Tín dụng chính sách: “Bậc thang” để người dân tộc thiểu số thoát nghèo
Trong những năm gần đây, đường lên các bản làng xa xôi đã bớt khó khăn, người dân đi lại thuận tiện hơn khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Với việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện và nâng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống cũng như thu nhập bình quân của đồng bào DTTS so với bình quân chung cả nước.
Phát huy nội lực và tinh thần vươn lên của đồng bào DTTS
Theo số liệu thống kê, cộng đồng 53 DTTS tại Việt Nam có hơn 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đồng bào DTTS hiện diện trên tất cả 63 tỉnh, thành phố cả nước nhưng cư trú chủ yếu thuộc địa bàn của 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (548 huyện, 5.266 xã), chiếm 3/4 diện tích tự nhiên cả nước. Do đó, an sinh xã hội là một vấn đề lớn và là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đối với khu vực này, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm, thúc đẩy an sinh xã hội cho đồng bào DTTS. “Trong hệ thống chính sách này, bên cạnh ngân sách cho
đầu tư, hỗ trợ trực tiếp thì tín dụng chính sách có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong cấu thành hệ thống chính sách, nhất là các nội dung về cải thiện điều kiện sống (nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt), phát triển sản xuất (nông, lâm nghiệp) và thương mại, giải quyết việc làm, hỗ trợ giáo dục... Qua đó góp phần thúc đẩy hiệu quả việc thực hiện chính sách dân tộc trên quan điểm phát huy nội lực và tinh thần vươn lên của đồng bào DTTS”, TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định.
Anh Lường Văn Dũng (bên tay phải) trao đổi về hiệu quả vốn vay ưu đãi
với các cán bộ NHCSXH tại thôn Nà Kham, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn
Thực tế, tại Nho Quan - huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình có 7 xã vùng đồng bào DTTS, nơi tập trung sinh sống chủ yếu của người Mường, nhiều năm qua, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giúp không ít hộ vay vốn là đồng bào DTTS từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính quê hương của mình. Giữa sắc xanh trùng điệp của núi rừng Cúc Phương, chúng tôi gặp ông Bùi Văn Thuận - chủ hộ vay vốn từ NHCSXH với dáng người lam lũ. Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu trong căn nhà nhỏ không mấy khang trang nhưng ông tự hào nói: “Nhờ có NHCSXH, tôi mới có ngày hôm nay. Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, giờ kinh tế ổn định hơn, quan trọng nhất là nuôi được các con học đại học, trở thành niềm tự hào của gia đình”.
Kể về hành trình thoát nghèo của mình, ông Thuận cho biết, từ những đồng vốn ưu đãi ban đầu, ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong tại nhà. Sau này được sự ủng hộ và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ông Thuận với vai trò là Giám đốc cùng các hộ nuôi ong liên kết thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mật ong Cúc Phương nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phát triển hơn nữa nghề nuôi ong lấy mật. Không chỉ riêng ông Thuận mà nhiều thành viên của Hợp tác xã cũng vay vốn tại NHCSXH để phát triển nghề nuôi ong. Trung bình Hợp tác xã thu hoạch gần 50.000 lít mật ong mỗi năm, ước tính doanh thu đạt trên 10 tỉ đồng, sản phẩm đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Nhờ đó, nhiều hộ vay vốn NHCSXH của Hợp tác xã đã có của ăn của để, trả được hết nợ cho ngân hàng, thoát nghèo bền vững.
Ông Mầu Quang Ngọc, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nho Quan cho biết, số hộ dân trên địa bàn toàn huyện đến cuối năm 2023 là 46.854 hộ, trong đó, hộ đồng bào DTTS chiếm trên 17,1%. Hiện nay, trên địa bàn huyện Nho Quan đang triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác, trong đó có chương trình cho vay phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Nho Quan cùng các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả, triển khai lồng ghép giữa chương trình vốn vay NHCSXH với các chương trình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng và mở rộng các mô hình cho hộ nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vay vốn theo dự án có sự hướng dẫn, tư vấn của tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị liên quan phối hợp với địa phương để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời giới thiệu và tạo việc làm cho nhiều đối tượng sau đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định.
