiều so với trung bình toàn Ngành. Kể từ năm 2019, huy động vốn từ tổ chức kinh tế - xã hội và dân cư đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng và quy mô huy động vốn năm 2020 gấp hơn 2 lần so với cuối năm 2015. Cơ cấu huy động vốn chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn có chi phí đầu vào thấp.
1.3. Tín dụng tăng trưởng cao, bền vững đi đôi với chuyển dịch kiểm soát chất lượng tín dụng hiệu quả
Dư nợ tín dụng năm 2020 gấp 2,2 lần so với cuối năm 2015, tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm, cao hơn mức trung bình của toàn Ngành và tăng tập trung vào các ngành, lĩnh vực hoạt động then chốt của nền kinh tế như phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, các ngành công nghiệp mũi nhọn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cơ cấu khách hàng chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng cho vay khách hàng bán lẻ đến nay đã đạt 53,5% từ mốc 28% vào cuối năm 2015.
Chất lượng tín dụng được kiểm soát một cách thực chất, nợ xấu giảm mạnh qua các năm, đến năm 2020, tỷ lệ nợ xấu đã được kiểm soát ở mức 0,61% - vượt so với tiến độ mục tiêu chiến lược đặt ra và Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm các tổ chức tín dụng lớn trên thị trường. Tỷ lệ số dư quỹ dự phòng bao nợ xấu đạt 380% tổng dư nợ xấu, cao nhất trong lịch sử và cao nhất trên thị trường.
1.4. Hoạt động dịch vụ tăng trưởng đúng định hướng chiến lược, giữ vững vị thế hàng đầu trong nhiều mảng hoạt động
Hoạt động dịch vụ chuyển dịch mạnh mẽ, thu nhập ngoài lãi chiếm trên 35% trong cơ cấu thu nhập, trong đó tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt trên 28%. Thị phần thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại, hoạt động kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh thẻ tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu. Vietcombank đã thực hiện thành công chuyển đổi ngoại tệ 5 tỷ USD cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu Sabeco năm 2017 và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ký thỏa thuận với tổ chức thẻ Visa tài trợ 80 triệu USD để thúc đẩy phát triển mảng thẻ. Năm 2019, Vietcombank ký hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á FWD, đây là giao dịch lớn nhất trên thị trường bảo hiểm ngân hàng Việt Nam từ trước tới nay, tạo được tiếng vang lớn trên thị trường tài chính quốc tế.
1.5. Hiệu quả tài chính vượt trội
Kiên định với mục tiêu chiến lược kinh doanh trong giai đoạn 2016 - 2020 với ba “Trụ cột” gắn với phương châm hành động chuyển dịch sang “Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững”, Vietcombank đã cán mốc lợi nhuận 1 tỷ USD năm 2019 và năm 2020, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, vượt xa mức kế hoạch 750 triệu USD đến năm 2020 theo Phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tổng lợi nhuận trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt được trên 84.356 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với kết quả đạt được trong giai đoạn 5 năm trước đó. Vietcombank đã trở thành ngân hàng nộp thuế lớn nhất và nằm trong 2 doanh nghiệp niêm yết nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Kết quả này ghi nhận sự đóng góp quan trọng của Vietcombank đối với ngân sách Nhà nước.
1.6. Chuyển đổi mạnh mẽ và hiệu quả công tác quản trị điều hành
Kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank bứt phá là nhờ công tác quản trị điều hành thay đổi toàn diện và hướng đến phương thức quản trị ngân hàng hiện đại. Ngoài việc thực thi các chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, Vietcombank còn tích cực chuyển đổi hệ thống, mô thức hoạt động tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động ngân hàng.
Thực hiện mục tiêu là ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ tháng 11/2018.
Vietcombank chuyển trọng tâm tăng cường hiện đại hóa công nghệ thông tin, đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án chuyển đổi, tích cực triển khai hoạt động ngân hàng số với nhiều đổi mới đột phá: Vận hành thành công Hệ thống ngân hàng lõi mới - Core banking Signature, ra mắt dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn mới VCB Digibank, trở thành ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu trong năm 2020, triển khai các sản phẩm ngân hàng số mới VCB Booking, ứng dụng eKYC..., tiếp tục nghiên cứu, triển khai các dự án thuộc ngân hàng số theo lộ trình nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược chuyển đổi số hóa khép kín của ngân hàng.
Với mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực, Vietcombank đã kiện toàn mô hình tổ chức, hoàn thiện và chuẩn hóa, đổi mới cơ chế, chính sách về tổ chức và nhân sự, đẩy mạnh công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, thành lập Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank. Theo Công ty Anphabe công bố, Vietcombank duy trì vị thế dẫn đầu trong 5 năm liên tiếp là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất tại Việt Nam, xếp thứ 2 toàn thị trường Việt Nam.
1.7. Từng bước mở rộng mạng lưới hiện diện kinh doanh quốc tế
Trong những năm vừa qua, Vietcombank không ngừng hiện thực hóa mục tiêu “vươn ra biển lớn”. Cùng với các công ty con trước đó tại thị trường Mỹ, Hồng Kông, Văn phòng đại diện tại Singapore, Vietcombank đã thành lập Vietcombank Lào và hoạt động từ tháng 10/2018. Sau hơn 3 năm chuẩn bị, nghiên cứu thị trường, Vietcombank đã chính thức khai trương hoạt động Văn phòng đại diện tại New York, Mỹ theo cấp phép của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ vào ngày 01/11/2019. Sự kiện này là dấu ấn quan trọng trong nỗ lực vươn tầm ra quốc tế của Vietcombank và ghi dấu thành công bước đầu trên chặng đường chinh phục những thị trường tài chính khắt khe nhất toàn cầu. Năm 2020, Vietcombank được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận mở chi nhánh tại Úc. Thời gian tới, bên cạnh mạng lưới nước ngoài hiện có tại Hồng Kông, Singapore, Lào, Mỹ và Úc, Vietcombank sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới ra quốc tế.
2. Ngân hàng tiên phong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước
Vietcombank luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Trong quá trình hoạt động, Vietcombank luôn nỗ lực cân bằng giữa mục tiêu phát triển đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh với việc thực hiện tốt vai trò là ngân hàng chủ đạo, chủ lực trong hệ thống góp phần thực hiện các mục tiêu chung của ngành Ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Vietcombank tập trung ưu tiên nguồn vốn lớn để đầu tư nhiều công trình trọng điểm cấp quốc gia (trong lĩnh vực điện lực, dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng,…), các lĩnh vực ưu tiên,…; qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố và cả nước. Vietcombank là ngân hàng tiên phong triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân do tác động của dịch Covid-19 và thiên tai thông qua các gói hỗ trợ lãi suất với trên 3.700 tỷ đồng giảm lãi suất.
3. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và cộng đồng
Với truyền thống tốt đẹp của ngành Ngân hàng, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh an sinh xã hội tạo động lực phát triển bền vững, hoạt động an sinh xã hội của Vietcombank không ngừng được đẩy mạnh. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, Vietcombank đã tài trợ trên 1.000 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực nhà ở cho người nghèo, xây dựng các trường học, công trình y tế, công trình hạ tầng tại các địa bàn khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... tài trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lụt và quỹ vì người nghèo, trong đó giáo dục và y tế là hai lĩnh vực trọng điểm được Vietcombank đặc biệt quan tâm và triển khai rộng khắp tại nhiều địa phương trên cả nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 17/3/2020, Vietcombank đã ủng hộ số tiền 10 tỷ đồng tại Lễ phát động toàn dân chung tay tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, ngày 10/02/2020, Vietcombank đã hỗ trợ 2 tỷ đồng từ Quỹ phúc lợi cho 7 cơ sở quân đội thuộc Quân khu I và Quân khu II được giao nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly người dân trở về từ vùng dịch… Tổng số tiền Vietcombank đã hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2020 là 42 tỷ đồng.
Với những thành tích vượt trội, vị thế và thương hiệu của Vietcombank ngày càng vững chắc và uy tín. Vietcombank đã được nhiều tổ chức lớn trong nước và quốc tế như The Asian Banker, Euromoney, Forbes, Moody’s, Brand Finance, Asiamoney, Vietnam Report, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) ghi nhận, vinh danh với nhiều giải thưởng lớn: Ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất, Ngân hàng nộp thuế doanh nghiệp lớn nhất, Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam, Ngân hàng tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng uy tín nhất Việt Nam (đứng đầu trong Top 10), Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, là ngân hàng duy nhất trong Top 1.000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất toàn cầu năm 2020…
II- Chinh phục hành trình “Vươn ra biển lớn”
Trong các năm tới, kinh tế thế giới và khu vực đứng trước những nguy cơ và thách thức rất lớn như an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, đại dịch Covid-19, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại… Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục có những tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của mỗi quốc gia.
Sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước ta ngày càng được nâng cao; tạo ra những tiền đề quan trọng để tiếp tục dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng hơn; thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trước tình hình thế giới và trong nước có cả những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, thương hiệu, nguồn nhân lực có chất lượng, tinh thần sẵn sàng đổi mới và quyết tâm nỗ lực của hệ thống sẽ là nền tảng đưa Vietcombank tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, vươn ra biển lớn. Phấn đấu thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030: Đưa Vietcombank trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành Ngân hàng và sự phát triển của Việt Nam.
TS. Nghiêm Xuân Thành
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Chủ tịch HĐQT Vietcombank
Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2021