Gia đình ông Bùi Văn Thuận cùng các cán bộ NHCSXH bên sản phẩm mật ong Cúc Phương
đạt chứng nhận OCOP 4 sao
Từ miền núi đến đồng bằng, nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp cuộc sống của nhiều đồng bào DTTS đổi thay. Ông Danh Sen, ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tâm sự, ông vô cùng cảm ơn chính quyền các cấp và NHCSXH đã quan tâm đến các hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào DTTS, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp gia đình ông có vốn làm ăn, từ đó có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Với 50 triệu đồng được vay ban đầu, ông Danh Sen đã mua 2 con trâu và làm chuồng trại. Ông Danh Sen nhận thấy mô hình nuôi trâu rất phù hợp với gia đình và con trâu là loại động vật khỏe mạnh, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cỏ nên dễ tìm, ít tốn kém chi phí, thu lời nhiều hơn so với các vật nuôi khác. Nhờ chăm sóc cẩn thận, đến nay, gia đình ông Danh Sen chuẩn bị đón lứa nghé đầu tiên từ con trâu mẹ.
Bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, NHCSXH đã kịp thời giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp tục khẳng định vai trò tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 20 năm qua, đã có gần 47 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH với tổng doanh số cho vay đạt trên 1 triệu tỉ đồng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tạo điều kiện bổ sung thêm nguồn lực cho NHCSXH
Sự hỗ trợ từ NHCSXH đã giúp đời sống của nhiều đồng bào DTTS đổi thay, tuy nhiên, để tạo nên một bức tranh đẹp hơn, tươi sáng hơn, đồng bào DTTS cần sự chung tay hỗ trợ từ các cấp chính quyền và sức mạnh chung của toàn xã hội. Đời sống của đồng bào DTTS hiện nay còn nhiều khó khăn, vẫn còn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền; tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS còn thấp, tỉ lệ đói nghèo ở một số vùng sâu, vùng xa còn cao… Cùng với đó, một số chuyên gia nhìn nhận, nguồn lực thực hiện tín dụng ưu đãi cho người nghèo, hộ đồng bào DTTS, các đối tượng xã hội khác còn hạn chế nên mức độ bao phủ chưa toàn diện, chưa tiếp sức cho các hộ muốn thoát nghèo phát triển sản xuất, tránh tái nghèo; chính sách tín dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi còn trùng lắp về địa bàn, đối tượng...
Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS”. Do đó, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, diễn ra ngày 14/8/2024 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; mở rộng quy mô tín dụng, nâng cao quy mô cho vay, tăng cường đối tượng cho vay, nhất là đối tượng là người nghèo, đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... tạo điều kiện cho những người yếu thế phát huy sức mạnh nội sinh, tự tin, tự lực, tự cường, vượt lên khó khăn, thách thức, nghịch cảnh, thoát nghèo, tiến tới làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ; góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, bao trùm, tổng thể, toàn diện của Đảng, Nhà nước ta.
Tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay, đặc biệt đối với đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề xuất: Chính phủ có kế hoạch tăng nguồn vốn cho vay qua NHCSXH, trước mắt bố trí đủ 19.700 tỉ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; bố trí cấp bổ sung vốn điều lệ hằng năm cho NHCSXH; bố trí cấp bổ sung vốn thực hiện các chương trình do ngân sách nhà nước cấp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu đề ra của Chương trình. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo từng năm để đáp ứng nhu cầu giải ngân cho hộ đồng bào nghèo trong cả giai đoạn của chính sách; phân bổ nguồn vốn hỗ trợ và nguồn vốn cho vay đồng bộ để các địa phương chủ động thực hiện; tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp nhận nguồn vốn ODA để tạo lập nguồn vốn ổn định, lâu dài, lãi suất thấp nhằm tăng nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hương Giang (NHNN)